Cô bé ăn vận "như bà già" đi học, bất chấp việc bị bạn bè trêu chọc
(Dân trí) - Cô bé Mia Rayne (13 tuổi) sống tại hạt Lancashire (Anh) có niềm đam mê với phục trang cổ điển. Phong cách ăn mặc của Mia khiến cô bé chịu nhiều sự trêu chọc từ bạn bè ở trường.
Cô bé Mia Rayne được nhiều tờ tin tức Anh đề cập bởi phong cách thời trang khác lạ. Mia chỉ mặc đồ "vintage" cổ điển gợi nhắc về những thập niên trước. Trong phòng riêng của cô bé, mọi thứ đều có nét cổ điển, Mia ít khi xem tivi và thích nghe nhạc bằng đài cát-sét.
Niềm hứng thú của Mia dành cho thời trang cổ điển bắt đầu từ khi cô bé được mẹ tặng một số trang phục "vintage". Hiện giờ, tủ đồ của cô bé chỉ toàn phục trang cổ điển. Vào những ngày nhà trường cho phép học sinh ăn vận tự do, không phải mặc đồng phục đến trường, Mia luôn mặc phục trang cổ điển đi học.
Cô trở nên khác biệt so với các bạn và cũng phải chịu đựng một số sự trêu chọc gây khó chịu từ bạn bè ở trường. Dù vậy, Mia chấp nhận những điều ấy để được là chính mình. Chính cha mẹ của cô bé cũng cảm thấy bất ngờ trước sở thích của con gái, nhưng họ quyết định tôn trọng con.
Mẹ của Mia cho biết chính bà cũng cảm thấy "nể" con mình, bởi cô bé rất tự tin với phong cách của bản thân. Mia không bận tâm nhiều tới sự trêu chọc hay nhận xét tiêu cực của một số bạn bè.
Cô bé cho hay: "Đã có những người nói cháu truyền cảm hứng cho họ và giúp họ có thêm tự tin theo đuổi phong cách riêng. Cháu nghĩ rằng mỗi người đều cần được cảm thấy thoải mái khi được là chính mình, không cần phải chạy theo nhận xét khen chê của người khác".
Cô bé Mia Rayne (13 tuổi) sống tại hạt Lancashire (Anh) có niềm đam mê với phục trang cổ điển (Ảnh: DM).
Khi bị các bạn trêu chọc thái quá, Mia giải thích ngắn gọn: "Từ giờ, tớ sẽ theo đuổi phong cách cổ điển, các bạn có thể cảm thấy lạ lẫm, nhưng tớ sẽ tiếp tục ăn mặc như thế này, rồi các bạn sẽ quen, sẽ hiểu và không còn cảm thấy lạ lùng nữa".
Kể từ khi theo đuổi phong cách này và được nhắc tới trên một số tờ tin tức của Anh, Mia bắt đầu nhận được những món quà là phục trang "vintage", do những người cũng theo đuổi phong cách này, gửi tới tặng cô bé. Mơ ước của Mia là trở thành một diễn viên trong tương lai.
Cách cha mẹ giúp con sống tự tin, biết tôn trọng sự khác biệt
Từ câu chuyện của cô bé Mia Rayne, chúng ta có thể thấy cô bé rất tự tin với sự khác biệt của bản thân, dù vậy, không phải bạn bè nào của cô bé cũng biết tôn trọng sự khác biệt.
Nếu các vị phụ huynh muốn dạy con sống tự tin với sự khác biệt của bản thân, đồng thời biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, họ cần làm thế nào?
Thực tế, trẻ nhỏ nhận ra rất nhanh những điều khiến bản thân hoặc người khác trở nên khác biệt. Đôi khi, trẻ tự hào về sự khác biệt của mình, nhưng đôi khi trẻ cũng cảm thấy lo lắng vì sợ rằng mình không được đón nhận.
