(Dân trí) - Với Nguyễn Thanh Tuấn Anh, 48 ngày xuyên Việt từ Nam ra Bắc, không chỉ là hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước mà còn là cơ hội rèn luyện, vượt qua giới hạn bản thân, đặc biệt lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.
Hành trình xuyên Việt trong 48 ngày của thầy giáo Sài Gòn với 500 nghìn đồng
Nguyễn Thanh Tuấn Anh (29 tuổi), quê Bến Tre là một Giảng viên Giáo dục Thể chất. Đam mê yêu thích du lịch mạo hiểm và các hoạt động cộng đồng, Tuấn Anh ấp ủ, lên kế hoạch thực hiện chuyến xuyên Việt từ Nam ra Bắc.
Với Tuấn Anh, chuyến đi không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của tuổi trẻ, mà còn là cơ hội để rèn luyện, vượt qua giới hạn bản thân, kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp
“Mục tiêu của chuyến đi mà nhóm hướng đến là kêu gọi bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên trong lành. Chúng tôi muốn, chuyến đi của mình cũng sẽ là nguồn cảm hứng để nâng cao việc luyện tập thể dục, thể thao cũng như lối sống tích cực trong cộng đồng”, Tuấn Anh nói.
Hành trình 48 ngày xuyên Việt
Chuyến đi được Tuấn Anh thực hiện trong 48 ngày từ ngày 24/6 đến ngày 31/8, cùng hai học trò là Nguyễn Công Trình (21 tuổi) quê Nam Định và Nguyễn Hùng Anh (20 tuổi) quê Bình Thuận.
Trong hành trình xuyên Việt, nhóm chia làm 2 chặng nhỏ: đi bộ từ Sài Gòn ra Hà Nội và đạp xe từ Hà Nội đến Lào Cai với tổng quãng đường khoảng 2.200 km. Tại điểm cuối Sa Pa (Lào Cai) nhóm còn tiếp tục thực hiện hành trình leo Fansipan trong 2 ngày 1 đêm.
Trước chuyến đi khoảng 1,5 tháng, cả nhóm dành thời gian rèn luyện thể lực, tập tư duy tích cực. Mỗi ngày các thành viên dậy từ 5 giờ sáng, tập đi bộ với quãng đường tăng dần từ 5-10 km, trên vai vác ba lô nặng 13 kg. Khi đã cảm thấy sức khỏe ổn định, nhóm kiểm tra trước hành trình bằng chuyến đi bộ từ Tp. HCM về Tp. Bến Tre 100km và ấn định thời gian khởi hành.
7 giờ sáng ngày 24.6, Tuấn Anh cùng hai học trò xuất phát từ Thủ Đức, bắt đầu hành trình đi bộ Xuyên Việt từ Nam ra Bắc. Tổng số tiền cả nhóm mang theo chỉ 500 nghìn đồng cho mỗi người. Trong chuyến đi, cả đội được người dân giúp đỡ từ bữa ăn cho tới giấc ngủ.
Theo Tuấn Anh, 80% số ngày rong ruổi, ba thầy trò ngủ tại nhà dân, 20% số ngày là ngủ lại các trung tâm huấn luyện thể thao của các huyện, tỉnh và hoàn toàn không mất chi phí nhà nghỉ. Đây đều là những sự giúp đỡ mà thầy giáo trẻ không ngờ tới trước khi bắt đầu chuyến đi này.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu cuộc sống của người dân các vùng miền, rèn luyện bản thân về cảm xúc, kỹ năng sống và đặc biệt muốn chứng minh về những giá trị tốt đẹp, về tình người trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều, đi tới đâu thì hoà nhập và sinh tồn tới đó. Đây cũng chính là lý do mà nhóm quyết định không mang nhiều nhiều tiền trong chuyến đi”, Tuấn Anh giải thích.
Mỗi ngày, Tuấn Anh và các học trò đi bộ với quãng đường trung bình khoảng 40 km. Ngày kỷ lục nhất, nhóm đi bộ được 100 km khi đi xuyên qua địa phận tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Thử thách nhất theo Tuấn Anh là thời tiết. Trời tháng 5, tháng 6, nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 40 độ, bỏng rát như tạt lửa vào người. Đặc biệt, khi qua địa phận các tỉnh miền Trung, thời tiết thay đổi liên tục, có lúc đang nắng, trời chuyển mưa rào, giông bão bất chợt, rất khắc nghiệt. Cả đoàn phải trang bị áo, mũ để tránh bị bỏng nắng. Trong quá trình di chuyển, các thành viên cũng luôn rèn tư duy tích cực để không nản lòng.
“Đi bộ quãng đường dài, dưới thời tiết khắc nghiệt, không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, chân rã rời nhưng chưa có lúc nào các thành viên trong đoàn muốn bỏ cuộc. Mỗi ngày, chúng tôi đều đặt ra mục tiêu và hoàn thành. Nhiều lúc, nhóm phải đi bộ xuyên đêm, hay dầm mưa dưới trời giông bão để cán đích đúng thời gian”, Tuấn Anh kể.
Cung đường để lại nhiều ấn tượng nhất cho các thành viên trong đoàn là chặng đạp xe từ Hà Nội lên Lào Cai. Vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của Tây Bắc khiến cả nhóm đều cảm thấy choáng ngợp.
“Là người miền Nam, lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái se lạnh, bảng lảng sương sớm của Tây Bắc, được tận mắt thấy những ruộng bậc thang trải dài đến chân trời hay sự hùng vĩ của những dãy núi tai mèo. Cảm giác vừa tự hào về cảnh đẹp Việt Nam, vừa thấy yêu hơn con người, đất nước mình”, Tuấn Anh bộc bạch.
