DNews

Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm "người cá"

Thu Thảo

(Dân trí) - Những ngày hè nắng nóng "cháy da, cháy thịt", Minh Ánh vẫn vượt quãng đường gần 10km, bất chấp thời tiết oi bức, tắc đường giờ tan tầm để đến bể bơi ở quận Long Biên (Hà Nội) học lặn tự do.

Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm "người cá"

Từ lâu, Nguyễn Minh Ánh (SN 1999, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) đã biết đến bộ môn lặn thông qua các video trên mạng xã hội. Nhưng cách đây 3 tuần, được mẹ nhiệt tình rủ, cô gái làm việc trong ngành điện lực mới đăng ký tham gia khóa học.

"Không chỉ tò mò về thế giới đại dương, mình nghĩ học lặn sẽ tiêu hao khá nhiều calo, giúp mình giảm cân. Hơn nữa, vừa có trải nghiệm mới, vừa thêm hình "sống ảo" cũng khá thú vị", cô chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Bên cạnh chi phí khóa học khoảng 6 triệu đồng, Ánh sắm thêm chân vịt (fin) khoảng 4-5 triệu đồng, mặt nạ lặn và ống thở từ 2 triệu đồng, trang phục lặn từ 1,5 triệu đồng và nhiều phụ kiện nhỏ lẻ khác. Vì đã đi làm, cô tự trả khoản chi phí tổng cộng hơn 10 triệu đồng.

Lặn tự do (freediving) là môn thể thao mạo hiểm, người tham gia không dùng bình khí nén mà sử dụng chính hơi thở của mình để lặn sâu xuống nước. Môn này có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau, bao gồm giải trí, thám hiểm và thi đấu.

Giống như Minh Ánh, trong mùa hè oi bức, nhiều bạn trẻ chọn đi học lặn để giải nhiệt, rèn luyện sức khỏe cũng như thử thách bản thân với bộ môn ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam và trên thế giới.

Bộ môn lặn như "người cá" khiến giới trẻ mê mẩn (Biên dựng: Thu Thảo).

Cảm giác như "thiền dưới nước"

Những ngày đầu nhập môn lặn của Minh Ánh khó hơn cô tưởng tượng. Sau một buổi học lý thuyết tổng quan kèm các bài tập trên cạn, cô được huấn luyện viên (HLV) cho thực hành ở bể để học kỹ thuật đạp chân vịt, đứng nước, cân bằng tai khi gặp áp suất, nín thở tĩnh. Mỗi buổi học kéo dài từ 90 phút trở lên với độ khó tăng dần.

Sau 2 buổi học, Ánh đã có thể lặn ở độ sâu 6m. Nhưng để kỹ thuật thành thục và mượt mà, tiêu tốn ít sức lực hơn, cô mất 3-5 buổi thực hành.

Trong đó, thử thách lớn nhất khiến Ánh "khủng hoảng" là nín thở tĩnh. Sau 2 tuần kiên trì, cô dần vượt qua nỗi sợ, mỗi lần lặn được khoảng 3 phút.

"Cảm giác khi xuống đến độ sâu nhất rất khó tả. Ban đầu, mình hơi căng thẳng nhưng sau đó thấy rất thoải mái, thư giãn và tĩnh lặng như hòa vào làn nước", cô mô tả.

Đến giờ, Ánh mới chỉ tập luyện ở bể với độ sâu hạn chế. Sắp tới, cô có chuyến đi lặn hồ Hòa Bình và lặn biển ở Đà Nẵng. Nghĩ đến việc được thả mình vào những vùng nước rộng và sâu hơn khiến cô gái 24 tuổi vừa run, vừa háo hức.

Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 1
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 2
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 3

Nửa tháng nay, đều đặn tuần 3 buổi, Nguyễn Ánh Dương (SN 2003) - sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - lại cùng mẹ và chị gái đến bể bơi ở quận Long Biên để tập lặn.

