DNews

"Anh trai" bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt

Hương Hồ Lạc Thành

(Dân trí) - Ba show "Anh trai" bùng nổ tại Hà Nội và Hưng Yên mới đây thu hút gần 100.000 khán giả, đã trở thành tâm điểm truyền thông của cả nước và một hiện tượng chưa từng có của công nghiệp giải trí Việt.

"Anh trai" bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt

Gần 100.000 khán giả xem "Anh trai" và sức hút từ concert "made in Việt Nam"

Còn nhớ, vào tháng 7/2023, khi nhóm nhạc Blackpink tổ chức hai đêm diễn tại SVĐ Mỹ Đình thu hút hơn 60.000 khán giả, đã không ít người đặt câu hỏi: "Đến bao giờ ca sĩ Việt Nam chúng ta mới có được những đêm diễn như thế?"; "Đến bao giờ thì công nghiệp giải trí Việt Nam có thể tổ chức được một đêm nhạc quy mô tầm cỡ với chất lượng thế giới đến vậy?".

Và chỉ sau 1 năm, khán giả Việt đã có câu trả lời. Concert (đêm nhạc trực tiếp) 3, 4 của Anh trai say hi diễn ra tại Sân vận động (SVĐ) Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) tối 7 và 9/12 cùng concert 2 Anh trai vượt ngàn chông gai ở Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên), tối 14/12 thu hút gần 100.000 khán giả đã trở thành một hiện tượng chưa từng có của làng nhạc Việt nói riêng và công nghiệp giải trí Việt Nam nói chung. 

Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, khán giả Việt muốn xem các đêm nhạc hội của một ngôi sao quốc tế không phải bỏ tiền sang Thái Lan, Hàn Quốc hay Singapore xa xôi. 

Lần đầu tiên, các ngôi sao nhạc Việt có một sân khấu biểu diễn thu hút lượng người hâm mộ hùng hậu lên đến hàng chục nghìn người - những khán giả trước đây vốn chỉ quan tâm, hứng thú với các ngôi sao K-pop (nhạc trẻ Hàn Quốc), C-pop (nhạc trẻ Trung Quốc) hay USUK (nhạc Âu Mỹ). 

Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 1
Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 2

Concert 4 "Anh trai say hi" (trái) tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) và concert 2 "Anh trai vượt ngàn chông gai" ở Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên) thu hút hàng chục nghìn khán giả (Ảnh: Nhà sản xuất). 

Đa số khán giả sau khi xem các show Anh trai say hiAnh trai vượt ngàn chông gai đều cho rằng: "Trước đây, chỉ nghĩ việc tham dự các concert của nghệ sĩ quốc tế hay xem các đêm nhạc quốc tế vì cảm thấy đó mới là đỉnh cao. Song, bây giờ đã khác, những concert "made in Việt Nam", của nghệ sĩ Việt Nam cũng đầu tư và hấp dẫn không kém".

Hay không ít người cùng quan điểm: "Từ nay đừng bao giờ nói concert V-pop bao giờ mới bằng K-pop nữa. Lạc hậu quá rồi"...

Về câu chuyện chi phí đầu tư cho concert, ông Nguyễn Xuân An - Giám đốc truyền thông của Anh trai vượt ngàn chông gai - chia sẻ: "Tổ chức một concert phục vụ hơn 20.000 khán giả chắc chắn là thách thức cho các nhân sự của công ty. Chi phí chúng tôi chưa tiện chia sẻ nhưng chắc chắn đó là con số được tối ưu nhất có thể để mang đến trải nghiệm tuyệt vời và được hơn 20.000 khán giả công nhận tại concert".

Được biết, concert 2 Anh trai vượt ngàn chông gai vừa qua được tổ chức trên khuôn viên rộng 55.000 m2, với sức chứa hơn 20.000 chỗ ngồi, là một trong những sự kiện âm nhạc lớn nhất trong năm tại miền Bắc.

Thiết kế khán đài giật cấp toàn bộ cùng với hai khu phòng riêng cao cấp, sân khấu áp dụng công nghệ trình chiếu hiện đại nhất hiện nay với màn hình led lưới lớn trung tâm, xung quanh là 8 màn led phụ, tất cả được đầu tư công phu, tạo nên một không gian trình diễn sống động, tiêu chuẩn quốc tế.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ca sĩ Tuấn Hưng bày tỏ, anh hạnh phúc khi đứng trong chương trình âm nhạc lớn, được nhiều người ủng hộ như Anh trai vượt ngàn chông gai.

