DNews

Làm phim đề tài dân tộc: "Miếng bánh" khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu

Hương Hồ Lạc Thành

(Dân trí) - Bộ phim về người Dao "Đi giữa trời rực rỡ" đang nhận những ý kiến trái chiều của các chuyên gia dân tộc học. Đáng nói, đây không phải là lần đầu phim đề tài dân tộc thiểu số gây ồn ào không đáng có.

Làm phim đề tài dân tộc: "Miếng bánh" khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu

Nhận tranh cãi trái chiều và… ngưng phát sóng

Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ mới phát sóng được 7 tập đã dành được sự quan tâm, chú ý của khán giả. Bộ phim nhận được những lời khen cho các cảnh quay núi non hùng vĩ của Cao Bằng. Diễn xuất tự nhiên, trong trẻo của diễn viên trẻ Long Vũ (nhân vật Chải) và Thu Hà Ceri (vai Pu) cũng được khán giả yêu thích.

Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cũng vấp phải không ít phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng và những chuyên gia dân tộc học. Nguyên nhân xuất phát từ việc phim có những "hạt sạn", sai với cách người Dao thực hành văn hóa.

Theo đó, khán giả nhận thấy trang phục và cách sử dụng trang phục, tập quán của người Dao đỏ có một số chỗ chưa phù hợp với thực tế. "Người Dao không mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ đi chăn trâu như trong phim. Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới thôi", "Cách buộc khăn đầu kia sai cách, các chị các cô đeo không bị luộm thuộm như trên màn ảnh nhỏ",... là những bình luận của một bộ phận người dân tộc Dao về bộ phim.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng - Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc", là người Dao quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng), nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim - cũng cho rằng, trong phim, nữ chính tên Pu mặc lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu là chưa đúng. Nhân vật Chải đeo yếm nữ nhảy múa, đây là hình ảnh sai lệch, tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường.

Theo ông, hình ảnh người phụ nữ đứng trước ban thờ thắp hương cũng là điều cấm kị của người Dao. Người Dao không coi thường nữ giới. Dù phụ nữ ngồi ăn dưới bếp, đàn ông được ngồi gian giữa, nhưng đồ ăn là như nhau, mâm đàn ông uống rượu, thì phụ nữ cũng có rượu. Người Dao không có quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường. Nếu không có con trai thì họ đổi họ cho con rể để thành con trai của mình...

Đáng nói, đây không phải là bộ phim đầu tiên khai thác đề tài đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gây ra luồng ý kiến trái chiều. Vào năm 2017, bộ phim truyền hình nhiều tập Lặng yên dưới vực sâu sau khi phát sóng cũng nhận chỉ trích vì xây dựng hình ảnh không chân thực.

Làm phim đề tài dân tộc: Miếng bánh khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu - 1
Làm phim đề tài dân tộc: Miếng bánh khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu - 2

Cảnh trong phim "Đi giữa trời rực rỡ" (Ảnh: VTV). 

Cụ thể, dàn diễn viên quá "thành phố", trắng trẻo diện những trang phục của đồng bào Mông nhưng vẫn nói ngôn ngữ của người Kinh pha chút "lơ lớ" tiếng địa phương khiến khán giả thấy… khó chấp nhận.

Thậm chí, một số bộ phim nói về đề tài dân tộc thiểu số nhưng diễn viên lại nói đặc tiếng Hà Nội. Nhiều bộ phim khác cũng bị cho là mắc lỗi tương tự như: Tình thắm Sa Pa, Chiếc vòng bạc, Chim Phí bay về nguồn cội, Đỉnh núi mờ sương

Đáng nói nhất, vào năm 2011, bộ phim dài 30 tập Hãy cùng em điệu Sarikakeo về cuộc sống và văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ ngay sau khi phát sóng tập đầu tiên, trên khung giờ vàng VTV1 đã phải... ngưng phát sóng.

Lý do được cho là bộ phim đã "đụng chạm" đến những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tôn giáo và nhiều hình ảnh phản ánh không chân thực đời sống của đồng bào dân tộc Khmer.

Cụ thể: Tăng ni Nam tông Khmer phải cạo hết chân mày nhưng trong phim, người đóng vai vẫn giữ chân mày; khi sư khất thực hai tay cầm bát chứ không chắp lại như trong phim…

Ngay cả lời thoại của các nhân vật cũng không thể hiện đúng lối sống, suy nghĩ và tín ngưỡng của người Khmer. Ví dụ như nhà sư đi tu rồi mà bố mẹ vẫn gọi bằng "nó" là không đúng…

Mặc dù là bộ phim đầu tiên của VTV thể hiện bản sắc văn hóa và nghị lực vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer, cũng là bộ phim nhằm góp phần quảng bá du lịch cho tỉnh Sóc Trăng nhưng phim vẫn bị dừng chiếu.

Đoàn làm phim sau đó đã phải lên tiếng "cầu cứu" vì chi phí đầu tư cho bộ phim quá lớn, lên tới 6 tỷ đồng.

