Cựu nữ đô vật ở Thanh Hóa bật khóc kể về biến cố thay đổi cuộc đời
(Dân trí) - Giữa thời kỳ đỉnh cao, nữ đô vật phải từ giã sự nghiệp thể thao do chấn thương gãy đốt sống cổ. Suốt 20 năm, chị bị tổn thương cả tâm hồn lẫn thể xác.
Chấn thương nghiệt ngã giữa thời kỳ "vàng son"
Căn nhà nhỏ của cựu nữ vận động viên vật quốc gia Lê Thị Huệ (43 tuổi) ở thôn Châu Chính, phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Giữa cái lạnh tái tê những ngày cuối năm, chị Huệ vẫn miệt mài tập bước đi cùng chiếc nạng sắt.
Đôi bàn tay run rẩy, giọng buồn rầu, chị Huệ rơi nước mắt khi kể về những biến cố cuộc đời, cú ngã định mệnh đã khiến chị từ đỉnh cao sự nghiệp trở thành người tàn phế.
Chị kể, vốn đam mê võ thuật, năm 1996, khi chị vừa tròn 16 tuổi thì được một người quen giới thiệu tham gia thi tuyển chọn vận động viên Judo, do Sở Thể dục Thể thao Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) tuyển sinh.
Với năng khiếu xuất sắc của mình, sau khi thi, chị được tuyển chọn, trở thành vận động viên trong đội tuyển Judo của tỉnh. Thời gian sau đó, chị tập luyện và thi đấu tại trung tâm, liên tiếp gặt hái được những thành công khi tuổi đời còn rất trẻ.
"Trong suốt 5 năm tập luyện và thi đấu, tôi đạt 2 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng tại các giải đấu Judo toàn quốc. Đến năm 2001, tôi được chuyển sang tập môn vật tự do rồi tham gia thi đấu ở các giải vật quốc gia, sau đó đạt 2 Huy chương Vàng tại 2 giải vật tự do toàn quốc vào năm 2002", chị Huệ nhớ lại thời đỉnh cao.
Với những thành tích đó, nữ đô vật quê Thanh Hóa đã "lọt mắt xanh" của các nhà tuyển trạch (người chiêu mộ vận động viên). Năm 2002, chị được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và được kỳ vọng rất lớn về bộ môn vật của thể thao nước nhà tại kỳ SEA Games 22 (tháng 12/2003).
Được lựa chọn để thi đấu SEA Games, lúc bấy giờ chị Huệ rất đỗi tự hào. Hàng ngày, chị nỗ lực, hăng say tập luyện với quyết tâm và đặt niềm tin sẽ giành giải cao nhất tại ngày hội thể thao lớn nhất trong cuộc đời.
Thế nhưng, ước mơ và những kỳ vọng của chị vừa nhen nhóm thì bất ngờ vụt tắt vì biến cố đã xảy ra. Ngày 12/5/2003, khi đang luyện tập cùng đồng đội, chị Huệ bị ngã dẫn đến gãy đốt sống cổ, liệt toàn thân, phải phẫu thuật.
"Sau cú ngã tôi hôn mê không biết gì nữa, cho đến khi tỉnh dậy, tôi nghĩ phẫu thuật xong một thời gian sẽ ổn định lại. Nhưng một thời gian sau không cử động được, biết mình bị liệt, tôi rất sốc", cựu nữ đô vật chia sẻ.
7 tháng nằm bất động, muốn "giải thoát" để mẹ già bớt khổ
Sau cuộc phẫu thuật, chị Huệ nằm bất động trên giường bệnh suốt 7 tháng ròng rã. Thời gian này, chị bị suy sụp cả về tinh thần lẫn thể xác. Từ một người khỏe mạnh, bỗng chốc tàn phế khiến chị suy nghĩ tiêu cực, hay cáu gắt và chẳng muốn nói chuyện với ai. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ đều đổ dồn lên mẹ già tuổi đã cao, sức yếu.
"Từ một người đang khỏe mạnh bỗng nằm một chỗ nên tôi buồn và khóc nhiều lắm. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc giải thoát để mẹ và các chị trong gia đình bớt khổ. Mình theo đuổi sự nghiệp khá lâu, mong muốn tham gia một giải đấu lớn để đạt lấy vinh quang nhưng số phận không may mắn, khi chưa đạt được mong muốn thì gặp nạn khiến giấc mơ dang dở, tôi rất tiếc nuối", chị Huệ tâm sự.