"Tôi từng trăn trở rằng, khán giả Việt Nam "sính" ngoại vậy sao, khi họ luôn hò hét, náo nhiệt với sao quốc tế nhưng không phải vậy. Nếu âm nhạc của chúng ta chạm đến trái tim của khán giả, họ cũng sẽ không tiếc tiền bạc, công sức để ủng hộ cho những chương trình lớn", Tuấn Hưng nói.

Nam ca sĩ khẳng định, Việt Nam đang có những nhà sản xuất âm nhạc giỏi không khác gì Hàn Quốc. Với xu hướng "mở" như hiện nay, âm nhạc của Việt Nam cũng đang rất gần với âm nhạc thế giới…

Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 3

Các nghệ sĩ biểu diễn trong concert 2 "Anh trai vượt ngàn chông gai" tại Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Nhà sản xuất âm nhạc Quang Anh cho biết, sự thành công của 2 concert Anh trai say hiAnh trai vượt ngàn chông gai là điều dễ hiểu bởi đây đều là hai chương trình nhận được sự đầu tư hoành tráng từ nội dung cho đến sân khấu, âm thanh biểu diễn. Nhiều người còn so sánh các show diễn này không thua kém 2 concert của BlackPink vào tháng 7/2023 tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội.

Theo chuyên gia này, hiện nay, các show âm nhạc được chú ý nhiều hơn do hiệu ứng truyền thông và sự phát triển công nghệ thông tin thời 4.0. Trước khi concert Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra, các chương trình truyền hình thực tế này đã được nhắc đến nhiều qua mạng xã hội YouTube, TikTok, Facebook, Threads...

Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 4

Các nghệ sĩ biểu diễn trong concert 3 của "Anh trai say hi" (Ảnh: Nhà sản xuất).

"Khi một chương trình phủ sóng mạnh mẽ trên mạng xã hội thì các concert thu hút đông khán giả là điều dễ hiểu. 

Hơn nữa, tâm lý khán giả cũng theo hiệu ứng đám đông, khi nhiều người nhắc đến và quan tâm làm cho bạn bè của họ cũng có sự quan tâm nhất định đến các show diễn này.

Điều này được minh chứng khi các đêm diễn, lượng khán giả đều chật kín khán đài, dù thời tiết mưa gió hay lạnh 12 độ, người hâm mộ vẫn kiên trì ngồi đến cuối đêm diễn", ông Quang Anh cho biết.

Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cũng nhìn nhận, thành công của các concert "Anh trai" nằm ở sự tổng hòa của nhiều yếu tố: Âm nhạc chạm cảm xúc, kỹ thuật dàn dựng ngày càng chuyên nghiệp, và quan trọng hơn cả là khả năng kể một câu chuyện lớn hơn thông qua âm nhạc.

Tuy nhiên, theo ông, ở góc độ chuyên môn, vẫn còn một số điểm có thể làm tốt hơn.

"Ví dụ, ở một vài phân đoạn, nhịp độ chương trình chưa thật sự liền mạch. Điều này dễ xảy ra với những show có quy mô lớn, nhiều nghệ sĩ tham gia, nhưng nếu tối ưu hơn, cảm xúc của khán giả sẽ được đẩy cao liên tục.

Ngoài ra, vấn đề tổ chức hậu cần, đặc biệt là kiểm soát giao thông và ra vào tại các địa điểm diễn ra chương trình, vẫn còn gây chút khó khăn cho khán giả. Những yếu tố này cần được cải thiện để hoàn thiện trải nghiệm khán giả hơn nữa", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nói.

Ông Minh cho rằng, điều làm nên sự khác biệt cho các đêm diễn đó là sự kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả. Các "anh trai", "anh tài" không chỉ mang đến âm nhạc mà còn truyền tải một hành trình ký ức, từ những bản hit một thời đến những giai điệu mới mẻ hơn, tất cả đều đậm dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời rất gần gũi với đại chúng.