Mỗi cá nhân đều có nét riêng khác biệt, vì vậy, trong hành trình nuôi con, cha mẹ cần giúp con học cách sống tự tin với những khác biệt ở bản thân, đồng thời tôn trọng sự khác biệt ở người khác.
Thực tế, tại một số thời điểm, trẻ bỗng cảm thấy mình khác biệt và lạc lõng. Ngay cả người lớn cũng có những thời điểm cảm thấy như vậy.
Phong cách ăn mặc của Mia khiến cô bé chịu nhiều sự trêu chọc từ bạn bè ở trường (Ảnh: DM).
Bên cạnh đó, còn có những khác biệt tồn tại vĩnh viễn, không thể nào thay đổi, chẳng hạn như vấn đề bệnh tật mãn tính hay tình trạng khuyết tật về thể chất. Có những sự khác biệt khiến trẻ cảm thấy tự ti, buồn bã, xấu hổ...
Cách để cha mẹ có thể thực sự giúp con về lâu dài không phải là bảo vệ con tránh khỏi mọi nhận xét tiêu cực. Cách hữu hiệu nhất là giúp con tìm ra cách sống chung với sự khác biệt của mình.
Đừng xem nhẹ vấn đề: Nếu con nhận ra bản thân có sự khác biệt về thể chất hay nhận thức so với các bạn, cha mẹ đừng vội vàng phủ nhận để trấn an con. Nếu những khác biệt ấy là thật, cha mẹ nên cùng con thẳng thắn nhìn nhận.
Vì nhận thức của trẻ còn giới hạn, có thể trẻ sẽ nghiêm trọng hóa vấn đề, bởi thực sự đối với trẻ, vấn đề này là rất lớn. Nếu cha mẹ tỏ ra xem nhẹ vấn đề trẻ đặt ra, trẻ sẽ cảm thấy không được cha mẹ thấu hiểu. Vì vậy, trước hết, cha mẹ hãy để trẻ được nói ra hết những điều con suy nghĩ và không coi đó là "chuyện nhỏ, chuyện trẻ con".
Nhắc con nhớ rằng con luôn được yêu thương: Về cơ bản, trẻ nhỏ luôn muốn giống như những người xung quanh, bởi điều này khiến trẻ cảm thấy an toàn. Khi nhận thấy mình không giống mọi người ở điểm gì đó, trẻ sẽ cảm thấy bất an, khốn khổ vì sự khác biệt này.
Ngoài ra, khi những đứa trẻ khác nhận ra sự khác biệt của một đứa trẻ nào đó, đôi khi, một số chuyện tiêu cực sẽ xảy ra.
Điều cha mẹ nên làm khi con mình thực sự có điều khác biệt chính là nhấn mạnh thường xuyên cho con nhớ rằng con được cha mẹ yêu thương nhiều. Khi trẻ cảm thấy bất an trong tương tác với bạn bè, trẻ cần cảm thấy an toàn bên gia đình. Trong các cuộc chuyện trò với trẻ, cha mẹ nên nói với con về những điểm mạnh ở con, thay vì xoáy sâu vào những điểm yếu.
Cha mẹ hãy khen ngợi con khi con đạt được thành tích nào đó, hoặc ghi nhận sự nỗ lực của con trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các hành động thể hiện tình cảm dành cho con, chẳng hạn như những cái ôm ấm áp, cần được trao đi thường xuyên hơn.
Mia rất tự tin với phong cách của bản thân, cô bé không bận tâm nhiều tới sự trêu chọc hay nhận xét tiêu cực của một số bạn bè (Ảnh: DM).
Đừng phản ứng thái quá: Việc cha mẹ lo lắng vì con cảm thấy bất an với những khác biệt của bản thân là điều dễ hiểu, nhưng cha mẹ cần cẩn trọng để không phản ứng thái quá khi nghe con kể về việc bị bạn bè trêu chọc.
