PhotoStory

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Trong những năm 1760-1786, Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa Tượng Sơn, mở phòng mạch chữa bệnh cho người dân. Cũng tại đây, ông đã hoàn thành các công trình y học xuất sắc.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 1

Chùa Tượng Sơn thuộc xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa nằm hướng mặt ra sông Ngàn Phố, khá tách biệt với khu dân cư, tạo nên vẻ u tịch và trang nghiêm.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 2

Khuôn viên chùa Tượng Sơn có diện tích 1,5ha. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII, do Đặng Phùng Hầu (vợ của Tạ hiểu điểm Tham đốc quận công Bùi Tướng Công), là bà ngoại của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nêu ý tưởng xây dựng. Sau đó, con gái của bà là Bùi Thị Thưởng, vợ của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập chùa.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 3

Chùa được xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hai anh em Lê Hữu Trác và Lê Hữu Tán, với mục đích dưỡng tâm thờ Phật và thờ phụng tổ hai họ Bùi và Lê Hữu.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 4

Theo nội dung văn bia tại chùa, trong những năm 1760-1786, Hải Thượng Lãn Ông đã dành phần lớn thời gian lưu lại chùa, mở phòng mạch chữa bệnh cho người dân. Tại đây, ông cũng hoàn thành các tác phẩm: Y tông tâm lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển), Y trung quan kiện (1780), Y hải cầu nguyên (1782), Thượng kinh ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786) và các tác phẩm khác.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 5

Kiến trúc chùa ban đầu theo hình chữ Nhất. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Lê Hữu Ân, pháp danh Thích Phổ Quang, làm lại chùa thượng, sửa chùa hạ, dựng gác chuông tám mái, đúc đại hồng chung khắc chữ "Tượng Sơn tự chung".

Năm Tự Đức 23 (1870), thiền sư Thích Quảng Vận kiến thiết nhà tổ, làm nhà khách, xây đền lập vườn cây ăn quả. Đầu thế kỷ XX, thiền sư Thích Nhuận Du quy tập, xây cất vườn tháp. Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận chùa Tượng Sơn là di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2010, Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đầu tư tôn tạo chùa Tượng Sơn và hoàn thành vào năm 2013. Hiện nay, quần thể chùa Tượng Sơn có ba tòa.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 6

Tòa Thượng chính điện thờ Phật Thích Ca, bên tả thờ ông bà Tham đốc Quận công (ông bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác) và bà Bùi Thị Thưởng (thân mẫu của Đại danh y), bên hữu thờ tổ tiên họ Lê Hữu.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 7

Chiếc chuông cổ lưu giữ trong chùa có niên đại từ thời nhà Nguyễn.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 8

Góc trái vườn chùa có bảy am mộ của các nhà sư trụ trì viên tịch tại đây.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 9

Dịp Xuân Quý Mão 2023, chùa Tượng Sơn được trang hoàng đẹp mắt. Tại đây diễn ra những buổi lễ cầu an, cầu sức khỏe từ ngày mùng 1 đến ngày 13/1 Âm lịch.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 10
Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 11

Trong những ngày đầu năm mới, chùa Tượng Sơn cổ kính và linh thiêng đón hàng nghìn lượt khách, Phật tử và người dân trong vùng đến tham quan, chiêm bái, khấn nguyện.

Chuyện ít biết về ngôi chùa gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - 12

Vượt 20km, nhóm bạn trẻ từ huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đến chùa Tượng Sơn du xuân, thắp hương khấn nguyện và chụp hình check-in.