(Dân trí) - NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn (67 tuổi) giảng viên khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa TPHCM đã cho ra đời hàng loạt máy sản xuất bún, phở, bánh tráng, mì quảng… được cấp 9 bằng sáng chế trong và ngoài nước.
Trong ngôi nhà khá rộng của PGS Trần Doãn Sơn ở khu cư xá Lữ Gia kiêm luôn xưởng sản xuất ngổn ngang những máy móc và cả các thành phẩm chuẩn bị xuất xưởng. Vị thầy giáo lớn tuổi vẫn đang tẩn mẩn kiểm tra lại sản phẩm để chuẩn bị đóng gói gửi sang các nước.
Đã có rất nhiều sản phẩm ra đời từ xưởng này như máy làm bánh tráng truyền thống, máy làm bánh phở, bún, mỳ quảng… được chuyển giao đến nhiều địa phương từ Bắc vô Nam thậm chí sang Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Thầy Sơn khoe cách đây nửa tháng khi TPHCM vừa hết giãn cách xã hội đã có khách hàng Indonesia đến thử máy làm bánh tráng rế tự động của mình.
Hơn tất thảy không niềm vui nào bằng những sáng chế của mình được bạn bè quốc tế yêu thích và đó là động lực để vị thầy giáo ở tuổi lục tuần tiếp tục say mê nghiên cứu, sáng tạo những chiếc máy nâng giá trị các món "quê mùa" để thế giới càng thêm mê sản phẩm nông nghiệp Việt.
Việc được Hội đồng cấp nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới đây là sự ghi nhận trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông.
Hơn 40 năm giảng dạy và kỷ lục 9 bằng sáng chế
Năm 1977, thầy giáo trẻ Trần Doãn Sơn tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được phân công vào làm việc tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Sau khi nhận học bổng du học tại Cộng hòa Czech và tốt nghiệp tiến sĩ, ông trở về Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy cho đến nay.
PGS Trần Doãn Sơn nhớ lại thời trẻ dù trong gia đình dòng họ có nhiều người theo nghề bác sĩ nhưng ông lại chọn một hướng đi mới cho riêng mình là theo ngành cơ khí. Hơn 40 năm giảng dạy ở bộ môn chế tạo máy, thầy Sơn chọn nghiên cứu những sản phẩm liên quan đến chế biến sản phẩm từ nông nghiệp và cũng từ đó tạo nên dấu ấn riêng của mình.
Lý giải cho quyết định này, thầy Sơn cho rằng Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhìn công nghệ cũng như thiết bị chế biến các sản phẩm này còn thua kém nhiều nước, phần lớn chỉ xuất khẩu với dạng thô làm giảm giá trị "đặc sản" khiến ông không khỏi trăn trở. Sau những băn khoăn, ông quyết định tập trung nghiên cứu kỹ thuật, phát triển công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Từ khi bắt tay vào làm đến nay PGS.TS Trần Doãn Sơn đã sở hữu 15 đề tài khoa học với 9 công trình được bằng sáng chế độc quyền và ứng dụng thương mại ra thế giới trong lĩnh vực chế biến tinh các sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và lương thực. Trong số đó có những cụm công trình ông nghiên cứu thực hiện trong hơn 20 năm như máy làm bánh tráng gạo truyền thống, máy chế biến hạt điều. Không dừng lại ở đó, PGS Doãn Sơn còn là tác giả của nhiều bài báo quốc tế, trong đó có 7 bài thuộc danh mục ISI và Scopus.
Nhiều công trình nghiên cứu góp phần nâng giá trị nông sản Việt lên tầm cao
Nhìn lại danh sách sản phẩm thuộc cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực - thực phẩm và nông sản Việt Nam" của PGS Trần Doãn Sơn và cộng sự nhiều không kể xiết và tất cả điều đã đóng góp cho đất nước, mang lợi ích xã hội không nhỏ.
Nếu như ngành điều Việt Nam từ con số không vào những năm trước 1990, cho đến nay sau hơn 20 năm phát triển đã trở thành một đất nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới và sản lượng điều đứng vị trí thứ hai.
Trong lĩnh vực này, PGS Trần Doãn Sơn dành hơn 20 năm thực hiện công trình nghiên cứu và kết quả ông được cấp hai bằng sáng chế ở công trình công nghệ và thiết bị chế biến hạt điều trong đó có quy trình "hấp hạt điều bằng hơi bão hòa", giúp hạt điều không bị hao hụt mà còn đạt năng suất cao.
Đến nay, ông và cộng sự đã chuyển giao khoảng 200 dây chuyền đồng bộ trong và ngoài nước, vài năm gần đây tiếp tục cải tiến với hình thức tự động hoàn toàn và ứng dụng công nghệ 4.0.
Tương tự, nhóm của thầy Sơn cũng đã chuyển giao hơn 200 dây chuyền chế biến cà phê và thiết bị rang xay cho khách hàng trong và ngoài nước, bao gồm hàng loạt thương hiệu cà phê nổi tiếng trong nước.
