DMagazine

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km

(Dân trí) - Trước ngày chạy ở Huế, Trang đi ngủ lúc 8 giờ tối và thức dậy lúc 2 giờ 30 sáng. Sau khi vệ sinh cá nhân, ăn nhẹ, cô bé và anh trai hòa vào dòng người, xuất phát lúc 4 giờ và chạy đến hơn 7 giờ.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km

Buổi tối trước ngày chạy ở Huế, Trang đi ngủ lúc 8 giờ tối và thức dậy lúc 2 giờ 30 sáng. Sau khi vệ sinh cá nhân, thay quần áo, ăn nhẹ, cô bé và anh trai hòa vào dòng người, xuất phát lúc 4 giờ và chạy đến hơn 7 giờ.

Cùng anh trai 11 tuổi tham gia hơn 30 cuộc thi chạy

Một ngày giữa tháng 4, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (39 tuổi, quận 7, TPHCM) cùng con trai Đình Tuấn (11 tuổi) và con gái Quỳnh Trang (7 tuổi) tham gia giải chạy marathon ở Huế.

Lần này, hai con của chị đã có những trải nghiệm thú vị với môn thể thao yêu thích. Đặc biệt, cô bé Quỳnh Trang lại có thêm một kỷ niệm đẹp khi hoàn thành cự ly 21km trong vòng 3 tiếng 10 phút (thời gian tối đa cho phép là 3 tiếng 30 phút). Nhìn bé gái 7 tuổi hào hứng về đích giữa rất nhiều runner, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, thán phục.

"Tôi gọi đây là kỷ niệm vì không bao giờ đặt nặng thành tích với con. Điều tôi muốn là con được cảm nhận không khí ở một đường chạy chuyên nghiệp, được khám phá bản thân", chị Trâm chia sẻ với Dân trí.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 1

Quỳnh Trang và mẹ (áo xanh) tham gia giải chạy ở Huế giữa tháng 4.

Theo chị Trâm, bản thân chị là người yêu thích thể thao và vận động nên khi các con biết đi, chị thường đưa bé tới những không gian ngoài trời rộng rãi để con thoải mái chạy nhảy với đôi chân của mình.

Chị cũng hạn chế bế, ẵm con mà thường kích thích sự chủ động trong con bằng cách đổi mới không gian như đi công viên, đi du lịch... Trẻ con ưa khám phá vì thế sẽ thích thú chạy nhảy, vui chơi, muốn đi nhiều hơn và đi xa hơn.

Khi Quỳnh Trang 3 tuổi, đều đặn mỗi cuối tuần, ba mẹ con chị lại chạy bộ từ nhà đến nhà ông bà nội và ông bà ngoại của hai bé. Khoảng cách đường đi là 5km.

"Thời gian đầu, con chưa quen thì ba mẹ con vừa đi bộ vừa trò chuyện, khi quen dần thì chuyển sang chạy, chạy mệt thì đi bộ. Đó cũng là khoảng thời gian mẹ con tôi có thể trò chuyện về mọi thứ mình gặp hay nhìn thấy trên đường, tâm sự chuyện học hành hay sở thích của các con...

Bé Quỳnh Trang rất vui khi bản thân được hóa thành "cô bé quàng khăn đỏ" đi tới thăm ông bà, Đình Tuấn thì thích thú khi được trở thành cậu bé Harry Potter…", chị Trâm kể về hành trình cho con làm quen với môn chạy.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 2
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 3
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 4

Từ nhỏ, cô bé và anh trai đã được mẹ thường xuyên đưa đi chơi, khám phá không gian mở.

Bốn năm qua, chị Trâm luôn duy trì thói quen chạy bộ cùng con. Khi các con đi học, chị ưu tiên việc học hoặc hoạt động khám phá cùng bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, vào những lúc rảnh rỗi, ba mẹ con lại xỏ giầy, xách ba lô ra đường.

