DNews

Đại học Cambridge bỏ xếp hạng học tập: Liệu có làm sinh viên "ảo tưởng"?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Trường Đại học Cambridge (Anh) đang cân nhắc việc dừng thông báo kết quả xếp hạng của sinh viên sau mỗi kỳ thi để bảo vệ sức khỏe tinh thần cho người học. Điều này đang gây nên tranh cãi.

Đại học Cambridge bỏ xếp hạng học tập: Liệu có làm sinh viên "ảo tưởng"?

Đại học Cambridge xem xét bỏ thông báo xếp hạng sinh viên sau mỗi kỳ thi

Kế hoạch dừng thông báo kết quả xếp hạng của sinh viên nằm trong loạt cải cách nhằm thúc đẩy "sự cân bằng giữa học tập và cuộc sống riêng" trong cộng đồng sinh viên của trường.

Hệ thống xếp hạng kết quả thi tại Đại học Cambridge đã tồn tại từ năm 1748 và vẫn đang được trường sử dụng, để sinh viên biết vị trí của mình so với các bạn cùng khóa. Dù vậy, việc dán công khai các bảng xếp hạng trong trường đã bị dừng từ năm 2021.

Hiện tại, sinh viên vẫn có thể yêu cầu được biết xếp hạng cá nhân, nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới đang được nhà trường cân nhắc, Đại học Cambridge có thể sẽ loại bỏ hoàn toàn việc cung cấp thông tin xếp hạng cho sinh viên, kể cả dưới hình thức cung cấp riêng cho những sinh viên có nhu cầu.

Đề xuất này được đưa ra sau khi một nhóm công tác nội bộ trong trường tiến hành thăm dò và kết luận rằng, trong cộng đồng sinh viên của trường đang tồn tại "văn hóa học tập và làm việc quá sức", gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của sinh viên.

Trong tháng 4 vừa qua, Hội đồng quản trị của Đại học Cambridge đã thông qua một số cải cách trong công tác giảng dạy, cũng như xem xét việc điều chỉnh hệ thống xếp hạng sinh viên.

Giáo sư Bhaskar Vira - phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục của trường - cho biết hội đồng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giảm "áp lực cạnh tranh" trong sinh viên.

Tuy nhiên, một số giảng viên của Đại học Cambridge lo ngại rằng việc nới lỏng các quy định về xếp hạng sẽ khiến sinh viên thiếu sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng, để bước vào một thế giới cạnh tranh khốc liệt sau khi tốt nghiệp.

Giáo sư David Abulafia giảng dạy chuyên ngành lịch sử tại Đại học Cambridge cảnh báo: "Nếu xem cạnh tranh là điều nguy hiểm, vậy thì chúng ta hãy nói lời tạm biệt với những đại học danh tiếng luôn đi".

Giáo sư Douglas Hedley, giảng dạy tại trường Clare College thuộc Đại học Cambridge, cũng chỉ trích kế hoạch xóa bỏ bảng xếp hạng sinh viên. Ông Hedley cho rằng kế hoạch này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài đối với ngôi trường đại học danh tiếng thế giới.

Đại học Cambridge bỏ xếp hạng học tập: Liệu có làm sinh viên ảo tưởng? - 1

Nhà trường cần nhìn đến những hệ lụy nguy hiểm của việc đánh giá không rõ ràng, thiếu chính xác, gieo hy vọng ảo tưởng vào sinh viên (Ảnh minh họa: Leoai).

Ngược lại, Hội Sinh viên Đại học Cambridge bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch này và cho rằng đề xuất xóa bỏ hẳn bảng xếp hạng sinh viên sẽ giúp cải thiện môi trường học tập tại trường.

Sarah Anderson - chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Cambridge - nhận định: "Hệ thống xếp hạng hiện tại khiến sinh viên liên tục tự so sánh và bị so sánh với bạn bè. Điều này làm lu mờ những kết quả học tập đáng tự hào, vì sự cạnh tranh quá lớn.

Văn hóa cạnh tranh này không chỉ làm giảm sự công nhận thành tích, mà còn tạo ra áp lực lớn khiến những sinh viên xuất sắc bị cuốn vào cuộc đua giữ vững vị trí dẫn đầu. Những cải cách này là rất quan trọng để tạo nên môi trường học thuật cân bằng hơn".

Dự kiến, việc xếp hạng sinh viên vẫn sẽ được triển khai trong nội bộ các giảng viên của trường, để họ có thể hỗ trợ sinh viên đúng hướng trong quá trình sinh viên xin việc hoặc học tiếp sau đại học.

Bỏ xếp hạng sinh viên: Liệu có "lợi bất cập hại"?

