(Dân trí) - Cô giáo Hà Thị Lan Hương được chọn dạy học trên truyền hình của tỉnh Phú Thọ. Không những thế, bài giảng của cô đã được chọn để phát trên kênh VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Cô giáo Hà Thị Lan Hương (41 tuổi) hiện là tổ phó tổ chuyên môn tại trường THCS Lê Quý Đôn (Thanh Sơn, Phú Thọ). Tại trường, cô đảm nhiệm vị trí giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Với thâm niên gần 20 năm trong nghề giáo, cô luôn cố gắng đổi mới cách dạy để truyền tải kiến thức tới các em học sinh.
Trước khi dạy tại trường THCS Lê Quý Đôn, cô Lan Hương từng được phân công công tác tại trường THCS Xuân Đài (Tân Sơn, Phú Thọ). Lúc đó, cô giáo trẻ vừa mới tốt nghiệp, nhận được tin được đi dạy vừa vui mà cũng vừa lo lắng.
Cô nhớ lại: "Trường ở xa nhà, điều kiện kinh tế khó khăn. Đường đi hồi đó chỉ là đường đất lầy lội, rất khó đi lại, điện lưới chưa có nên có những khó khăn nhất định trong sinh hoạt hàng ngày cũng như công tác giảng dạy".
Theo cô Hương, điều kiện sống của các em học sinh ở đây rất thiếu thốn. Cô phải đến từng khu nhà, khu xóm để động viên bố mẹ cho con em đi học. Phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số nên tiếng Kinh còn chưa sõi, huống chi là tiếng Anh. Giữa cô và trò đôi lúc có bất đồng ngôn ngữ. Trong lúc dạy, cô cũng cố gắng học từ các em một số câu tiếng dân tộc để hiểu các em hơn và xóa dần khoảng cách.
Những ngày mới lên, cô Hương nhận thấy tiếng Anh của các em gần như là con số 0. Tiếng Anh là một bộ môn mới lạ hoàn toàn đối với học sinh nơi đây. Vì vậy, cô cần phải theo sát học sinh hàng ngày, mỗi ngày một chút. Dần dần, học sinh cũng có những thay đổi tích cực, nhiều em thậm chí còn yêu thích bộ môn này.
Cô Hương kể lại: "Hồi đó chưa có điện, mình cũng chỉ có thể dùng tranh ảnh và đồ dùng trực quan để mô tả cho học sinh. Sau này, điều kiện tốt hơn thì mới có thể sưu tầm các video, clip, các bài hát bằng tiếng Anh cho các em xem".
Có những em đang đam mê học hành thì lại nghỉ giữa chừng do hoàn cảnh gia đình. Mỗi lần như vậy, cô lại đến thăm gia đình, trò chuyện, chia sẻ và động viên gia đình tạo điều kiện để cho con quay trở lại trường học. "Giữa nhà trường, thầy cô và gia đình đều phải có sự thấu hiểu và lắng nghe", cô nhấn mạnh.
Khó khăn là vậy nhưng cô Hương chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Cô cho rằng: "Có những nơi còn khó khăn hơn nhiều. Mỗi vùng lại có những trở ngại riêng thì mình phải biết khắc phục. Việc mình làm giáo viên giống như là công việc xã hội đã phân công nên mình vẫn luôn cố gắng hoàn thành".
Sau 4 năm công tác tại Xuân Đài, cô Lan Hương được chuyển về dạy học tại trường THCS Lê Quý Đôn. Vào năm học 2019-2020, khi dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, cô lại bước vào một thử thách mới - dạy học trực tuyến.
Ban đầu, cô cũng chưa biết phải sử dụng ứng dụng nào phù hợp và hiệu quả với các em học sinh. Cô kể lại: "Ban đầu, cô thử sử dụng cuộc gọi Messenger nhưng số lượng người tham gia hạn chế. Cô chuyển sang dùng các mạng xã hội khác như Zalo nhưng cũng chưa hiệu quả.
Sau này, cô mới biết đến thêm các phần mềm khác giúp học sinh dễ dàng tham gia lớp học như Zoom Google Meet, Microsoft Teams, hay cả những phần mềm để tổ chức trò chơi cho các em như Shub Classroom, Quizizz hay Google Form".
