DNews

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội

Bích Ngọc

(Dân trí) - Câu chuyện vượt khó của những em bé nghèo hiếu học dưới đây từng gây sốt mạng xã hội và được nhiều tờ tin tức đề cập như những câu chuyện truyền cảm hứng.

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội

Thái Lan: Bé gái vừa bế em vừa ngồi học trên lớp

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 1

Cô bé Green bế em đi học (Ảnh: SCMP).

Trong tháng 5 vừa qua, câu chuyện về một bé gái bế em đi học đã gây sốt mạng xã hội Thái Lan. Câu chuyện được chia sẻ bởi chính cô giáo của bé gái.

Cô bé đang học lớp 5 tại trường tiểu học Ban Klong Kaem Cham nằm ở tỉnh Prachinburi, Thái Lan. Trong video gây sốt mạng, bé gái vừa bế em vừa ghi chép bài trên lớp.

Để đảm bảo sự riêng tư, tên thật của cô giáo và bé gái lớp 5 đều đã được thay đổi. Chia sẻ với tờ tin tức Thai PBS World (Thái Lan), cô giáo Ying - người đăng tải video lên mạng xã hội - cho biết bé Green, bé gái lớp 5 xuất hiện trong video, là chị cả trong một gia đình gặp nhiều khó khăn kinh tế.

Vào ngày Green mang em gái 1 tuổi tới lớp, cả nhà em đều có việc bận, không ai có thể ở nhà trông đứa trẻ 1 tuổi - em ruột của Green. Ban đầu, gia đình quyết định để Green nghỉ học một hôm, ở nhà trông em. Nhưng cô bé không muốn phải nghỉ học, nên quyết định bế em tới lớp.

Thấy Green mang em đến lớp, cô giáo Ying đã động viên cô học trò nhỏ với quan điểm rằng: "Làm như vậy vẫn tốt hơn là phải nghỉ học và bỏ lỡ một buổi học trên lớp".

Cô Ying biết rằng mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau trước câu chuyện này, nhưng về phần mình, cô mong các học sinh sẽ cố gắng đi học đều, dù cuộc sống có đang khó khăn, vất vả thế nào.

Đối với cô Ying, bé Green là một minh chứng cho nỗ lực vượt khó. Cô Ying cũng vui vẻ cho biết thêm rằng, rất may mắn, em của Green khá ngoan. Cô bé 1 tuổi không hề gây ồn ào trong lớp học.

Khi câu chuyện của bé Green lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều tờ tin tức của Thái Lan đăng tải, cộng đồng mạng đã dành nhiều lời khen ngợi cho cô bé. Theo cách riêng của mình, cô bé đã hoàn thành cả việc nhà và việc học.

Nhiều người cũng bày tỏ sự cảm động trước cách hành xử của cô giáo Ying, bởi cô đã dành sự cảm thông cho Green và có cách hành xử linh động trước hoàn cảnh của học trò.

Bé gái vừa trông em vừa ngồi học trên lớp gây sốt mạng xã hội (Video: Mothership).

Trung Quốc: Bé gái ngồi gọn trong sạp hàng của mẹ để học trực tuyến

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 2
Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 3

Không gian học của cô bé Ke Enya trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19 (Ảnh: Daily Mail).

Tháng 5/2020, câu chuyện về cô bé Ke Enya khiến cộng đồng mạng quốc tế xúc động. Trong một góc chợ ở thị trấn Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bé gái Ke Enya (khi ấy 7 tuổi) ngồi gọn bên dưới sạp hàng của cha mẹ, "góc học tập" của cô bé nhỏ xíu.

Trên bàn học có một chiếc đèn nhỏ, một chiếc laptop cũ để phục vụ cho việc học online trong thời điểm trường học bị đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Bên trên sạp hàng, cha mẹ Ke Enya tập trung bán hàng kiếm sống.

