(Dân trí) - Từ Vincennes đến tháp Eiffel (Paris) mất khoảng 45 phút, Lukas Nguyễn (nhiếp ảnh gia tự do) phải có mặt tại điểm chụp lúc 6 giờ, vừa kịp khi mặt trời mọc để ghi lại những bức ảnh có ánh sáng đẹp nhất.
Bỏ nghề IT đi chụp ảnh, nhiếp ảnh gia người Việt tại Pháp tiết lộ thu nhập bất ngờ
Từ Vincennes đến tháp Eiffel (Paris) mất khoảng 45 phút đi tàu điện ngầm, Lukas Nguyễn (nhiếp ảnh gia tự do, 33 tuổi) phải thức dậy từ 4 giờ sáng, có mặt tại điểm chụp lúc 6 giờ, vừa kịp khi mặt trời mọc để ghi lại những bức ảnh có ánh sáng tự nhiên nhất. Sáu năm ở Pháp, Lukas luôn bắt đầu ngày làm việc của mình như thế.
Khởi động ngày mới ở Vincennes - một khu phố bình yên ở ngoại ô Paris lúc 4 giờ sáng, Lukas mở cửa sổ để đón không khí trong lành lùa vào phòng, sau đó mất khoảng 30 phút cho mọi hoạt động cá nhân vào buổi sáng.
Chiếc ba lô để đồ nghề gồm máy ảnh Sony A7III và 3 - 4 chiếc lens khác nhau, đa dạng tiêu cự đã được anh chuẩn bị sẵn sàng từ tối hôm trước. Lukas nhanh chóng di chuyển tới ga tàu để đến tháp Eiffel vì lịch hẹn chụp ảnh cho khách lúc 6 giờ 30 phút. Đó là lịch trình một ngày bình thường của anh.
Lukas Nguyễn (tên thật là Nguyễn Ngọc Anh, 33 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng lại có cơ duyên đặc biệt với kinh đô ánh sáng Paris (Pháp). Lukas có hơn 10 năm gắn bó với nghề nhiếp ảnh, trong đó 6 năm để cọ xát với sự "khốc liệt" ở Paris.
Anh chụp ảnh cho khách Việt Nam đi du lịch châu Âu, chụp ảnh cưới cho hàng trăm cặp đôi người bản địa. Lukas cũng là chủ nhân của nhiều bộ ảnh phong cảnh ở Paris "viral" trên mạng xã hội. Khi được chọn ba từ để miêu tả về những bức ảnh của mình, anh gói gọn: Chân thực, khoảnh khắc và nắng.
Paris lướt qua ô cửa
45 phút trên tàu từ nhà đến điểm chụp, Lukas tranh thủ chợp mắt một lúc để ngủ bù buổi sáng phải dậy sớm. Trước kia khi còn làm một nhân viên IT ở Việt Nam, anh chưa bao giờ được ngủ đủ giấc và ăn đúng bữa.
Lukas Nguyễn xuất thân là sinh viên thiết kế đồ họa tại Học viện Arena, đồng thời theo học song song khoa ngôn ngữ tại trường Đại học Hà Nội. Năm 18 tuổi, anh được gọi đi làm IT cho một công ty ở Hà Nội.
Văn phòng nơi Lukas - khi đó là Ngọc Anh làm việc có nhiều người đam mê nhiếp ảnh, mọi người chụp ảnh cho nhau, các anh tỉ mỉ chỉnh sửa từng bức ảnh cho các chị. Đó là thời gian đầu tiên Lukas biết tới nhiếp ảnh, biết cách tạo ra một bức ảnh đẹp theo công thức đơn giản nhất.
"Hồi đó làm kỹ thuật khô khan lắm, môi trường khép kín, ít vận động, ít giao tiếp. Nên khi biết tới nhiếp ảnh thì như một luồng gió mới, mình thấy những bức ảnh đẹp làm mọi người vui và kết nối tất cả với nhau. Mình thích lắm nhưng vì không phải nghề chính nên không đầu tư nhiều thời gian và thiết bị mà chỉ đi chụp ké giao lưu cho vui" - Lukas Nguyễn chia sẻ.
Dành toàn thời gian vừa học vừa làm IT suốt 6 năm. Ngày nào cũng miệt mài thức đêm trông máy chủ đến 3 giờ sáng và trở về nhà khi người đã mềm nhũn đi vì mệt. Lukas nói "cái công việc đó chẳng bị nắng gió chạm vào bao giờ", anh không muốn cả đời mình phải sống tiếp những ngày như thế.
