Những người phụ nữ làm công việc trông mộ, "giúp việc" cho... người chết
(Dân trí) - Ngoài công việc dọn dẹp, lau chùi cho hàng chục ngôi mộ từ người già tới trẻ nhỏ, những người phụ nữ ở nghĩa trang còn phải đi tuần cả ngày lẫn đêm, tránh mộ bị trộm, trâu bò phá hoại.
"Dọn nhà" cho người chết
5h sáng, chị Bùi Thị Ngạn 46 tuổi (ở Lâm Sơn, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình) tỉnh giấc, chuẩn bị bữa sáng cho chồng con rồi xách túi đồ nghề chuẩn bị từ trước ra xe máy. Khi trời vừa hửng sáng, người phụ nữ đi xe về phía nghĩa trang Lạc Hồng viên - nơi chị làm việc cách nhà hơn 6km.
Tới nơi đồng hồ điểm 6h15, nhanh tay đi ủng, đeo bao, chị xách chiếc xô, cái kéo và vài chiếc khăn đến phần mộ gia đình được giao bắt đầu việc dọn dẹp.
7 năm làm tại nghĩa trang, công việc này đã quá quen thuộc với chị Ngạn. Tới phần mộ hôm nay cần dọn, chị thắp nén hương để "chào buổi sáng các cụ", xin phép được làm việc rồi tiến hành lau chùi bia mộ, cắt phần cỏ tốt xung quanh.
Lau chùi xong, chị Ngạn cất khăn, cầm kéo lớn chuẩn bị sẵn cắt tỉa những cây hoa chết, thay hoa mới.
"Sắp tới giỗ của cụ, tôi tranh thủ dọn cho sạch, chút nữa người nhà mang hoa lên trồng, cuối tuần này con cháu cụ sẽ lên chơi", chị Ngạn nói. Làm lâu năm chị nhớ rõ ngày giỗ của từng phần mộ nằm đây.
Chị Ngạn trước đây làm thuê cùng chồng ở sân golf, dịch bệnh mọi hoạt động giải trí đóng cửa, chị mất việc. Nhờ bạn bè giới thiệu nên xin vào nghĩa trang làm công việc dọn dẹp.
"Lúc đầu tôi nghĩ là lau chùi mấy căn nhà quản lý thôi, đến lúc nhận việc mới biết là lau chùi, dọn mộ", người phụ nữ cười nói. Ngày đầu đi làm của chị Ngạn đúng là nhớ đời, khi được người quản trang đưa ra giữa hàng chục ngôi mộ kêu chị sẽ làm việc ở đây.
Nhìn thấy xung quanh bốn bề toàn là lăng mộ, chị Ngạn có chút hoảng sợ, xin về nhà suy nghĩ thêm.
Người phụ nữ kể, nghĩa trang có đến hàng trăm ngôi mộ, mỗi ngày phải dọn dẹp, lau chùi, thắp hương cho mấy chục phần mộ chẳng khác gì tiếp xúc với mấy chục người chết.
"Nghĩ đến đã run tay, run chân", chị Ngạn chia sẻ.
Sau mấy ngày suy nghĩ, việc mới lại chưa tìm được chị quyết định thử làm. Chị Ngạn bắt đầu công việc như một người giúp việc thông thường, chỉ khác khách hàng mà chị phục vụ là những ngôi mộ nằm im, không nói cũng chẳng ra lệnh.
Bắt đầu làm được chị em mách nước, chị Ngạn đến phần mộ nào sẽ thắp hương, giới thiệu họ tên, quê quán mình với các cụ ở đấy.
"Tôi báo tên với các cụ, xin phép từ giờ sẽ được phụ trách việc dọn dẹp mộ cho các cụ", chị Ngạn cho hay. Cứ thế từ việc sợ đến "mất hồn" sau nhiều năm làm việc chị dần quen, trở nên yêu thích công việc mình đang làm.
Tự nhận mình là người ít nói, không biết chia sẻ nên nhiều lúc chịu tủi thân, những lúc như vậy chị Ngạn lại lên "tâm sự" với các cụ ở đây để trút bỏ phiền lo trong lòng.
"Chẳng biết các cụ có nghe được không nhưng lòng tôi thấy thư thái, thoải mái", chị Ngạn cười nói.
Công việc chính của chị Ngạn là lau chùi, cắt tỉa, thay hoa mới, bón phân, tưới cây… cho khuôn viên 40 phần mộ gia đình. Tùy vào diện tích, những phần mộ rộng 100-200m2 chị phải dọn 1-2 ngày mới xong, những khu vực nhỏ hơn thì ngày có thể làm 2-3 phần mộ.
Mùa hè trời nắng sớm để tránh nóng chị bắt đầu công việc từ lúc 6h, kết thúc ca sáng lúc 10h. Mùa đông trời lạnh, chị làm từ 8h đến 11h30 kết thúc ca sáng, ca chiều từ 13h30 đến 17h30 thì về nghỉ.
"Làm việc ở đây mỗi tháng tôi thu nhập được 6 triệu đồng", chị Ngạn cho biết.
Thâm niên ít hơn chị Ngạn, chị Nguyễn Thị Thành (36 tuổi), xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, có 3 năm phụ trách chăm sóc các ngôi mộ đôi tại nghĩa trang Lạc Hồng viên.
Nơi làm việc cách nhà 5km, mỗi ngày chị Thành có mặt lúc 7h để bắt đầu công việc lau chùi. Cầm chổi quét lá rụng đầy quanh phần mộ, chị Thành nói ai mới đầu vào đây đều thấy sợ, nhưng khác với những khu nghĩa trang khác, khu vực chôn cất ở đây xanh, sạch đẹp như công viên, người làm, người thân của các phần mộ nằm đây qua lại cũng nhiều nên lâu dần cũng đỡ sợ hơn.
Chị Nguyễn Thị Thành có 3 năm làm công việc đặc biệt này (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Chị Thành chia sẻ, từ ngày phụ trách công việc có chút tính chất tâm linh này, chị thấy khỏe hơn, mọi việc trong nhà cũng suôn sẻ, chồng chị còn hay nói có lẽ do các cụ phù hộ.
"Có những ngôi mộ được an táng ở đây nhưng con cái ở xa trong miền Nam hay tận bên nước ngoài, một năm, thậm chí vài ba năm mới về một lần. Nhưng không vì vậy mà mình làm ẩu được", chị Thành nói.
Với chị Thành mỗi công việc đều có những nguyên tắc riêng, nghề chăm sóc mộ cũng không ngoại lệ. Trước mỗi buổi dọn dẹp chị luôn thắp hương xin phép, không tự ý hái hoa, bẻ cành mà không được sự đồng ý của người nhà.
"Có một điều đặc biệt quan trọng tuyệt đối không thể làm là giẫm, ngồi lên phần mộ, dùng đồ lễ của người này cúng cho người kia", chị Thành nhấn mạnh.
Theo chị Thành, ngày thường có khoảng 100 nhân viên phụ trách chăm sóc, lau chùi mộ. Mọi người được sắp xếp phụ trách những phần mộ khác nhau như mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình. Công việc được quay vòng từng ngày, hôm nay dọn dẹp phần mộ này, ngày mai sẽ chuyển qua phần mộ khác. Mọi người luân phiên cắt tỉa cây cỏ, lau chùi bia mộ.
Vào dịp lễ Vu Lan, Tết hay ngày giỗ, số lượng người dọn dẹp đông hơn, công việc của chị Ngạn và chị Thành cũng nhiều hơn. Tùy yêu cầu của từng nhà, các nhân viên như hai chị sẽ thắp hương, chuẩn bị lễ cúng, khấn bái hộ khách hàng.
Gắn bó với nghề "giúp việc" cho người chết nhiều năm, chị Ngạn hay chị Thành nắm rõ cả "nội tình" của từng ngôi mộ. Đưa tay chị một ngôi mộ chị Thành đọc vanh vách ngày giỗ của các cụ, quê quán hay con cái các cụ làm gì, ở đâu, một năm lên mấy lần, hay thậm chí trước đây cụ làm gì các chị đều biết.
Nghề trông mộ cho người chết
Cũng làm việc tại nghĩa trang nhưng không phụ trách công việc dọn dẹp mộ như chị Thành hay chị Ngạn, chị Trần Thị My (46 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) lại làm công việc mà ít người phụ nữ dám là trông mộ đêm. Gắn bó với công việc trông mộ ở nghĩa trang đến nay đã hơn chục năm, chị My mỗi tối đều cầm đèn pin đi soi từng ngôi mộ ở những quả đồi khác nhau.
Xung quanh tối đen như mực, hàng trăm ngôi mộ xếp thành hàng, giữa những con đường nhỏ, chị My một mình một đèn pin soi rọi để kiểm tra xem có người phá mộ, hay con trâu con bò nào đi lạc vào giẫm lên các phần mộ không.
Cứ thế từ 18h30 tối đến 1h-2h sáng hôm sau, có hôm lại 1h-2h sáng đến tận khi mặt trời mọc, chị My đi từng ngôi mộ để "bảo vệ giấc ngủ" cho các cụ nằm tại đây.
"Công việc chính của tôi là trông nom mộ buổi tối, ở đây là khu vực đồi núi dễ có trâu bò đi lạc vào, hay phòng cả những người phá mộ ban đêm", chị My nói.
Người phụ nữ cho biết nếu có những ngôi mộ mới vào chị có thể phụ thắp hương cho người đã khuất, hay mỗi khi có người mất chuyển về nghĩa trang an táng, chị lại làm thêm công việc đón mộ. Chị chuẩn bị từ phông bạt, bàn ghế, nước nôi, thậm chí chị trợ giúp khi hạ mộ, rồi lại dọn dẹp hết mọi thứ khi người nhà khách hàng ra về.
"Có người về an táng lúc 4h sáng thì tôi phải có mặt trước đó từ lúc 3h sáng để chuẩn bị. Sau khi an táng xong tôi lại dọn dẹp sạch sẽ mới ra về", chị My chia sẻ.
Mùa hè thì không sao, nhưng mùa đông nhiều đêm mưa, rét chị vẫn một mình mặc áo mưa lọ mọ đi kiểm tra từng phần mộ. Nhiều người hỏi chị có sợ không, nhưng người phụ nữ chỉ cười trả lời: "Người sống mới sợ chứ người chết rồi thì sợ gì nữa".
Với chị chỉ cần mình không làm gì sai trái, bảo vệ phần mộ cho họ thì chẳng có gì phải sợ, ngược lại có khi còn được các cụ phù hộ.
Cùng làm công việc bảo vệ mộ như chị My, chị Nguyễn Thị Tâm (33 tuổi ở xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình) lựa chọn làm ca sáng vì bận con nhỏ.
Cũng như chị My, hàng ngày chị Tâm đi xe lên đỉnh đồi rồi đi bộ kiểm tra từng khu mộ xem đã được dọn sạch chưa, có gặp vấn đề, hư hỏng hay bị trâu bò phá hoại không.
Chị Tâm là một trong những người trẻ tuổi nhất làm việc tại nghĩa trang, chị vào nghĩa trang làm năm 30 tuổi. Khi bắt đầu công việc trông mộ chị cũng sợ hết vía khi phải một mình đi "ngắm mộ" ngày 2 lần, bắt đầu 6h30-18h30.
"Hôm đầu, tôi cũng hãi lắm, xung quanh hàng trăm ngôi mộ, di ảnh người đã khuất cảm giác như đang nhìn chằm chằm mình, nhang khói nghi ngút chỉ muốn bỏ chạy ngay", chị Tâm nói.
Nhưng làm nhiều rồi cũng quen, khác với không khí vắng lặng ở các khu nghĩa trang khác ở đây thi thoảng chị Tâm lại gặp các cô dọn mộ, hay những nhân viên phụ trách trồng cây xanh, rồi cả người nhà của các phần mộ lên thăm nên cũng đỡ sợ hơn.
"Con tôi còn nhỏ nên được ưu tiên không phải trực đêm, chứ nhìn chị My tôi cũng ngưỡng mộ lắm. Trực buổi sáng đôi lúc tôi còn thấy sợ, chứ trực ban đêm như chị ấy tôi chưa dám thử", chị Tâm nói về đồng nghiệp của mình.
Theo chị Tâm làm ca sáng như chị thì sẽ phải đi một mình, làm từ sáng tới tận chiều tối. Còn ca đêm sẽ có hai người luân phiên nhau để đảm bảo giấc ngủ.
"Ca đêm chỉ mỗi chị My là con gái thôi, còn toàn các anh, các chú", chị Tâm cho hay. Dù ca sáng hay ca tối mức lương của mọi người đều xuất phát điểm như nhau, khoảng 6 triệu đồng/tháng. Những người có thâm niên lâu năm sẽ được tăng lương theo quy định của nghĩa trang.
Ông Trần Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty Toàn Cầu, chủ đầu tư Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên - cho biết khu vực mộ tại Lạc Hồng Viên có diện tích khoảng 98 ha, được xây dựng năm 2009. Các phần mộ được chia ra mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình (gia đình lớn, gia đình nhỏ) và mộ gia tộc.
Tất cả khu vực đều có bảo vệ, từng phần mộ có nhân viên chăm sóc dọn dẹp định kỳ.
"Chúng tôi có 200 nhân viên túc trực dọn dẹp các phần mộ tùy từng thời điểm. Ngày lễ Tết sẽ nhiều nhân sự hơn, 100% các phần mộ ở đây được hưởng chế độ thay người thân chăm sóc, từ khuôn viên, cỏ cây, thắp hương vào mùng một, ngày rằm, lễ, Tết", ông Tuấn cho hay.