DNews

Chàng trai Việt làm nhiếp ảnh gia cho sàn đấu giá hàng đầu thế giới ở Mỹ

Thư An

(Dân trí) - Khi mới tốt nghiệp đại học, giống như nhiều bạn trẻ, Nguyễn Minh Vũ phải đối diện sự cạnh tranh khốc liệt để có visa ở lại Mỹ. Nhưng anh không phải "rải" CV (hồ sơ xin việc) nhờ chiến lược đặc biệt.

Chàng trai Việt làm nhiếp ảnh gia cho sàn đấu giá hàng đầu thế giới ở Mỹ

Khi trò chuyện với phóng viên Dân trí, từ nước Mỹ xa xôi, Nguyễn Minh Vũ (SN 1998, Hà Nội) phải tranh thủ từng chút thời gian giữa "núi" công việc tại Sotheby's - một trong những sàn đấu giá hàng đầu thế giới hiện nay.

Tại đây, Vũ là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chuyên sản xuất catalog (ấn phẩm quảng cáo) cho các loại sản phẩm từ cổ vật, gốm sứ Trung Hoa, đồng hồ đến trang sức cao cấp và tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Đặc thù công việc giúp chàng trai có "đặc ân" tận mắt chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật vĩ đại đi kèm cơ hội hoạt động trong tổ chức có danh tiếng với 300 tuổi đời. Để đến được đây, anh trải qua hành trình dài học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cả nhà can ngăn vẫn quyết dừng lại một năm

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Minh Vũ nộp hồ sơ du học nhưng kết quả không như mong đợi. Dù nhận được hỗ trợ tài chính khá ổn từ một số trường, chàng trai không hài lòng và tin rằng, khả năng của mình có thể vào những môi trường tốt hơn.

Lúc đó, bố mẹ khuyên Vũ nắm lấy cơ hội và đi du học ngay. Nhưng vì tính khá cứng đầu, mặc cho cả gia đình can ngăn, anh vẫn kiên quyết ở lại Việt Nam. 

Vũ muốn xem thử điều các phụ huynh hay băn khoăn rằng "Có thể sống nhờ các ngành nghề nghệ thuật sáng tạo không?" sẽ có kết quả thế nào. Sau một năm làm tự do công việc sản xuất video, chàng trai nhận ra, ngành sáng tạo tại Việt Nam còn trẻ nhưng có tiềm năng lớn để phát triển.

Chàng trai Việt làm nhiếp ảnh gia cho sàn đấu giá hàng đầu thế giới ở Mỹ - 1

Minh Vũ tốt nghiệp cử nhân song ngành Kinh tế và Điện ảnh, chuyên ngành phụ về Mỹ thuật, tại Đại học Oberlin, Mỹ.

Ở lần thứ hai nộp hồ sơ, Vũ được chọn trong vòng tuyển sinh sớm với gói hỗ trợ tài chính rất tốt từ Đại học Oberlin, Mỹ. Mùa thu năm 2017, anh chính thức trở thành sinh viên ngành Điện ảnh - lĩnh vực mà bản thân yêu thích từ khi học cấp 3.

"Đến lúc ấy, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm vì quyết định nghỉ một năm có thể cận kề với việc "xôi hỏng bỏng không" hóa ra lại là bước đi rất đúng đắn", chàng trai chia sẻ.

Những điều Vũ học được trong một năm tạm nghỉ cũng là bước đệm lớn khi bước chân vào đại học. Với nền tảng đã khá vững, chàng trai có thời gian học thêm chuyên ngành Kinh tế và mở rộng kiến thức ở nhiều lĩnh vực, từ nhiếp ảnh, quay phim, điêu khắc tới nghệ thuật thị giác.

Song song với học tập ở trường, Vũ luôn coi việc làm thêm ngoài giờ có thể bổ trợ và cho mình nhiều kinh nghiệm thực tế.

Trong gần 4 năm, anh trải qua nhiều công việc như trợ giảng ở Phòng ảnh Oberlin; người quay phim và nhiếp ảnh gia ở Phòng truyền Thông Oberlin; đạo diễn video cho Dàn Giao Hưởng Oberlin A&S; chuyên gia hậu kỳ ở studio nghệ sĩ Pipo Nguyễn-Duy tại Oberlin; đạo diễn hình ảnh cho Press Play (phim điện ảnh độc lập ở Praha (Cộng hòa Séc); thực tập sinh studio tại Trung tâm Nhiếp Ảnh ở Woodstock (CPW).

"Để có được công việc hiện tại, tôi nghĩ không có một dòng kinh nghiệm nào trong CV của mình là quá nhỏ hay ít quan trọng. Tất cả kinh nghiệm tích lũy đã trang bị cho tôi đủ kiến thức, kỹ năng để hoàn thành và phát triển trong môi trường hiện tại", anh nói. 

Tìm việc cũng như quá trình hẹn hò

Với sinh viên quốc tế ở Mỹ như Minh Vũ, nếu không kể đến sự cạnh tranh đơn thuần, khó khăn lớn nhất là về mặt visa (thị thực). Họ thường chỉ có một năm để làm việc sau khi ra trường, nếu có bằng cấp ở mảng STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) sẽ thêm được hai năm.

Chính vì quy định này, các công ty thường không muốn tuyển dụng sinh viên quốc tế, chưa kể đến quy trình tốn kém thuê luật sư bảo lãnh cho nhân viên theo loại visa phổ cập nhất là H1B.

