DNews

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào?

Tiến Bùi Cẩm Tiên Việt Hà

(Dân trí) - Không được ở bên gia đình trong dịp đầu năm mới, nhiều bạn trẻ Việt đã tự tạo cho mình niềm vui đặc biệt và lưu giữ khoảnh khắc ý nghĩa bên bạn bè thân thiết.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào?

Hòa chung trong không khí chào đón năm mới, nhiều bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cố gắng vượt qua nỗi nhớ nhà, vào bếp nấu bữa cơm tất niên và tận hưởng thời khắc chuyển giao thiêng liêng.

Trung Quốc

Giữa cái lạnh dưới 0 độ C tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Phạm Thị Thương (29 tuổi, nghiên cứu sinh ngành Hán ngữ quốc tế, Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh) cùng nhóm bạn người Việt tổ chức một bữa lẩu tất niên ấm cúng.

Thương chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Ở Trung Quốc, người dân đón Tết theo lịch âm như Việt Nam. Vì thế, Tết Dương lịch khá đơn giản. Các khu vui chơi chỉ được trang trí nhẹ nhàng, như quán cà phê hay quán ăn thêm vài hình ảnh chúc mừng năm mới.

Các bạn đến từ châu Âu tổ chức bữa cơm tất niên tại ký túc xá hoặc tham gia sự kiện đếm ngược ở một số địa điểm lớn".

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 1

Đây là lần đầu tiên Thương đón Tết Dương lịch ở Bắc Kinh. Chưa quen với thời tiết lạnh giá, cô quyết định không nán lại đến giao thừa mà trở về ký túc xá để ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

"Vào khoảnh khắc Tết Dương lịch, tôi chỉ muốn ở phòng học bài và "khai bút" bằng những kế hoạch học tập mới cho học kỳ tới", cô tâm sự.

Ngày 1/1, Thương và nhóm bạn tổ chức một bữa ăn mang đậm hương vị Việt Nam mời bạn bè quốc tế cùng chung vui. "Chúng tôi sẽ nấu các món Việt để giới thiệu văn hóa quê nhà và tận hưởng chút không khí Tết xa xứ", cô háo hức chia sẻ.

Với Thương, dù đón năm mới ở một đất nước khác, bữa tiệc nhỏ quây quần cùng những anh chị em người Việt Nam giúp cô có Tết Dương lịch ấm áp và ý nghĩa.

Nhật Bản

Với lịch trình học tập và nghiên cứu dày đặc, Nguyễn Hoàng Long (SN 1994, Hà Nội) - du học sinh tại Nhật Bản - đã trải qua lần thứ hai đón năm mới xa quê hương.

Cũng giống như dịp đầu năm mới tại Việt Nam, Hoàng Long thường giữ thói quen dọn dẹp nhà cửa, quây quần cùng bạn bè trong mâm cơm liên hoan và chia sẻ những câu chuyện thú vị thường ngày.

Trước thềm bước sang năm mới, lớp học của Hoàng Long tổ chức liên hoan cùng giáo sư. Sau đó, anh và bạn bè sẽ đến trung tâm Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) để chờ đợi khoảnh khắc giao thừa.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 2
Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 3

"Khác với các nước láng giềng trong khu vực, Tết Dương lịch lại là ngày lễ lớn ở Nhật Bản. Vào thời khắc giao thừa, hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng và tận hưởng không khí chuyển giao sang năm mới.

Đây cũng là dịp lễ để nhóm du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản có cơ hội tụ tập, nấu những món ăn truyền thống và tham gia các hoạt động vui chơi nhằm xua tan nỗi nhớ quê nhà", anh chàng tâm sự.

Trong khi đó, trải qua một năm sinh sống và học tập ở thành phố Saitama (Nhật Bản), Nguyễn Hồng Thắm (SN 2001) vừa có một đêm giao thừa đầy ý nghĩa bên cạnh bạn bè.

"Bên này không bắn pháo hoa như Việt Nam, chỉ có đếm ngược đến giao thừa. Ra đường đêm giao thừa xác định không có tàu điện để về nhà", cô nàng bộc bạch.