Chị coi đây là cách dành thời gian cho con, chơi cùng con thay vì chỉ biết lao vào công việc như trước đây. Cứ như thế, người mẹ dần giúp các con khám phá bản thân với những cự ly xa hơn.

Trong mọi thời điểm từ khi con bắt đầu đến lúc tham gia các giải chạy cộng đồng sau này, chị Trâm luôn theo sát Trang và Tuấn để con lựa theo sức mình, chạy trên tinh thần vui vẻ nhất.

Mẹ con chị Trâm còn gia nhập các hội nhóm và kết nối với nhiều người có cùng đam mê. Từ đây, họ có cơ hội nâng cao thể lực, được tham gia giải chạy ở khắp các vùng miền.

Dù mới 7 tuổi nhưng Quỳnh Trang và Đình Tuấn (11 tuổi) đã cùng mẹ tham gia trên 30 giải chạy lớn nhỏ, trong đó Quỳnh Trang có 4 lần chạy cự ly 21km ( 2 lần ở Lâm Đồng, ở  1 lần Huế và 1 lần Bình Thuận).

Đầu năm 2023, Quỳnh Trang tham gia giải chạy ở Bình Thuận với cự ly mở. Khi thấy con chuẩn bị đầy đủ về tinh thần và thể lực, chị Trâm cho con chạy cự ly 21km và cô bé đã hoàn thành trong thời gian cho phép.

"Trong giải chạy ở Huế vừa qua, Trang cùng anh trai cũng tham gia chạy cự ly 21km với tinh thần phấn khởi, tạo ra năng lượng tích cực cho các runner khác", người mẹ nói.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 5

Nhiều người lớn không khỏi trầm trồ khi thấy bé gái 7 tuổi tham gia các giải chạy.

Buổi tối trước ngày chạy, Trang đi ngủ lúc 8 giờ tối và thức dậy lúc 2 giờ 30 sáng. Sau khi vệ sinh cá nhân, thay quần áo, ăn sáng nhẹ, cô bé và anh trai hòa vào dòng người, 4 giờ sáng xuất phát và chạy đến hơn 7 giờ.

"Trong suốt hành trình, tôi luôn theo sát con và thường xuyên dặn con nếu không đáp ứng được thì chủ động đi nép vào lề đường để không ảnh hưởng đến người khác. Trên đường chạy, có lúc thấy các cô chú xịt lạnh, Quỳnh Trang cũng tò mò xịt thử chứ không bị thương hay trầy xước gì.

Tham gia chạy ở Huế hay ở bất cứ đâu khác, tôi đều muốn cho con hiểu, chạy là lấy niềm vui, cảm hứng trên đường chạy chứ không phải để lấy thành tích", chị Trâm chia sẻ.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 6
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 7
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 8

Hai mẹ con bé gái 7 tuổi tham gia giải chạy ở Bình Thuận hồi đầu năm 2023.

Bí quyết của mẹ: Miệng nói, mắt nhìn, tai nghe, theo sát con

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết, một năm, chị chỉ cho các con tham gia chạy HM (Half Marathon - cự ly 21km) tối đa 2 lần để cải thiện đường chạy.

"Thời gian dài đồng hành cùng con, tôi thấy sau mỗi cuộc thi, hai bé hồi phục nhanh, vào nhịp học và sinh hoạt bình thường. Tôi thường kiểm tra thể chất định kỳ và nhận thấy các con vẫn phát triển cân đối.

Quỳnh Trang 7 tuổi cao 120cm, nặng 23kg. Đình Tuấn 11 tuổi cao 146cm nặng 48kg. Tuấn có hơi thừa cân nhưng tôi tin nếu tích cực rèn luyện thể thao như hiện tại, tương lai con sẽ không bị béo phì.

Hai bé có sức đề kháng tốt, không bị ốm vặt, trước đây cũng không bị Covid-19. Hàng ngày, các bé còn tham gia nhiều môn thể thao khác như đá bóng, bơi lội...", chị Trâm nói.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 9
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 10

Anh trai 11 tuổi của cô bé cũng có thể lực khá tốt, đồng hành cùng em trong nhiều đường chạy.