Khi giáo viên của Ke Enya ghé qua sạp hàng của cha mẹ em và đăng hình ảnh "phòng học" của cô học trò nhỏ lên mạng xã hội, câu chuyện về bé gái hiếu học đã gây sốt mạng. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Ke Enya.

Dù phải học hành trong điều kiện chật chội, nhưng cha mẹ của Ke Enya cho biết em học rất chăm chỉ, nỗ lực, không than phiền.

Mỹ: Cậu bé ngồi học bên thùng các-tông để bắt sóng wifi miễn phí

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 4
Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 5

Cậu bé Jonathan Endecott bên mẹ (Ảnh: Daily Mail). 

Tháng 10/2020, vì đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường học nơi cậu bé Jonathan Endecott theo học chuyển sang hình thức học trực tuyến. Jonathan khi ấy học lớp 4 tại một trường tiểu học nằm ở thành phố Roswell, bang New Mexico, Mỹ.

Gia đình cậu bé rất khó khăn và không có đủ tiền để lắp mạng internet. Để được học trực tuyến cùng các bạn, Jonathan đã nghĩ ra cách đi bộ tới trường, sử dụng sóng wifi trong khuôn viên nhà trường, bởi hàng ngày các thầy cô vẫn đến trường làm việc.

Các thầy cô rất cảm động khi chứng kiến cậu bé ngày ngày xuất hiện ở một góc sân trường để học trực tuyến. Một cô giáo đã chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội.

Ngay lập tức, đã có nhà hảo tâm lắp mạng internet cho gia đình Jonathan, người này còn chi trả trước cước phí trong vòng một năm để em yên tâm học tập.

Syria: Bé gái ngồi học bài trên đống phế liệu

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 6
Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 7

Cô bé Halime Cuma ngồi học trên đống phế liệu (Ảnh: Daily Mail). 

Tháng 9/2018, câu chuyện về cô bé người Syria - Halime Cuma (khi ấy 11 tuổi) - khiến nhiều người xúc động. Hình ảnh Halime ngồi học bài trên đống phế liệu ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, từng được nhiều tờ tin tức đề cập.

Công việc hàng ngày của Halime là đi thu nhặt phế liệu để giúp đỡ gia đình. Cuộc sống của gia đình em kể từ khi tới Thổ Nhĩ Kỳ định cư rất khó khăn. Sau khi thu nhặt xong phế liệu, Halime bắt đầu tự học.

Hình ảnh Halime ngồi học trên đống phế liệu đã được một người qua đường ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội. Câu chuyện được lan truyền nhanh chóng đã giúp Halime được nhận vào học miễn phí tại một trường ở địa phương.

Halime là chị cả và có 6 người em. Sau khi biết tới câu chuyện của gia đình em, nhà chức trách địa phương đã quyết định sẽ hỗ trợ Halime và các em của cô bé được đi học miễn phí.

Cha của Halime - ông Abdulrezzak Cuma - từng chia sẻ: "Tôi rất mong các con được tới trường và rất buồn khi không đủ tiền cho con đi học. Khi Halime được tạo điều kiện đi học, tôi sung sướng lắm. Con tôi sẽ có thể cải thiện cuộc sống khi có tri thức".

Ấn Độ: Cậu bé ngồi học bên chiếc cân ở ga tàu điện

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 8
Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 9

Cậu bé Harendra Chauhan từng được xem là tấm gương vượt khó tại Ấn Độ (Ảnh: India).

Tháng 10/2015, câu chuyện xoay quanh cậu bé người Ấn Độ - Harendra Chauhan (khi ấy 13 tuổi) - đã được báo chí quốc tế nhắc đến khá nhiều. Mọi chuyện bắt đầu từ hình ảnh Harendra học bài dưới ngọn đèn đường ở gần một ga tàu điện.

Vikas Sharda - một người đàn ông thường xuyên nhìn thấy Harendra ngồi học dưới ánh đèn đường - đã chụp hình rồi đăng tải lên mạng xã hội. Bức ảnh lan truyền nhanh chóng.