Chuyên gia Hồng Quang Minh cũng nhận định, so sánh V-pop với K-pop ở thời điểm này đã không còn thực sự hợp lý, và cụm từ "bao giờ mới bằng" càng không cần thiết nữa. Với hai show "Anh trai", chúng ta đã chứng minh rằng nghệ sĩ Việt hoàn toàn có thể tổ chức được những concert lớn, thỏa mãn khán giả cả về mặt thị giác lẫn cảm xúc.

"Tuy nhiên, thay vì so sánh, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta tự định nghĩa vị thế của mình trong ngành công nghiệp âm nhạc khu vực. Vpop không cần phải là "phiên bản Kpop" mà cần có bản sắc riêng, lấy yếu tố văn hóa làm nền tảng, kết hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về tổ chức và sản xuất.

Các show diễn gần đây đang ngày càng tiến gần đến điều đó: Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa câu chuyện Việt, âm nhạc Việt nhưng được kể bằng ngôn ngữ của những sân khấu toàn cầu", chuyên gia bày tỏ. 

Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 5
Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 6

Khán giả chật kín khán đài ở các concert "Anh trai say hi" (trái) tại Hà Nội và "Anh trai vượt ngàn chông gai" ở Hưng Yên (Ảnh: Nhà sản xuất, Nguyễn Hà Nam). 

Cơ hội rộng mở cho ngành công nghiệp âm nhạc và giấc mơ 31 triệu USD vào năm 2030

Tại phiên thảo luận về các nội dung kinh tế - xã hội ngày 31/10/2023, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đã nêu quan điểm: "Chúng ta phấn đấu đến năm 2020 tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD và đến 2030 là 31 triệu USD. 2 đêm diễn của Blackpink đã bằng non nửa con số chúng ta phấn đấu đến năm 2030. Điều này rất đáng suy nghĩ".

Thành công của các concert Anh trai say hi diễn ra tại Hà Nội và Anh trai vượt ngàn chông gai Hưng Yên mới đây và trước đó là TPHCM phần nào cho thấy, cơ hội của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam đang rộng mở.

Sau nhiều năm dò đường, chúng ta đã có một nền cơ sở hạ tầng vững chắc, đội ngũ nhân sự cho những đêm nhạc "made in Việt Nam" tiêu chuẩn quốc tế.

Đó là hệ thống cơ sở vật chất, từ âm thanh ánh sáng cho đến sân khấu hiện đại, đủ đáp ứng nhu cầu của các đêm diễn chuyên nghiệp. Dịch vụ lưu trú, vận chuyển phong phú, công tác bảo vệ an toàn chuyên nghiệp, cẩn trọng. Các phương tiện hỗ trợ ngày càng đầy đủ, tiện ích.

Cũng không thể không kể tới thay đổi từ phía khán giả - những người đóng góp vai trò quyết định vào thành công của các đêm diễn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, giới chuyên môn cho rằng để ngành công nghiệp biểu diễn, công nghiệp âm nhạc thực sự phát triển, đi đường dài và không chỉ dừng lại ở hiện tượng mang tính nhất thời thì bên cạnh những nỗ lực từ nghệ sĩ, các nhà sản xuất, cần có sự chung tay vào cuộc của Nhà nước, các địa phương.

Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 7

Dàn "Anh trai vượt ngàn chông gai" thu hút lượng người hâm mộ lớn sau chương trình (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung đưa ra quan điểm: "Cơ hội để chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa nói chung hay ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng đã bao giờ thiếu đâu, chỉ thiếu là chưa bền vững thôi.

Và tôi nghĩ mọi con số, mục tiêu cần đi kèm với những kế hoạch và hành động cụ thể chứ không nó chỉ là mang tính cổ động tuyên truyền".

Chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng, thành công của các concert Anh trai say hiAnh trai vượt ngàn chông gai là một tín hiệu tích cực, cho thấy ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đang ngày càng trưởng thành.

Các nghệ sĩ và nhà tổ chức đã bắt đầu hiểu rõ hơn về khán giả của mình: Họ không chỉ cần âm nhạc hay, mà còn cần một trải nghiệm tổng thể, từ dàn dựng sân khấu đến cảm xúc mà chương trình mang lại. Tuy nhiên, theo ông, để nhìn toàn cảnh, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhưng yếu tố còn thiếu vẫn là sự liên kết chặt chẽ giữa nghệ sĩ, nhà sản xuất và các đơn vị tổ chức.