Cũng theo bà mẹ này, khi tham gia các cuộc thi chạy marathon, ngoài việc được rèn luyện, giao lưu, các con chị còn được chạy ở những cung đường đẹp, tham quan các danh lam thắng cảnh ở Huế, Bình Thuận, Đà Lạt, Mù Cang Chải, Lý Sơn..., trải nghiệm văn hóa vùng miền, hiểu thêm về lịch sử, con người. Với trẻ nhỏ, đó là những bài học và kiến thức vô cùng bổ ích.

Câu chuyện bé gái 7 tuổi hoàn thành cự ly chạy 21km trong thời gian hơn 3 tiếng sau đó được cộng đồng những người yêu marathon chia sẻ. Nhiều người trầm trồ về sức bền của bé gái. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến tỏ ra lo ngại cho rằng, với trẻ em nên thận trọng, không nên chạy quá dài.

Trước những ý kiến này, chị Trâm cho biết: "Tôi luôn ghi nhận sự chia sẻ và quan tâm của mọi người. Thực tế, khi cho con hoạt động ngoài trời, một người mẹ như tôi luôn ở trong trạng thái miệng nói, mắt nhìn, tai nghe, theo sát con.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 11
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 12

Tôi rất để ý đến việc phát triển về thể chất, thể lực của các con, không đột ngột đưa con ra đường chạy tới độ quá sức, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, bé cũng đã có khoảng thời gian dài làm quen, tham gia từ khi còn nhỏ nên tôi cho con tham gia cự ly này như để có thêm trải nghiệm.

Như tôi đã nói, việc chạy bộ với con cần vui vẻ, phù hợp với sức chứ không bao giờ đặt áp lực cho con phải chạy được như người này người kia".

Phong trào chạy marathon ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Trong các giải chạy, nhiều trẻ em từ 6 đến 8 tuổi đã chạy cự ly 5-10km, thậm chí 21km. Ngoài Quỳnh Trang, cô bé Nguyễn Thy Ca (8 tuổi, ở TPHCM) cũng đã ít nhất 2 lần hoàn thành cự ly chạy 21km khi tham gia các giải marathon. 

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 13
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 14
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 15

Bác sĩ thể thao: "Đó là trường hợp hiếm gặp"

PGS. TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam tỏ ra vô cùng bất ngờ trước trường hợp các bé gái 7, 8 tuổi có thể hoàn thành cự ly 21km trong thời gian hơn 3 tiếng đồng hồ.

"Tôi thấy đó là những con số khủng. Các bé này là những trường hợp đặc biệt, hiếm gặp, không phải trình độ chung cho trẻ em Việt Nam. Tôi khuyến cáo các gia đình có con nhỏ không nên học theo, cho con chạy với cự ly quá dài, bởi thực tế chỉ có một số trường hợp cá biệt có thể chạy được như thế".

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 16

PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam (Ảnh: N.P)

Theo Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, khi cho trẻ em tham gia chạy marathon, cha mẹ nên cho kiểm tra và nắm rõ tình trạng sức khỏe, bệnh tật của con.

Với những trẻ được cha mẹ cho tập luyện từ nhỏ, có huấn luyện viên giám sát, đã có sự thích nghi, hoàn thành được những cự ly xa như 5km, 10km, 15km hay 21km cũng cần phải cẩn trọng.

Cha mẹ vừa cho các con tập vừa phải theo dõi, kiểm soát khả năng đáp ứng về thể lực, các cơ quan, tổ chức, phản ứng chuyển hóa của cơ thể.

"Khả năng vận động của bé được tăng lên nhưng luôn cần theo dõi thần kinh, tâm lý, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết của bé xem có thay đổi bất thường không? Khi trẻ đi chạy về có mệt mỏi không, có mất ngủ hay bị ảnh hưởng tới trí tuệ, cảm xúc, học hành hay có bị chán ăn, sút cân không? Theo dõi là để biết việc tăng dần lượng vận động có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ không", ông Kha nói.

