DMagazine

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới

(Dân trí) - Với người Khùa, mỗi cặp vợ chồng đều có 3 lần tổ chức lễ cưới, là sự minh chứng rõ ràng nhất cho mối tình thủy chung. Nếu chưa cưới lần 3 mà chồng hoặc vợ đã mất thì con cháu sẽ tổ chức "đám cưới ma".

Với người Khùa, mỗi cặp vợ chồng đều có 3 lần tổ chức lễ cưới, là sự minh chứng rõ ràng nhất cho mối tình thủy chung, đồng cam, cộng khổ. Nếu chưa kịp cưới lần 3 mà chồng hoặc vợ đã mất thì con, cháu sẽ tổ chức "đám cưới ma".

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 1

Trong chuyến công tác về với huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đến với bản K-Ing, xã Trọng Hóa, chúng tôi đã có dịp trải nghiệm, chung vui trong một lễ cưới đặc trưng của đồng bào người Khùa (dân tộc Bru - Vân Kiều).

Đây là lễ cưới lần thứ 3 và cũng là lần cuối theo phong tục người Khùa của cặp vợ chồng ông Hồ May (SN 1966) và bà Hồ Thị Chum (SN 1968). Dù nay đã có 7 người con, 8 đứa cháu, thế nhưng cặp vợ chồng người Khùa này vẫn tổ chức lễ cưới như lần đầu tiên.

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 3

Đây là lần thứ 3, vợ chồng ông Hồ May và bà Hồ Thị Chum tổ chức đám cưới.

Bà Chum sinh ra ở bản K-Ing, lấy chồng về bản Ông Tú, xã Trọng Hóa. Một ngày trước khi diễn ra lễ cưới lần thứ 3, bà Chum phải về nhà ngoại, bên chồng sẽ chuẩn bị lễ vật, rồi sang "nhà gái" để xin tổ chức lễ cưới, sau đó bà Chum sẽ theo chồng về nhà. Trong lễ cưới này, gia đình 2 bên đều mổ lợn, gà… thiết đãi bà con dân bản. 

"Cưới lần nào cũng giống nhau, tùy vào điều kiện của từng gia đình để mở tiệc mời bà con, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều thôi. Vợ chồng ở với nhau nhiều năm rồi, nhưng trong lần cưới này vẫn hồi hộp lắm. Ngày cưới, vợ chồng cũng không được ngồi chung với nhau, phải làm lễ xong, rước vợ về nhà mình đã mới được phép ngồi chung", ông Hồ May chia sẻ.

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 5

Nói về phong tục cưới 3 lần của người Khùa, già làng Hồ Liên, trú bản K-Ing cho hay, con trai người Khùa khi bước sang tuổi đôi mươi, bắt đầu rủ nhau đi "bắt" vợ, khởi đầu hành trình 3 lần cưới trong đời.

Trong lần cưới đầu tiên, người con trai phải cùng đại diện gia đình chọn ngày lành để đưa lễ đến nhà cô gái, gõ vào cầu thang để ra hiệu. Khi nghe 3 tiếng gõ vào cầu thang, bố, mẹ cô gái sẽ ra cửa đón lễ cưới của nhà trai gồm một thanh kiếm, một con gà và một ché rượu. Với người Khùa, thanh kiếm là hiện thân cho sức mạnh đàn ông, con gà thể hiện sự chân thành, còn rượu tượng trưng cho tình cảm mặn nồng.

Nghi thức quan trọng nhất trong ngày cưới là lễ buộc chỉ cổ tay cho đôi trai gái. Lúc này, già làng sẽ làm lễ và dùng 2 sợi chỉ màu đỏ buộc vào tay của đôi nam nữ. Thời khắc sợi dây nối kết lời thề nguyện trọn đời hạnh phúc của đôi tân lang - tân nương được buộc xong thì tiệc cưới chính thức bắt đầu, 2 bên gia đình cùng dân bản mở tiệc chung vui.

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 7

Lần cưới thứ 2 còn gọi là lễ nhân nghĩa, tùy vào từng gia đình và hoàn cảnh để ấn định thời gian tổ chức, thường là khi cặp vợ chồng đã bước vào tuổi trung niên. Ở đám cưới lần này, không có quy tắc nào bắt buộc đối với cặp vợ chồng mà tùy vào điều kiện, họ có thể mời cả bản đến dự lễ hoặc chỉ mời đại diện các già làng trong bản.

Lễ cưới lần thứ 3 mới là quan trọng, bà con người Khùa quan niệm, trong vòng đời "sinh, trụ, dị, diệt" (sinh ra, trưởng thành, già nua, chết) thì lễ cưới lần thứ 3 có ý nghĩa nhất, bởi nó là sự minh chứng rõ ràng nhất cho mối tình thủy chung, son sắt, đồng cam, cộng khổ của hai vợ chồng. Đây cũng là thời điểm mà các cặp vợ chồng người Khùa con cháu đề huề, có của ăn, của để.

