Kiếm gần tỷ đồng dịp Tết nhờ "spa" giày, túi xách hàng hiệu ở Hà Nội
(Dân trí) - Số lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần so với ngày thường, anh Trọng Nghĩa ước tính doanh thu đạt gần một tỷ đồng dịp Tết này từ công việc "spa" giày, túi xách.
Mỗi tháng, cửa hàng của anh Nguyễn Trọng Nghĩa (32 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) nhận chăm sóc khoảng 1.000 món đồ hiệu, gồm giày, túi xách, ví, dây lưng,…
Gần Tết Nguyên đán, con số này tăng gấp 6 lần, buộc anh chỉ dám nhận tối đa 200 món đồ/ngày đến hết ngày 23 tháng Chạp, để kịp trả hàng cho khách trước Tết.
Cách đây 7 năm, anh Nghĩa khởi nghiệp với dịch vụ chăm sóc giày bằng cách đặt mua dụng cụ vệ sinh chuyên nghiệp ở nước ngoài (Mỹ, Anh). Sau thời gian nghiên cứu, anh đưa ra một hệ thống quy chuẩn tự áp dụng và đào tạo nhân viên. Hai năm gần đây, ngoài "tân trang" giày, anh mở thêm dịch vụ "spa" túi hàng hiệu.
Các món đồ nếu bẩn chỉ cần vệ sinh lại, nặng thì phục hồi màu, các vết xước, rách hoặc thậm chí thay lại toàn bộ chất liệu.
Theo anh Nghĩa, với mỗi chất liệu và vấn đề gặp phải, cửa hàng sẽ có những quy trình xử lý, dụng cụ và hóa chất khác nhau.
Đầu tiên, nhân viên sẽ tiếp nhận món đồ, xác nhận các vấn đề hư hỏng và tư vấn cho khách hàng các gói dịch vụ.
Nếu khách đồng ý, nhân viên lập hóa đơn, hẹn ngày trả đồ, sau đó sẽ đánh dấu món đồ theo mã trên phần mềm để tránh nhầm lẫn.
Bộ phận kỹ thuật tiếp nhận món đồ, kiểm tra lại chất liệu và các dịch vụ cần làm để tiến hành làm theo quy trình chuẩn cho từng vấn đề và chất liệu.
Tầng 4 của cửa hàng là khu vực vệ sinh giày với 3 máy giặt, hai dãy chậu rửa cùng các thiết bị chuyên dụng.
Tại đây, các nhân viên sử dụng hóa chất nhập từ nước ngoài để tẩy rửa và làm sạch giày.
Anh Nghĩa cho biết từng nhận những đôi giày và túi xách có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, gồm nhiều thương hiệu xa xỉ trên thế giới như: Hermes, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Gucci,…
"Đối với những món đồ xa xỉ, chúng tôi sẽ có các chính sách đảm bảo chất lượng và cam kết bồi thường khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra", anh Nghĩa nói cửa hàng cố gắng phục hồi sản phẩm 90 - 95% như mới.
Cửa hàng sử dụng nhiều quạt công suất lớn để làm khô giày.
Sau khi khách kiểm tra, giày sẽ được đóng gói và hoàn thiện.
Anh Nghĩa cũng bố trí một phòng làm kho giày, chờ trả cho khách. Tất cả đều được đánh số để tránh nhầm lẫn.
Đối với dịch vụ "spa" túi xách xa xỉ, chuyên viên kỹ thuật tỉ mẩn vẽ lại các chi tiết của sản phẩm đến từ thương hiệu Balenciaga.
Mỗi sản phẩm thường gặp các vấn đề khác nhau: Nhẹ thì bụi bẩn, ố, ẩm mốc hay cần khử mùi hôi; nặng thì xước rách, bong tróc chất liệu, phai màu, mất form dáng,…
Chủ cửa hàng cho hay, với nhiều năm kinh nghiệm, các chuyên viên sẽ dựa vào chất liệu và vấn đề của từng túi xách để đưa ra quy trình xử lý phù hợp cho chất liệu.
Trên thực tế, mỗi hãng thời trang thường sử dụng một số loại chất liệu đặc trưng riêng biệt, như Louis Vuitton dùng da mộc để làm viền và quai túi, Chanel thì chọn da Lambskin trên sản phẩm túi xách, hoặc Hermes dùng nhiều loại chất liệu tự nhiên như da bê non, da cá sấu và da đà điểu, các chất liệu này thường rất khó để xử lý.
Trong ảnh là một chiếc túi xa xỉ nhãn hiệu Louis Vuitton đã được "spa" toàn diện.
Anh Nghĩa cho biết, bước quan trọng nhất trong quá trình bảo dưỡng túi xách hàng hiệu là phục hồi bề mặt da và sơn lại màu.
Theo anh, xử lý bề mặt da cần đảm bảo phần phục hồi đồng đều với phần còn lại của túi từ các chi tiết vân da, độ đàn hồi, màu sắc,... để sản phẩm sau khi sửa chữa giữ được gần như nguyên trạng so với lúc khách hàng mới mua từ hãng.
Sau khi món đồ được bộ phận kỹ thuật xử lý xong, chuyên viên quản lý chất lượng sẽ kiểm tra lại sản phẩm. Nếu chưa đạt, họ sẽ yêu cầu nhân viên kỹ thuật tiếp tục xử lý cho đến khi hoàn thiện.
"Nhân viên sẽ đánh dấu vào phần mềm mỗi khi sản phẩm hoàn thành, để hệ thống tự động gửi tin nhắn thông báo cho khách hàng", anh Nghĩa chia sẻ.
Tùy theo chất liệu của món đồ cũng như tình trạng và vấn đề gặp phải mà thời gian chăm sóc, sửa chữa dao động từ 3 đến 15 ngày.
Nếu món đồ chỉ cần vệ sinh thì có thể 3 ngày là hoàn thành. Còn những sản phẩm phải tháo rời và thay thế lại toàn bộ các chi tiết đã hỏng hóc thì mất rất nhiều thời gian, đặc biệt trường hợp linh kiện thay thế không có sẵn, phải nhập từ nước ngoài
Mỗi 2 - 3 tháng, Dương Ngọc Long (27 tuổi, quận Bắc Từ Liêm) đều ghé cửa hàng của anh Nghĩa để vệ sinh giày.
Sử dụng dịch vụ từ những ngày đầu, Long đánh giá giày được làm sạch, chăm sóc chuyên nghiệp, phục hồi 80 - 90% so với hiện trạng ban đầu.
Anh Nghĩa cho biết, mức giá vệ sinh, chăm sóc giày dao động từ 90.000 - 500.000 đồng; giá "spa" túi xách từ 500.000 - 7.000.000 đồng tùy gói dịch vụ khách hàng lựa chọn.
"Dịp Tết này, chúng tôi ước tính doanh thu đạt khoảng 800.000.000 đồng", chủ cửa hàng nói.