Khách Mỹ chi đậm khi du lịch Việt Nam: "Mỏ vàng" ai cũng thèm muốn
(Dân trí) - Khách Mỹ luôn được đánh giá là thị trường khiến các quốc gia đều muốn thu hút do khả năng chi tiêu cao gấp 2-3 lần. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là "mỏ vàng" mà Việt Nam còn bỏ ngỏ.
Du khách Mỹ: "Mỏ vàng" nước nào cũng muốn
Có người thân và bạn bè từng tới Việt Nam du lịch và kể lại những trải nghiệm rất thú vị khiến bà Carol Leong, du khách quốc tịch Mỹ và chồng rất háo hức. Hai vị khách quyết định đặt tour 25 ngày du lịch Việt Nam - Campuchia với giá gần 200 triệu đồng.
Hành trình của cặp đôi diễn ra hồi tháng 1 vừa qua, đi dọc theo chiều dài đất nước từ Hà Nội - Hạ Long - Ninh Bình - Sa Pa - Huế - Đà Nẵng - Hội An - TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ. Chặng cuối cùng tại Việt Nam kết thúc ở Châu Đốc.
Anh D.H.L., hướng dẫn viên du lịch ở TPHCM là người trực tiếp lên kế hoạch tỉ mỉ trong suốt 25 ngày cho vợ chồng vị khách Mỹ. Nam hướng dẫn tiết lộ, giống như nhiều du khách người Mỹ khác, vợ chồng ông bà Carol Leong chi tiêu rất thoáng.
"Cùng một hành trình với thời gian tương đương nhưng nếu so sánh với các nhóm khách khác trên thế giới, khách Mỹ thường rất thoáng tay. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra những yêu cầu riêng biệt đòi hỏi hướng dẫn viên hoặc người làm tour cần tinh ý. Nếu hài lòng với các dịch vụ, khách Mỹ sẽ chi tiêu không tiếc. Đây là tệp khách mà bất cứ đơn vị lữ hành hay hướng dẫn viên du lịch nào cũng đều muốn được đón tiếp", anh L. cho biết.
Theo đánh giá từ CNN, từ lâu nhóm khách Mỹ đã trở thành thị trường được thế giới săn đón với nhiều lý do. Một trong những yếu tố đến từ thu nhập. Mức lương trung bình của người Mỹ khoảng 70.000USD/năm (hơn 1,7 tỷ đồng), cao thứ 7 thế giới. Các chuyên gia du lịch nhận xét, thu nhập cao đồng nghĩa với việc tệp khách này sẵn lòng chi trả cho chuyến đi cao hơn.
Văn phòng Lữ hành và Du lịch Quốc gia của Mỹ (NTTO) cũng chỉ ra rằng, trước Covid-19, Mỹ là thị trường lớn thứ hai thế giới về chi tiêu và số lượt đi du lịch quốc tế, chỉ sau Trung Quốc.
Theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2022, khách Mỹ chi tiêu trung bình tại Việt Nam 1.710 USD (gần 45 triệu đồng), đứng thứ ba sau khách Philippines và Bỉ. Nhóm du khách này cũng có xu hướng du lịch dài ngày hơn và thường dẫn người thân đi cùng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, chuyên gia lĩnh vực du lịch sang trọng, nhận định Mỹ là thị trường mà tất cả các quốc gia đều muốn. Đặc biệt Việt Nam có nền văn hóa lịch sử gắn liền với quốc gia này.
"Khách Mỹ thường có đặc điểm hay đi du lịch dài ngày và kết hợp thăm nhiều quốc gia cùng một chuyến. So với nhóm khách khác khi tới Việt Nam, họ thường lưu trú lâu và có mức chi tiêu cao hơn. Ví dụ trung bình một khách nước ngoài chi tiêu cho chuyến đi cùng thời gian và hành trình tương đương ở Việt Nam khoảng 1.200USD (30 triệu đồng), thì khách Mỹ có thể chi tiêu gấp 2-3 lần.
Họ thường chọn ở những thành phố lớn, nghỉ dưỡng tại cơ sở lưu trú có thương hiệu với người Mỹ. Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của khách Mỹ tại khu vực châu Á", ông Phạm Hà cho biết.
