Làng Jrai hiếu học

Phạm Hoàng Nay Săt

(Dân trí) - Làng Plei Rbai được biết đến bởi sự hiếu học với những con người tự vươn lên khó khăn tìm "con chữ". Bởi thế, con em làng Plei Rbai đa phần đã có công việc ổn định và quay về giúp quê hương.

 Chắt chiu cho 5 người con đi "tìm chữ"

Nằm trải dài theo Quốc lộ 25, làng Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) được bao phủ bởi những ruộng đồng mênh mông. Người dân nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, nguồn thu nhập chính từ làm ruộng.

Làng Jrai hiếu học - 1

Ngôi làng Rbai truyền thống hiếu học và thước đo để các làng trong xã Ia Piar noi theo.

Theo Trưởng thôn Nay Keng, chính vì nghèo khó nên con em trong làng đều cố gắng học tập. Ở làng có nhiều gia đình con cái đỗ đạt như nhà ông Ksor Moaih (67 tuổi) và bà Rô H'Nguôn (59 tuổi). Hai vợ, chồng đều làm giáo viên, đồng lương ít ỏi, dành dụm nuôi 5 con ăn học.

Ông Moaih sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo. Tuy nhiên, trong 5 người con trong gia đình thì đã có 3 người học cao đẳng, trung cấp và nay đang làm giáo viên tại quê nhà. Riêng ông Moaih tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Tây Nguyên ở Đăk Lăk. Sau đó, ông đã về dạy học tại Trường Tiểu học Krông Năng ở Ayunpa (nay trường thuộc huyện Krông Pa). Vợ ông là bà Rô H' Nguôn cũng tốt nghiệp từ trường Trung cấp ở Gia Lai và công tác tại trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Peng, Phú Thiện, Gia Lai).

Hiện tại 2 vợ, chồng đã về hưu, có cuộc sống vui vẻ bên con, cháu.

Làng Jrai hiếu học - 2

Ông Ksor Moaih đã dạy dỗ 5 con ăn học đến nơi đến chốn.

"Từ xưa, làng Plei Rbai này nghèo lắm. Trẻ em cũng bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy. Thấy cảnh cơ cực mà không khá nên được nên gia đình dưỡng nuôi chúng tôi theo con đường học cái chữ. Đến đời con, chúng tôi cũng chắt chiu dành dụm cho các con được học hành tử tế", ông Moaih bộc bạch.

Cuộc sống túng thiếu với đồng lương ít ỏi nhưng vợ, chồng ông Moaih vẫn cố gắng nuôi con ăn học đầy đủ. Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, các con của ông cũng chăm chỉ học tập.

Đến nay, trong 5 người con của ông đã có 4 người đều tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và có công việc ổn định. Trong đó, người con đầu đang sinh sống, làm việc tại Mỹ. Người thứ 2 là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Pia. Người thứ 3 đang làm trong Công ty Dược tại tỉnh Đồng Nai. Người thứ 4 đang công tác tại huyện Ia Pa.

Quay về cống hiến cho vùng khó

Tương tự, gia đình ông Rmah Dmeo (51 tuổi) cũng là gia đình hiếu học của làng Rbai. Năm 1993, ông Dmeo tốt nghiệp Trung học phổ thông rồi về làm cán bộ giao thông thủy lợi ở xã Ia Piar. Lúc đó, ông đã vượt hàng chục cây để đi làm nhưng chỉ nhận được có 30.000 đồng/tháng. Sau nhiều năm công tác, năm 2016, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piar.

Làng Jrai hiếu học - 3

Tinh thần học tập tốt luôn được truyền từ Ông Rmah Dmeo đến các con.

Theo ông Dmeo, trước khi lập gia đình, ông luôn có chí hướng phấn đấu là gia đình văn hóa và con cái thành đạt. Để thực hiện được điều đó, ông đã nhiều lần đi làm nhiều nơi, tích góp được một ít, ông mua đất để trồng trọt dành tiền cho con đi học.

