DMagazine

Điều đặc biệt ở ngôi làng đốt đuốc, rước lửa thiêng về nhà

(Dân trí) - Cứ vào đêm giao thừa, người dân làng biển Cảnh Dương lại cùng nhau rước ngọn lửa thiêng từ đình tổ đưa về nhà. Họ quan niệm, ngọn lửa tượng trưng cho ánh sáng, sự may mắn và no ấm trong năm mới.

Điều đặc biệt ở ngôi làng đốt đuốc, rước lửa thiêng về nhà  - 1

Làng biển Cảnh dương, nay là xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Với bề dày truyền thống, Cảnh Dương vẫn giữ gìn được nét văn hóa độc đáo, các làn điệu hò khoan, hát ru, chèo cạn và những lễ hội đặc sắc như: Đánh cờ người, lễ hội cầu ngư… Trong đó, tục xin lửa đêm giao thừa từ xưa đến nay luôn được gìn giữ, trao truyền cho con cháu.

Điều đặc biệt ở ngôi làng đốt đuốc, rước lửa thiêng về nhà  - 3

Tục lấy lửa đêm giao thừa ở làng biển Cảnh Dương bắt nguồn từ những ngày lênh đênh đánh cá trên biển. Trong điều kiện bão gió ngoài khơi xa, ngư dân ít khi giữ được trọn vẹn ngọn lửa, việc gọi nhau giữa sóng to, gió lớn để xin lửa là chuyện bình thường. Bởi vậy, ngọn lửa với người dân làng biển hết sức quan trọng và linh thiêng. Người Cảnh Dương quan niệm, ngọn lửa tựa như vị thần mang lại ấm no, hạnh phúc, nhất là trong những ngày đi biển.

Theo cụ Lê Thanh Tùy (SN 1953), trú xã Cảnh Dương, từ xa xưa, ông cha đốt một đống lửa giữa làng vào thời khắc giao thừa và gọi mọi người trong làng đến cung kính lấy về. Người Cảnh Dương quan niệm, đưa được ngọn lửa lấy từ đình tổ về nhà, gia đình sẽ gặp may mắn cho những chuyến ra khơi năm tới, con cháu làm ăn thuận lợi, học hành tấn tới, hạnh phúc thành đạt.

Tục rước lửa đêm giao thừa được truyền cho thế hệ sau và duy trì hàng trăm năm nay, trở thành tín ngưỡng tốt đẹp của người dân làng biển Cảnh Dương. Suốt mấy trăm năm tồn tại, nhiều nghi lễ trong tục rước lửa đã được tinh giản nhưng vẫn giữ nét độc đáo riêng biệt của làng. Con em dù đi xa cũng luôn nhớ về tục xin lửa đêm giao thừa ở quê nhà.

Điều đặc biệt ở ngôi làng đốt đuốc, rước lửa thiêng về nhà  - 6
Điều đặc biệt ở ngôi làng đốt đuốc, rước lửa thiêng về nhà  - 7

Làng Cảnh Dương nằm kề dòng sông Roòn thơ mộng, được người đời truyền tai rằng, đây là một trong "Bát danh hương" - 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời ở Quảng Bình. Bao đời nay, Cảnh Dương là vùng đất thuần ngư, cuộc sống vốn yên bình, giản dị. Những người con của Cảnh Dương qua bao sóng gió vẫn giữ làng, giữ biển, giữ lối sống mộc mạc, chân phương.

Theo sử sách, Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1634), đến nay đã gần 400 năm và được xem là vùng đất lưu giữ nhiều di tích. Nổi bật là đình thờ tổ, nơi thờ các bậc thành hoàng đã có công khai khẩn vùng đất này.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương là "làng chiến đấu kiểu mẫu"; trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Nhiều người vẫn gọi Cảnh Dương là "làng cá voi", bởi tục thờ cá voi. Vùng đất này có hẳn một nghĩa trang cá voi nằm bên bờ biển, hướng ra khơi với khoảng 30 mộ cá, được người dân cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo.

Điều đặc biệt ở ngôi làng đốt đuốc, rước lửa thiêng về nhà  - 10

Dân làng cũng đã xây dựng một "Ngư Linh Miếu" bảo quản, gìn giữ hai bộ xương cá ông, cá bà đã "lụy" (mắc cạn và chết - PV) vào làng hàng trăm năm trước. Hai bộ xương cá này được cho là lớn nhất đang còn lưu giữ ở Việt Nam, với chiều dài lên tới 28m. Người dân Cảnh Dương xem "Ngư Linh Miếu" là điểm tựa tinh thần.

Đến Cảnh Dương dịp Tết đến, Xuân về, bên cạnh phong tục rước lửa đêm giao thừa, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống và đặc sắc như: Lễ hội đua thuyền, cầu ngư, các trò chơi cờ người, trải nghiệm hát ru…

Đặc biệt, hát ru Cảnh Dương với các nghệ nhân chính là đàn ông, điệu hát ấm áp đi sâu vào lòng bao nhiêu thế hệ con em Cảnh Dương nói riêng và Quảng Bình nói chung, trở thành bản sắc, nét văn hóa độc đáo, hiếm có đối với khu vực này.

Điều đặc biệt ở ngôi làng đốt đuốc, rước lửa thiêng về nhà  - 12

Các thế hệ người Cảnh Dương luôn coi trọng việc giáo dục, lưu truyền nét đẹp cha ông để lại, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, gắn kết cộng đồng.

Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, hàng trăm năm qua, người dân xã Cảnh Dương chủ yếu mưu sinh bằng nghề biển. Xã có làng nghề truyền thống khai thác hải sản lâu đời, có đội tàu cá với hơn 640 chiếc, trong đó có trên 350 tàu cá đánh bắt xa bờ, nhiều tàu được cấp phép hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.

Cùng với phát triển kinh tế biển, Cảnh Dương đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu làng văn hóa - du lịch hấp dẫn phía bắc Quảng Bình. Với những nét văn hóa, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển, các thế hệ người Cảnh Dương luôn coi trọng việc giáo dục, lưu truyền những nét đẹp cha ông để lại, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng.

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Khương Hiền