Nhà sản xuất của phim khi đó cho rằng, trước khi bắt tay vào thực hiện, bộ phim đã đi qua đủ các khâu xét duyệt mới tiến hành bỏ vốn đầu tư.

"Vậy không hiểu lý do gì mà phim đã được duyệt, vừa phát sóng một tập đã phải ngưng, gây tổn thất về tiền bạc, uy tín của hãng phim và hoang mang cho hàng trăm con người tham gia đoàn phim", đại diện nhà sản xuất từng bức xúc.

Làm phim đề tài dân tộc: Miếng bánh khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu - 3

Diễn viên Long Vũ (trái) và Thu Hà (phải) ở hậu trường phim "Đi giữa trời rực rỡ" (Ảnh: Facebook nhân vật).

Làm phim về dân tộc thiểu số: Đúng, trúng, hay… thất bại?

Thất bại của nhiều bộ phim làm về đề tài dân tộc thiểu số cho thấy đây là một trong những "mảng miếng" khó nhằn. Để làm phim về đề tài này đúng, trúng và hay quả thật không phải là chuyện dễ dàng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, làm phim về đề tài dân tộc thiểu số khó ở chỗ phải làm thật, phải phù hợp với tâm sinh lý, tập tục, văn hóa của bà con vùng cao.

Nếu bị pha trộn suy nghĩ, lời nói, hành xử của người miền xuôi thì phim sẽ thiếu tính chân thật.

"Nếu ê-kíp áp đặt suy nghĩ của mình vào phim, sẽ bị phản ứng là không giống. Để làm được điều này, đòi hỏi người đạo diễn phải có kinh nghiệm, sự trải nghiệm, phải sống và gần gũi với đời sống của bà con dân tộc thiểu số.

Mới đây, đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng thành công với phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương, cô ấy đã sống cùng, làm người bạn đồng hành cùng bà con dân tộc mấy năm liền. Nếu không tiếp cận, không ở cùng bà con sẽ khó có tinh thần của phim về đề tài dân tộc miền núi", NSND Thanh Vân nói.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết thêm, bên cạnh sự trải nghiệm tự thân của ê-kíp với đồng bào dân tộc thiểu số thì sự tư vấn của các chuyên gia văn hóa cũng cần thiết.

Làm phim đề tài dân tộc: Miếng bánh khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu - 4
Làm phim đề tài dân tộc: Miếng bánh khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu - 5

"Vợ chồng A Phủ" (trái) và "Chuyện của Pao" là hai trong số những tác phẩm thành công của điện ảnh Việt về đề tài dân tộc thiểu số (Ảnh: VTV). 

"Không phải ai cũng có những kiến thức sâu về bà con dân tộc nên cần có những ý kiến của các nhà văn hóa.

Hãng phim truyện Việt Nam từng có phim Vợ chồng A Phủ, Đất nước đứng lên… cũng là đề tài về dân tộc thiểu số, tác phẩm được đánh giá rất cao.

Ngày đó, các đạo diễn tìm hiểu rất sâu về văn hóa, phong tục tập quán nơi mà mình sẽ làm phim nên hình ảnh và câu chuyện được nhiều người thích và nhớ mãi", nam đạo diễn kể lại.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho biết, những bộ phim thành công gần đây làm về đề tài dân tộc thiểu số có thể kể đến như Chuyện của Pao, Khỏa nước sông Quy... vì những phim này đã nói đúng, kể chuẩn về cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, vẫn còn có phim bị phản ứng vì xa rời thực tế đời sống của người miền núi.

Làm phim đề tài dân tộc: Miếng bánh khó nhằn, đầu tư 6 tỷ vẫn dừng chiếu - 6

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (thứ ba từ phải sang) cùng nhóm phụ nữ người Dao mặc thường phục và lễ phục (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Nhiều năm gần đây, đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay tích cực. Sự phát triển của mạng internet và điện thoại thông minh đã làm nhận thức của bà con đổi khác.

Thế nhưng, nhiều nhà làm phim vẫn tư duy rằng phản ánh về bà con là phải có chút lạc hậu, chút ngô nghê, chút "thô lỗ", vô hình chung đã làm cho phần lớn cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn tỏ ra không hài lòng, thậm chí khó chịu, khi xem phim về đề tài dân tộc thiểu số", ông Bàn Tuấn Năng nói với phóng viên Dân trí.

Theo ông Năng, một số phim làm về đề tài dân tộc thiểu số bị phản ứng vì quy trình duyệt phim về đề tài này chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc là phải có chuyên gia dân tộc học.

Thứ hai là những người làm phim trong quá trình sáng tác, nặng về suy diễn theo cảm quan nghệ thuật mà thiếu tư duy khoa học về dân tộc học.

Thứ ba là họ ngại hỏi, ngại mời chuyên gia vì nếu như vậy, yêu cầu về kỹ năng, bối cảnh, trang phục, đạo cụ… khó khăn hơn.

Nhưng ông Bàn Tuấn Năng cho rằng, nếu đoàn phim nhập tâm và chịu trau dồi kiến thức dân tộc học thì việc làm phim sẽ dễ dàng hơn nhiều.