Thương cha, mẹ khổ, những người con của ông đã luôn chăm chỉ học tập. Hiện ông có 3 người con, trong đó có 2 người đã tốt nghiệp Đại học. Riêng cô con gái út Rô H' Kim đang theo ngành Y tại trường Đại học Tây Nguyên.

"Em rất tự hào và luôn biết ơn cha, mẹ đã tảo tần làm việc để cho 3 chị, em ăn học. Biết được cha, mẹ khổ nên em luôn ra sức học tập để không phụ lòng. Em hy vọng sau khi ra trường, có thể quay lại làm việc ở chính quê hương của mình. Quan trọng nhất là gần và chăm sóc cha, mẹ tuổi già", em Rô Kim chia sẻ.

Làng Jrai hiếu học - 4

Các cán bộ xuất thân từ làng Plei Rbai làm việc trong UBND xã Ia Piar đều có trình độ Đại học, Cao Đẳng

Nhắc đến chuyện học ở làng Plei Rbai mà không nói đến gia đình bà Siu H' Ngôn là một thiếu sót lớn. Bà tốt nghiệp trường trung cấp, là nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar. Bà có 4 người con đều tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học. Riêng người con thứ 2 Siu Hương là tấm gương sáng cho lớp trẻ trong làng noi theo. Chị đang công tác tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và chuẩn bị bảo vệ luận văn Thạc sĩ.

Ngoài Siu Hương, bà Ngôn còn có những người con giỏi giang, thành đạt như chị Siu H' Qua đang công tác tại trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (huyện Ia Grai), người con thứ 3 tên Siu Sơ Ri là giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (huyện Phú Thiện)  và em út tên Siu Cúc Cu hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Piar.

Người dân ở làng Plei Rbai chủ yếu là làm nông nhưng lại có thành tích học tập đáng nể. Hằng năm, số gia đình được tặng bằng khen danh hiệu "Gia đình hiếu học" của làng ngày càng tăng.

Làng Jrai hiếu học - 5

Sau khi trưởng thành, các thế hệ con em làng Plei Rbai đã trở về công tác giúp quê hương phát triển mạnh mẽ.

Cùng chúng tôi đến thăm làng, bà Nguyễn Thị Khá - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Piar - cho biết: "Làng Rbai có rất nhiều người học tốt, trong các cán bộ xã Ia Piar đều là người trong làng Rbai. Tinh thần hiếu học của làng rất tiêu biểu, góp phần xây dựng truyền thống học tập nơi đây. Làng Plei Rbai là thước đo chuẩn mực để nhiều người khác noi theo".

Cô Khá cũng cho biết thêm, Làng plei Rbai trên dưới 100 người học Đại học, CĐ và Trung cấp. Trong đó, có hơn 15 người học ĐH, có khoảng 35 học Cao Đẳng, 50 người học Trung cấp. Bên cạnh đó tỷ lệ học sinh đến lớp ở các trường tiểu học và trung học cơ sở đều đúng độ tuổi và được phổ cập 99%.

Theo ông Siu Thiên - Chủ tịch UBND xã Ia Piar, làng Plei Rbai hiện có hơn 10 người đang làm việc trong UBND xã Ia Piar. Trong đó, có tới 6 người giữ chức vụ chính trong bộ máy quản lý như Chủ tịch Hội Cựu chiến Binh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Bí thư Đảng ủy….

"Có thể nói làng Rbai giữ vai trò chủ chốt, sản sinh nhiều cán bộ có trình độ cao trong các cơ quan nhà nước. Các cán bộ xuất thân từ làng Plei Rbai làm việc trong UBND xã Ia Piar đều có trình độ Đại học, Cao Đẳng, nên khi có công việc được giao thì họ luôn làm tốt và hiệu quả. Từ đó, góp phần đưa xã phát triển lớn mạnh", ông Siu Thiên nhấn mạnh thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm