Mở cửa toàn bộ du lịch: Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh!
(Dân trí) - Quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch là cơ hội lớn để phát huy lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các thị trường lân cận đồng thời "cứu" doanh nghiệp trước nguy cơ phải đóng cửa, giải thể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3. Theo đó, du khách đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour như trong thời gian thí điểm mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng Covid-19.
Đặc biệt, về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), cũng sẽ xem xét việc khôi phục lại cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ như trước thời điểm có dịch.
Tận dụng mở cửa du lịch sớm để có lợi thế cạnh tranh
Chia sẻ với PV Dân trí, Tổng Giám đốc APT Travel Nguyễn Hồng Đài cho biết, đây là thông tin được mong chờ nhất với các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch. Hai năm qua, đại dịch đã khiến cho hoạt động của toàn ngành bị đình trệ, tê liệt, không có từ nào có thể diễn tả hết thiệt hại mà các đơn vị kinh doanh du lịch phải gánh chịu. Việc mong chờ thông tin mở cửa du lịch như "sa mạc đợi từng giọt nước".
"Chỉ có mở cửa toàn bộ mới có thể cứu được doanh nghiệp, cứu được người lao động. Đây là thời điểm thích hợp để mở cửa đón khách quốc tế. Bởi nếu không tranh thủ, tận dụng thời cơ, Việt Nam sẽ bỏ lỡ "mùa du lịch quốc tế 2022", ông Đài nói.
Giám đốc APT Travel phân tích, đặc trưng của ngành Du lịch là du khách thường có kế hoạch cho các chuyến đi sớm trước từ 3-6 tháng. Chúng ta kỳ vọng đón khách từ tháng 6 hoặc tháng 7 thì phải bắt đầu mở cửa từ tháng 3 để khách có thông tin, có sự chuẩn bị đặt chỗ, tìm hiểu về điểm đến.
Nếu không chuẩn bị sớm, du khách quốc tế có thể lựa chọn một quốc gia khác và như thế Việt Nam sẽ bỏ lỡ mất cơ hội.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cũng cho rằng, quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch là cơ hội lớn để phát huy lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các thị trường lân cận, đồng thời sẽ góp phần khôi phục ngành lưu trú, lữ hành và các tổ hợp du lịch khác.
Nếu còn chần chừ, chậm trễ sẽ bỏ lỡ cơ hội quảng bá miễn phí từ các cơ quan truyền thông quốc tế, tuột mất cơ hội đón khách so với các điểm đến cạnh tranh khác trong khu vực và ảnh hưởng đến tốc độ thời gian phục hồi.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp kỳ vọng "sự mở cửa sẽ ổn định, lâu dài" chứ không chỉ là "đóng mở chập chờn" như trong thời gian vừa qua.
Hiện nay nhiều quốc gia lân cận đã mở cửa trở lại như: Thái Lan, Singapore, Philippines...
Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi ngành du lịch chậm hơn một số quốc gia khác nên có thể học hỏi kinh nghiệm các điểm đến này để có phương án đón khách phù hợp.
Tuy nhiên, các phương án phải được tính toán đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu kích cầu, khôi phục ngành đồng thời rút ngắn giai đoạn phục hồi để du lịch bước vào các giai đoạn tăng trưởng trở lại.
Đừng mở cửa rồi lại đóng!
Đến thời điểm hiện tại, đại diện các doanh nghiệp đều cho biết họ đã sẵn sàng với các phương án đón khách quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, các thông tin về quy trình, thủ tục đón khách ra sao thì vẫn chưa đơn vị nào nắm được.
"Hiện APT Travel cũng đã có những đoàn khách đang muốn vào Việt Nam du lịch nhưng chúng tôi chưa biết là các điều kiện ngày xưa có áp dụng được vào hiện tại hay không, cần bổ sung những gì, mẫu đăng ký lấy ở đâu? Vì thế, dù thông tin mở cửa du lịch quốc tế là 15/3 nhưng hiện tại các doanh nghiệp vẫn đang rất… lúng túng", Tổng Giám đốc APT Travel Nguyễn Hồng Đài nói.
Bà Phương Anh, đại diện một doanh nghiệp du lịch có trụ sở ở Hà Nội cũng cho rằng, cần có kế hoạch mở cửa chi tiết, thống nhất từ các bộ ban ngành càng sớm càng tốt. Nếu không, "việc mở cửa sẽ vẫn chỉ là hình thức".
"Để đón khách du lịch vào Việt Nam, chính sách phải thông thoáng, tạo thuận lợi cho du khách. Bởi du lịch là nghỉ dưỡng, thư giãn nếu có quá nhiều thủ tục thì khách sẽ không mặn mà, họ sẽ chọn một địa điểm khác có thể không đẹp, hấp dẫn bằng Việt Nam nhưng mang lại trải nghiệm thoải mái.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tôi cho rằng, điều quan trọng là cần áp dụng các quy định phòng chống dịch thống nhất trên phạm vi toàn quốc, không để tình trạng mỗi địa phương ra một quy định làm khó du khách như vừa qua", bà Phương Anh nêu quan điểm.
Ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế thời điểm này, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, để tránh tình trạng "mở cửa du lịch rồi lại phải đóng", Việt Nam cần xây dựng các kịch bản cho các tình huống khác nhau.
Thực tế, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam vẫn rất cao và có tỷ lệ tăng sau Tết Nguyên đán. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo sau Omicron vẫn còn có thể có biến thể khác của virus với mức độ nguy hiểm chưa thể đánh giá. Đây là những thông tin cần thận trọng xem xét, có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho du khách.
Về lâu dài, các đơn vị du lịch, lữ hành cũng phải có các sản phẩm hấp dẫn, mới mẻ để giữ chân du khách, đủ sức cạnh tranh với các thị trường khác trong khu vực.
"Chúng ta luôn nói phải mở cửa ngay, mở cửa càng sớm càng tốt mới có lợi thế. Tuy nhiên, nếu mở toang cửa mà bùng dịch không kiểm soát được, rồi không có các sản phẩm tốt thì khách cũng không mặn mà. Lợi thế thuộc về thị trường có sản phẩm tốt, có phương án đón khách đảm bảo an toàn.
Nên nhớ, sau dịch xu hướng du lịch của khách cũng đã có nhiều thay đổi, nếu chúng ta không có sự nghiên cứu, thay đổi, vận động sẽ tự làm mất cơ hội của mình", ông Lương nhấn mạnh.