Cũng theo PGS. TS. BS Võ Tường Kha, có những bệnh lý tiềm tàng, bẩm sinh bình thường có thể không phát hiện ra nhưng khi chạy với lượng vận động lớn, thời gian kéo dài sẽ bộc lộ. Khi đó trẻ không thích ứng kịp sẽ dễ xuất hiện những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cấp cứu, đột tử.

PGS. TS. BS. Kha phân tích: Thông thường, vận động viên chuyên nghiệp phải luyện tập nhiều năm để các cơ quan, tổ chức trong cơ thể từ hệ thống thần kinh cao cấp, thần kinh vận động, thần kinh thực vật đến hệ thống nội tiết, hệ thống chuyển hóa năng lượng, chuyển hóa muối nước, chuyển hóa các chất điện giải, cân bằng nhiệt cơ thể… có sự thích ứng với lượng vận động.

Với một lượng vận động lớn thì nhu cầu nguồn năng lượng nạp vào lớn và quá trình chuyển hóa năng lượng phải tăng gấp nhiều lần. Nguồn năng lượng này để đảm bảo nhiệm vụ kiến tạo, xây dựng và phát triển cơ thể, sau đó là phục vụ nhu cầu vận động cơ bắp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Trẻ dưới 10 tuổi có một trình độ thể lực nhất định. Trường hợp trẻ nhỏ chỉ luyện tập thời gian ngắn (vài ba tháng), không thường xuyên thì các cơ quan, tổ chức của cơ thể sẽ không thích ứng kịp nếu chạy cự ly quá dài, lượng vận động lớn.

Bác sĩ Kha đưa ra lời khuyên, để tránh bị chấn thương và các bệnh lý có thể gặp, trẻ nên được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi, bác sĩ thể thao hoặc tham vấn huấn luyện viên thể lực để xem có mắc bệnh lý nào hay không, tình trạng thể lực có đáp ứng được lượng vận động lớn không.

Ngoài ra, cha mẹ nên chuẩn bị cho con về tâm lý, tinh thần, dạy con chấp hành các quy định, quy tắc, kỷ luật của cuộc thi, môn thi. Phải chuẩn bị đầy đủ về trang phục, giày dép, mũ, đồ bảo hộ phù hợp, nước uống dinh dưỡng khi tham gia cuộc thi.

Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 17
Hi hữu: Bé gái 7 tuổi ở TPHCM 4 lần chinh phục đường chạy cự ly 21km - 18

Một số ý kiến cho rằng, cự ly chạy marathon tối đa cho trẻ dưới 10 tuổi là 10km. Tuy nhiên, PGS.TS.BS. Võ Tường Kha cho rằng, không nên đưa ra số cự ly cụ thể nào cho trẻ em độ tuổi này.

Lý do là bởi phải căn cứ vào việc kiểm tra thể lực và kiểm tra bệnh lý cùng sự thích ứng, đáp ứng với lượng vận động của từng trẻ, nhất là khả năng đáp ứng, thích ứng của cơ quan thần kinh, cơ quan tim mạch, cơ quan hô hấp, cơ quan vận động…

Theo PGS. BS Võ Tường Kha, chạy marathon chủ yếu rèn luyện sức bền thể lực, rèn luyện ý chí, kiên trì. Ở tuổi này, cha mẹ có thể cho trẻ chơi đa dạng các môn thể thao để rèn luyện sự linh hoạt, khéo léo và kích thích tăng chiều cao như các môn nhảy, bóng chuyền, bóng rổ, đánh bóng, nhảy dây, bơi...

Đây là những môn có lượng vận động vừa phải nhưng có tác dụng kích thích chiều cao tăng trưởng, rèn luyện các kỹ năng vận động, tâm lý và đương nhiên cũng có tác dụng rèn luyện sức mạnh, sức nhanh, sức bền, độ khéo léo.

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh

Ảnh: Nhân vật cung cấp