20 năm trước Việt Nam trông thế nào trong mắt của du khách Tây?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Năm 2004, Richard Seaman, du khách người New Zealand có chuyến đi lần đầu tới thăm Việt Nam và đã ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong suốt hành trình.

Sau khi chuyển từ quê nhà New Zealand tới Mỹ vào năm 1997 để sinh sống, Richard Seaman dành thời gian ở tại một số thành phố từ San Diego, Washington DC, Chicago, Las Vegas, Los Angeles tới New York.

Với niềm đam mê du lịch mãnh liệt, vị khách người New Zealand tiếp tục dành thời gian khám phá thế giới một mình.

Anh đã đặt chân tới nhiều vùng đất như Brunei, Campuchia, Canada, Costa Rica, Cộng hòa Séc, Ai Cập, Fiji, Guatemala, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Philippines và cả Việt Nam.

20 năm trước Việt Nam trông thế nào trong mắt của du khách Tây? - 1

Chùa Trấn Quốc năm 2004 (Ảnh: Richard).

Lần đầu tiên tới "đất nước hình chữ S" vào năm 2004, anh nhận định đây là một quốc gia "đáng mến và con người hiếu khách". Do thời gian không có nhiều nên anh quyết định làm chuyến đi xuyên Việt theo cách nhanh nhất.

Ban đầu, anh đáp máy bay xuống Hà Nội rồi tiếp tục hành trình tới Đà Nẵng, Cam Ranh rồi đi xe tới TPHCM. Đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Richard trước khi đi chuyến bay quay lại Mỹ.

20 năm trước Việt Nam trông thế nào trong mắt của du khách Tây? - 2

Xe chở gà vịt trên đường phố Hà Nội (Ảnh: Richard).

Tới Hà Nội vào tháng 12/2004 nên vị khách New Zealand thấy không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi. Anh dành thời gian tới thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến bảo tàng quân đội và bảo tàng không quân ở Hà Nội. Một địa điểm khác khiến Richard cũng rất thích trong chuyến đi đó là nhà tù Hỏa Lò nằm tại con phố cùng tên.

So với thời điểm 20 năm trước, hiện tại nhà tù Hỏa Lò vẫn tiếp tục là điểm đến "ghi điểm" trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước.

Điểm đến tự làm mới bằng cách kể lại những câu chuyện lịch sử qua ảnh và thông tin cô đọng, giúp khách có trải nghiệm ấn tượng.

Vài năm trở lại đây, nơi này thu hút lượng lớn khách tham quan, mỗi ngày lên tới 2.000 khách và tăng cao vào dịp lễ Tết. Nổi bật nhất có tour "Đêm thiêng liêng" tái hiện những câu chuyện ý nghĩa của khoảnh khắc lịch sử.

Chưa từng đặt chân tới Hà Nội nên ban đầu Richard thừa nhận "không dám mong đợi gì nhiều". Nhưng sau chuyến đi anh mới nhận ra đây là "thành phố yêu thích nhất tại Việt Nam". Có rất nhiều điểm tham quan muốn tới khiến anh bận rộn suốt 3, 4 ngày.

20 năm trước Việt Nam trông thế nào trong mắt của du khách Tây? - 3

Cảnh đẹp tự nhiên trên vịnh Hạ Long (Ảnh: Richard).

Rời xa sự ồn ào ở khu trung tâm, Richard tiếp tục tới Hồ Tây và đến thăm chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ và đẹp nhất tại thủ đô. Vị khách người New Zealand cũng dành thời gian tìm hiểu về điểm đến tâm linh này.

Giống như nhiều khu chợ dân sinh ở châu Á, anh cho rằng nên tới chợ ở Hà Nội để tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa. Rất nhiều sạp hàng bán thực phẩm tươi sống, từ cá, ếch tươi cho tới các loại trái cây nhiệt đới khiến vị khách nước ngoài "hoa mắt". Anh cũng dành thời gian tới phố cổ, nơi những tuyến phố đặt tên theo sản phẩm đặc trưng được bày bán.

"Điểm tham quan thú vị nhất ở Hà Nội có lẽ là Văn Miếu Quốc Tử Giám, thành lập năm 1070. Tới năm 1076, nơi đây trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam. Rất nhiều khách nước ngoài muốn tới đây để tìm hiểu văn hóa, lịch sử", anh chia sẻ thông tin.

20 năm trước Việt Nam trông thế nào trong mắt của du khách Tây? - 4
Richard ghi lại hình ảnh khi tới Huế.

Thời điểm Richard đến Hà Nội là năm 2004 nên lúc này các tuyến phố ở thủ đô đều có sự xuất hiện của xe máy là phương tiện phổ biến nhất. Anh ngắm nhìn dòng người qua lại tấp nập.

Rời Hà Nội, anh tới vịnh Hạ Long, điểm đến được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Cát Bà là một trong những đảo lớn nhất. Phần lớn diện tích tại đây là vườn quốc gia với hệ sinh thái động thực vật phong phú. Anh cũng dành một đêm ở lại trên thuyền.

20 năm trước Việt Nam trông thế nào trong mắt của du khách Tây? - 5
Phố cổ Hội An vào năm 2004.

Sau đó, hành trình tiếp tục tới Huế, Hội An, Cam Ranh, Đà Lạt và điểm đến cuối cùng của anh ở vườn quốc gia Cát Tiên. Kết thúc chuyến đi, anh quay trở lại Mỹ.  

Ảnh: Richard Seaman