"Chúng ta cần một hệ sinh thái bền vững, nơi mỗi bộ phận đều hiểu rõ vai trò của mình và hướng tới những mục tiêu dài hạn hơn là thành công ngắn hạn.

Bên cạnh đó, các mô hình tổ chức show diễn cũng cần được đa dạng hóa hơn. Thay vì chỉ tập trung vào những show diễn lớn, hãy nghĩ đến việc phát triển những chương trình nhỏ hơn nhưng có chiều sâu, mang tính cá nhân hóa cao.

Những buổi biểu diễn như vậy không chỉ giữ được sự gắn kết giữa nghệ sĩ và khán giả, mà còn góp phần nuôi dưỡng thị trường âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau", chuyên gia bày tỏ. 

Nói về giấc mơ doanh thu 31 triệu USD từ nghệ thuật biểu diễn vào năm 2030, ông Hồng Quang Minh nhận định, con số này không quá xa vời và không phải là mục tiêu, giấc mơ viển vông nhưng nó đòi hỏi ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam phải thay đổi tư duy và nâng cấp trên nhiều phương diện. Điều quan trọng hơn là chúng ta có dám đặt ra tham vọng và hành động tương xứng với tham vọng đó hay không.

Theo chuyên gia, hiện tại, chúng ta đã có những tín hiệu đáng mừng, như việc các concert trong nước ngày càng chuyên nghiệp hơn, lượng khán giả sẵn sàng chi trả cũng tăng lên.

Tuy nhiên, để đạt được doanh thu 31 triệu USD, ngành nghệ thuật biểu diễn cần một chiến lược dài hạn, không chỉ dựa vào vài đêm diễn đình đám mà còn phải xây dựng được một hệ sinh thái thực sự bền vững.

Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 8

Màn biểu diễn mãn nhãn của dàn nghệ sĩ "Anh trai vượt ngàn chông gai" (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Chuyên gia, đưa ra các giải pháp: Thứ nhất, chúng ta cần cải thiện hạ tầng tổ chức. Một show diễn thành công không chỉ nằm ở nghệ sĩ hay mà còn ở không gian trình diễn đủ đẳng cấp.

Sân khấu, âm thanh, ánh sáng tại Việt Nam dù đã tiến bộ nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế một cách đồng bộ. Nếu có thể nâng cấp, Việt Nam không chỉ giữ chân khán giả trong nước mà còn thu hút du khách quốc tế tham gia các sự kiện âm nhạc, mở ra một nguồn doanh thu mới.

Thứ 2, yếu tố con người là cốt lõi. Ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam cần thêm nhiều nhà tổ chức chuyên nghiệp, những người không chỉ giỏi trong việc sản xuất show mà còn có khả năng nhìn ra tiềm năng thương mại từ các chương trình. Đây không chỉ là câu chuyện của nghệ sĩ mà còn là việc đào tạo thế hệ kỹ thuật viên, đạo diễn sân khấu và các đội ngũ hậu cần với tư duy hiện đại và khả năng quản lý hiệu quả.

Thứ 3, chúng ta phải nghĩ đến việc đa dạng hóa nguồn thu. Không thể chỉ trông chờ vào bán vé, bởi giới hạn khán giả tham dự trực tiếp luôn tồn tại. Cách các đơn vị quốc tế đang làm là tối ưu hóa bản quyền phát sóng, phát triển nội dung độc quyền trên nền tảng số, khai thác sản phẩm lưu niệm và hợp tác thương hiệu. Đây đều là những điều mà chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng.

Và cuối cùng, cần có một chính sách hỗ trợ bài bản hơn từ phía nhà nước. Không phải là bao cấp, mà là tạo môi trường pháp lý và kinh tế thuận lợi để khuyến khích đầu tư vào ngành nghệ thuật biểu diễn.

Khi các doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng, họ sẽ không ngại rót vốn vào những chương trình chất lượng cao, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành. 

Anh trai bùng nổ ở miền Bắc và giấc mơ thu 31 triệu USD từ giải trí Việt - 9

Một tiết mục biểu diễn ấn tượng tại đêm nhạc "Anh trai vượt ngàn chông gai" diễn ra ở Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).