"Quá trình này ngày càng cạnh tranh. Mỗi năm chỉ có khoảng 70.000 suất visa mà đã có hơn 700.000 đơn nộp trong năm 2024", anh tiết lộ. 

Ngoài khía cạnh về pháp lý, Vũ cho rằng, cơ hội để giành được việc làm ở các ngành sáng tạo có thể nằm ở thư giới thiệu từ kinh nghiệm và việc làm trước đó; kỹ năng mềm như giao tiếp và hợp tác làm việc có thể được coi trọng hơn cả hiểu biết chuyên môn sâu...

Tuy vậy, Vũ may mắn không phải "rải" CV nhiều nơi để có được công việc tại Sotheby's - một trong những nhà đấu giá hàng đầu thế giới với tuổi đời hơn 300 năm. Chàng trai đã dành thời gian để nghiên cứu và tìm tòi, thậm chí chờ đợi công việc phù hợp với khả năng cũng như mong muốn của bản thân rồi mới nộp đơn xin việc.

"Tôi luôn nghĩ tìm việc như một quá trình hẹn hò, chỉ khi phía nhà tuyển dụng và người lao động thật sự tương xứng và hòa hợp mới có thể có sự kết nối", anh chia sẻ. 

Chàng trai Việt làm nhiếp ảnh gia cho sàn đấu giá hàng đầu thế giới ở Mỹ - 2

Minh Vũ hiện là nhiếp ảnh gia tại một trong những sàn đấu giá lớn nhất thế giới.

Công việc hiện tại của Minh Vũ là đảm nhiệm khâu nhiếp ảnh cho nhiều vật phẩm được bán và đấu giá tại sàn, từ các sản phẩm thời trang, trang sức sang trọng cho đến cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật cổ điển và đương đại từ nhiều nghệ sĩ…

Sản phẩm nhiếp ảnh của Vũ không chỉ dừng ở chụp đẹp, mà yếu tố quan trọng hơn là độ chính xác trong kỹ thuật tái tạo màu và sản phẩm trong góc nhìn khách quan nhất. Hơn nữa, việc giữ vững chất lượng của sản phẩm nhiếp ảnh trong catalog càng được coi trọng hơn.

Ví dụ, với những cổ vật gốm sứ Trung Hoa, Vũ phải đảm bảo độ cao máy ảnh ở vị trí chính xác đúng từng centimet để miệng của bình, bát và đĩa dóng thẳng hàng để tạo ra một đường thẳng ngang song song với mặt đất. Khi chụp tranh vẽ và các bản in, chàng trai sẽ tạo ra thiết kế sao cho ánh sáng phủ đều tuyệt đối ở một diện tích lớn.

Ở môi trường làm việc hiện tại, Vũ được tiếp cận với nhiều công cụ và công nghệ đương thời và hiện đại nhất. Anh cũng được tận mắt chứng kiến nhiều tác phẩm và vật phẩm cổ điển nổi tiếng trên thế giới như tượng của Rodin hay Picasso, ấn bản đầu tiên của tác phẩm Chúa tể của những chiếc nhẫn hay bản sao của hiến chương hiến pháp Mỹ trong báo in từ những năm 1776.

Đi kèm với những "đặc ân" này, Vũ cũng đối diện không ít áp lực, chủ yếu là khối lượng công việc khá nhiều khiến anh phải chạy deadline (gấp rút hoàn thành công việc trước thời hạn) "như cơm bữa".

Chàng trai Việt làm nhiếp ảnh gia cho sàn đấu giá hàng đầu thế giới ở Mỹ - 3

Chiếc giá pha cà phê luôn nằm trên bàn của Minh Vũ.

Những năm qua, Vũ cũng đạt được nhiều dấu ấn trong sự nghiệp: Có dự án được đưa lên tạp chí Vogue, Rfotofolio; được trao giải thưởng về nhiếp ảnh phi truyền thống (Denis Roussel Award); tác phẩm xuất hiện ở nhiều nơi như Triển lãm In-Between, Triển lãm Nhiếp Ảnh Glasgow (Scotland)...

Trong số sáng tạo nghệ thuật từng tạo ra, Vũ tâm đắc nhất với dự án cá nhân về thiết kế và gia công giá gỗ cho phễu và bình pha cà phê mà anh gọi là "khó hiểu".

"Dự án này luôn có vị trí quan trọng với tôi vì nhờ đó, tôi vô tình đúc kết được tất cả thứ mình từng được học, từ kỹ năng, kỹ thuật để cắt chính xác và gia công lắp ghép các miếng gỗ cắt cho đến tư duy và triết lý về bố cục, hình khối, thiết kế", anh chia sẻ.

Đến giờ, chiếc giá pha cà phê vẫn nằm trên bàn của Vũ như một lời nhắc nhở hàng ngày về giá trị của việc liên tục nghiên cứu và tìm hiểu, không tự giới hạn bản thân.

Nói thêm về lĩnh vực mình tâm huyết và theo đuổi, Vũ cho rằng, ngành nhiếp ảnh nói riêng hay các ngành nghệ thuật thị giác nói chung ở Việt Nam ngày càng phát triển và có thêm nhiều chỗ đứng.

"Tôi rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm mình có vì tôi tin rằng, nhiều người làm được thì ngành công nghiệp sáng tạo và cả môi trường nghệ thuật ở Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội phát triển", chàng trai Hà Nội bộc bạch.

Ảnh: NVCC