Chỉ một thời gian ngắn trước đó, Dương là cô gái lười vận động, không hứng thú với môn thể thao nào. Được người nhà tích cực động viên, cộng với tình cờ xem được các video lặn đẹp mắt trên mạng xã hội, cô quyết định thử cho biết và không ngờ dần "ghiền" bộ môn này.

Dù nơi học lặn cách xa nhà hơn 10km, Dương lúc nào cũng muốn đi tập. Mỗi lần lặn đều đòi hỏi sự bình tĩnh và thoải mái giống như "thiền dưới nước" nên nữ sinh cũng cảm nhận được sự thay đổi ở mình, từ "overthinking" (suy nghĩ quá nhiều) đến luôn suy nghĩ tích cực, đơn giản mọi thứ.

Vì còn đang đi học và phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ, Dương không quan trọng phải đầu tư nhiều về đồ lặn. Cô chủ yếu dùng đồ cũ hoặc sử dụng chung với chị và mẹ.

"Lặn tự do sẽ là môn giải nhiệt rất tốt trong mùa hè này của mình", cô nói.

Môn thể thao dành cho người có điều kiện

Anh Phạm Minh Trung - HLV lặn tự do có chứng chỉ quốc tế, người sáng lập CLB Hanoi Freedive tại Hà Nội - cho biết, mùa hè là thời điểm số lượng người đăng ký học lặn tăng vọt do nhu cầu đi du lịch lên cao. Từ đầu mùa nóng đến nay, anh có khoảng 40-50 học viên mới, bằng cả năm ngoái cộng lại.

"Học viên của tôi ở nhiều độ tuổi và đa dạng về nghề nghiệp như doanh nhân, họa sĩ, nhân viên văn phòng. Tham gia môn này cũng cần có điều kiện nên người học đa số là 8X và 9X, Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) chưa có nhiều", nam HLV tiết lộ. 

Ngoài một số điều kiện về sức khỏe như không có bệnh mạn tính về tim hoặc hô hấp, người tham gia được yêu cầu biết bơi liên tục gần 100m. Anh Trung cũng từ chối nhận học viên dưới 12 tuổi và trên 60 tuổi.

Để bắt đầu, trang thiết bị cơ bản gồm có kính lặn, ống thở và chân vịt. Khi lặn ở biển, người chơi cần thêm dao, găng tay… nhằm đảm bảo an toàn. Chi phí sắm đồ có thể dao động từ vài triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng, tùy nhu cầu cá nhân.

Theo anh Trung, chi phí một khóa học là 6-7 triệu đồng, gồm có lặn tự do cấp độ 1 (độ sâu cho phép 10-20m), lặn tự do cấp độ 2 (độ sâu cho phép 20-30m) và lặn tiên cá. Trong đó, lặn tiên cá là một nhánh nhỏ của lặn tự do, thay vì mang chân vịt như thông thường, người chơi sẽ mặc trang phục đuôi cá.

Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 4
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 5
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 6
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 7
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 8

Ngoài góc độ giải trí, giúp mọi người khám phá vẻ đẹp của đại dương, lặn tự do là bộ môn thể thao mạo hiểm. Do đó, CLB của anh Trung đặt vấn đề an toàn rất cao, học viên phải tập luyện nghiêm túc.

Ai vượt qua bài kiểm tra lặn sâu tối thiểu 10m, nín thở tĩnh tối thiểu 1 phút 30 giây sẽ được cấp bằng quốc tế, có thể sử dụng đi lặn ở khắp nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam hiện nay, trung tâm có quyền cấp chứng chỉ có tại TPHCM, Nha Trang, Hà Nội với số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, bộ môn lặn tự do đang là xu hướng, được nhiều người quan tâm.

Anh Trung hiện có hơn 100 học viên, 70% là nữ và tỷ lệ Gen Z chỉ chiếm khoảng 10 người. Anh cho biết, khá nhiều bạn trẻ liên hệ đến CLB hỏi thông tin nhưng số lượng đi học thực tế không nhiều, chủ yếu vì điều kiện kinh tế chưa cho phép.