Để có thể sử dụng thành thạo các nền tảng này, cô giáo vừa tham khảo từ các đồng nghiệp, vừa học hỏi từ các kênh thông tin khác trên mạng. Thậm chí, cô còn biết thêm nhiều điều mới ngay từ chính các học sinh của mình: "Nhiều em học sinh tiếp cận rất nhanh, nhưng một số em khác còn thiếu kiến thức thì mình cũng cần phải bình tĩnh để hướng dẫn và chia sẻ với học sinh".
So với học trực tiếp, học online mặc dù vẫn được nhìn mặt các em học sinh nhưng cô Hương vẫn có cảm giác không thực. Nhiều lúc, cô giáo nhỡ trách học sinh vì không nghe giảng nhưng hóa ra lại do đường truyền mạng không ổn.
"Những buổi đầu học trực tuyến, có phụ huynh còn ngồi học cùng con mà mình không biết. Một số câu nói bông đùa cùng học sinh nhưng có phụ huynh lại không vừa lòng", cô chia sẻ.
Trong quá trình dạy, cô Lan Hương cũng nhận thấy học sinh ban đầu còn háo hức với hình thức học mới nhưng bây giờ, hầu hết đều mong muốn được đi học trở lại: "Đặc biệt, đối với những em học đuối hơn, việc phải học thiếu tương tác trực tiếp giữa học sinh và giáo viên là rất khó".
Cơ duyên trở thành giáo viên trên sóng truyền hình đến rất tình cờ với cô Hương. Ban đầu, cô là một trong những giáo viên được chọn để dạy học trên đài truyền hình Phú Thọ.
Cô Hương chia sẻ: "Mình chưa bao từng có suy nghĩ mình sẽ dạy học trên truyền hình. Đây vừa là một nhiệm vụ đặc biệt, mới mẻ và nhiều bỡ ngỡ nên không tránh khỏi căng thẳng".
Để có được bài giảng đưa lên truyền hình, cô cùng các đồng nghiệp tự thiết kế bài giảng và slide rồi thử quay màn hình. Sau đó, cả nhóm sẽ cùng thảo luận về những điểm cần sửa rồi lên trường quay để hoàn thiện bài giảng.
Cô Hương nhớ lại lần quay đầu tiên: "Lúc đó, cô là người quay thứ tư. Trước đó, bản thân cũng đã lên trường quay để làm quen. Vào thử thì được mọi người khích lệ nên cũng cảm thấy đỡ run và tự tin hơn.
Đến lượt mình quay, cô mới nhận ra có rất nhiều điều mình phải làm quen từ máy quay, ánh sáng, bối cảnh đến cách thể hiện và truyền tải nội dung bài giảng. Buổi quay đầu kết thúc với một vệt dài mồ hôi sau lưng vì căng thẳng".
Tuy nhiên, cảm giác run nhất lại là khi ngồi xem lại bài giảng của chính mình được phát trên truyền hình, lo lắng không biết mình sẽ như thế nào, mọi người sẽ đón nhận ra sao. May mắn thay, cô đã nhận được những lời động viên tích cực từ đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh.
"Nhiều bạn học sinh đã theo dõi bài giảng của cô trên truyền hình. Cô cũng rất hạnh phúc khi nhận được sự ủng hộ từ họ. Mình phải cố gắng nhiều để không phụ sự ủng hộ và yêu mến của mọi người", cô tâm sự.
Nhận được tin bài giảng của mình được chọn để lên kênh VTV7, cô Lan Hương như vỡ òa. Cô chia sẻ: "Bài giảng của mình cũng mới chỉ được phát tại đài truyền hình của tỉnh, không ngờ lại được Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn để phát sóng. Bản thân cô cảm thấy tự hào và vinh dự khi được dạy học cho học sinh cả nước".
Tới đây, nhân ngày 20/11, cô giáo Hà Thị Lan Hương còn được vinh danh là một trong những nhà giáo tiêu biểu vượt khó trong thời kỳ dịch bệnh tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.
Mong ước lớn nhất của cô Hương lúc này chính là sớm được gặp lại các em học sinh. "Điều đầu tiên cô muốn làm đó chính là được ùa vào, ôm lấy những học sinh của mình", cô Hương cho biết. Không có phương pháp dạy học nào có thể thay thế được việc dạy và học trực tiếp.