Trước thông tin Đại học Cambridge có khả năng sẽ xóa bỏ việc công khai xếp hạng sinh viên, nhà báo người Anh Tom Utley (71 tuổi) đã có bài viết thu hút sự chú ý. Ông Tom Utley đã có hơn nửa thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực báo chí tại Anh và từng làm việc tại các tờ tin tức như Daily MailDaily Telegraph.

Ông Tom Utley đã kể lại câu chuyện của cha mình - ông Peter Utley - một cựu sinh viên của Đại học Cambridge, từng theo học chuyên ngành lịch sử.

Năm 1942, khi Đại học Cambridge công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử, trên bảng thông báo, tên của ông Peter Utley xuất hiện ở phần đầu danh sách, ông tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu.

Ông Peter Utley bị mất thị lực từ năm 9 tuổi và phải học bằng chữ nổi. Thành tích tốt nghiệp hạng ưu tại Đại học Cambridge là niềm tự hào đi theo ông Peter Utley suốt cuộc đời.

Nếu trường Đại học Cambridge quyết định dừng công bố các bảng xếp hạng, những sinh viên đạt kết quả xuất sắc sẽ không biết mình vượt trội ra sao, họ cũng không thể cảm nhận niềm tự hào về bản thân sau quá trình nỗ lực bền bỉ.

Đương nhiên, những sinh viên có kết quả tệ cũng không còn bị tổn thương lòng tự trọng, khi thấy tên mình lẹt đẹt ở cuối bảng xếp hạng.

Đại học Cambridge bỏ xếp hạng học tập: Liệu có làm sinh viên ảo tưởng? - 2

Khuôn viên Đại học Cambridge (Ảnh minh họa: iStock).

Về câu chuyện thứ hạng, ông Tom Utley cũng có trải nghiệm của riêng mình. Ông cũng từng theo học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Cambridge giống cha.

Năm 1975, trong bảng xếp hạng sinh viên tốt nghiệp, tên của ông Tom nằm ở... cuối danh sách. Ông nằm trong số những sinh viên tốt nghiệp với kết quả thấp nhất năm đó.

Ông Tom vẫn nhớ người đứng đầu danh sách xếp hạng ấy là nam sinh viên Patrick Hodge, nay là Phó Chủ tịch Tòa án Tối cao Vương quốc Anh.

Nhà báo Tom Utley nhấn mạnh, chúng ta không thể giả vờ rằng mọi người đều giống nhau về trí thông minh, năng lực, hay khả năng lao động… Sự khác biệt luôn tồn tại và khiến chúng ta khác nhau.

Theo ông Tom Utley, các bảng xếp hạng nếu được xây dựng minh bạch, chính xác, sẽ là công cụ hữu ích cho sinh viên, giảng viên, nhà trường, nhà tuyển dụng, nhà hoạch định chính sách.

Trong lĩnh vực giáo dục, điều này càng quan trọng. Không nên để sinh viên giỏi nhận cùng một mức điểm với sinh viên lười biếng. Cũng không nên để sinh viên có năng lực yếu sống trong ảo tưởng về khả năng của bản thân.

Nhà trường cần nhìn đến những hệ lụy nguy hiểm của việc đánh giá không rõ ràng, thiếu chính xác, gieo hy vọng ảo tưởng vào sinh viên.

Chính những ảo tưởng đó sẽ gây nên những tổn thương lớn hơn trong thực tế cuộc sống sau này. Còn với nhà tuyển dụng, làm sao họ chọn được ứng viên phù hợp, nếu tất cả đều có bằng cấp giống nhau và không có dữ liệu chi tiết để sàng lọc ứng viên?

Không có bảng xếp hạng nào là hoàn hảo và phản ánh được đầy đủ các khía cạnh của sinh viên. Nhưng nếu được xây dựng nghiêm túc, bảng xếp hạng vẫn luôn giúp chỉ ra năng lực của một cá nhân ở mức chính xác tương đối.

Một năm sau ngày tốt nghiệp với bảng điểm lẹt đẹt, ông Tom Utley nộp đơn xin học việc tại một tòa báo. Sau này, ông hỏi người tuyển thực tập sinh rằng, họ đã sử dụng tiêu chí gì để chọn được 12 ứng viên từ 1.200 bộ hồ sơ.

Câu trả lời khiến ông Utley bất ngờ: "Tôi loại các hồ sơ có bằng cấp quá xuất sắc. Các ứng viên này quá giỏi, quá "học thuật" để có thể viết báo thật gần gũi, giản dị, phục vụ độc giả đại chúng".

Từ trải nghiệm của bản thân, ông Tom Utley cho rằng việc phải nhận kết quả thi không như mong đợi cũng đưa lại những bài học quan trọng cho sinh viên. Họ phải học cách đứng lên từ nỗi thất vọng và tìm cách bước tiếp. Sau cùng, sự bền bỉ của mỗi cá nhân sẽ đưa lại cho cuộc đời họ những bất ngờ.

Theo Telegraph/Daily Mail