Khi ấy, anh Vikas chia sẻ: "Cậu bé này không hề nài nỉ người qua đường dùng chiếc cân của cậu. Tôi cảm nhận rõ lòng tự trọng ở cậu bé. Tôi cũng rất tôn trọng cậu bé. Tôi hy vọng những ai đi tàu điện và dừng ở ga Noida sau 7h tối sẽ sử dụng chiếc cân của cậu bé và bằng cách nào đó giúp đỡ cậu".

Sau đó, các tờ tin tức tại Ấn Độ đã tìm hiểu về cậu bé Harendra và được biết gia đình cậu bé rất nghèo, nhưng cậu bé rất hiếu học. Để giúp đỡ gia đình, vào buổi tối, cậu thường ngồi bên ngoài nhà ga với một chiếc cân, chờ những người có nhu cầu sử dụng. Trong lúc ngồi chờ khách hàng, cậu bé cặm cụi học bài.

Khi câu chuyện được biết tới, nhà chức trách bang Uttar Pradesh đã quyết định hỗ trợ cho việc học của Harendra khoản kinh phí 500.000 rupee (tương đương hơn 150 triệu đồng). Số tiền này được gửi trong ngân hàng và được chi dùng theo kế hoạch.

Chia sẻ với báo giới khi ấy, Harendra nói: "Cháu rất vui khi nhận được số tiền này, với số tiền này, cháu có thể học lên cao hơn và nhờ đó mà có thể giúp gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn".

Philippines: Cậu bé ngồi học bằng ánh đèn hắt ra từ quán ăn

Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 10
Câu chuyện về những em bé nghèo hiếu học gây sốt mạng xã hội - 11

Câu chuyện về cậu bé Daniel Cabrera từng được nhắc tới trên các tờ tin tức quốc tế (Ảnh: The Guardian).

Tháng 7/2015, bức ảnh chụp cậu bé người Philippines Daniel Cabrera ngồi học bài trên chiếc bàn gỗ nhỏ tự đóng, đặt trên hè phố đã gây sốt mạng xã hội quốc tế. Daniel học bài bằng ánh sáng hắt ra từ một cửa tiệm bán đồ ăn.

Một phụ nữ đi ngang qua đã chụp lại cảnh Daniel ngồi học bài và đăng tải lên mạng. Bức ảnh lan truyền trên mạng đã góp phần làm thay đổi tương lai của cậu bé, khiến nhiều cá nhân và tổ chức cùng chung tay tìm cách giúp đỡ gia đình cậu bé ở thời điểm đó.

Cậu bé cùng với mẹ và em trai từng phải sống trong cảnh vô gia cư. Đêm xuống, 3 mẹ con phải ngủ nhờ trong một quán ăn nhỏ. Cha của Daniel Cabrera đã qua đời, còn nhà của 3 mẹ con bị hỏa hoạn thiêu rụi.

Ở thời điểm câu chuyện được biết đến, gia đình Daniel đã nhận được nhiều tiền hỗ trợ. Số tiền ước tính đủ cho Daniel học tới Đại học. Để đảm bảo số tiền quyên góp được chi dùng đúng mục đích, Chủ tịch Ủy ban Phúc lợi Xã hội thành phố Mandaue (Philippines) cho biết nhà chức trách đã thống nhất với gia đình cậu bé về kế hoạch chi tiêu.

Mẹ của Daniel - chị Christina Espinoza - vốn không có công việc ổn định. Nói về con trai mình, chị Christina cho biết Daniel là một cậu bé rất kiên cường, chăm học và rất thích được đi học. Cậu từng năn nỉ mẹ cho đi học với lập luận: "Con không muốn nhà mình nghèo mãi. Con muốn được đi học để thực hiện ước mơ của mình".

Theo The Guardian/Thai PBS World