Tháng 9/2016, Lukas lên đường sang Pháp du học. Ngày đặt chân đến Paris, những con phố thẳng tắp, những tòa nhà cổ kính lộng lẫy và nhịp sống hối hả ở đây khiến anh choáng ngợp.
Paris lướt qua ô cửa tàu điện ngầm với tất cả những gì đẹp đẽ, lấp lánh và lạ lùng nhất. Lukas cầm trên tay chiếc Iphone, cố gắng ghi lại mọi cảnh vật và con người anh nhìn thấy. "Tôi chụp rất vội và không chỉnh sửa gì. Đến lúc ngồi xem lại thì thấy tiếc vì không thể lột tả được hết vẻ đẹp của thành phố mà tôi nhìn thấy" - Lukas kể.
Khi sự lấp lánh của Paris thu trọn vào tầm mắt, Lukas nghĩ việc đầu tiên của mình ở thành phố này là phải mua ngay một chiếc máy ảnh. Anh sẽ dành nhiều thời gian hơn công việc nhiếp ảnh và làm nó thật nghiêm túc.
"Cho dù là những lựa chọn trong cuộc sống hay việc chụp ảnh, tôi đều không muốn bỏ lỡ thêm một khoảnh khắc nào" - Lukas nói vậy khi anh nhớ về quyết định "nhảy việc" 6 năm trước.
Người Việt làm nhiếp ảnh ở Pháp
Thuê một căn phòng khoảng 30m2 ở Vincennes (một xã trong vùng đô thị Paris), hàng tháng Lukas phải chi trả khoảng 900 euro (gần 26 triệu VNĐ) tiền thuê phòng. Đây vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc của anh trong nhiều năm qua.
Paris nổi tiếng là thành phố có chi phí thuê nhà đắt đỏ bậc nhất thế giới, theo Lukas, đó cũng là một trong những lý do vì sao dịch vụ chụp ảnh trong studio ở Paris không thực sự phát triển. Thay vào đó, các nhiếp ảnh gia tự do, chụp ngoài trời, chụp phong cảnh lại có "đất" để kiếm tiền hơn.
Lukas bắt đầu công việc nhiếp ảnh ở Paris với những bộ ảnh chụp bạn bè, người thân trong các khoảnh khắc dung dị nhất. Tận dụng những kỹ năng đã tự học ở Việt Nam, Lukas không mất nhiều thời gian để thích nghi với việc chụp ảnh. Song điều khó nhất với anh lại là làm sao để cân bằng giữa việc học và làm.
"Ở Paris không được phép nghỉ học vì nếu nghỉ học bạn sẽ phải về nước luôn. Nên dù ngành học hoàn toàn không liên quan đến công việc đang làm, tôi vẫn phải cố gắng duy trì và cân đối thời gian hiệu quả nhất" - Lukas chia sẻ.
Mùa xuân hè tháng 4 - tháng 7 là thời điểm thích hợp nhất để chụp ảnh cưới ở Paris, đồng thời cũng là lúc thành phố đón nhiều lượt khách du lịch tới tham quan. Đây là mùa Lukas "đắt show" nhất, khách của anh thường là người Châu Á, đặc biệt là người Việt Nam tới Châu Âu du lịch.
Khi những cánh đồng oải hương kéo dài bất tận tại miền Nam nước Pháp vào tháng 7, Lukas không phải tới trường học nên sẽ dành phần nhiều thời gian để khám phá, tìm tòi những địa điểm chụp ảnh đẹp, mới lạ và cách di chuyển giữa các điểm chụp sao cho tiết kiệm thời gian và chi phí.
Lịch trình một ngày của anh chỉ xoay quay việc chụp ảnh: nhận khách, sắp xếp lịch chụp, hậu kì ảnh… Đa phần, anh đều tự làm mọi thứ một mình. Ngoài ra, để đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho khách, Lukas liên kết cùng một số chuyên gia trang điểm tự do hoặc các đơn vị cho thuê trang phục và làm tóc…
Trung bình mỗi ngày anh chụp 1 - 2 khách tùy yêu cầu và gói chụp của khách. Sau khi buổi chụp kết thúc, anh lên tàu về nhà luôn để kịp làm hậu kỳ. Với Lukas, một bức ảnh đẹp không phải lung linh huyền ảo qua bàn tay người chỉnh sửa mà là bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc bình bị, chân thật nhất của nhân vật và cảnh vật. Nói cách khác là một bức ảnh thuật lại nguyên bản những gì đôi mắt mình nhìn thấy.
