Khám phá bí ẩn về bộ tộc săn đầu người cuối cùng ở Malaysia
(Dân trí) - Murut là bộ tộc cuối cùng ở Malaysia tuyên bố ngưng tập tục săn đầu người. Tín ngưỡng văn hóa của Murut được tái hiện tại làng du lịch Mari Mari, khiến du khách thích thú.
Ẩn mình ở trung tâm Sabah, Borneo, làng văn hóa Mari Mari được thành lập tháng 2/2008. Nơi đây được coi là "bảo tàng sống" - nơi lưu giữ văn hóa và đời sống của 5 bộ tộc khác nhau trong cộng đồng Sabah: Bajau, Lundeyah, Rungus, Dusun và Murut.
Trong đó, Murut là bộ lạc cuối cùng ở Malaysia ngừng tục săn đầu người.
Tại làng văn hóa này, du khách có thể tìm hiểu về tục săn đầu người cũng như văn hóa truyền thống của người Murut. Cư dân Murut bản địa dựng lại nhà, tái hiện phong tục, mặc đồ truyền thống đón tiếp khách tham quan từ khắp thế giới.
Người Murut là nhóm bản địa lớn thứ ba tại Sabah, tập trung quanh Keningau, Tenom, Nabawan và dọc các khu vực sông Sapulut, Padas,...
Vào thời xưa, bộ lạc Murut có "truyền thống" săn đầu người.
Bắt nguồn từ nhiều lý do, người Murut tin rằng linh hồn của kẻ thù được chứa ở trong đầu, việc lấy đầu của kẻ thù được xem như một cách "hiến tế" cho các vị thần để cầu mong sự bảo vệ và ban phước cho bộ tộc, đồng thời là cách để khẳng định sức mạnh của những chiến binh. Tập tục này, người Murut thực hiện suốt nhiều thế kỷ, trước khi bị người Anh bãi bỏ vào thế kỷ 19.
Sau khi "săn" được đầu đối thủ, người Murut thường sẽ treo đầu trên cửa hoặc nơi nổi bật nhất trong nhà theo quan điểm của gia chủ.
Để được vào lãnh địa người Murut, du khách sẽ phải trả lời tộc trưởng những câu hỏi như tên gì, ở đâu, đi cùng ai,... Tập tục xưa cho rằng, nếu người lạ không trả lời được thì có thể bị chặt đầu.
Đi sâu hơn vào bên trong, du khách sẽ được trải nghiệm ngôi nhà dài truyền thống, kiểu nhà sàn, dài khoảng 30m rộng 10m với mái tranh cao, chia thành nhiều phòng nhỏ.
Các gia đình Murut cùng nhau chung sống và chia sẻ thức ăn, vật dụng sinh hoạt... Người Murut có kiến thức về thảo dược. Mỗi cộng đồng người Murut đều có một thầy thuốc thảo dược để chữa các bệnh như tiêu chảy, tiểu đường, cao huyết áp…
Là đại bản doanh của các bộ tộc ở đảo Borneo, làng văn hóa Mari Mari tái hiện lại hàng loạt những hoạt động truyền thống như: Chế tạo ống thổi, nấu rượu gạo, bắn cung tên, tạo lửa từ gỗ, làm bánh... Mỗi hoạt động đều gắn với bức tranh văn hóa phong phú của các bộ tộc ở Borneo khiến du khách thích thú.
Du khách tham gia trải nghiệm nấu rượu gạo và thổi cơm bằng ống tre.
Khi tới tham quan, du khách được đón tiếp bằng điệu múa Lasaran. Đây là "món quà tinh thần" của người Murut sau trận chiến săn đầu người, hình ảnh đàn ông mặc quần áo truyền thống, cầm khiên và giáo được hiểu là cách để người Murut thể hiện lòng dũng cảm và sức mạnh của họ.
Mỗi buổi biểu diễn văn hóa ở đây không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà còn là sự tôn vinh, thể hiện sự đa dạng về màu sắc truyền thống của dân tộc Murut cũng như sự đa dạng sắc tộc của cộng đồng Sabah.
Ngày nay không còn tục lệ săn đầu người nhưng hoạt động này trở thành một nét văn hóa của người Murut.
Trang phục truyền thống của người Murut dành cho nam là áo khoác bằng vỏ cây, khố màu đỏ cùng mũ đội đầu được trang trí bằng lông gà. Trang phục cho nữ là áo cánh không tay màu đen và xà rông dài tới đầu gối.
Được mệnh danh là "bảo tàng sống" giữa lòng Sabah, làng văn hóa Mari Mari đang được đông đảo du khách quốc tế ghé thăm bởi những hoạt động tái hiện chân thật tới từng chi tiết về văn hóa, lối sống của các bộ tộc trong cộng đồng Sabah.
Giá vé tham quan làng dân tộc Mari Mari là 100 Ringgit Malaysia (khoảng 550.000 đồng) cho người lớn, trẻ em dưới 4 tuổi được miễn phí. Thời gian mở cửa từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều hàng ngày.
Làng văn hóa Mari Mari cách thành phố Kota Kinabalu, bang Sabah, Malaysia khoảng 20 km.
Du khách Việt muốn tham gia trải nghiệm Làng văn hóa Mari Mari có thể di chuyển bằng cách: Bay từ Việt Nam sang thủ đô Kuala Lumpur rồi nối chuyến đến thành phố Kota Kinabalu, sau đó di chuyển tới làng bằng xe khách.
Làng văn hóa Mari Mari có khá nhiều nét tương đồng với các đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên Việt Nam như nhà gỗ, các điệu múa dân tộc,...