DMagazine

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội "cởi blouse" đi bán rau vỉa hè nuôi con

(Dân trí) - Hai tháng nay không có lương, trợ cấp từ bệnh viện, cuộc sống của gia đình chị Huyền - nữ hộ sinh ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh trông chờ cả vào sạp hàng vỉa hè.

Nữ hộ sinh bị nợ lương "cởi blouse" đi bán rau vỉa hè nuôi con

Hai tháng nay không có lương, trợ cấp từ bệnh viện, cuộc sống của gia đình chị Huyền - nữ hộ sinh ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh trông chờ cả vào sạp hàng vỉa hè.

7h30, khi chị Lê Thanh Huyền vừa ăn vội bữa sáng, lúi húi cất hộp cơm nhỏ vào cốp xe, con gái 6 tuổi lon ton chạy tới ôm chân mẹ: "Mẹ ơi, tối nay mẹ có về sớm với con không?".

Chị Huyền không dám hứa với con vì sợ con mong, ngồi thẫn thờ ngóng mẹ. Chị chỉ nhẹ nhàng nói: "Hai anh em ở nhà ngoan, mẹ sẽ cố gắng về sớm ăn cơm và dạy con học nhé!".

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 1

Gần như nửa năm nay, ngày nào cũng vậy, chị Huyền - một nữ hộ sinh tại khoa Phụ sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam đều vội vã rời nhà từ 7h30 sáng và chỉ trở về khi đã 21h - 22h đêm. Ngoài 8 tiếng làm việc trong bệnh viện: chăm sóc bệnh nhân, phát thuốc,... chị Huyền còn phải ngồi vỉa hè bán hàng thêm 3 - 4 tiếng buổi tối với hy vọng… "bữa cơm của con có thịt".

"Những ngày đầu nhìn thấy cảnh mình ra lề đường bán rau, bán trứng, mẹ mình ở quê rơi nước mắt. Cả đời bà gồng gánh cho mình ăn học. Bà chẳng bao giờ nghĩ, có ngày, con gái đang làm trong ngành y lại phải bán từng mớ rau, quả trứng, kiếm từng đồng lẻ mưu sinh qua ngày… vì bị nợ lương", chị Lê Thanh Huyền rưng rưng nước mắt.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 2

Ngày mặc áo blouse, đêm tất tả bán rau vỉa hè

Chị Huyền bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh từ năm 2011, sau khi hoàn thành gần 5 năm học ngành y. Mỗi ngày, chị đều đặn làm việc từ 8h sáng đến 16h30 chiều, nghỉ 1 tiếng buổi trưa.

Công việc của chị thường là chăm sóc, hỗ trợ bác sĩ thăm khám cho phụ nữ mang thai, phát thuốc cho bệnh nhân… Trước đây, mỗi tháng, tổng thu nhập từ lương, trợ cấp của chị Huyền được khoảng 7 - 8 triệu đồng. 

"5 năm trước, khi thấy công việc hai vợ chồng ổn định, mình quyết định thuê căn nhà, đón con lên ở gần bệnh viện. Nhờ vậy, hàng ngày, hết giờ làm, mình có thể về nấu cơm, chăm lo cho con học hành thay vì đi 30km về nhà ông bà nội ở ngoại ô như trước đây", chị Huyền tâm sự.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 3

Thế nhưng bây giờ, dù căn phòng trọ anh chị thuê cách bệnh viện chỉ vài cây số, chị vẫn chẳng thể về sớm với con. Do dịch Covid-19 bùng phát, chồng chị Huyền phải đóng cửa quán ăn nhỏ, ở nhà phụ vợ chăm sóc con. Từ tháng 5/2021 đến nay, 160 y, bác sỹ, nhân viên y tế tại bệnh viện Tuệ Tĩnh, trong đó có chị Huyền chỉ được nhận 50% lương so với hợp đồng. Đến tháng 12/2021, tiền lương của họ bị cắt hoàn toàn với lý do không có nguồn thu để chi tiền lương. 

Lương, trợ cấp bị cắt giảm, trong khi các chi phí sinh hoạt vẫn phải duy trì nên mấy tháng nay, cứ sau giờ làm việc, chị Huyền lại mang đồ ra chợ dân sinh gần nhà trọ để bán. 

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 4

Thế là, cứ 4h30 chiều, khi vừa tan ca làm, chị Huyền lại vội vã cởi chiếc áo blouse, tất tả xuống lấy xe, chở đồ ra chợ.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 5

Ban đầu, chị bán đôi ba chục trứng gà ta, chục mớ rau, vài cân dưa chuột, cà pháo… - những nông sản từ khu vườn của bố mẹ chị ở ngoại ô Hà Nội. 