Hơn một năm sau cuộc phẫu thuật, chị Huệ mới có thể cử động được tay, chân. Được sự động viên, khuyên nhủ của gia đình, nữ đô vật bắt đầu tập phục hồi chức năng với hy vọng sẽ chữa lành đôi chân.
Những tháng ngày sau đó, chị luôn nghĩ về những điều tích cực, cố gắng tập luyện, phục hồi chức năng để đôi chân nhanh khỏi, tiếp tục sự nghiệp cống hiến cho thể thao nước nhà.
Thế nhưng, sau hơn 5 năm nỗ lực, trải qua những cơn đau từ tinh thần đến thể xác, chị Huệ không thể đi lại được như người bình thường. Lúc này chị mới chấp nhận trước số phận. Cũng theo chị Huệ, kể từ khi gặp chấn thương, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, thăm hỏi và tặng quà mỗi dịp Tết.
Đến năm 2008, Sở Thể dục Thể thao Thanh Hóa cắt hợp đồng lao động. Đây là thời điểm khiến chị Huệ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chị Huệ cho biết, sau khi bị cắt hợp đồng lao động, chị được ngành thể thao Thanh Hóa làm thủ tục trợ cấp theo chế độ tai nạn lao động với số tiền hơn 3 triệu đồng/tháng.
Không còn lương để chi phí điều trị tại bệnh viện, chị Huệ đành ngậm ngùi về quê, nương tựa người mẹ già yếu.
Ước mơ "tìm lại đôi chân" cho chính mình
Suốt hơn 20 năm kể từ ngày con gái gặp chấn thương, bà Lường Thị Hường (80 tuổi, mẹ chị Huệ) là người luôn sát cánh bên chị, giúp chị Huệ tìm lại những bước đi trên đôi chân của chính mình.
"Mẹ già sức yếu, nhưng vì thương con nên mẹ thường xuyên giúp tôi tập luyện phục hồi chức năng. Có ngày ngã 5-7 lần, mẹ là người nâng đỡ, giúp tôi đứng lên tiếp tục việc tập luyện. Thời gian đầu, sức khỏe còn tốt, các ngành chức năng và các mạnh thường quân, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ nên có điều kiện để đi bệnh viện phục hồi. Khoảng 10 năm trở lại đây, do sức khỏe yếu và không có đủ kinh phí đi bệnh viện nên việc phục hồi cũng kém", chị Huệ cho hay.
Cũng theo chị Huệ, hiện nay, mỗi lần đi viện, chi phí điều trị phục hồi chức năng khá tốn kém, nên chị vẫn phải tự tập ở nhà là chủ yếu. Thi thoảng, dành dụm được chút tiền thì mới xuống viện điều trị.
Mấy năm qua, để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, chị thường qua nhà chị gái để phụ giúp bán hàng tạp hóa kiếm thêm thu nhập, hỗ trợ mẹ sinh hoạt hàng ngày. "Giờ tôi chỉ có một ước mơ, có điều kiện thật tốt để tiếp tục phục hồi chức năng, có thể tự bước đi, giảm bớt phần nào gánh nặng cho mẹ. Vì tôi mà mẹ đã khổ nhiều rồi", cựu nữ đô vật tâm sự.
Nói về cô con gái đáng thương, bà Lường Thị Hường chia sẻ, suốt 20 năm qua, dù có thế nào bà vẫn luôn bên cạnh để động viên, an ủi con gái. Nhưng năm nay, vì đã 80 tuổi, sức khỏe yếu nên bà lo lắng khi mình mất đi, không biết tương lai của con gái sẽ đi về đâu.
"Nhiều lúc nhìn con mà rớt nước mắt. Nhìn thấy bạn bè của con gái ai cũng có gia đình, con cái đề huề, sự nghiệp ổn định. Trong khi đó, con mình thiệt thòi đủ đường, hằng ngày vẫn phải lê từng bước chân khó nhọc cùng chiếc nạng sắt. Thể thao sao nghiệt ngã vậy, con gái tôi từ một người lành lặn, khỏe mạnh bỗng trở thành người tàn phế suốt đời, nỗi đau này thật khó có thể chia sẻ cùng ai", bà Hường buồn rầu nói.