Thời điểm cả nhóm leo Fansipan đúng lúc cơn bão đang đổ bộ vào miền Bắc, mưa giông như trút nước, nhiều đoạn nước ngập sâu, chảy rất siết, trơn trượt. Kế hoạch đã đề ra, Tuấn Anh và các thành viên còn lại trong đoàn vẫn quyết tâm thực hiện bằng được.
Nhóm chọn cung đường chinh phục Fansipan theo hướng bản Cát Cát, đi xuyên rừng với những con đường mòn, dốc thẳng đứng. Đây được xem là cung đường khó khăn nhất, chỉ những người đủ kinh nghiệm, sức khỏe và kỹ năng leo núi mới chọn chinh phục để leo Fansipan.
“Nhiệt độ ban đêm tại Sa Pa xuống còn 4-7 độ C, chúng tôi phải liên tục vận động để tránh bị sốc nhiệt. Ngoài ra, khó nhất là trời mưa bão, đường rất trơn, có những đoạn phải bò bằng chân để tránh ngã. Nhưng may mắn, cuối cùng cả đoàn vẫn cán đích thành công thậm chí còn về sớm hơn 1 ngay so với thời gian dự định”, Tuấn Anh kể.
Những câu chuyện xúc động về tình người
Trong 48 ngày xuyên Việt, ngoài khó khăn về thời tiết, may mắn là đi đến đâu Tuấn Anh và các học trò cũng đều được người dân địa phương giúp đỡ, cho ngủ nhờ. Mỗi bước chân đi qua, mỗi tỉnh thành đặt chân đến đều để lại những kỷ niệm đẹp về tình người, sự sẻ chia cho các thành viên trong đoàn.
Tuấn Anh xúc động kể, có nhiều người dân thấy nhóm đi bộ, hiểu được mục đích, ý nghĩa của chuyến đi đã mời cơm, nước rồi động viên tinh thần. Có gia đình còn tin tưởng giao chìa khóa ngôi nhà với tài sản lớn cho đoàn nghỉ qua đêm. Hay một số tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Nội… người dân còn tham gia nhặt rác, cùng các thành viên trong đoàn hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường.
“Có lần đi bộ qua địa phận tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai), một chú thương binh khi thấy bọn mình mặc áo cờ đỏ, sao vàng đi bộ thì hô to: “Đi bộ xuyên Việt hả tụi con? Tốt đó, Áo có cờ Việt Nam đẹp đó! Thanh niên phải như vậy”. Rồi chú mời cả nhóm vào uống nước, ngỏ ý tặng cho mọi người 500 nghìn đồng, dù hoàn cảnh của chú mình đoán cũng không dư dả gì. Tình cảm chân thành và tấm lòng của chú khiến bọn mình thực sự xúc động.
Một lần khác, khi đi bộ tại địa phận tỉnh Khánh Hòa, thời tiết nắng gắt lên tới 40 độ C, cả nhóm đã thấm mệt nên quyết định ghé vào một khu chợ để mua một nải chuối. Thấy 3 người chúng mình đi xuyên Việt, người dân ở chợ xúm lại hỏi thăm rất đông, khi biết mục đích của chuyến đi, mọi người đều rất ủng hộ. Các cô bác không những cho đoàn nước uống , hoa quả, đồ ăn mà còn nán lại nghe chia sẻ về tác hại của rác thải. Họ bày tỏ sự quan tâm và hưởng ứng đối với lời kêu gọi bảo vệ môi trường của cả đoàn.
Đặc biệt, một nhiếp ảnh gia người Hà Nội mà nhóm vô tình gặp tại Quảng Trị đã nhiệt tình đón các thành viên trong đoàn khi trở ra Hà Nội.
Anh đã chụp cho chúng tôi những bức ảnh lưu niệm đầu tiên khi đến Hà Nội, trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, tượng đài vua Quang Trung, dẫn chúng tôi đi khám phá các điểm văn hóa, lịch sử và kết nối với nhiều người bạn Hà Nội tốt bụng khác”, Tuấn Anh kể.
Theo Tuấn Anh, thành công lớn nhất của chuyến đi không chỉ là đạt được mục tiêu đề ra, mà còn giúp các thành viên trong đoàn trưởng thành hơn, có thêm nhiều trải nghiệm quý giá, đặc biệt thêm tin tưởng vào những giá trị sống tốt đẹp trong xã hội. Rất nhiều người từ cô chở nước đá, người bán hàng rong, anh lái taxi, hay đến những người nông dân, công nhân, cán bộ địa phương… đều nhiệt thành giúp đỡ, dành cho đoàn những tình cảm chân thành như gia đình thân thiết.
“Tôi là dân miền Tây. Khi ở trong Nam, tôi hay được cảnh báo rằng ra miền Trung miền Bắc sẽ ít được quan tâm hay sẽ gặp một số vấn đề. Nhưng có đi mới biết, chính người dân nơi đây lại giúp đỡ ba thầy trò nhiều nhất, để lại cho chúng tôi nhiều bài học về tình người, sự cho đi và nhận lại. Chính nhờ sự yêu thương, giúp đỡ của mọi người mà cả đội mới hoàn thành mục tiêu tốt và an toàn. Tình cảm giữa người với người, sự gắn kết của người dân Bắc – Trung – Nam thật trân quý vô cùng”, Tuấn Anh xúc động nói.
Trong chuyến đi, dù không đứng ra gây quỹ nhưng nhiều người dân và một số chủ doanh nghiệp các tỉnh thành vẫn hỗ trợ gởi tặng chi phí đi đường cho đội với tổng số tiền lên tới 40 triệu đồng. Tuấn Anh dự định sẽ trao tặng 100% số tiền này cho Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ đức – nơi trước kia anh từng giảng dạy, gắn bó.
Hà Trang