Hàn Quốc

Nhiều bạn trẻ Việt cho biết, tại Hàn Quốc, không khí đón năm mới khá trầm lắng do quốc gia này đang tổ chức quốc tang sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc.

Mới đặt chân đến Hàn Quốc học tập được khoảng 4 tháng, Hà Tuấn Đạt (SN 2001, Hòa Bình) khá hồi hộp khi lần đầu tiên trải nghiệm đón Tết Dương lịch tại xứ sở kim chi. Dù không có bạn đồng hành, Tuấn Đạt vẫn quyết định bắt chuyến tàu điện ngầm lúc 22h để kịp đến trung tâm Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đón chào năm mới một mình.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 4
Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 5

Nam sinh tỏ ra khá bất ngờ trước không khí ảm đạm, vắng vẻ tại một số tuyến phố nổi tiếng. Trong những ngày này, không có nhiều hoạt động ăn mừng, vui chơi giải trí được tổ chức giống như mọi năm.

Còn Đoàn Triệu Diệu Anh (SN 2001, Nam Định) cùng em gái đi dạo quanh Seoul, ghé thăm những địa điểm được trang trí lung linh vào dịp năm mới.

Cô nàng sinh năm 2001 quyết tâm tập trung dọn dẹp và trang trí lại không gian sống, thêm vài cành hoa nhỏ và đèn lấp lánh để căn phòng trông ấm cúng hơn.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 6
Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 7

Đặc biệt, Diệu Anh còn tự tay làm một mâm cơm Tết đơn giản với bánh chưng mini, giò chả và vài món ăn Việt Nam. Theo cô, mùi hương quen thuộc từ nồi thịt kho hay bát canh cải sẽ khiến Tết Dương lịch ở Hàn thêm phần ý nghĩa hơn.

"Dù xa nhà, tôi vẫn cố gắng mang không khí Tết quê hương vào cuộc sống ở nơi đất khách để mỗi năm mới đều bắt đầu với sự ấm áp và hy vọng", Diệu Anh chia sẻ.

Anh

Hà Phương Anh - du học sinh 23 tuổi đang sống tại London, Anh - chia sẻ những cảm xúc đặc biệt khi bước vào năm thứ 5 đón năm mới xa nhà. Với cô, những năm đầu khá bỡ ngỡ khi chưa quen việc sống xa gia đình. Còn bây giờ, cảm giác của cô nhẹ nhàng và quen thuộc hơn khi không ở cạnh bố mẹ vào dịp giao thừa.

"Nhà tôi có hai anh em thôi, đều đi sang đây học và làm việc. Bố mẹ ở nhà những dịp này vắng người cũng buồn, nhưng mà cũng quen rồi", Phương Anh bày tỏ.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 8

Điều đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên Phương Anh bỏ ra 55 bảng Anh (khoảng 1,7 triệu đồng) mua vé tham dự sự kiện bắn pháo hoa chào đón năm mới tại trung tâm London -khu vực quanh tháp đồng hồ Big Ben và London Eye.

Cô hào hứng kể: "Tôi đi cùng anh trai và bạn bè. Đây là lần đầu tôi trải nghiệm không khí náo nhiệt như vậy".

Về không khí tại London, Phương Anh miêu tả đường phố ban ngày khá yên tĩnh, không khác biệt so với ngày thường.

Na Uy

Năm nay, Nguyễn Hoàng Linh (SN 2000) - du học sinh tại Na Uy - quyết định ở lại quốc gia Bắc Âu để trải nghiệm không khí năm mới cùng gia đình một người bạn bản xứ.

Theo Hoàng Linh, người Na Uy thường dành thời gian Tết Dương lịch để sum vầy bên gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Họ trang trí nhà cửa, sử dụng những bộ bát đĩa có họa tiết đặc biệt, chỉ dành riêng cho dịp Giáng sinh và năm mới.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 9
Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 10

Một trong những điểm đặc biệt của bữa tiệc năm mới tại Na Uy là các món ăn truyền thống được chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm tynnribbe (thịt sườn heo quay), pinnekjøtt (thịt cừu) và gà tây quay.