Theo vị CEO này, rõ ràng đây là thị trường vô cùng tiềm năng khi Việt Nam hiện đã có đường bay thẳng tới Mỹ, mối quan hệ hai nước theo chiều hướng tốt lên. Tuy nhiên con số khách Mỹ tới Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế tới Việt Nam đạt 8,8 triệu lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhóm khách Mỹ đứng vị trí thứ 4 trong số lượng khách nước ngoài tới Việt Nam ở nửa đầu năm 2024, đạt 415.000 lượt. Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam, đạt 2,2 triệu lượt tương đương với 25,8%. Tiếp theo là nhóm khách Trung Quốc đại lục, khách Đài Loan (Trung Quốc).
Trong khi đó, theo Cục Du lịch Quốc gia, chỉ trong 10 năm liên tiếp trước dịch (2010-2019), số lượng khách Mỹ tới Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 trong Top 10 thị trường gửi khách lớn nhất.
Đánh giá về tiềm năng của dòng khách Mỹ, Đại diện Tập đoàn Paradise Vietnam, nhận định, dù luôn chiếm ở vị trí Top 4, 5 hoặc cao hơn trong các thị trường khách lớn của Việt Nam trong 10 năm liên tiếp (2010-2019), nhưng chưa bao giờ nhóm khách này vượt con số 1 triệu lượt.
"Con số này quá ít so với tiềm năng cũng như lượng khách Mỹ đi du lịch nước ngoài hàng năm", người này nhận định.
"Việt Nam nên ngừng đếm số lượng, quan trọng họ tiêu bao nhiêu?"
Tháng 6, anh Mark Wang (36 tuổi, đến từ Mỹ) vừa có chuyến trải nghiệm thú vị với bạn gái 2 ngày 1 đêm trên du thuyền ở Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là du thuyền Heritage Bình Chuẩn được thiết kế lấy cảm hứng từ di sản doanh nhân Bạch Thái Bưởi - người đã hạ thủy thành công tàu Bình Chuẩn - con tàu lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.
"Tôi ấn tượng với không gian trưng bày tranh độc bản của những họa sĩ Việt Nam trên du thuyền. Chúng tôi cũng được mặc trang phục áo dài truyền thống Việt, nghe đàn bầu, trải nghiệm làm nem khá thú vị... Cảm giác lênh đênh ngoài biển khơi, đón hoàng hôn trên biển giữa lòng di sản, nghe tiếng sóng vỗ rì rào, bình yên và rất thú vị. Các sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa như thế này sẽ thu hút được nhiều khách quốc tế đến Việt Nam", anh Mark Wang nói.
Vị khách người Mỹ tiết lộ, anh cùng bạn gái chi khoảng 35 triệu đồng trong 2 ngày du lịch trên du thuyền ở Quảng Ninh.
Trong khi đó, Sophie Mendel (29 tuổi, đến từ Mỹ) cũng cho biết, đến mỗi vùng đất, cô thích nhất là khám phá văn hóa của người bản địa. "Ở Việt Nam, khi lên Sa Pa (Lào Cai) tôi đã thử cấy lúa với bà con dân tộc; thử trải nghiệm đổ đèo bằng xe máy khi đến Hà Giang... Những trải nghiệm này cho tôi cảm giác rất ấn tượng, nhiều cảm xúc. Tôi như được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa", vị khách này nói.
Chuyên đón dòng khách có mức chi tiêu cao, CEO Phạm Hà nhận định, khách Mỹ cao cấp nói chung rất trân quý về giá trị văn hóa, di sản của mỗi quốc gia. Tới bất cứ đâu, họ luôn coi đây là điều muốn trải nghiệm đầu tiên.
Bên cạnh đó là yếu tố thiên nhiên, ẩm thực, khám phá cuộc sống con người tại các vùng đất. Khách Mỹ vốn là dòng khách thường ở lâu dài, có khả năng chi trả cao. Tệp khách này cũng đặt ra những yêu cầu, kỳ vọng cao khi lựa chọn thương hiệu, trải nghiệm phù hợp với gu của họ.
Khách Mỹ không thích đi nhiều như nhóm khách quốc tịch châu Âu. Ví dụ như khách Pháp khi du lịch thường muốn có lịch trình khám phá dày kín cả ngày, thì khách Mỹ chỉ muốn nửa ngày đi chơi, phần còn lại thời gian sẽ dành nghỉ dưỡng ở khách sạn để khám phá.
Đơn cử 15 ngày ở Việt Nam, họ chỉ dành ra nửa thời gian để đi tour, còn lại sẽ để nghỉ ngơi. Họ muốn trải nghiệm ẩm thực văn hóa, khám phá câu chuyện của vùng đất mới một cách chậm rãi, trọn vẹn nhất, thay vì phải đếm "thành tích" đi nhiều nơi nhất có thể.