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 6

"Hồi mới bán mình chỉ có 2, 3 cái rổ nhựa, nắp thùng xốp để đựng đồ. Mình ngồi nép ở vỉa hè, nhờ chút đèn của hàng quán xung quanh. Có ngày ngồi mãi mà không có khách mà mình e ngại không dám chào mời", chị Huyền kể.

Khi biết hoàn cảnh chị Huyền là một nhân viên y tế, những tiểu thương xung quanh hỗ trợ chị đường điện thắp sáng, thỉnh thoảng qua lại mua ủng hộ, hỏi thăm chị. "Hồi đầu bán rau, bán trứng, mỗi ngày trừ chi phí, mình lãi được 50 - 60 ngàn. Số tiền đó mình cũng gửi một ít về ông bà chứ không nỡ cầm cả", chị Huyền tâm sự.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 7

Sau này khi thấy hình ảnh chị Huyền ngồi ở góc vỉa hè tối thui bên mấy mẹt hàng lụp xụp, một đồng nghiệp của chị đã gửi tặng chiếc xe đẩy để chị sắp xếp hàng lên cao hơn, dễ dàng di chuyển hơn. Hai tháng mùa đông gần đây, nông sản trong vườn của bố mẹ chị Huyền ít đi, các đồng nghiệp lại giúp chị lấy nguồn hàng khác về bán như bánh đa, nem chua, giò, mắm…

"Các chị hỗ trợ, không cần mình bỏ vốn, khi nào bán được hàng thì mình thanh toán tiền gốc. Mình cố gắng nhặt nhạnh từng đồng thôi, ví như bán chục nem chua thì lãi 5 ngàn đồng, bán 1kg miến lãi 5 ngàn đồng…", chị Huyền thật thà nhẩm tính. 

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 8

Mấy ngày nay, chị Huyền cùng nhiều đồng nghiệp xuống đường "cầu cứu" vì bị khất nợ lương. Nghỉ bán mấy hôm, cũng không kịp về nhà bố mẹ lấy thêm rau, thêm trứng nên xe hàng của chị chỉ có ít nem chua, bánh đa, mắm, giò, mấy gói miến và thêm ít lạc rang hai vợ chồng tự làm.

Mở hàng từ 16h45 chiều mà tới khi nhập nhoạng tối, chị Huyền mới bán được mấy bịch nem chua. "Hàng mình bán đều do các chị đồng nghiệp trong viện tự làm hoặc của người thân làm nên sạch sẽ, chất lượng nhưng giá nhỉnh hơn chút so với hàng trong chợ. Nhiều người hỏi giá rồi chê đắt không mua. Cũng may vì đồ ngon nên ai ăn quen rồi thì lại quay lại ủng hộ", chị Huyền chia sẻ.

Đang tâm sự với phóng viên, chị Huyền chợt thấy bóng dáng vị khách quen, chị mừng rơn: "A, bác này là khách quen của mình đấy, tuần nào bác cũng ủng hộ".

Chị Huyền vui vẻ chào vị khách: "Hôm nay bác vẫn ăn nem ạ? Bác lấy mấy bịch ạ?". Nói rồi, chị nhanh tay đóng gói hàng vào túi, mang ra tận nơi treo vào xe cho khách.

"Tôi ăn nem ở đây nhiều lần rồi. Nem ngon, để vài ngày không hỏng", ông Thành (Hà Đông, Hà Nội), khách hàng của chị Huyền chia sẻ.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 9

Bên cạnh xe để đồ của chị Huyền có một chiếc ghế nhựa. Thế nhưng, chị chẳng mấy khi dám ngồi… vì sợ khách không thấy chủ hàng lại không rẽ vào mua. Ở góc chợ vỉa hè này, chủ yếu là các tiểu thương đã buôn bán lâu năm. Quán nào quán nấy đông khách tấp nập, người ra người vào. Chỉ có quán chị Huyền là hay… "ế". 

"Hôm nào có trứng gà, rau củ thì mình bán được nhiều hơn vì khách quen, biết là đồ nhà trồng được. Các đồ khác tuy mình chọn hàng ngon, chất lượng nhưng không phải ngày nào cũng chạy. Hôm nào đắt khách nhất là bán được 100 chiếc nem chua", chị Huyền nói.

