DNews

Mắc cùng lúc 2 loại ung thư, nữ sinh 19 tuổi vẫn đỗ Đại học Ngoại thương

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Châu, 19 tuổi, đến từ Hòa Bình, định kết thúc cuộc đời sau khi biết mình mắc hai căn bệnh ung thư hiếm gặp. Tuy nhiên, cô vượt qua khó khăn, chiến đấu kiên cường và đỗ vào Đại học Ngoại thương.

Mắc cùng lúc 2 loại ung thư, nữ sinh 19 tuổi vẫn đỗ Đại học Ngoại thương

Cú ngã đầu tiên

Tháng 1/2023, trong một đêm mùa đông lạnh giá, Lương Hà Châu (18 tuổi) tỉnh giấc để đi vệ sinh như thường lệ. Tuy nhiên, khi vừa bước chân xuống giường, cô ngã khụyu, chân bất động, không thể tự đứng dậy dù vẫn cảm giác được cơ thể mình.

"Khi tôi ngã bố vẫn thức, ông xốc nách giúp tôi đi vệ sinh và trở lại giường", Châu kể. Lúc ấy, gia đình nghĩ rằng đó chỉ là tình trạng tê chân do lạnh, không ngờ rằng đó lại là dấu hiệu khởi đầu của một hành trình đầy đau đớn và thử thách.

Buổi sáng hôm sau, chân Châu vẫn không cử động được. Gia đình vội vàng đưa cô đến bệnh viện tỉnh. Nhưng tại đây, các bác sĩ chỉ kê đơn, truyền thuốc bổ sung canxi mà không đưa ra bất kỳ chẩn đoán cụ thể nào. Họ cũng không phát hiện ra rằng sức khỏe của cô gái ngày một xấu đi.

Châu kể, trước khi bị liệt hoàn toàn, cô xuất hiện nhiều triệu chứng như  thường xuyên khát nước, cảm thấy mệt mỏi, không thể tập trung học hành. Nhiều lần cô giáo khuyên gia đình đưa Châu đi khám vì nhận thấy có dấu hiệu bất thường. Bố mẹ sau đó đưa cô đến viện sức khỏe tâm thần Bạch Mai (Hà Nội) vì nghi ngờ con gái gặp vấn đề về tâm lý. Ở đây Châu được chẩn đoán bị trầm cảm, kê thuốc sử dụng.

"Uống thuốc trầm cảm khiến tôi gặp vấn đề sinh lý khác, mẹ lại đưa tôi đi viện phụ sản thăm khám", Châu nhớ lại.

Lần khám ở phụ sản cho kết luận sức khỏe bình thường. Sau nhiều lần đi kiểm tra không ra bệnh, mẹ Châu nghĩ rằng con gái giả vờ mệt để tránh học hành. Thậm chí, khi Châu thường xuyên kêu đau đầu, khó chịu, mẹ không mấy bận tâm.

Gia đình cho rằng cô làm nũng hoặc phóng đại vấn đề. Nhưng khi Châu gặp tình trạng liệt toàn thân, sự thật khiến cả gia đình bàng hoàng.

Mắc cùng lúc 2 loại ung thư, nữ sinh 19 tuổi vẫn đỗ Đại học Ngoại thương - 1
Mắc cùng lúc 2 loại ung thư, nữ sinh 19 tuổi vẫn đỗ Đại học Ngoại thương - 2

Châu nhiều lần nhập viện nhưng không ra bệnh.

Suốt những ngày Châu nằm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình truyền thuốc, sức khỏe không chuyển biến mà ngày càng xấu đi. Từ chân, tay đến cổ của nữ sinh không cử động được nữa. Lúc này bác sĩ cho cô bé đi chụp CT, phát hiện có khối u trong não và tuyến giáp. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên ở tỉnh phát hiện ra loại u này, họ không thể xác nhận tên bệnh, khuyên gia đình nên xuống Bạch Mai, bệnh viện đa khoa để có thể chẩn đoán được chính xác nhất.

"Thời điểm ấy tôi không rõ mình mắc bệnh gì, chỉ biết cơ thể bị liệt cần xuống Hà Nội điều trị", Châu cho hay.