"Sau bữa tối, gia đình bạn tôi tham gia trò chơi truyền thống kéo dài tới đêm và cùng nhau đi lên đỉnh núi để ngắm pháo hoa trong giây phút giao thừa.

Tôi sẽ quay về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán nên trải nghiệm đón năm mới theo phong tục truyền thống của người Na Uy là kỷ niệm rất đáng nhớ", nữ du học sinh bộc bạch.

Đức

Nguyễn Phương Anh (SN 2001) là du học sinh tại Đức. Cô đã cùng bạn bè dạo quanh thành phố Frankfurt (Đức), ghé thăm một số địa điểm trang trí năm mới.

Phương Anh dần làm quen với việc xa nhà vào những dịp lễ quan trọng nhưng không thể quên được không khí đón năm mới ấm cúng, những bữa cơm sum vầy cùng gia đình tại quê nhà.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 11
Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 12

Cô nàng chia sẻ: "Mọi người bắt đầu đổ ra đường từ sớm để có thể tận hưởng không khí đón chào năm mới. Khác với các nước châu Á, đường phố ở Đức không trang hoàng lộng lẫy, thậm chí có phần khá đơn giản".

Hungary

Không thể sắp xếp thời gian học tập, Đậu Quỳnh An Na (SN 2004, Hà Tĩnh) lựa chọn ở lại thủ đô Budapest (Hungary) đón Tết Dương lịch 2025 cùng bạn bè.

Trong ngày này, An Na dành thời gian dọn dẹp nhà cửa và cùng bạn bè chuẩn bị mâm cơm tất niên với những món ăn truyền thống từ 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 13
Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 14

An Na cho biết, Tết Dương lịch chính là dịp để du học sinh Việt Nam chia sẻ những món ăn ngày Tết đến từ địa phương của mình. Qua đó, tạo thêm niềm tự hào và gắn kết niềm tự hào dân tộc cho những người con xa xứ.

Vào đêm 31/12, nhóm của An Na tham gia sự kiện countdown (đếm ngược) tại trung tâm thủ đô Budapest, cùng chào đón khoảnh khắc chuyển giao năm mới.

Mỹ

Nguyễn Thị Thanh Thủy và chồng Lanzi Nathan Christopher (quốc tịch Mỹ) cùng con gái Emma đón năm mới tại bang Connecticut, Mỹ. Hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, đây là năm đầu tiên hai vợ chồng đưa con gái về Mỹ đón Tết.

Khu vực nơi gia đình chồng Thủy sinh sống không có nhiều cửa tiệm người Việt nên những ngày này, cả nhà hầu như chỉ ra ngoài mua sắm và chụp ảnh.

Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 15
Người Việt sống ở nước ngoài đón năm mới 2025 như thế nào? - 16

"Lễ đón năm mới của người Mỹ tại khu vực gia đình chồng tôi sinh sống khác biệt hoàn toàn so với Việt Nam. Vào ngày này, các thanh niên thường rủ nhau tụ tập để mở tiệc, còn người lớn tuổi thích quây quần các bữa ăn cùng gia đình.

Ban ngày, vợ chồng tôi đưa con ra ngoài chụp hình. Các cửa tiệm vẫn giữ nguyên phong cách trang trí từ dịp Giáng sinh cho tới hết tháng 1. Ở Mỹ, người dân làm tiệc đón Giáng sinh còn lớn hơn tiệc mừng năm mới. Thậm chí. có những gia đình làm tiệc Noel cho cả dòng họ cùng tới vui chơi, tụ họp", Thanh Thủy chia sẻ.

Gần 10 năm đón Tết xa quê nên Thủy rất nhớ khoảnh khắc quây quần bên gia đình và thưởng thức mâm cơm đậm chất Việt. Cô dự định đưa bé Emma về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Ảnh: Nhân vật cung cấp