DMagazine

Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới

(Dân trí) - Vào đầu năm mới, người Khùa lại tổ chức nghi lễ buộc chỉ cổ tay, họ tâm niệm đây như là một sợi dây tâm linh ràng buộc hồn vía và thể xác, là "bùa hộ mệnh" mang lại sức khỏe, may mắn.

Người Khùa thuộc nhóm dân tộc Bru - Vân Kiều, cư trú chủ yếu ở thượng nguồn sông Gianh, nằm trên địa phận 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Từ bao đời nay, người Khùa vẫn gìn giữ, bảo lưu các giá trị bản sắc văn hóa vật chất, tinh thần trong các dịp Tết, lễ hội, cưới hỏi… Những giá trị văn hóa ấy được người Khùa duy trì qua hàng trăm năm.

Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới - 1

Những ngày đầu năm mới, gian nhà sàn nhỏ của gia đình ông Hồ Thoong, ở bản Ka Vi, xã Dân Hóa rộn ràng hơn hẳn, tiếng nói cười rôm rả. Con cháu, bà con trong bản cùng nhau đến nhà ông Hồ Thoong để hòa chung tiếng hát, cùng uống rượu cần đón Tết, đặc biệt họ sẽ tham gia một phong tục hết sức độc đáo của đồng bào người Khùa, đó là buộc chỉ cổ tay đầu năm.

Ông Hồ Thoong vừa là trưởng họ và là người có uy tín trong bản, do đó Tết năm nào cũng vậy, con cháu và bà con quây quần tại nhà của vị già làng này để được buộc chỉ cổ tay. Đồng bào người Khùa quan niệm, trong cuộc đời cần phải có một sợi dây tâm linh ràng buộc hồn vía và thể xác lại với nhau, tựa như chiếc "bùa hộ mệnh", vừa bảo vệ, vừa mang lại sức khỏe, may mắn.

Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới - 4

Theo ông Hồ Thoong, tập tục buộc chỉ cổ tay của người Khùa cũng như của một số tộc người nơi biên giới đã có từ hàng trăm năm nay. Sợi chỉ dùng để buộc vào cổ tay của người Khùa có 2 màu trắng và đỏ. Chỉ màu trắng sẽ mang lại may mắn, sức khỏe, bình an, còn chỉ màu đỏ là dùng cho người ốm đau với mong muốn thoát khỏi bệnh tật. Thành phần buổi lễ có tộc trưởng (người cao tuổi, đứng đầu dòng họ), già làng, trưởng bản, bà con xóm giềng và các thành viên trong gia đình.

"Lễ này phải được tổ chức ở nhà tộc trưởng mỗi năm một lần, mà năm nào cũng phải làm chứ không thể bỏ qua được. Việc buộc chỉ vào tay là để cầu cho năm mới ai cũng khỏe mạnh, nuôi được nhiều lợn, gà, lúa trên nương tốt tươi, con cháu đi học, đi làm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ", ông Hồ Thoong chia sẻ.

Để tiến hành nghi lễ buộc chỉ cổ tay, người Khùa sẽ chuẩn bị chỉ, khăn hoặc váy (tất cả đều mới) và được đặt trên một chiếc mâm đan bằng mây tre, để ở gian giữa, nơi trịnh trọng nhất của ngôi nhà sàn.

Khi mọi lễ vật, mâm cỗ đã bày biện xong xuôi, gia chủ chọn giờ tốt rồi bưng lễ đặt ở gian nhà trang trọng nhất cúng ông bà, tổ tiên. Khác với người dưới xuôi là làm giỗ ông bà, tổ tiên theo ngày mất, đồng bào Khùa đều giỗ vào đúng dịp lễ buộc chỉ cổ tay trong tháng Giêng.

Mọi người đến dự lễ quây quần thành vòng tròn bên mâm lễ vật, các thành viên trong gia đình đều phải lật ngửa tay phải ra chạm vào thành mâm. Sau đó, một cao niên bắt đầu đọc bài cúng và buộc những sợi chỉ vào tay các thành viên tham gia.

Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới - 6

Tết Quý Mão 2023 là lần đầu tiên mà cháu Hồ Thị Ka (SN 2020) được mẹ dẫn đến nhà già làng để buộc chỉ cổ tay nên vô cùng háo hức. Trước khi làm lễ, Ka đã được hướng dẫn, dặn dò về ý nghĩa thiêng liêng của sợi chỉ, phải giữ gìn không được cởi bỏ. Sợi chỉ sẽ là chiếc bùa hộ mệnh để bảo vệ cho những đứa trẻ người Khùa được bình an, mạnh khỏe.

"Năm nào tôi cũng đưa cả gia đình đến để được buộc chỉ tay. Với người Khùa, trên tay ai cũng có sợi chỉ này cả, nó hết sức quan trọng và chỉ được thay sợi chỉ mới vào đầu năm sau. Năm mới rồi, ai cũng mong được bình an, mùa rẫy mới no ấm", chị Hồ Thị Đụt vui vẻ nói.

