Đạp xe hay chạy bộ giảm cân nhanh hơn?

Hồng Hải

(Dân trí) - Khi bạn bắt đầu kế hoạch tập luyện giảm cân, đạp xe hoặc chạy bộ là 2 bài tập dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên, cùng một thời gian vận động, bộ môn nào sẽ giúp tiêu hao năng lượng nhanh hơn?

TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, trong giảm béo "dục tốc bất đạt". Rất nhiều người đặt mục tiêu giảm 4-5kg một tháng, nhưng có giảm được cũng khó bền vững, rất nhanh chóng bị béo lại.

Trong kế hoạch giảm cân, thể dục là một phần không thể thiếu, trong đó, đạp xe và chạy bộ/đi bộ được nhiều người lựa chọn.

Vậy số năng lượng tiêu hao trong 30 phút với 2 hình thức này sẽ như thế nào?

Đạp xe:

Đạp xe hay chạy bộ giảm cân nhanh hơn? - 1

Đạp xe là hình thức vận động rất tốt cho tim mạch, giảm cân (Ảnh minh họa: Hữu Nghị).

Với một người 50kg, nếu đạp xe với tốc độ 16km/h tiêu hao 163kcal trong 30 phút. Con số này tăng lên khi cân nặng tăng, lần lượt là 195kcal khi bạn 60kg, lên 226kcal khi bạn 70kg.

Chạy:

Trong khi đó, nếu chạy 10km/h trong 30 phút, tiêu hao năng lượng lần lượt là 260kcal với người 50kg, tăng lên 360kcal với người 60kg, lên 410kcal với người 70kg.

Đi bộ nhanh:

Trong khi đó, đi bộ nhanh 7km/h, năng lượng tiêu hao đạt 149kcal/30 phút ở người 50kg, và lần lượt tăng lên theo cân nặng.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), các bài tập chạy bộ, đi bộ, đạp xe tĩnh, nhảy dây... là những bài tập hiếu khí rất tốt cho cơ thể.

Thông thường ở các bài tập này, người tập vận động với cường độ trung bình nhẹ, có thể thực hiện trong 1 thời gian dài liên tục.

Các bài tập như chạy bộ, đi bộ, đạp xe tĩnh, nhảy dây... cơ thể sử dụng oxy để đốt mỡ (chất béo) và chuyển hóa thành năng lượng giúp cơ bắp chuyển động.  Vận động này giúp tiêu thụ mỡ trong cơ thể. Vì thế, cả đạp xe và chạy bộ đều mang lại những lợi ích tuyệt vời cho tim mạch và giảm béo.

"Cả 2 bài tập này đều mang lại lợi ích cho cơ thể, đặc biệtt trong phòng ngừa đột quỵ não và các biến cố tim mạch", PGS Tôn thông tin thêm.

Vì thế, có thể lựa chọn bộ môn phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ví như với người có bệnh lý xương khớp, cân nặng quá cao, việc chạy có thể làm tăng gánh nặng cho khớp gối, đạp xe sẽ là lựa chọn tốt. Còn nếu bạn có nền sức khỏe tốt, không bị xương khớp, chạy sẽ giúp giảm cân nhanh, tăng cường cơ bắp.

Ngoài ra, mọi người có thể tập luyện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Mỗi ngày trung bình 30-40 phút, hoặc tối thiểu 10 phút/lần khi bạn vận động nhiều lần trong ngày.

Ngoài đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bạn có thể lựa chọn thêm bất cứ bộ môn nào phù hợp với sức khỏe, tuổi tác, điều kiện sống. Nên tuân thủ khởi động, giãn cơ... sau các bài tập.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Việc can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

Hãy duy trì chế độ ăn khoa học, nhiều rau xanh, trái cây. Đảm bảo năng lượng tiêu hao nhiều hơn năng lượng nạp vào.

Theo TS Nguyệt Mục tiêu giảm cân được đặt ra không gây áp lực khiến người béo phì nhịn ăn, tập luyện đến ngất xỉu. Mục tiêu giảm cân được đặt ra từ 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng là thực tế và đã được chứng minh mang lại lợi ích sức khỏe.

Dòng sự kiện: Giảm cân bền vững