5 điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội cho khách du xuân dịp đầu năm

Khải Anh

(Dân trí) - Sở hữu khung cảnh thanh tịnh, trong lành, những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng gần Hà Nội như chùa Tam Chúc, chùa Yên Tử, chùa Bái Đính,… luôn hút khách tới cầu may, cầu bình an dịp đầu năm.

Chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 60km, Tam Chúc là một quần thể danh thắng tâm linh rộng lớn (tọa lạc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), trong đó có chùa Tam Chúc được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Khu du lịch tâm linh này có tổng diện tích gần 5.000 ha, gồm hồ nước rộng 1.000 ha, núi rừng tự nhiên 3.000 ha, các thung lũng 1.000 ha.

Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nơi đây lại trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương tới du xuân và đi lễ đầu năm.

5 điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội cho khách du xuân dịp đầu năm - 1

Cách Hà Nội 1,5 tiếng lái xe, khu du lịch Tam Chúc là chốn du xuân lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng bầu không gian thanh tịnh, bình yên, tạm rời xa phố xá ồn ào (Ảnh: Tố Linh).

Chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục như cổng Tam Quan, Vườn cột kinh, điện Quan Âm, Điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và Tháp Ngọc. Chùa nằm ở phía tây và nhìn ra hồ Tam Chúc (hồ Lục Nhạc) - nơi được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn".

Vãn cảnh chùa đầu năm, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng ba báu vật ở đây. Một là cây bồ đề (nằm trong khuôn viên điện Tam Thế), được chiết từ "Cây Bồ đề Vĩ Đại Cát Tường" ở thánh tích Mahamegha, Sri Lanka. Hai báu vật còn lại là Thiên thạch Mặt trăng và Vạc Đồng.

Chùa Hương (Hà Nội)

Chùa Hương (thuộc khu di tích Hương Sơn) nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía nam.

5 điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội cho khách du xuân dịp đầu năm - 2

Hàng năm, cứ dịp Tết đến xuân về, hàng nghìn Phật tử và du khách lại nô nức về chùa Hương trẩy hội (Ảnh: Toàn Vũ).

Năm nay, lễ khai hội chùa Hương được tổ chức vào ngày 27/1/2023 (mùng 6 tháng giêng) tại chùa Thiên Trù, sau 2 năm dừng do đại dịch Covid-19. Đây cũng là lễ hội có quy mô và thời gian tổ chức dài nhất miền Bắc, từ đầu tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Ý nghĩa của lễ hội chùa Hương nằm trọn vẹn trong phần lễ, thể hiện cho tín ngưỡng thờ cúng Phật giáo với hành trình hành hương về đất Phật. Trong khi đó, phần hội lại cho thấy sự kết nối, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, thể hiện khát vọng của con người với những giá trị chân - thiện - mỹ.

Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)

Nằm cách Hà Nội khoảng 130km, chùa Yên Tử (tọa lạc ở thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) từ lâu đã trở thành địa điểm du xuân hút khách tới vãn cảnh, cầu may dịp đầu năm.

Chùa Yên Tử được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn làm chốn tu hành sau khi truyền ngôi và thành lập ra phái Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (một dòng Phật giáo đặc trưng ở Việt Nam). Bởi vậy, du khách tới đây không chỉ được tận hưởng không gian thanh tịnh, an yên hay làm lễ cầu may, cầu bình an mà còn có cơ hội tìm hiểu tinh hoa văn hóa Phật giáo lâu đời của nước ta.

5 điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội cho khách du xuân dịp đầu năm - 3

Yên Tử là điểm hành hương nổi tiếng được hàng triệu người Việt yêu thích mỗi độ Tết đến xuân về (Ảnh: Huyền Đoàn).

Sau hành trình leo núi chinh phục ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 1.068m, chiêm ngưỡng những ngọn tháp ẩn nấp bên con suối, rừng cây, du khách không khỏi ngỡ ngàng với kiến trúc vô cùng độc đáo nơi đây. Chùa mang đậm kiến trúc Phật giáo với cổng tam quan hai tầng tám mái đứng. Mái chùa được lợp ngói vảy uốn cong hình đầu đao, hướng thẳng lên trời.

Hàng năm, lễ hội chùa Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 9 tháng Giêng và kéo dài đến hết 3 tháng mùa xuân của năm. Du khách đến với Yên Tử không chỉ du xuân thưởng ngoạn mà còn thực hiện cuộc hành hương về đất Phật.

Khu di tích đền Trần (Nam Định)

Nhắc đến địa điểm du xuân gần Hà Nội, du khách không thể bỏ qua khu di tích đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định. Đây là nơi thờ anh hùng Trần Hưng Đạo và 14 vị vua nhà Trần cùng các quan có công với triều đại.

Khu di tích đền Trần gồm 3 công trình lớn là đền Thượng (đền Thiên Trường), đền Hạ (đền Cố Trạch) và đền Trùng Hoa. Bên ngoài là cổng ngũ môn có khắc chữ Hán.

Mỗi đền phía trong sẽ có 5 gian tòa tiền đường, 5 gian tòa trung đường và 3 gian tòa chính tẩm. Giữa tiền đường và trung đường là 2 gian tả hữu và thiên hương.

5 điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội cho khách du xuân dịp đầu năm - 4

Khung cảnh thanh tịnh ở đền Trần (Ảnh: Thanh Bùi).

Hàng năm, tại đây cũng tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra vào giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, thu hút rất đông người tham gia.

Du khách thường về đây để tri ân công lao của các vị vua thời Trần cũng như làm lễ bái để cầu tài, cầu lộc. Đặc biệt trong lễ khai ấn, ai cũng mong muốn xin được lá ấn để tài lộc sung túc, phát đạt cho cả năm.

Chùa Bái Đính (Ninh Bình)

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa chiền nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viên, cách thành phố Ninh Bình 12km và cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 100km.

Đây là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, chào đón hàng vạn phật tử về hành hương mỗi năm. Chùa mở cửa hàng ngày đến 21h. Vào mùa lễ hội, chùa đón khách tham quan 24/24h.

5 điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội cho khách du xuân dịp đầu năm - 5

Chùa Bái Đính là một danh thắng tâm linh nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Bái Đính - Tràng An với bề dày lịch sử hơn 1000 năm tuổi, gắn với vùng đất của nhiều triều đại phong kiến từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê đến nhà Lý (Ảnh: Hồng Nguyễn).

Ghé thăm chùa Bái Đính dịp đầu năm, ngoài dâng lễ cầu may, cầu tài lộc, du khách còn để chiêm ngưỡng, ngắm cảnh chùa, chứng kiến 9 kỉ lục được ghi nhận ở đây.

Hàng năm, lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ chiều mùng 1 tết, khai mạc hội chính ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3 hàng năm. Đây cũng là lễ hội mở đầu cho những sự kiện hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm