Chàng trai có 2 bằng cử nhân đại học làm nghề trang điểm tử thi ở Hà Nội
(Dân trí) - Dù đã đạt 2 bằng cử nhân đại học, anh Nguyễn Thế Tùng vẫn lựa chọn con đường đặc biệt - trở thành chuyên viên trang điểm cho người đã khuất.
Anh Nguyễn Thế Tùng (34 tuổi, sống ở Hà Nội) đã từ bỏ công việc ổn định của mình và bén duyên với nghề trang điểm tử thi - bước đầu tiên trong việc khâm liệm để tiễn đưa người đã khuất - được hơn 8 năm. Trước đó, người đàn ông này từng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Làm điều mà người khác không dám làm
Qua nhiều lần được đi cùng để hỗ trợ công việc khâm liệm cho người đã khuất, anh Nguyễn Thế Tùng đã lựa chọn theo đuổi nghề nghiệp đặc biệt này.
Phục vụ những "vị khách đặc biệt", anh Tùng không học qua trường lớp đào tạo về chuyên môn trang điểm mà toàn bộ kinh nghiệm đều được anh đúc kết qua thời gian hay tự bản thân tìm hiểu để trau dồi kiến thức từ các trang mạng.
"Trăm hay không bằng tay quen. Công việc của tôi không chỉ cần có kinh nghiệm mà người thực hiện công việc này phải thực sự đặt cái tâm của mình vào trong đó để có thể tiễn biệt những người đã khuất sang thế giới bên kia với một vẻ đẹp tự nhiên nhất, trọn vẹn nhất…", anh Tùng chia sẻ.
Bắt đầu công việc khi còn khá trẻ, chàng thanh niên Nguyễn Thế Tùng cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu bước vào nghề. Việc động chạm vào cơ thể của một người không thân quen vốn dĩ đã rất e ngại, nhưng còn khó khăn hơn nữa khi cơ thể ấy không còn sự sống.
Thời gian đầu, nhiều hôm trở về nhà, anh Tùng cảm thấy rất mệt và yếu vì suốt ngày phải tiếp xúc với khí lạnh. Tuy nhiên qua một thời gian, anh quen dần với công việc và cảm thấy nghề này cũng như bao công việc bình thường khác.
"Sợ thì không nhưng có sự ngại ngần...", anh Tùng thừa nhận. Tuy nhiên, trong lòng anh luôn thôi thúc mong muốn được giúp những người đã khuất có một khuôn mặt đẹp nhất, nhẹ nhàng nhất trước tất cả mọi người đến thăm viếng, đưa tiễn. Anh cho biết: "Tôi đam mê, trân trọng cái nghề mà mình đang theo đuổi".
Trang điểm cho người chết khó hơn trang điểm cho người sống
Trang điểm cho người đã khuất được tối giản với các bước cơ bản nhất để họ có thể mang một khuôn mặt nhẹ nhàng nhất, bình thường nhất khi bước sang thế giới bên kia, vì toàn bộ quy trình khâm liệm chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 45 phút đến 1 tiếng.
Thường thì anh Tùng là người thực hiện toàn bộ quá trình khâm liệm từ việc làm lễ, trang điểm tử thi và cúng luôn cho gia chủ; chỉ những trường hợp đặc biệt thì anh sẽ là người hỗ trợ các bác sĩ pháp y thực hiện công việc này. Chính vì vậy, trang phục khi anh Tùng làm việc sẽ chỉ là những bộ áo bà ba màu nâu hoặc đen kèm theo sự hỗ trợ của găng tay y tế, khẩu trang.
Đầu tiên, người đã khuất sẽ được tắm rửa lần cuối, thay một bộ quần áo mới, sau đó mới được chuyên viên thực hiện trang điểm. Theo chia sẻ của anh Tùng, cơ thể người đã mất sẽ không còn hơi ấm và các sắc tố trên da cũng bị biến đổi không còn được hồng hào nữa. Do đó, việc trang điểm cho họ sẽ khó khăn hơn bình thường vì những vùng da trên cơ thể bị thâm tím, thậm chí còn xảy ra tình trạng lồi lõm, teo móp vì những lý do tử vong khác nhau.
