Cảnh hài hước khi chơi trò "bịt mắt bắt lợn" ở Sơn La
(Dân trí) - Ngày Hội Hoa sơn tra diễn ra tại xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) là dịp để du khách giao lưu văn hóa, trải nghiệm các trò chơi dân gian trong đó có trò chơi "Bịt mắt bắt lợn".
Sáng 10/3, tấp nập du khách di chuyển vào bản Nậm Nghẹp (Nậm Nghiệp), xã Ngọc Chiến - nơi diễn ra Lễ hội Hoa sơn tra để được hòa vào không gian văn hóa độc đáo các dân tộc Thái, Mông…
Trò chơi "Bịt mắt bắt lợn" mang lại tiếng cười sảng khoái cho người dân địa phương và du khách.
Đây là trò chơi có từ lâu đời của người Thái. Theo luật chơi, mỗi đội gồm 2 thành viên, tham gia bắt lợn tại khoảng sân rộng 25m2 được ban tổ chức rào chắn xung quanh từ trước.
Người chơi tham gia trò chơi phải bịt mắt. Nội dung thi đấu không chỉ phụ thuộc vào may mắn, mà còn đòi hỏi người chơi phải có thể lực tốt, nhanh nhẹn và phản xạ tốt mới có thể bắt được lợn. Người chơi nào bắt được lợn trước là người chiến thắng.
Những người dân, du khách đến xem hội không chỉ tham gia cổ vũ mà còn nhiệt tình trợ giúp người chơi định hướng vị trí của chú lợn trong sân.
Tuy nhiên, những con lợn mán, lợn rừng chạy rất nhanh nên gây không ít khó khăn cho người chơi. Cố gắng bắt lợn, nhưng nhiều khi, người chơi lại vô tình va phải nhau. Điều này khiến cho trò chơi trở nên thú vị, kịch tính và nhiều tiếng cười.
Ngày Hội Hoa sơn tra cũng là dịp để bà con các dân tộc đến gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết, gắn bó với nhau. Không khí sôi động không chỉ cuốn hút bước chân du khách gần xa, mà còn thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn về tham dự.
Giàng Thị Dê (váy đỏ, 17 tuổi) và Vàng Thị Xông (18 tuổi) dân tộc Mông rạng rỡ trong ngày hội. Hai em cho biết, đây là năm đầu tiên họ tham gia dự lễ hội và cảm thấy rất vui, tự hào khi sự kiện là nhịp cầu nối để du khách mọi nơi biết đến quê hương của mình.
Những cô gái Thái, Mông… trong trang phục đặc trưng tham gia lễ hội.
Du khách đến với Ngày Hội Hoa sơn tra còn được chiêm ngưỡng những điệu nhảy, điệu múa cùng những bài khèn Mông âm điệu một thời vang vọng núi rừng Tây Bắc, góp phần tô thêm nét văn hóa độc đáo của người nông dân gắn với cây sơn tra, tạo nên sự náo nhiệt của ngày hội.
Ngày hội hoa sơn tra vừa khai mạc tối 9/3 tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La. Với 2.565 ha cây sơn tra, trong đó có hơn 1.400 ha đã cho hoa, quả; xã Ngọc Chiến được xác lập kỷ lục là nơi có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam.
Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La nằm ở độ cao trung bình 1.800m so với mực nước biển. Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Ngọc Chiến từ lâu được ví như "miền cổ tích", là điểm đến của hàng nghìn du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Hoa sơn tra còn được biết đến với tên gọi khác là hoa của cây táo mèo. Hoa sơn tra nhìn kỹ có 5 cánh nhụy vàng, màu không trắng muốt như mận, mơ và lê mà hơi trắng ngà. Loại cây này thường mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La...