DNews

Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp

Bích Ngọc

(Dân trí) - Cảm giác an toàn cùng sự vui vẻ giữa giáo viên và học sinh chính là không khí lý tưởng nhất trong lớp học. Dù vậy, để tạo ra được điều này không dễ.

Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp

Thái độ giận dữ đến từ giáo viên hay từ học sinh đều gây ảnh hưởng tới không khí lớp học. Giáo viên tiểu học càng cần sẵn sàng đối diện, xử lý những trạng thái cảm xúc bột phát đến từ học sinh, bởi ở tuổi này, khả năng tự kiểm soát của các em còn chưa ổn định.

Trong một lớp học, từng em học sinh lại có bối cảnh sống khác nhau. Những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt có thể đang phải đi học với tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Nhiều khi, những xúc cảm tiêu cực có thể khiến các em giận dữ bột phát, có thái độ và hành vi không đúng đối với thầy cô và bạn học.

Sự giận dữ có thể biểu hiện ra thành nhiều dạng thức trong lớp học. Dưới đây là những giải pháp giúp giáo viên tiểu học có thể nhanh chóng làm dịu các tình huống căng thẳng, để duy trì bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong lớp học.

Tại thời điểm cơn giận xảy ra

Hít thở: Khi thấy một học sinh có dấu hiệu mất kiểm soát thái độ và hành vi của bản thân, giáo viên cần trấn tĩnh lại trong giây lát và hít thở vài nhịp trước khi phản ứng, để đảm bảo phản ứng đầu tiên của giáo viên được thực hiện trong sự bình tĩnh.

Việc xử lý một cơn giận bằng một cơn giận khác chỉ khiến tình huống tệ hơn. Để lấy lại bình tĩnh trước tình huống bất ngờ, giáo viên hãy đếm nhẩm từ 1 đến 3, trước khi chuyển sang bước tiếp theo.

Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp - 1
Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp - 2

Trong một lớp học, từng em học sinh lại có bối cảnh sống khác nhau (Ảnh minh họa: iStock).

Đánh giá tình hình: Giáo viên nhanh chóng đánh giá tình hình, xem các học sinh khác có đang an toàn không. Nếu nhận thấy có yếu tố nguy hiểm đối với những học sinh khác, giáo viên hãy nhanh chóng đưa các em di chuyển ra khỏi khu vực có yếu tố nguy hiểm.

Nếu tình huống trở nên rối loạn, giáo viên có thể nhờ một số học sinh đi mời giáo viên khác tới cùng mình ổn định lại trật tự lớp học, cùng quan tâm, hỗ trợ các em học sinh khác trong lớp.

Khuyến khích đối thoại: Sau đó, giáo viên sẽ bắt đầu đối thoại với học sinh đang mất kiểm soát, hỏi xem em học sinh đó đang gặp phải vấn đề gì. Nếu học sinh sẵn sàng đối thoại, hãy khuyến khích em học sinh đó trình bày chi tiết vấn đề. Cách này giúp em học sinh được giải tỏa cảm xúc, bớt đi sự giận dữ.

Ghi nhận cảm xúc: Đừng bảo một người đang giận dữ rằng chuyện này chẳng có gì để phải giận dữ. Khi một người đang giận dữ, họ không còn tư duy lý trí, bình tĩnh được nữa. Giáo viên không cần phải bênh vực em học sinh đang nổi giận, nhưng việc bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ sẽ giúp xoa dịu em học sinh đó.

Thầy cô có thể nói: "Thầy/cô hiểu sự việc này có lẽ đã khiến em không giữ được bình tĩnh". Tại thời điểm cơn giận của em học sinh chưa thực sự dịu lại, thầy cô chưa nên nói lý lẽ đúng sai. Có thể chính thầy cô cũng đang cảm thấy giận dữ ít nhiều, nhưng điều cần thiết là thầy cô phải kiềm chế và kiểm soát được bản thân trước đã.

Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp - 3
Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp - 4

Ở độ tuổi học tiểu học, khả năng tự kiểm soát của các em học sinh còn chưa ổn định (Ảnh minh họa: iStock).

Yêu cầu em học sinh làm một vài việc nhỏ: Việc yêu cầu em học sinh đang giận dữ làm một vài việc nhỏ rất có tác dụng giúp ổn định lại tình hình. Những nhiệm vụ này cần phải thật đơn giản.

Chẳng hạn, nếu em học sinh đang đứng, hãy mời em ngồi xuống. Thầy cô có thể yêu cầu em học sinh đi lấy hai cốc nước để hai bên cùng uống trong lúc trò chuyện, hoặc đề nghị em cùng đi với mình đến một không gian thoải mái hơn để cùng trò chuyện một lúc.

