Chen nhau ôm súng, leo trèo lên xe tăng ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
(Dân trí) - Người lớn, trẻ nhỏ vô tư leo trèo lên các hiện vật lịch sử quý giá như xe tăng, máy bay, pháo... tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Cha mẹ để con trẻ vô tư leo trèo lên xe tăng
Cuối tuần qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón hàng chục nghìn lượt khách từ khắp nơi tới tham quan.
Kiến trúc hiện đại với hơn 150.000 hiện vật quý, trong đó có 4 Bảo vật quốc gia được trưng bày tại đây đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với đông đảo người dân.
Khách tham quan đủ lứa tuổi từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các gia đình tới các vị cựu chiến binh, người cao tuổi.
Nhiều cựu chiến binh đã bật khóc khi nhìn thấy những kỷ vật thời chiến gợi nhớ về những ngày tháng cam go bên những đồng đội người còn, người mất. Khoảnh khắc ấy khiến nhiều người trẻ xúc động nghẹn ngào, trào dâng niềm yêu nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp, ấn tượng, không ít người cảm thấy ngao ngán khi chứng kiến cảnh nhiều bậc cha mẹ để con trẻ vô tư leo trèo lên xe tăng, máy bay, tranh nhau ôm súng hay chạy nhảy trên các mô hình sa bàn lịch sử.
Cùng chồng và con nhỏ tới tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng chủ nhật 10/11, chị Nguyễn Minh Nguyệt (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, lượng khách đổ về bảo tàng quá đông, không khó để bắt gặp cảnh người lớn, trẻ nhỏ vô tư sờ vào hiện vật.
Thậm chí, nhiều cha mẹ còn khuyến khích trẻ leo trèo lên xe tăng, máy bay chỉ để có những bức hình độc đáo.
"Các hiện vật như xe tăng, pháo trưng bày ở không gian mở, không có dây ngăn cách nhưng có biển báo "Không leo trèo, bám, tựa vào hiện vật". Bảo tàng liên tục phát loa nhắc nhở khách tham quan không được sờ, leo trèo lên hiện vật nhưng vô ích", chị Nguyệt cho hay.
Theo chị Nguyệt, các hiện vật là vô giá bởi minh chứng cho những tháng năm lịch sử oanh liệt của dân tộc. Đi tham quan bảo tàng là để hiểu thêm về lịch sử và thể hiện tình yêu nước.
Tuy nhiên, hành động nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con nhỏ thể hiện là thiếu ý thức, phản cảm.
Thấy cảnh nhiều trẻ nhỏ đeo giày dép trèo lên các hiện vật lịch sử, anh Nguyễn Tuấn Tú (ở Thanh Xuân) đã nhắc nhở phụ huynh của các cháu nhỏ. Tuy nhiên, anh Tú nhận về nhưng cái trợn mắt thể hiện sự không hài lòng.
Hiện vật bị ảnh hưởng bởi sự thiếu ý thức
Bùi Nhật Quang (sinh viên ở Hà Nội) là một trong số rất đông các bạn trẻ có mặt tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng chủ nhật. Lượng khách tham quan đổ về bảo tàng tăng kỷ lục khiến Quang bất ngờ.
Chàng trai không thể ngắm nghía được nhiều hiện vật như mong muốn, cũng không thể quay được các video về những vũ khí chiến đấu của quân đội ta trong lịch sử để chia sẻ lên tài khoản mạng xã hội như kỳ vọng.
"Cứ ở đâu có xe tăng, máy bay là các gia đình lại cho con trèo lên chụp ảnh. Trẻ vẫn đeo giày dép di chuyển trên cánh máy bay hay giá để pháo… Trẻ không trèo lên được thì cha mẹ lại bế lên. Có nơi, trẻ em tranh nhau đu vào hiện vật dẫn tới đánh nhau. Nhìn cảnh ấy tôi chỉ lo các hiện vật bị hỏng", Quang nói.
Do sự thiếu ý thức của khách tham quan, một số hiện vật chiến tranh bị ngã đổ và bảng tên cũng bị gãy.
Anh Trương Văn Nghĩa (ở Thanh Trì, Hà Nội) cũng không đồng tình với việc khách tham quan vô tư leo trèo lên các hiện vật lịch sử.
Anh Nghĩa chia sẻ, sáng chủ nhật anh cùng người thân trong gia đình tới tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đường tắc dài, trời nắng nóng và bụi, vào đến bảo tàng ai cũng mệt. Vậy nên, anh rất thông cảm với các gia đình có trẻ em đi cùng. Nhiều trẻ nhỏ vì chờ đợi lâu, mệt mỏi nên ngồi lên các khu trưng bày hiện vật.
"Khu sa bàn trận Điện Biên Phủ có 2 hàng ghế để mọi người ngồi xem màn hình rộng. Tuy nhiên, nhiều gia đình để trẻ nhỏ ngồi lên thành sa bàn, trẻ thoải mái cho chân, cho tay vào sa bàn. Có trẻ còn chạy lên sa bàn. Nhiều người lớn có nhắc nhở nhưng các cháu không mấy chú ý", anh Nghĩa kể lại.
Theo anh Nghĩa, thời điểm đó, loa bảo tàng liên tục phát thông báo các gia đình có trẻ nhỏ nhắc nhở trẻ không leo trèo, chạy nhảy lên các hiện vật. Tuy nhiên, dường như không nhiều người chú ý đến thông báo này để thay đổi hành vi của con.
"Tôi rất mong các gia đình khi đưa trẻ đến tham quan bảo tàng nhắc nhở các con không đùa nghịch để tránh làm hỏng hiện vật", anh Nghĩa nói.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa tất cả các ngày trong tuần, 8h-11h30 và 13h-16h30. Tuy nhiên, bảo tàng không mở cửa ngày thứ 2 và thứ 6.
Nội quy khi tham quan bảo tàng
1. Tuyệt đối chấp hành mọi hướng dẫn của nhân viên bảo tàng.
2. Trang phục lịch sự, không nói tục chửi bậy, không hút thuốc.
3. Mua vé đầy đủ.
4. Gửi hành lý, túi xách đúng nơi quy định.
5. Không mang vũ khí, vật liệu nổ, chất dễ cháy... vào bảo tàng.
6. Không ăn, uống trong khu vực trưng bày.
7. Không tự tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật.
8. Có ý thức gìn giữ vệ sinh chung, bảo vệ hiện vật và các công trình công cộng.
9. Khách tham quan phải chịu trách nhiệm nếu gây tổn thất nào cho bảo tàng.
10. Khách quay phim, chụp ảnh phải hỏi ý kiến nhân viên bảo tàng để biết được phạm vi cho phép. Không dùng đèn flash chụp ảnh hiện vật bảo tàng.
11. Các cơ quan, đơn vị, trường học... để đến tham quan theo đoàn vui lòng liên hệ đăng ký trước.