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 9

Theo phong tục của người Khùa, trong đời người đàn ông phải tổ chức 3 lần cưới với vợ của mình. Dường như với họ, cả cuộc đời là chuỗi ngày dài tìm kiếm tính chính danh cho 2 tiếng vợ chồng. Cũng theo phong tục này, việc con tổ chức lễ cưới cho bố, mẹ không còn là chuyện hiếm.

Anh Hồ Thay, trú bản Ông Tú cũng vừa tổ chức lễ cưới lần thứ 3 cho bố, mẹ của mình. Theo anh Thay, do hoàn cảnh khó khăn, lễ cưới lần thứ 3 có khá nhiều thủ tục nên khi đã gần 60 tuổi, bố, mẹ anh mới có điều kiện để tổ chức. Để làm lễ cưới cho bố, mẹ, anh Thay cùng gia đình đã chuẩn bị lợn, gà, lễ vật từ cách đây cả năm.

"Ngoài lợn, gà, rượu cần thì tôi cũng chuẩn bị vòng bạc, quần áo cho bố mẹ, đây cũng là ngày mà gia đình 2 bên sum vầy, bà con trong bản đến chung vui, uống rượu cần, chuyện trò hồ hởi từ đêm đến sáng. Là con trai trong nhà, tôi cũng muốn tổ chức một lễ cưới thật tươm tất để báo hiếu bố mẹ", anh Hồ Thay nói.

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 11

Trong văn hóa cưới hỏi của người Khùa, việc cưới 3 lần là bắt buộc, tuy nhiên không ít trường hợp chưa kịp cưới lần thứ 3 thì người chồng hoặc người vợ đã nhắm mắt xuôi tay. Lúc này, các con trong gia đình sẽ có trách nhiệm làm lễ cưới cho bố, mẹ dù cả 2 hay một trong 2 người đã khuất, để đủ số lần theo tục lệ. Người Khùa gọi đây là "đám cưới ma".

"Đám cưới ma" là cuộc sống tâm linh của người Khùa. Với họ, con chim bay trên trời có đôi, có lứa, con người sống trên núi có hình, có bóng. Chết rồi cũng có thương, có nhớ, con cháu phải làm "đám cưới ma", không làm không phải con cháu người Khùa. 

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 13

Đám cưới lần 3 của vợ chồng ông Hồ Xy và bà Hồ Thị Khăm, tại bản Ra Mai, xã Trọng Hóa là một trong những "đám cưới ma" của người Khùa. Theo ông Hồ Thoong (SN 1966), trú bản Ra Mai, con trai của ông Hồ Xy, khi bố ông mất, vẫn chưa kịp tổ chức cưới lần thứ 3, bởi vậy cách đây không lâu, ông cùng mẹ đã tiến hành tổ chức "đám cưới ma" theo phong tục. Về lễ cưới cho bố, mẹ cũng được ông Hồ Thoong tổ chức theo đúng nghi lễ ở cả 2 bên nội ngoại.

"Vì bố không còn nên việc tổ chức lễ cưới lần thứ 3 gia đình tôi làm đơn giản hơn, nhưng vẫn phải đủ nghi thức. Phong tục này nhắc nhở con cháu sống hòa hợp, thủy chung như lời răn dạy của ông bà, tổ tiên. Vợ chồng tôi cũng đã tổ chức cưới 2 lần rồi, khi có điều kiện sẽ tổ chức lần thứ 3", ông Hồ Thoong cho hay.

Là giáo viên có nhiều năm gắn bó với vùng cao và là người nghiên cứu, thực hiện các đề tài về phong tục, tập quán của đồng bào Bru - Vân Kiều, thầy giáo Trần Mạnh Hùng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Dân Hóa cho biết, mỗi tộc người thuộc đồng bào dân tộc này đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng.

Kỳ lạ phong tục cưới 3 lần, người mất rồi cũng được tổ chức lễ cưới - 15

Đời sống đồng bào người Khùa ở xã Trọng Hóa đang ngày được nâng lên.

Theo thầy Hùng, việc tổ chức cưới đi, cưới lại là phong tục bắt buộc đối với các cặp vợ chồng người Khùa. Tùy vào điều kiện từng gia đình sẽ ấn định thời điểm cũng như tổ chức lễ cưới to, nhỏ khác nhau. Người Khùa tin rằng, tục lệ truyền thống này sẽ giúp cho các cặp vợ chồng sống gắn bó và hạnh phúc trăm năm. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở đối với con cháu phải biết ơn sinh thành, giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ, gắn kết và hòa thuận giữa vợ và chồng.

"Người Khùa giờ đã dần hòa nhịp cuộc sống với người vùng xuôi, tuy nhiên họ vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng vốn có. Phong tục cưới đi cưới lại tới 3 lần được người Khùa duy trì từ đời này sang đời khác và là một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào. Hiện nay, có nhiều gia đình đã rút gọn thủ tục cưới 3 lần bằng cách làm gộp cả lần 2 và 3", thầy Hùng nói.

Theo ông Hồ Mi, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, tộc người Khùa sinh sống tại 15/17 bản của địa phương, với khoảng 800 hộ dân. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào người Khùa ở xã Trọng Hóa đang ngày một nâng lên, con em được đi học, những hủ tục, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang dần được xóa bỏ.

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Đỗ Diệp