Khi được đưa xuống Hà Nội, Châu trải qua nhiều cuộc thăm khám và hội chẩn kỹ lưỡng. Các bác sĩ xác định cô có một khối u ở vùng nội tiết. Khối u này không quá lớn hay chèn ép dây thần kinh, nhưng lại gây liệt do đè lên mạch máu, làm tắc nghẽn, dẫn đến mất khả năng vận động.

Cô gái 18 tuổi được chuyển sang khoa nội tiết để điều trị. Bác sĩ kê thuốc cho Châu về nhà uống, bởi khối u nằm ở vùng nhiều dây thần kinh, tốt nhất không nên làm gì.

Trở về nhà nữ sinh uống thuốc theo đơn, trong 1 tháng cô tăng liên tiếp 15kg. Nhìn cơ thể mình, cô rơi vào buồn bực, khó chịu. Châu lén bỏ thuốc để trở về cân nặng như cũ, tuy nhiên hai tuần sau khi bỏ thuốc cô gái liệt trở lại.

Bố mẹ đưa Châu trở lại Bạch Mai, lúc này bác sĩ không thể giấu cô tiếp được nữa. Mọi người cho cô biết có một khối u ở tuyến giáp, cần uống thuốc thường xuyên nếu không sẽ bị liệt.

Vào thời điểm bị liệt hoàn toàn, Châu đang là học sinh lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời - kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bệnh tật tìm đến cô từng nghĩ sẽ phải chấm dứt việc học và đã chấp nhận sống chung với nó.

Tuy nhiên, những ngày nằm viện tại Bạch Mai, khi cổ của cô cử động được, từ giường bệnh Châu nhìn qua cửa sổ, thấy cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân ở ngay đối diện. Nhìn các anh chị đi học, lại nghĩ đến các bạn của mình Châu ao ước có thể khỏe lại.

"Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện, mong mình khỏe lại để được tiếp tục học tập, được sống như bao bạn bè đồng trang lứa", Châu nhớ lại.

Mắc cùng lúc 2 loại ung thư, nữ sinh 19 tuổi vẫn đỗ Đại học Ngoại thương - 3

Dù mắc cùng lúc hai căn bệnh ung thư quái ác, Châu vẫn luôn lạc quan, vui vẻ.

Tuy nhiên lúc này, khối u ngày một to, các bác sĩ khuyên nên chuyển sang bệnh viện K nơi có nhiều kinh nghiệm về điều trị ung thư, để có phác đồ hợp lý nhất.

"Ban đầu, tôi chỉ biết mình có khối u tuyến giáp. Khi làm thủ tục xuất viện, lúc bố mẹ ra ngoài, chị điều dưỡng đưa bệnh án, tôi mới biết thêm khối u ở não", Châu nói.

Nhìn thấy tờ bệnh án, cô gái bật khóc tại chỗ, thậm chí ngay lúc ấy Châu có suy nghĩ sẽ nhảy từ tầng 6 bệnh viện xuống để kết thúc cuộc đời. Tuy nhiên, thời điểm này cô nhận được tin nhắn từ cô giáo dạy văn, kèm một đường link các lời chúc của bạn cùng lớp.

Điều này giúp nữ vực lại tinh thần. Nghĩ về những ngày đã qua, dù bệnh tật hành hạ cô một thời gian, từng bị liệt và đứng lên được, Châu nghĩ căn bệnh này không quá đáng sợ, cô sẽ chiến đấu với nó.

Cuộc chiến đấu với ung thư bắt đầu

Châu được làm thủ tục chuyển sang Bệnh viện K Tân Triều. Lịch mổ được sắp xếp vào tháng 5/2023.

"Tôi sẽ thi tốt nghiệp vào cuối tháng 6, tôi nghĩ mình có đủ thời gian để vết thương lành lại và đi thi", Châu cho hay. Tuy nhiên, 3 lần lên bàn mổ men gan cao khiến bác sĩ phải hoãn lại ca phẫu thuật.

Đầu tháng 6/2023 khi mọi chỉ số cho phép, Châu được phẫu thuật. Ca mổ diễn ra thành công,  cô được xuất viện sớm. Nhưng khi về nhà, vết mổ nứt dần và hoại tử. Một lần nữa Châu phải quay lại viện khi chỉ cách ngày thi hơn hai tuần. Khoảng thời gian này, hàng ngày bác sĩ thay băng, thấm dịch cho Châu mà không có gây tê.

