Hơn 30 năm "làm đẹp" cho tử thi, người đàn ông kể kỷ niệm ám ảnh
Làm nghề chăm sóc tử thi, ông Kim nhiều lần mệt mỏi, đuối sức, song ông nghĩ đó là lần cuối họ được trang điểm, tắm rửa nên cố gắng hết sức.
Ở tuổi 73, ông Phan Kim (trú phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) không nhớ nổi đã bao nhiêu lần tắm rửa, trang điểm cho người chết, lấy mẫu bệnh phẩm, hỗ trợ công an khám nghiệm tử thi... Ông chỉ ước tính, hơn 30 năm nay, đã có hàng trăm thi thể được ông tắm rửa, trang điểm trước khi khâm liệm.
"Vợ và các con can ngăn, bảo nghề này ảnh hưởng sức khỏe nên nhiều lần khuyên tôi nghỉ việc nhưng đã thành cái nghiệp rồi, tôi phải theo. Hầu như ngày nào cũng có người gọi nhờ tôi, lúc thì đi vớt xác, lúc đi trang điểm tử thi.
Mỗi lúc cầm phấn son lên, trong đầu tôi đều nghĩ: Đây là lần cuối cùng họ được tắm, được trang điểm nên phải tắm cho sạch, trang điểm cho thật đẹp", ông Kim nói.
Cơ duyên đưa ông đến với nghề "làm bạn với xác chết" bắt đầu từ năm 1991. Năm đó, tích góp đồng lương sau 19 năm làm cán bộ hành chính điều vận cho công ty Vận tải ô tô Hà Tĩnh, ông Kim "tậu" được chiếc xe Huyndai 12 chỗ, chuyên chở bệnh nhân chuyển tuyến từ Hà Tĩnh ra Hà Nội và ngược lại.
Từ cảnh "lạnh cả sống lưng" khi chứng kiến người chết, ông đã quen dần với việc hàng ngày tiếp xúc với tử thi. Những ca bệnh nặng, tử vong, ông lại nhận nhiệm vụ vận chuyển thi thể về để gia đình lo hậu sự.
"Hồi đó bệnh viện chưa có nhiều xe cứu thương nên tôi làm nghề lái xe. Sau khi chở thi thể về, chứng kiến những gia đình neo người, hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy thương nên lại xắn tay tắm rửa, trang điểm miễn phí.
Từ việc tắm rửa miễn phí, sau này kết hợp với dịch vụ tang lễ, các gia đình lại biết và tìm đến tôi để thuê. Lâu dần thành quen và tạo thành cái duyên với nghề", ông Kim trải lòng.
Mỗi ngày, bất kể thời gian, chỉ cần thân nhân của người quá cố cần đến mình, ông Kim đều lặng lẽ khoác lên người chiếc áo trắng bảo hộ, đeo găng tay rời nhà đi nhận nhiệm vụ.
Mỗi tháng trung bình có 17 thi thể được ông Kim chăm sóc. Nhiệm vụ của ông là tắm rửa, gội đầu, trang điểm hoặc phục hồi, khâu vá các thi thể bị biến dạng do tai nạn để giúp gia đình tổ chức tang lễ được trọn vẹn.
"Bén" nghề, ông Kim được lực lượng chức năng tin tưởng, thuê luôn công việc mổ tử thi, vớt xác, lấy mẫu bệnh phẩm của người đã khuất. Trong số các công việc thường ngày, ông Kim cho biết, ông cảm thấy "tự tin" nhất là trang điểm cho tử thi.
"Khuôn mặt của người đã khuất rất khó trang điểm vì da đã bị chùng. Vì thế, tôi phải bôi kem, thoa phấn đúng cách để làn da được căng và bóng hơn. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo, làm việc có tâm.
Khó nhất là dùng bút chì tạo mí mắt cho người đã mất. Phải làm sao để trang điểm mí mà người mất như đang nằm ngủ. Kỹ thuật này khá khó nhưng tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, tôi đã làm được. Tôi cũng biết cách để người đã mất trông đẹp nhất. Đàn ông mà tô môi đỏ quá thì xấu, phụ nữ môi càng thắm thì càng đẹp. Đàn ông kẻ mày rậm thì đẹp còn vẽ mày cho phụ nữ càng thanh tú càng đẹp.
Khi tắm gội cho họ, tôi đều làm rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Lúc nào tôi cũng nghĩ đây là lần cuối cùng họ được tắm nên cố gắng trọn vẹn và chu toàn nhất", ông Kim tâm sự.
Người đàn ông 73 tuổi cho biết, bản thân cảm thấy hạnh phúc khi được gia chủ khen trang điểm đẹp. "Có cụ bà 86 tuổi mất vì tuổi già, sau khi trang điểm xong, chồng của bà ấy quay sang hỏi tôi: Bằng cách nào mà ông có thể biến vợ tôi 86 tuổi mà trẻ đẹp như 68 tuổi?", ông Kim nói.
Từ một người đàn ông vụng về, không biết đến phấn son, khi "bén duyên", ông Kim đã "thuộc như lòng bàn tay" nhiều loại mỹ phẩm trên thị trường.
Ngoài việc trang điểm thi thể, ông Kim còn giúp đỡ nhiều gia đình gom nhặt, khâu vá lại những phần thi thể không nguyên vẹn sau tai nạn.
Ông kể, lần ám ảnh nhất đối với ông là khi phải ngồi khâu thi thể cho một nữ giáo viên bị biến dạng sau vụ tai nạn thảm khốc.
"Tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ để khâu vá cơ thể cho cô giáo khi bị xe tải chèn nát, lần đó về tôi rất ám ảnh và mệt mỏi, áp lực. Dư luận nói tôi có tinh thần thép, người của thế giới âm nhưng không phải như thế. Nhiều lần tôi mệt mỏi, đuối sức muốn được nghỉ ngơi, song cứ có người gọi nhờ, thuê, tôi lại không đành. Tôi không quan tâm dư luận nghĩ gì về công việc này, bởi nghề không chỉ là để kiếm tiền, mà còn là trách nhiệm với xã hội", ông Kim nói thêm.