Về lăng Ông Bà Chiểu xem hát bội
(Dân trí) - Âm nhạc rộn ràng, trang phục lộng lẫy cùng các trích đoạn kinh điển, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM khuấy động không gian lăng Ông với buổi diễn đặc sắc "quảng bá nghệ thuật truyền thống hát bội".
Sáng 26/10, tại Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt (số 1 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh), đoàn nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM đã tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật nhằm quảng bá và bảo tồn giá trị văn hóa của nghệ thuật hát bội. Chương trình mở cửa tự do, thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Từ sáng sớm, các nghệ sĩ hát bội đã có mặt tại Lăng Ông để chuẩn bị phục trang và sân khấu, sẵn sàng chào đón khán giả đến với buổi diễn vào lúc 9h (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Hát bội được ví như "viên ngọc quý" trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, đặc biệt phổ biến trong các dịp lễ hội. Hát bội không chỉ mang đến không khí vui tươi mà còn truyền tải những bài học đạo đức và giá trị văn hóa sâu sắc (Ảnh: Thúy Hường).
Trước khi bắt đầu các vở diễn, chương trình còn giới thiệu đến khán giả nguồn gốc và các đặc điểm của hát bội (Ảnh: Thúy Hường).
Ngoài yếu tố hát và múa võ, nghệ thuật hát bội còn để lại ấn tượng với người xem nhờ nghệ thuật hóa trang công phu và trang phục đặc sắc. Từ khâu trang phục đến cách hóa trang, trang điểm của các nhân vật trong vở hát bội được quy định rõ ràng. Trang phục của nghệ sĩ hát bội bao gồm đào văn, áo giáp, áo thụng, đai lưng… (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Phần trang điểm sẽ phụ thuộc vào từng vai diễn của mỗi nghệ sĩ. Nhân vật có phần nền da mặt màu trắng là người trong sáng, nhân hậu. Da mặt màu đỏ son chỉ người anh hùng, trí dũng, nghĩa khí. Da mặt màu đen của người chất phác nhưng bộc trực, màu xanh ám chỉ người mưu mô xảo quyệt. Vẽ mặt rằn ri vằn vện là người hung ác tàn bạo… (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Hiện tại, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM có gần 30 nghệ sĩ và nhạc công gạo cội đang hoạt động, cống hiến hết mình cho nghệ thuật (Ảnh: Khoa Nguyễn).
"Nhà hát tổ chức nhiều chương trình tại các trường học, nhằm hướng thế hệ trẻ đến với nghệ thuật hát bội. Để các em thích thú, chúng tôi phải phá cách hơn bình thường. Tuy nhiên, được biểu diễn trước các khán giả trẻ tuổi, tâm trạng của các nghệ sĩ cũng thấy tươi mới, nhí nhảnh và vui vẻ hơn rất nhiều", nghệ sĩ hát bội Minh Khương (46 tuổi) chia sẻ (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Anh Bạch Dương (Bình Thạnh) nói: "Tôi biết đến chương trình qua mạng xã hội, vào mỗi cuối tuần tôi đều dẫn con trai đến thưởng thức để bé biết đến một loại hình nghệ thuật truyền thống" (Ảnh: Khoa Nguyễn).
"Em và các bạn rất hào hứng khi được xem hát bội. Đối với em, đây là một chương trình ý nghĩa vì hát bội không chỉ là hình thức giải trí mà còn tạo ra sự gắn kết giữa các thế hệ", Gia Hân (12 tuổi) nói (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Dịp này, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM mang đến hàng loạt trích đoạn nổi tiếng như "Lê Công Xử Tử Lê Tích", "Nữ tướng Bùi Thị Xuân", "Lê Công Xử Án Huỳnh Công Lý"…
Qua các vở diễn, khán giả sẽ được nghe kể về những truyền thuyết, phong tục tập quán của dân tộc, qua đó giúp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Những bài hát, điệu múa trong các vở hát bội thường phản ánh tình yêu đất nước, con người và cảnh đẹp quê hương (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Thời gian gần đây, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật nhằm đưa hát bội đến gần hơn với khán giả. Phần lớn khán giả trẻ chiếm số lượng lớn trong các chương trình hát bội. Điều đó cho thấy giới trẻ ngày nay quan tâm tới văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có nghệ thuật hát bội (Ảnh: Khoa Nguyễn).