Tuy chỉ là một vật vô tri nhưng qua mỹ tục của đồng bào Khùa, sợi chỉ trở thành kỷ vật tượng trưng, ẩn chứa trong đó một sức mạnh, thể hiện sự giao ước, kết nối giữa các thế hệ, nhắc nhở mọi người về nguồn cội, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, cùng hướng đến một tương lai tươi sáng.

Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới - 8
Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới - 9

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, tộc người Khùa hiện có hơn 770 hộ, chủ yếu sinh sống tại 23 bản của hai xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Ngoài ra, còn một số hộ sống xen cư với các dân tộc khác tại các xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) và Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch).

Ngày nay, người Khùa tiếp thu văn hóa của người Kinh rồi tổ chức đón Tết cổ truyền trong sự háo hức và chờ đón một năm mưa thuận gió hòa, ngô lúa tốt tươi.

Tết Nguyên đán, hầu như nhà nào cũng làm thịt lợn, có gạo và quà Tết, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ Quốc. Ông Hồ Phom, trú xã Trọng Hóa cho hay, những ngày giáp Tết, đàn ông người Khùa sẽ vào rừng lấy lá dong, tre nứa làm lạt, đàn bà chuẩn bị gạo nếp gói bánh chưng, bánh đòn, làm rượu cần để vui ngày Tết.

"Tết của người Khùa không thể thiếu rượu cần, bà con vui vẻ quây quần ăn uống, cầu chúc cho một năm mới may mắn, cây ngô, cây lúa bội thu, no đủ. Được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống bà con người Khùa cũng đỡ hơn nhiều rồi, giờ có điện, đường đi lại thuận tiện, con em được đi học, bản làng ai cũng vui vẻ", ông Hồ Phom nói.

Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới - 12

Với đồng bào người Khùa, bênh cạnh những nét văn hóa đặc trưng thì họ còn lưu giữ bộ sách lá do tổ tiên để lại và được xem là báu vật vô giá. Những bộ sách này đã trải qua hàng trăm năm, đến nay những người có thể đọc được nội dung trên bộ sách không còn nhiều.

Ông Hồ Thoong là người hiện nay vẫn còn lưu giữ bộ sách lá nói trên. Vị già làng này từng được truyền lại 2 cuốn, trong đó một cuốn đã giao lại cho cơ quan chức năng phục vụ nghiên cứu.

Theo tìm hiểu, sách của người Khùa được làm từ lá buông, một loại cây giống cây cọ, cây thốt nốt, lá có chiều dài khoảng 3m. Sách thường được chia làm 3 bộ gồm: Văn thơ, gia phả và võ thuật. Cuốn sách dài khoảng 50cm, có 150 trang, mỗi trang rộng khoảng 5cm và được viết 4 hàng chữ cả hai mặt, các trang được nối với nhau bằng sợi chỉ bện, 2 bìa sách được làm bằng 2 thanh gỗ.

"Cuốn sách là báu vật tổ tiên để lại nên mình phải lưu giữ cho con cháu đời sau. Tôi cũng không đọc được nội dung trong cuốn sách, ở đây cũng ít người đọc được. Cuốn sách như báu vật và chỉ truyền lại cho trưởng họ. Những năm chiến tranh, các cuốn sách này được tôi cất dấu trong hang đá, sau chiến tranh lại đưa về cất giữ", ông Hồ Thoong nói.

Hành động bất kỳ người Khùa nào cũng phải làm ngày đầu năm mới - 14

Một số cao niên người Khùa cũng cho biết, những bộ sách này do tổ tiên viết lại và có nội dung về những bài văn, những câu thơ của người Khùa xưa. Có cuốn ghi lại cách học võ nhằm rèn luyện sức khỏe, chống lại bệnh tật, thú rừng. Bên cạnh đó còn viết lại gia phả  dòng tộc, tổ tiên và cách giáo dục con cháu làm những điều lành, tránh điều ác, sống thủy chung.

Trao đổi với Dân trí, ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 15 xã trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, với 27.004 người (chiếm 2,96% dân số toàn tỉnh). 

Theo ông Thành, mỗi tộc người, dân tộc đều có giá trị văn hóa độc đáo riêng. Người Khùa cũng vậy, phong tục buộc chỉ cổ tay đã gắn với người Khùa nhiều đời nay. Đồng bào người Khùa cũng như các dân tộc ít người khác tại Quảng Bình từ lâu cũng diễn ra quá trình đan xen văn hóa, giao lưu, vay mượn, học hỏi lẫn nhau. Qua đó góp phần phát huy, gìn giữ những nét bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc, vừa gắn kết cộng đồng với xây dựng đời sống văn hóa.

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Thủy Tiên