Nữ hộ sinh đứng bên sạp hàng, ánh mắt đầy ưu tư nhìn ra phía đường. Mấy năm trên giảng đường rồi gần chục năm công tác trong ngành y, cố gắng, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ… chưa bao giờ chị Huyền tưởng tượng đến cảnh phải đi buôn bán vỉa hè để sống qua ngày.

"Đồng tiền buôn bán cũng là đồng tiền sạch, chân chính. Mình vẫn tự nhủ như vậy", chị Huyền rưng rưng nói. Điều khiến chị Thanh Huyền đau đáu nhất là tìm câu trả lời cho câu hỏi của đứa con gái nhỏ: "Mẹ ơi, sao mẹ là bác sĩ mà lại đi bán rau, bán trứng"?, "Mẹ ơi, Tết này mẹ có lương không"...

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 10

"Tết này mẹ có lương không"?

Khi nhắc về ngày Tết cận kề, chị Huyền chạnh lòng. "Những năm trước, ngoài tiền lương, mình còn có thêm 5 triệu tiền thưởng Tết. Bằng ấy cũng đủ để mua chút quà biếu ông bà nội ngoại, sắm cho con bộ quần, áo mới, gói bánh kẹo. Còn năm nay, mình không dám nghĩ tới Tết. Ngày mai ăn gì, mình còn chưa dám nghĩ…", chị Huyền nói.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 11

Trung bình mỗi tháng, chi phí thuê nhà trọ, điện, nước, mạng internet của gia đình chị Huyền là hơn 4 triệu đồng. Hai con đang học online tại nhà, đỡ một phần chi phí đồng phục, tiền học, quỹ lớp, quỹ trường… chứ nếu không, chị Huyền cũng không thể xoay xở.

Hàng ngày, có ai đặt con gà, bịch rau củ, chồng chị Huyền lại vội vã đi hơn chục km về quê lấy mang ra, kiếm thêm từng đồng. Hôm nào chị Huyền về muộn, anh ra sớm dọn hàng giúp. Khi chị ra bán hàng, anh lại vội vã về nhà dọn dẹp, tắm rửa cho con, nấu cơm. 

"Nhiều đồng nghiệp của mình cũng lận đận tương tự, người thì phải đi chạy grab, người thì đi ship hàng… Mình đứng bán hàng cả tháng cũng chỉ kiếm thêm được 1,5 triệu - 2 triệu đồng", chị Huyền nói.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 12

20h tối, trời ngày càng lạnh, đường phố cũng dần vắng vẻ. "Hôm nay, chắc lại ế rồi", chị Huyền ngậm ngùi. Chị dặn lòng đứng cố thêm 5, 10 phút, biết đâu có khách.

20h30 khi các tiểu thương xung quanh đã rục rịch dọn hàng, chị Huyền cũng đành cất đồ đạc. "Những ngày lạnh thế này, khách hiếm khi đi chợ muộn lắm. Mình biết vậy mà cứ cố, hy vọng vớt vát 5.000, 10.000 đồng", chị nói.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 13

Đẩy xe hàng đi gửi nhờ , cất dây điện, bóng đèn… chị Huyền khom lưng bê thùng đồ "ế" lên chiếc xe chở hàng cà tàng. Khu chợ cách nhà chị khoảng 3km. Người mẹ muốn nhanh nhanh chóng chóng trở về, bởi chị biết, chồng và các con đang đợi cơm, con gái chắc vẫn thấp thỏm đợi mẹ về dạy học.

Nữ hộ sinh bị nợ lương ở Hà Nội cởi blouse đi bán rau vỉa hè nuôi con - 14

"Từ ngày lương giảm, phải ra chợ bán hàng, mình chẳng còn có thời gian dạy con học, chơi với con. Thèm lắm cảm giác được ôm con", chị Huyền nghẹn ngào. 

Chị Huyền về tới nhà, cô con gái hớn hở chạy ra đón mẹ, giúp mẹ cất đồ vào tủ. Cô bé ngây thơ hỏi mẹ: "Mẹ ơi, mẹ được trả lương chưa? Tết này mẹ có lương không mẹ?".

Chị Huyền ứa nước mắt, ngậm ngùi quay đi. Tết này, có lương không, chị cũng nào hay biết.

Chiều 12/1, ngay khi có thông tin về việc 40 nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam "xuống đường" đòi lương, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ đạo về vấn đề nóng này.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động

Bộ trưởng yêu cầu cần giải quyết sự việc sớm, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.

Toàn Vũ