Điều cần nhất là cha mẹ phải giữ được bình tĩnh, không mất bình tĩnh trước mặt con mình. Sự mất bình tĩnh của cha mẹ chỉ khiến trẻ càng tin rằng vấn đề là nghiêm trọng.
Cha mẹ nên từ tốn trò chuyện với con, ghi nhận trải nghiệm và xúc cảm của con, thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông dành cho con. Đồng thời, nếu sự việc không quá nghiêm trọng, cha mẹ cũng cần giúp con hiểu rằng những sự việc không vui như vậy đôi khi vẫn xảy ra. Ngoài ra, ai cũng có lúc cảm thấy mình lạc lõng, nhưng xúc cảm ấy rồi sẽ qua.
Hãy nói những điều tích cực với con: Khi trẻ cảm thấy tiêu cực vì sự khác biệt của mình, cha mẹ cần cùng con nhận diện rõ vấn đề đang xảy ra và đối thoại với con theo cách tích cực. Những ngôn từ tích cực của cha mẹ sẽ xuất hiện trở lại trong tâm trí trẻ, khi vấn đề tái diễn.
Chẳng hạn, nếu con bị một số bạn trêu chọc vì cách ăn vận của mình, cha mẹ có thể nói: "Việc bạn A không thích trang phục của con là vấn đề của bạn ấy. Cách nói của bạn ấy có thể khiến con cảm thấy buồn bực, nhưng thực sự cha mẹ thấy con rất ổn. Vui lên nhé, hãy nhớ rằng cha mẹ yêu thương con nhiều".
Đặt ra giới hạn cho trạng thái tiêu cực của con: Cha mẹ cần dạy con biết nỗ lực hành xử ổn thỏa, dù tâm trạng con không tốt. Có những nhiệm vụ con vẫn phải thực hiện, ngay cả khi con đang cảm thấy không vui.
Chẳng hạn, con gặp chuyện không vui ở trường, khi con về nhà, cha mẹ có thể đồng ý cho con nửa tiếng ngồi riêng một mình để trấn tĩnh lại. Sau đó, con vẫn cần phải thực hiện các công việc cần làm như vệ sinh cá nhân, giúp cha mẹ làm việc nhà, ngồi vào bàn học, làm bài tập về nhà... Xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ này, con cần giữ thái độ đúng mực với người khác.
Cha mẹ cần đặt ra những giới hạn để con biết hành xử có trách nhiệm, ngay cả khi tâm trạng không tốt. Điều này sẽ rất có lợi cho con khi bước vào tuổi trưởng thành.
Cha mẹ thấu hiểu những xúc cảm tiêu cực xuất hiện ở con, nhưng mỗi người đều phải học cách bình tĩnh sống chung với những xúc cảm ấy. Đồng thời, chúng ta vẫn phải hoàn thành những việc cần làm, dù đang cảm thấy không vui.
Cùng con tìm giải pháp: Cha mẹ có thể giúp con theo nhiều cách, chẳng hạn mua cho con sách dạy kỹ năng sống, cùng con tìm kiếm thông tin hữu ích trên mạng, hoặc cùng con chuẩn bị những nội dung sẽ trình bày với giáo viên... Điều quan trọng là cha mẹ hãy để con hiểu rằng, cha mẹ luôn ở bên con và con sẽ không phải đối diện với vấn đề một mình.
Hành động ngay, nếu con bị bắt nạt: Nếu nhận thấy con có dấu hiệu bị bắt nạt, cha mẹ cần nhanh chóng tìm cách phối hợp với thầy cô và nhà trường. Ngoài ra, cha mẹ cần tìm cơ hội để con thể hiện năng lực, thế mạnh của bản thân, điều này sẽ giúp con vui lên, quên dần chuyện buồn bực, tiêu cực.
Điều quan trọng là cha mẹ cần giúp con dần biết cách tự đương đầu xử lý vấn đề. Trong quá trình ấy, con cần cảm nhận được rõ ràng tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ.
Theo Daily Mail