(Dân trí) - 20 năm qua, một cuộc trở mình theo thời đại khiến Xà Cầu bỗng chốc mang một cái tên mới: "Thủ phủ" phế liệu ngoại thành Hà Nội. Phế liệu được đổ đống khắp nơi, người chết cũng phải sống chung với... rác!
Cuộc sống "nghẹt thở" của người dân tại "thủ phủ" phế liệu Hà Nội
20 năm qua, một cuộc trở mình theo thời đại khiến Xà Cầu bỗng chốc mang một cái tên mới: "Thủ phủ" phế liệu ngoại thành Hà Nội. Phế liệu được đổ đống khắp nơi, người chết cũng phải sống chung với... rác!
Làng nghề truyền thống... chết yểu
Ngồi trước căn nhà cấp 4 ngay bên hông cổng nghĩa trang nhân dân thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thỉnh, 72 tuổi cùng chồng là ông Nguyễn Khả Hiệp, 81 tuổi, ra sức bóc dây điện nhựa, mỗi ngày làm liên tục được 100.000 đồng/người.
Nhớ lại những năm 11 - 12 tuổi, như bao thiếu nữ khác trong thôn, bà Thỉnh theo mẹ học làm hương đen, vốn được xem là nghề truyền thống hàng trăm năm. Xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn, thì trong đó 5 thôn làm tăm hương, chỉ riêng thôn Xà Cầu từ xưa nổi tiếng làm hương đen đặc trưng.
Đến khi lấy chồng, sinh con, bà vẫn bám lấy cái nghề cha ông để lại mà mưu sinh. Cho đến một ngày, làng nghề dần… chết yểu, bị cuốn theo dòng chảy hiện đại.
20 năm qua, một cuộc trở mình theo thời đại khiến làng nghề vốn nổi tiếng bởi mặt hàng thủ công truyền thống bỗng chốc mang một cái tên mới cũng nổi tiếng không kém - "Thủ phủ" phế liệu ngoại thành Hà Nội.
"Tôi làm hương đen đã 50 năm, kết hợp cấy ruộng, làm thuê làm mướn để duy trì cuộc sống. Nhưng vài chục năm gần đây, không còn người mua hương nữa, lại không cạnh tranh được các nơi khác, người dân bắt đầu chuyển đổi kế sinh nhai", bà Thỉnh nói về "cuộc cách mạng" khi mà những người đầu tiên trong thôn bỏ nghề làm hương đen, tiên phong chuyển sang thu gom và phân loại phế liệu rồi bán cho các nhà máy tái chế rác.
Trong số 4 người con của vợ chồng bà Thỉnh, 3 người cũng theo "nghề rác", người còn lại đi bộ đội chuyên nghiệp.
Mỗi ngày, ngồi trước hiên nhà, ông bà nhìn từng xe tải, container chở rác về thôn, nuối tiếc làng nghề truyền thống dần mai một, nhưng không thể phủ nhận "từ nhựa mà làm nên cơ đồ, nhà cao cửa rộng".
Ở thôn Xà Cầu, chỉ người ốm đau mới không làm ra tiền. Từ già trẻ gái trai, ai cũng làm được vì công việc hết sức đơn giản. Người khỏe đứng máy nghiền, máy xả nước, bốc hàng lên/xuống xe. Trong việc sơ chế phế liệu, khâu bốc vác được nhiều tiền nhất, chủ yếu các thanh niên trai tráng đảm nhận.
Người già, trẻ em và phụ nữ thì phân loại, bóc nhãn mác, rửa chai lọ… mỗi ngày cũng kiếm được trên 100.000 đồng.
Từ 7h sáng, tiếng máy ép, máy băm đã chạy ầm ầm khắp thôn. Phế liệu sau khi được làm sạch, ép thành bánh cao khoảng 45 - 60cm, sẽ được bán lại cho các công ty, nhà máy sản xuất đồ nhựa ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương,... với giá 1.000 - 2.000 đồng/tùy loại.
Căn nhà cấp 4 của gia đình anh Nguyễn Tiến Oanh dường như bị bao phủ bởi chai, lọ,... đến nỗi chỉ còn lối đi nhỏ ở giữa. Hơn chục năm trong nghề thu gom và phân loại phế liệu, anh đã quá quen và chấp nhận tình cảnh sống chung với "núi rác".
Không riêng nhà anh Oanh, khắp mọi ngóc ngách trong thôn, phế liệu chất đầy trong những bao tải lớn, xếp chồng lên nhau cao quá mái nhà. Nhìn từ trên cao, những "bể chứa rác" khổng lồ rộng hàng trăm mét vuông, được xây tường gạch bao quanh nằm giữa những căn nhà gây choáng ngợp.
"Chúng tôi thu mua phế liệu, đem về phân loại, rồi bán cho các chủ lớn trong làng. Công việc bao năm qua trong thôn vẫn diễn ra như thế", người đàn ông nói.
Nhiều hộ gia đình khác khá khẩm hơn, đã đầu tư máy móc, xây dựng xưởng, thuê nhân công phân loại và xử lý nguồn phế liệu sau khi nhập về. Đa số công nhân làm thuê đều là người dân ở thôn, thu nhập từ 200.000 đến 400.000 đồng mỗi ngày tùy theo mức độ công việc.
Rác thải nhiều đến mức sức người làm không xuể
6h sáng, vợ chồng ông Nguyễn Tiến Khanh, 49 tuổi, chở nhau ra nghĩa trang nhân dân thôn Xà Cầu - nơi làm việc của họ suốt hai năm qua. Đi một vòng từ đầu đến cuối nghĩa trang, rác thải và phế liệu chất thành từng khối bê tông nhiều màu sắc.
Từ lâu, nghĩa trang đã trở thành bãi tập kết rác thải nhựa, phế liệu của thôn. Mỗi ngày, hàng trăm xe tải hối hả nối đuôi nhau, mang rác về đây từ khắp nơi trên cả nước.
Theo ông Khanh, trung bình mỗi ngày, khoảng 50 tấn nhựa phế phẩm theo trục quốc lộ 21B "chảy" về thôn Xà Cầu. Những ngày cao điểm, con số này tăng lên hàng trăm. Rác nhiều đến mức sức người làm không xuể, còn người dân cũng chỉ biết cảm thán "kinh khủng" rồi lại tiếp tục công việc.
Đôi bàn tay đeo hai lớp găng của ông Khanh thoăn thoắt bóc nhãn mác các chai nhựa, phân loại riêng biệt. Nếu làm đủ 8 tiếng rưỡi, ông nhận được 200.000 đồng mỗi ngày.
Giơ đôi bàn tay lên cao, người đàn ông miêu tả lớp trong cùng là đôi găng tay nilon, tránh tiếp xúc trực tiếp với nước, hóa chất còn đọng lại trong các chai nhựa. Phía ngoài, một lớp găng vải dày sụ tiếp tục được phủ kín lên.
Tuy nhiên, cũng có người chủ quan chỉ đeo một lớp găng tay nilon, bị phế liệu sắc nhọn "chém" chảy máu, hoặc bị kim tiêm, hóa chất, huyết thanh dùng trong y tế nhỏ trúng tay, gây thương tích, uống thuốc nghỉ ngơi một thời gian rồi "đâu lại vào đấy" mà không hề biết mầm bệnh đang tích lũy trong cơ thể.
"Tôi bỏ tiền mua rác về, phân loại, rồi bán cho các chủ lớn. Công việc thoải mái, tự do, không bị gò bó về tinh thần", ông Khanh nói, nhìn một vòng nghĩa trang, nhớ lại khung cảnh vắng hoe hồi trước, nhưng 2 - 3 năm gần đây, "người chết và người sống, đều sống chung với rác".
Cách đó không xa, ngồi giữa những ngôi mộ san sát, "công nhân rác" 10 năm Nguyễn Thị Thai, 68 tuổi, nhớ lại ngày xưa phải "bỏ ruộng, bỏ hương" để làm rác.
"Ở giữa nghĩa trang, người sống chiếm hết đất của người chết để làm rác. Ngày thường, vẫn có gia đình đưa đám qua đây, đường đi thì hẹp bởi bị rác thải và phế liệu bao phủ", bà Thai vừa nói vừa chỉ tay về phía những bao tải rác nằm xen kẽ giữa những ngôi mộ.
Dù tuổi cao, vợ chồng bà vẫn làm việc. Ông phụ hồ xây nhà, còn bà phân loại phế liệu thuê, "để sau này nhỡ chết đi còn có tiền mà lo hậu sự, không vướng bận con cháu". Trong thôn Xà Cầu, nhiều người già như bà Thai vẫn nhận phân loại rác thải nhựa mỗi ngày, cố đi qua những ngày nhàn rỗi.
4h mỗi sáng, bà Thai đạp xe từ nhà đến nghĩa trang, làm việc quần quật đến 10h rồi nghỉ trưa. Ca chiều kéo dài từ 13h đến 17h. Hôm nào đủ sức khỏe, bà làm 9 - 10 tiếng mỗi ngày, kiếm được 130.000 - 140.000 đồng. Những hôm ốm đau, sản lượng công việc giảm, kéo theo thu nhập cũng giảm.
Giữa đống rác thải nhựa, bà Thai vô tình nhặt phải một chiếc kim tiêm y tế. Hai lớp găng tay vẫn chưa đủ để bà yên tâm khi mà hàng ngày, giữa hàng tấn phế liệu, luôn tiềm ẩn các loại kim tiêm, dây thép, vật sắc nhọn,…
Có lần bị kim tiêm đâm trúng tay chảy máu, bà ốm sốt hai ngày liên tục. Đến ngày thứ 3, cơn sốt giảm, người phụ nữ lại ra nghĩa trang, bắt đầu một vòng tuần hoàn quẩn quanh rác thải, cứ như thế suốt 10 năm qua.
Đeo khẩu trang, tôi vẫn không ngủ được vì mùi khét lẹt của nhựa
Ba năm trước, gia đình 4 thành viên của ông Nguyễn Tiến Huy, 45 tuổi, đều trở thành "công nhân rác" trong xu thế "chuyển đổi theo cả làng". Họ trở thành "công ty gia đình" - kiểu mẫu chung ở thôn Xà Cầu, khi tất cả thành viên đều xem rác là "cần câu cơm".
Trước đó, ông Huy chạy xe 3 bánh chở hàng thuê. Lượng công việc ổn định giúp ông duy trì thu nhập đủ chi tiêu. Tuy nhiên, hai năm dịch Covid-19 đẩy ông vào cảnh thất nghiệp.
"Khi tôi chuyển đổi làm rác, cả gia đình cũng làm theo. Biết là công việc ảnh hưởng sức khỏe và nhiều nguy hiểm, nhưng cả làng làm, mình cũng phải làm thôi", ông Huy nói.
Hàng ngày, người đàn ông chạy xe cải tiến vào trung tâm Hà Nội thu mua rác thải nhựa và phế liệu từ những người ve chai hay đồng nát. Trung bình mỗi ngày hai chuyến, khoảng 1 tấn rác, nhưng ông tính nhẩm còn ít so với các gia đình "triệu phú" khác trong làng chuyên chở bằng ô tô hay container.
Sau khi phân loại, rác được bán lại cho các ông chủ lớn hơn trong nhà máy. Những thứ không thể phân loại, ông Huy đổ xuống bãi rác theo quy định, chờ công ty môi trường thu gom.
Trên thực tế, nhiều hộ gia đình lại lén đốt trộm rác thải nhựa ở các cánh đồng, hoặc xả thải ra các cống rồi chảy ra kênh mương xung quanh, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở Xà Cầu chưa rõ hồi kết suốt thời gian qua.
Theo ông Huy, mỗi tháng, người dân đốt trộm rác một lần, thường vào tối muộn hoặc rạng sáng để tránh cơ quan chức năng. Mùi khét lẹt khiến gia đình ông nghẹt thở, không ngủ nổi.
"Hai hôm rồi, dù đeo khẩu trang, tôi vẫn không ngủ được vì mùi khét độc hại của nhựa", ông Huy than vãn, lý giải nếu không đốt trộm, lại không đủ chỗ để lấp đầy rác mới.
Ngoài ra, những núi rác thải nhựa chất đầy ven các con đường liên xã, liên thôn… gặp mưa nắng thì rỉ nước, chảy trực tiếp xuống kênh mương, ao hồ, thậm chí ngấm ra ruộng. Những ngày trời nắng, mùi rác bốc lên nồng nặc, khó chịu.
Người đàn ông bật cười, ví von một cách chua chát: "Cả một làng nghề chết yểu, không còn làm hương đen, đến lúa cũng không dám cấy vì sợ nước bẩn, thay vào đó là cấy… nhựa". Nhiều gia đình như ông Huy phải trang bị máy lọc nước hoặc mua những bình nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Biết là nguy hiểm, nhưng một khi đã "sống chung với lũ", ông Huy, ông Khanh, bà Thai hay bất kỳ người dân nào ở thôn Xà Cầu, đều không còn đường lui.
"Một nhà làm nhựa thì cả thôn sẽ làm", ông Huy nói bản thân cũng như 179 hộ gia đình khác trong thôn, không còn lựa chọn nào khác nếu muốn mưu sinh theo "làng nghề hiện đại".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường tại thôn Xà Cầu đã được xã lưu tâm trong nhiều năm qua.
Về việc đổ trộm và đốt rác thải, ngoài việc tuyên truyền, xã đã cử lực lượng "mật phục", tăng cường theo dõi các hành vi đổ trộm phế liệu, chưa nói tới việc đốt sẽ bị xử phạt rất nặng.
Bên cạnh đó, về vấn đề xử lý nguồn phế liệu dư thừa, địa phương đang kết hợp, ký kết với một số đơn vị, công ty xử lý rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu theo quy định.
Nội dung: Minh Nhân
Ảnh: Mạnh Quân