Theo ghi nhận của Paradise Vietnam, từ đầu năm tới hết tháng 6/2024, đơn vị này đón tiếp và phục vụ gần 10.000 lượt khách quốc tịch Mỹ.
Vị đại diện này đánh giá, tệp khách này đặc biệt chú trọng đến lịch trình du thuyền, các điểm đến thắng cảnh tự nhiên và trải nghiệm văn hóa. Ngoài tour du thuyền Hạ Long và Lan Hạ, họ cũng quan tâm đến các tour tại các điểm đến thiên nhiên lân cận như Ninh Bình, Sa Pa (Lào Cai) hoặc các thành phố biển Nam Trung Bộ như Đà Nẵng, Nha Trang.
"Khách Mỹ thường sẵn lòng chi trả dịch vụ ngay lập tức thay vì dành thời gian so sánh và đàm phán giá dịch vụ dù chi phí tour 2 ngày một đêm trên du thuyền 5 sao ở vịnh Hạ Long hay Lan Hạ dao động trong khoảng từ 263 USD đến 615 USD (6,6 triệu đồng - 15,6 triệu đồng) tùy hạng phòng", đại diện Paradise Vietnam nói.
Trước vấn đề "nếu một khách chi tiêu bằng 10 khách", CEO Phạm Hà chia sẻ, Việt Nam nên ngừng đếm đầu khách, cần tính xem khách chi tiêu bao nhiêu và chắt lọc chất lượng hơn là số lượng.
"Nhiều chuyên gia và các đơn vị lữ hành đều nhìn nhận đánh giá, số lượng khách Mỹ tới Việt Nam chưa cao. Nhưng rõ ràng đây là dòng khách tiềm năng và chi tiêu mạnh tay. Bởi vậy, chúng ta nên có giải pháp để thu hút và đón đầu. Thà đón một khách chi tiêu cao, còn hơn đón 10 khách đi du lịch giá rẻ", ông Hà đưa ra quan điểm.
Với nhóm khách có chất lượng như thị trường Mỹ, nhiều chuyên gia nêu quan điểm, Việt Nam nên có những chiến lược cụ thể. Hàng không, lữ hành, khách sạn, các nhà quản lý điểm đến từ trung ương tới địa phương đều cần đưa ra kế hoạch rõ nét để thu hút.
Theo ông Phạm Hà, hiện các nước trong khu vực cạnh tranh nhau bằng chính sách visa (thị thực). Ví dụ, Indonesia hiện miễn visa 79 nước, Việt Nam cũng nên có chiến thuật hút khách bằng visa tương tự.
Với thị trường lớn như Mỹ hay Canada, nhiều chuyên gia và đơn vị lữ hành đã đưa ra đề xuất, bày tỏ mong muốn miễn visa tệp khách này.
Có lợi thế đường bay thẳng, lại được miễn visa, khách chỉ cần đặt vé là lên đường. Chính sách visa thông thoáng, sản phẩm phù hợp, có chất lượng nguồn nhân lực cao, định vị tốt thương hiệu du lịch quốc gia, tạo ra các chủ điểm chạm tới cảm xúc hơn thu hút khách bằng phim ảnh, đều là những chiến lược khả thi.
Ngoài ra, có thể xây dựng đổi mới sản phẩm, hướng tới chủ đề mà khách Mỹ thích như du lịch thiên nhiên, văn hóa, bảo tàng, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương, thăm chiến trường xưa, chăm sóc sức khỏe.
"Khách Mỹ chắc chắn là tệp khách mà Việt Nam cần ưu tiên số một trong thời gian tới. Cơ quan quản lý về du lịch nên tăng cường xúc tiến thị trường du lịch Mỹ thông qua việc mở các văn phòng đại diện, xúc tiến của Việt Nam tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ đồng thời tạo điều kiện để các công ty du lịch, công ty quản lý điểm đến thường xuyên tham gia các hội chợ du lịch thường niên ở Mỹ như: New York Times Travel Show, Seatrade Cruise Global.
Chúng ta cần làm bài bản, có hệ thống hơn và cần bàn tay của nhạc trưởng chỉ huy mới phát huy được hết tiềm năng du lịch Việt", một đại diện đơn vị lữ hành đưa ra ý kiến.