"Đây là một trải nghiệm đầy đau đớn, lúc đầu khi dịch còn nhiều, miếng băng dễ dàng lấy ra, tuy nhiên khi vết thương khô lại, mỗi lần lấy băng ra đau như cắt da cắt thịt", Châu chia sẻ.

Cách thi hai ngày Châu nói với bác sĩ về việc muốn về nhà đi thi, mọi người nhanh chóng khâu lại vết thương để cô gái xuất viện tham gia thi tốt nghiệp.

Kết quả không phụ lòng cô, Châu thành công tốt nghiệp. Nhờ học bạ trường chuyên cộng thêm điểm IELTS 7.5, cô đỗ vào khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Ngoại thương.

Mắc cùng lúc 2 loại ung thư, nữ sinh 19 tuổi vẫn đỗ Đại học Ngoại thương - 4

Châu đi thi tốt nghiệp với vết mổ trên cổ mới khâu.

Tuy nhiên căn bệnh u não vẫn còn đấy. Sau nhập học đại học, cô gái trở lại với cuộc chiến sinh tử lần nữa. Sau hàng loạt xét nghiệm và hội chẩn, bác sĩ xác định Châu mắc bệnh u bào Langerhans đa hệ thống - một dạng ung thư hiếm gặp, chỉ được ghi nhận trong vài ca trên thế giới.

Điều đáng buồn là căn bệnh này chưa có phác đồ điều trị chuẩn, nguy cơ tái phát rất cao. Bác sĩ khuyên không nên mổ vì khi giải phẫu hộp sọ có thể ảnh hưởng đến thần kinh của cô. Hóa trị là phương pháp tối ưu nhất.

Tháng 7/2023, Châu trải qua đợt hóa trị đầu tiên đầy đau đớn, cơ thể bỏng rát. Trong đợt đầu, khối u chỉ nhỏ đi một chút. Nghe tin này, Châu rất mừng, nhưng bác sĩ lại lo lắng vì thông thường u phải giảm kích thước nhiều hơn. Khi kể lại với gia đình, bố mẹ cô dường như mất hết hy vọng.

Tuy nhiên, đến đợt hóa chất thứ hai, kết quả chụp chiếu cho thấy khối u đã không còn. Dù vậy, bác sĩ giải thích rằng bệnh của Châu có nguồn gốc từ máu và không thể phẫu thuật, nên nguy cơ tái phát vẫn còn. Cô được chỉ định tiếp tục điều trị duy trì trong một năm, với chu kỳ truyền hóa chất ba tuần một lần.

Mắc cùng lúc 2 loại ung thư, nữ sinh 19 tuổi vẫn đỗ Đại học Ngoại thương - 5

Châu hiện là sinh viên Đại học Ngoại thương.

Châu kiên trì điều trị suốt một năm, đến tháng 11 thì kết thúc liệu trình. Cô đang chờ kết quả chụp chiếu để biết chính xác tình trạng khối u của mình thật sự biến mất hoàn toàn chưa.

Sau hơn một năm chiến đấu với bệnh tật, Châu nhận ra rằng điều quý giá nhất trong cuộc đời chính là sức khỏe và tình yêu thương của gia đình, bạn bè.

Cô chia sẻ: "Trước đây, em chỉ tập trung vào học hành để khiến bố mẹ tự hào. Nhưng khi đối mặt với bệnh tật, em mới hiểu gia đình, bạn bè yêu thương mình nhiều đến thế nào".

Châu cũng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với các bác sĩ Việt Nam - những người đã cứu cô khỏi căn bệnh hiếm gặp. "Em tin tưởng hoàn toàn vào tay nghề và y đức của bác sĩ Việt Nam. Chính họ đã giúp em vượt qua mọi khó khăn mà không cần ra nước ngoài điều trị".

Giờ đây, Châu vẫn tiếp tục hành trình học tập tại Đại học Ngoại thương. Câu chuyện của cô không chỉ là hành trình chống lại bệnh tật mà còn là minh chứng cho sức mạnh ý chí và nghị lực sống.

Ảnh: Nhân vật cung cấp