Điều này càng làm cho anh Tùng cảm thấy đau xót, thương tiếc khi thực hiện công việc của mình và có những suy nghĩ: Tại sao họ trẻ như vậy mà lại quyết định quyên sinh? Hay là những điều không may mắn trong cuộc sống để họ gặp phải những tai nạn đáng tiếc?...
"Sau các bước trang điểm, khuôn mặt người mất trở lại có sức sống hơn và họ như đang có một giấc ngủ dài chứ không phải một sự ra đi đau đớn, giảm được sự đau xót cho gia đình rất nhiều", anh Tùng nói.
Chia sẻ về kỉ niệm khó quên nhất trong hơn 8 năm làm nghề, anh Tùng tâm sự: "Tôi từng gặp một vị khách nữ. Cô biết mình bị ung thư giai đoạn cuối do xạ trị và rụng hết tóc. Trước khi mất cô có mong muốn có một mái tóc thật dài và được tô son đỏ. Cô muốn mình như đang dạo chơi chứ không phải là một giấc ngủ mãi mãi.
Và tôi đã thực hiện được tâm nguyện đó, khiến cô trông giống như hồi còn khỏe. Tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc và trân trọng công việc mà mình đang theo đuổi."
Tinh thần "thép"
Là một người làm nghề mà nhiều người e ngại, anh Tùng luôn phải giữ cho mình tinh thần thép. Rất nhiều ca khi trang điểm xong khiến anh Tùng không khỏi xót xa, ám ảnh.
"Đó là trường hợp của một bạn nữ còn rất trẻ bị tai nạn giao thông, bạn bị xe cán ngang đầu trông rất đau đớn. Khi thực hiện trang điểm cho bạn, tôi phải nhét rất nhiều bông vào nửa bên đầu bị hóp để có thể làm đầy, trả lại một hình dáng bình thường nhất cho bạn ấy. Tôi hy vọng, người thân của bạn có thể thấy được hình ảnh đẹp nhất, nhẹ nhàng nhất của bạn ấy khi ra đi để giảm bớt nỗi đau.
Hay có trường hợp, người xấu số là một thanh niên tử vong do HIV, cơ thể của anh ấy bị bong tróc, lở loét rất nhiều và phần lớn, tôi đều phải che lại không cho người thăm viếng thấy", anh Tùng nói.
Người đàn ông này cho hay, để gắn bó với công việc này, người trang điểm tử thi sẽ luôn luôn phải giữ cho mình một tâm lý vững, thực sự có niềm đam mê đối với nghề và quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, bền bỉ khi đứng trước sự phản đối từ phía những người thân, bạn bè của mình.
"Từ khi lựa chọn công việc này cho đến hiện tại, tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ nhưng điều tiếng và áp lực là có. Những thứ đó đến từ phía gia đình, bạn bè, những người thân quen. Sẽ chẳng có ai muốn gần với một người mà suốt ngày đến nhà tang lễ, động chạm với người đã khuất…".
Với những người bình thường, đó có thể được cho là một việc rất ghê sợ, nhưng đối với anh Tùng đây lại là nghề nhiều ý nghĩa. Anh cảm thấy hạnh phúc vì công việc mình làm.
"Khi mọi người đều tự hào khi nói về công việc của mình như bác sĩ, giáo viên... thì một người khoe làm hỗ trợ khâm liệm và trang điểm tử thi thì mấy ai có thể hiểu và ủng hộ? Đa số thường là những lời dè bỉu và thắc mắc tại sao lại lựa chọn công việc như thế? Nhưng tôi luôn hài lòng, hạnh phúc và trân trọng với lựa chọn của mình", anh Tùng nói.
Anh cũng chia sẻ thêm: "Không phải vì thu nhập, đây là công việc đem đến cho tôi nhiều cảm xúc, đam mê. Dù trải qua bao nhiêu sóng gió, hứng chịu bao nhiêu điều tiếng nhưng tôi sẽ làm cho đến khi tôi không còn đủ sức để tiếp tục công việc này nữa.
Tôi nghĩ rằng, nghề nào cũng đáng trân trọng, nếu ai cũng e sợ việc nhạy cảm, khó nhọc thì ai sẽ đảm nhận công việc này. Hơn tất cả, tôi cảm thấy trân quý công việc mình đang làm, vì nó giúp những gia đình có thể vơi bớt phần nào nỗi đau khi mất người thân của mình".
Thúy Anh