"Nhìn chung, các bạn học viên trẻ rất năng động, học nhanh và ít gặp vấn đề trong quá trình tập luyện. Mục đích họ tìm đến là rèn luyện sức khỏe, có ảnh và video đẹp đăng lên mạng. Môn này cũng là thử thách bản thân khá nhiều", anh Trung nói.

Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 9
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 10
Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 11

Ai cũng thích chụp hình "sống ảo"

Trong chuyến lái mô tô đi xuyên Việt vào năm 2022, Đặng Trung Đức Anh (SN 1999, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) thấy thú vị khi tình cờ bắt gặp một nhóm lặn tự do tại Bình Thuận. Chàng trai càng bị cuốn hút hơn khi tham gia một buổi học lý thuyết về bộ môn này ở Đà Nẵng.

Dù vậy, một phần vì bận học, một phần ở Hà Nội khi đó chưa có lớp, muốn học thì phải vào Nha Trang khá tốn kém. Tới tháng 3 năm nay, Đức Anh mới đăng ký khóa học lặn tự do tại Hà Nội. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ sang Đan Mạch du học nên anh cũng tranh thủ học lấy bằng để đi lặn ở nước ngoài. 

Vốn là người năng động, không xa lạ gì các bộ môn mang tính khám phá như trekking (đi bộ đường dài) hay đi phượt, Đức Anh vẫn cảm thấy môn lặn như mở ra thế giới mới trong anh. Sau vài buổi học, chàng trai thấy khả năng kiểm soát cơ thể tốt hơn nhiều. Nếu trước kia, anh chỉ nín thở được 40 giây thì giờ anh có thể lặn 2 phút 30 giây dưới nước.

Đức Anh tham gia CLB Hanoi Freedive, đã có chứng chỉ lặn tự do cấp độ 1. Tháng 5 vừa qua, anh cùng nhiều thành viên trong nhóm tổ chức chuyến đi tới đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để lặn. Không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của đại dương, anh còn có nhiều ảnh "sống ảo" đem về.

Giới trẻ Hà Nội không tiếc tiền, chi chục triệu đồng đi học làm người cá - 12

Đức Anh hy vọng có cơ hội trải nghiệm lặn biển ở nước ngoài trong thời gian đi du học.

Khi đăng hình mang chiếc đuôi cá sặc sỡ lên trang cá nhân, Đức Anh khiến nhiều người tò mò, vào hỏi thăm và bày tỏ ý muốn đi học cùng. Trước những thắc mắc, chàng trai luôn khuyến khích mọi người trải nghiệm bộ môn thú vị và đầy tính thử thách này, nhất là khi Việt Nam được coi là một trong những "thiên đường lặn biển" ở Đông Nam Á.

Hơn hết, Đức Anh rất thích sự gắn kết trong CLB của mình khi mọi người có ứng dụng riêng để chia sẻ lịch tập, hình ảnh, lên kế hoạch đi chơi. Các học viên mới có thể mượn thiết bị từ người cũ hoặc tham khảo để tìm đồ phù hợp, tránh mất tiền oan và phần nào giảm chi phí. 

"Bản thân mình trước khi tham gia nhóm cũng mua ống thở và kính lặn trên mạng giá chỉ khoảng 400.000 đồng nhưng về dùng thì không thật sự phù hợp", anh nói.

Với Minh Ánh, sau 8 tiếng làm việc ở công ty, bộ môn lặn giúp cô giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả. Thêm vào đó, cơ thể đốt được nhiều calo, cô giảm được vài kilogram và cân bằng cả thân - tâm - trí. 

"Mình thích nhất là "lãi" được những bức ảnh để đời, dù chụp dưới nước mệt hơn gấp nhiều lần trên cạn", cô vui vẻ nói.

Ánh cũng thấy may mắn khi có chung niềm đam mê lặn với mẹ và em gái. Chắc chắn trong những chuyến du lịch biển của gia đình cô sau này, đây sẽ là một thú chơi không thể thiếu.

Ảnh, video: Hanoi Freedive