Mang bún, phở ra thế giới
Trong số các bằng sáng chế PGS Sơn được cấp thì hết 6 công trình ông nghiên cứu nhằm phục vụ chế biến các món ăn từ gạo như: bún, phở, bánh tráng…
Năm 1998 ông bắt tay nghiên cứu công trình làm bánh tráng gạo (bánh tráng truyền thống) sau khi nhận thấy cách người dân tráng bánh thủ công rất tốn thời gian và đòi hỏi nhiều nhân công khi muốn số lượng nhiều. Sau quá trình sáng tạo chỉnh sửa, đến nay những chiếc máy bánh tráng đã cải tiến công nghệ với dây chuyền tự động mang lại chất lượng, năng suất cao được chuyển giao cho rất nhiều công ty và cơ sở sản xuất.
Thừa thắng xông lên, ông lại bắt đầu nghiên cứu thiết bị làm bánh phở thay thế phương thức sản xuất thủ công và đến năm 2005 cho ra đời mẫu máy phiên bản đầu tiên với năng suất cao nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Hai năm sau đó, ông trình làng chiếc máy làm bánh phở tươi hoàn chỉnh tích hợp quy trình khép kín từ xay nhuyễn, lọc tạp chất, khuấy đều, cán mỏng, hấp, cắt sợi, thành phẩm (không kể phân đoạn ngâm). Ở phiên bản này, chiếc máy đã giúp người thợ rút ngắn quy trình làm bánh phở tươi từ 12 tiếng đồng hồ xuống còn chưa tới 2 giờ.
"Nếu như phở được xếp vào những món ăn ngon nhất thế giới thì việc làm thế nào để công đoạn chế biến đỡ tốn thời gian, công sức đảm bảo phở luôn tươi ngon là điều quan trọng. Bánh phở không đủ tươi ngon thì có lẽ sẽ giảm đi một nửa sự hấp dẫn của món ăn này", thầy Sơn chia sẻ.
Và chiếc máy làm bánh phở tươi của thầy Sơn dường như đã tạo nên một cuộc cách mạng trong quy trình chế biến, vừa nhanh ngon sạch, vừa quảng bá cả công nghệ sản xuất món ăn này đến nhiều nước hơn. Chính vì lẽ đó, đây là một trong những công trình nghiên cứu mà thầy Sơn tâm đắc nhất.
Tiếp đó, ông liên tiếp được cấp 3 bằng sáng chế cho những thiết bị chế biến thực phẩm gồm máy bánh tráng bía có năng suất cao gấp 10 lao động trong cùng một đơn vị thời gian và công trình làm bánh tráng rế vận dụng thiết bị robot thay thế nhận lực. Tất cả những sản phẩm này đều được nhiều khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình, thầy Sơn cho biết, làm gì cũng cần có đam mê và tâm huyết mới đạt tới thành công. "Một chiếc máy khi hoàn thành mất khá nhiều thời gian từ lên ý tưởng đến nghiên cứu rồi tạo ra sản phẩm là cả một quá trình, thậm chí khi thương mại hóa rồi vẫn tiếp tục cải tiến để đạt hiệu quả nhất. Nhưng khi sản phẩm chạy trơn tru là điều khiến mình vui sướng không gì sánh bằng bởi đó là tâm huyết mình bỏ ra được ghi nhận", PGS Sơn bộc bạch.
Dù không còn trẻ nhưng vị thầy giáo 67 tuổi vẫn không ngừng công việc sáng chế của mình, trong đó sẽ tiếp tục tập trung vào những thiết bị chế biến thực phẩm đặc trưng của nước nhà. Hiện tại, ông vẫn đang miệt mài nghiên cứu để chế tạo thiết bị sản xuất bún dạng mini dùng gạo lứt trang bị cho các nhà hàng, khách sạn và dây chuyền sản xuất tự động chả giò rế…Ông cho biết, nhìn những sản phẩm được chuyển giao thời gian qua khiến nhóm thêm nhiều động lực, "thật vui khi thấy những máy móc có dòng chữ "made in Vietnam" xuất hiện ở những nhà hàng ở trong và ngoài nước. Phần nào đó là cách tôi muốn giới thiệu rộng rãi món ăn Việt Nam ra bạn bè thế giới".
Cụm công trình của PGS.TS Trần Doãn Sơn là 1 trong số 12 công trình, cụm công trình được Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt 6 năm nay. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước xét tặng cho các công trình, cụm công trình xuất sắc, có giá trị cao về khoa học công nghệ. Đây được xem là giải thưởng danh giá nhất hiện nay tại Việt Nam, giải thưởng bắt đầu từ năm 1996, công bố 5 năm/lần và đến nay đã trải qua 5 đợt xét tặng.
Trước đó vào đầu năm 2021, PGS.TS Trần Doãn Sơn là một trong 18 nhà giáo trên cả nước đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" vì có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc.