(Dân trí) - Hát bội không còn nhiều người biết đến, nhưng những người nghệ sĩ nặng lòng với nghề vẫn cố gắng duy trì.
Hát bội xuất hiện từ khá sớm ở Việt Nam, xuất phát từ ca vũ dân tộc và trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc. Tuy nhiên, khi có nhiều loại hình nghệ thuật khác được khán giả, nhất là giới trẻ quan tâm hơn thì hát bội đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên và mai một theo thời gian.
Khi hát bội không còn là môn nghệ thuật thu hút công chúng, những người nghệ sĩ cũng vì "cơm áo gạo tiền" đành phải gác lại để đi tìm công việc khác mưu sinh. Những người vì quá yêu nghề, muốn được đứng trên sân khấu thì tụ họp nhau lại để cùng đi hát. Đa phần họ chỉ diễn ở các Miếu, Đình ở TPHCM và các tỉnh lân cận vào các ngày lễ, Tết...
Nghệ sĩ Khổng Minh Khương, 42 tuổi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội và đóng những vai phản diện. "Tôi thích được đứng trên sân khấu, được cất giọng hát phục vụ bà con, thấy họ vỗ tay là mừng lắm", nghệ sĩ Khương cho biết. Xong công việc, ông Khương lại chạy xe máy về nhà ở quận Bình Thạnh để phụ vợ buôn bán tạp hóa.
Những người nghệ sĩ khi lên sân khấu được hóa trang lộng lẫy, có người làm vua làm chúa sống trong nhung lụa, có người làm tướng quân uy dũng... nhưng khi trút bỏ lớp phục trang, họ lại trở về với cuộc sống hiện tại. Có người lại gắn bó với nghề chạy xe ôm, người nhận gia công đồ ở nhà, người buôn bán...
Nguyễn Quang