Thầy cô và học sinh cùng hít thở sâu: Hít thở sâu là cách đơn giản nhất và nhanh nhất giúp làm dịu cơn giận.

Thầy cô hãy đưa ra yêu cầu một cách nhẹ nhàng, ngắn gọn, chẳng hạn: "Em hãy tập trung vào nhịp thở. Hãy đếm nhẩm và hít thở sâu. Hít vào từ từ trong lúc đếm nhẩm từ 1 đến 10, rồi thở ra từ từ, cũng đếm nhẩm từ 1 đến 10".

Nếu học sinh làm được một nhịp theo hướng dẫn, hãy tiếp tục khuyến khích để em thực hiện thêm vài nhịp, cho tới khi thấy em học sinh đã bình tĩnh hơn.

Sau cơn giận

Những điều này chỉ có thể thực hiện khi học sinh đã thực sự bình tĩnh trở lại.

Bày tỏ sự lo lắng: Thầy cô trò chuyện lại một lần nữa với em học sinh để nắm bắt thêm thông tin, xem có chuyện gì bất ổn đang xảy ra với em học sinh đó không. Thầy cô cần khẳng định với học trò rằng hành động của em khiến thầy cô lo lắng. Dù vậy, thầy cô không nên quở trách, hãy giảng giải nhẹ nhàng bằng tư duy logic và tinh thần xây dựng đầy yêu thương.

Nếu học sinh đã gây ra hậu quả nào trong cơn giận, hãy đề nghị em bắt tay vào xử lý hậu quả. Chẳng hạn nếu em đã nói điều gì sai với ai, hãy yêu cầu em đi xin lỗi. Nếu em làm hỏng món đồ gì, hãy yêu cầu em tìm cách sửa chữa, khắc phục.

Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp - 5
Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp - 6

Cảm giác an toàn cùng sự vui vẻ giữa giáo viên và học sinh chính là không khí lý tưởng nhất trong lớp học (Ảnh minh họa: iStock).

Đối thoại với phụ huynh: Khi đối thoại với phụ huynh của em học sinh có cơn giận dữ bột phát, thầy cô nên giữ thái độ tích cực. Điều này sẽ giúp mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh trở nên tốt đẹp, hợp tác, thiện chí hơn.

Thái độ tích cực cũng giúp cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng hơn. Giáo viên hãy kể lại cho phụ huynh về chuyện đã xảy ra, rồi lắng nghe phụ huynh đưa ra thêm những ý kiến từ góc nhìn của gia đình.

Dạy các em học sinh cách kiểm soát cảm xúc: Nhiều học sinh thường giận dữ bột phát do không biết cách kiểm soát cảm xúc.

Thầy cô có thể chia sẻ những biện pháp đơn giản như hít thở sâu, hình dung trong đầu về những hình ảnh vui tươi khiến các em hào hứng. Ngoài ra, nếu có thể, em học sinh nên học cách rời khỏi tình huống kích động, tự dành cho bản thân không gian và thời gian để xoa dịu cảm xúc.

Những kiến thức đơn giản này sẽ giúp các em học sinh biết cách tự giúp mình. Khi thấy em học sinh nào trở nên giận dữ, giáo viên nhắc em thực hành ngay những biện pháp đã được thầy cô chia sẻ.

Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ xảy ra trong lớp - 7

Giáo viên tiểu học cần sẵn sàng đối diện, xử lý những trạng thái cảm xúc bột phát đến từ học sinh (Ảnh minh họa: iStock).

Thu thập thông tin: Nếu một học sinh thường xuyên giận dữ, giáo viên và phụ huynh cần thu thập thông tin về hiện tượng này.

Hãy chú ý tới thời điểm trong ngày khi em học sinh dễ trở nên kích động, về những chuyện thường xảy ra khiến em bị kích động, những ai thường liên quan tới các cơn giận của em học sinh này... Mục đích của việc thu thập thông tin là để nhận ra những yếu tố dễ kích động sự giận dữ ở trẻ.

Lên kế hoạch đương đầu với yếu tố kích động: Khi nhận ra các yếu tố dễ khiến trẻ bị kích động, thầy cô và gia đình có thể phối hợp để cùng lên kế hoạch giúp trẻ vượt qua những thời điểm và yếu tố gây kích động tâm lý.

Chẳng hạn, nếu một hoạt động nào đó thường khiến em học sinh khó kiểm soát bản thân, hãy đối thoại rõ với em về thời điểm, thời lượng của hoạt động này. Việc cùng trẻ lên kế hoạch để có sự chuẩn bị sẽ giúp trẻ vượt qua tình huống khó, dần rèn luyện được khả năng tự kiểm soát.

Theo Teacher Created Materials