"Hầu hết các nhiếp ảnh gia đều sẽ rất khắt khe trong việc chọn bố cục, góc độ và đối tượng trong khung hình của họ, điều đó rất dễ hiểu. Nhưng với tôi, tôi yêu thích sự ngẫu hứng và tự nhiên nhất. Mỗi buổi chụp ảnh sẽ gần giống như một cuộc dạo chơi, tôi thường chỉ mất 1 - 2 giờ để chụp" - Lukas Nguyễn chia sẻ.
Những bức ảnh của Lukas luôn đầy nắng. Anh nói mình thích nắng hơn những cơn mưa bởi nắng là nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật nhiếp ảnh của anh. Nhưng để "săn" được nắng, Lukas phải tốn không ít công sức chạy đua cùng mặt trời.
"Bạn phải tuân thủ và hiểu rất rõ về nơi bạn sẽ chụp, cả về thời gian và địa điểm bạn đều sẽ phải lên kế hoạch trước.
Ví dụ vào một ngày nắng mùa hè, cần phải biết rõ hoàng hôn vào giờ nào, hướng mặt trời lặn là hướng nào để tính trước con đường sẽ đi, nếu đi sai hoặc không có kế hoạch trước bạn sẽ chỉ đuổi theo nắng mãi hoặc lạc vào những con phố không một chút ánh sáng vì mặt trời đã xuống thấp mất rồi.
Tôi thường xem thời tiết trước để biết giờ bình minh và hoàng hôn, cũng như cố gắng ghi nhớ hướng mặt trời vào từng thời điểm của mỗi địa điểm để có thể có những bức ảnh.
Đặc biệt, tôi sẽ rất vui nếu một ngày đi chụp gặp được một bầu trời màu đỏ hoặc hồng đầy huyền ảo" - Lukas kể về hành trình "săn" nắng cho những bức ảnh của mình.
Trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi tháng Lukas chụp từ 25 - 30 bộ ảnh cho khách cả, khách du lịch và khách bản địa. Nhưng 2 năm trở lại đây, lượng khách đã giảm đi một nửa. Có tháng anh chỉ đi chụp vài buổi, thời gian còn lại anh tiếp tục việc học online và khám phá thêm nhiều địa điểm mới trên đất Pháp.
Cũng vì dịch, thu nhập của Lukas tại Pháp khá bấp bênh, có những tháng chỉ đủ tiền trang trải cuộc sống, nhưng cũng có lúc dư dả đủ để nâng cấp máy móc và đầu tư cho những trải nghiệm mới.
Đến thời điểm hiện tại, số tiền Lukas đã đầu tư cho công việc chụp ảnh dao động khoảng 20.000 euro (gần 500 trăm triệu VNĐ) bao gồm dàn máy tính làm hậu kì, máy ảnh và khoảng 6 - 7 chiếc lens đủ các tiêu cự khác nhau.
Dù sở hữu những thiết bị tối tân, hiện đại và vô cùng đắt đỏ, song theo Lukas, vũ khí "xịn xò" nhất của một nhiếp ảnh gia chính là đôi mắt và một trái tim nóng. Hai "thiết bị" này ai cũng có nhưng mỗi người lại có cách sử dụng riêng. Nhiếp ảnh cũng giống như một loại ngôn ngữ, góp nhặt từng chi tiết nhỏ để tạo nên một câu chuyện lớn, nhưng thay vì viết thành lời thì nhiếp ảnh gia gửi gắm qua từng bức ảnh.
6 năm ở Pháp, Lukas Nguyễn từng ngày nỗ lực để hoàn thiện bản thân và trở thành một nhiếp ảnh gia có chỗ đứng trong nghề. Lukas thừa nhận, sự "khốc liệt" của Paris với những đè nén, áp lực về cuộc sống và công việc đã đôi lần khiến cho đam mê sáng tạo của anh dần trở thành một guồng quay, điên cuồng, xa lạ.
Những lần như thế, anh chọn lên một chuyến tàu điện ngầm, cho phép mình quên đi những giá trị thương mại, vượt ra khỏi khuôn khổ quy chuẩn để đắm mình trong các góc nhìn cá nhân.
Lukas ngắm nhìn Paris với đôi mắt trong veo và Paris lại lướt qua ô cửa với tất cả những gì đẹp đẽ, lạ lùng nhất, như ngày đầu tiên anh đặt chân đến thành phố này.
Nội dung: Thanh Thúy