(Dân trí) - Do nửa phần thân dưới của Đức hoàn toàn mất cảm giác, nên khi muốn sinh con họ phải thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Khoác lên mình chiếc váy cưới lộng lẫy chờ giây phút trọng đại, trong lòng Bùi Thị Chinh xốn xang bao cảm xúc. Ngoài sân, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc vu quy tưng bừng. Cô gái sinh năm 1992 càng run, tay liên tục bấm máy gọi điện thoại nhưng đầu dây bên kia chỉ vang lên những tiếc tút tút vô hồn.
Lúc ấy Chinh biết, chỉ có mình và bạn trai Thái Duy Đức cùng họ hàng người thân của anh biết và hiện diện trong đám cưới này. Còn cha và các chị của cô ở Phú Thọ vẫn quyết "từ mặt, không quan tâm". Chính vì vậy, họ không hề biết hôm ấy, đứa con gái út, em út trong nhà sẽ làm lễ thành hôn.
Đi bên cạnh người chồng đang ngồi xe lăn, đôi mắt cô ngân ngấn lệ. Chinh tự nhủ mình, phải sống thật hạnh phúc để không phải hối hận với quyết định bản thân phải đánh đổi bằng cả gia đình…
Nhớ lại đám cưới đặc biệt ấy, Bùi Thị Chinh và Thái Duy Đức vẫn nghẹn ngào xúc động.
Đức kể, cuối tháng 3 năm 2015, khi thi công một công trình nhà kính trồng hoa lan ở Lâm Đồng, anh không may bị rơi tự do từ độ cao 8m. Tiếp đất trong tư thế ngồi, Đức bị gẫy cột sống, dập tủy, gẫy tay.
Đức sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu rồi chuyển lên TPHCM điều trị.
Thời gian đầu, vì để Đức không bị sốc, các bác sĩ động viên anh chỉ cần cố gắng, chịu khó tập vật lý trị liệu từ 3-6 tháng là đi lại được. Tuy nhiên về nhà một thời gian, Đức càng thấy tình trạng của mình tồi tệ. Từ bụng xuống chân không có tiến triển, vẫn hoàn toàn mất cảm giác, vệ sinh rối loạn, không tự chủ, một ngày thay tới mười mấy chiếc quần.
Đức quay lại TPHCM thì được các bác sĩ chính thức thông báo anh không thể đi lại được nữa. "Lúc ấy tôi mới biết trước đó bác sĩ giữ tâm lý cho mình. Lần tái khám, bác sĩ bảo với tôi: "Bệnh này không có nước nào chữa được hết. Em phải chấp nhận số phận, chấp nhận ngồi xe lăn đến hết cuộc đời. Lúc ấy, tôi thực sự suy sụp, thấy cuộc đời mình như chấm hết", Duy Đức nhớ lại.
Những ngày sau đó, Duy Đức được bác sĩ giới thiệu tới một trung tâm phục hồi dành cho các bệnh nhân liệt tủy sống. Vào trung tâm thấy nhiều bệnh nhân bị gẫy cổ, nằm liệt một chỗ đã 7-8 năm, Duy Đức biết chắc đôi chân của mình không còn hy vọng. Tối nào chàng trai sinh năm 1991 cũng trùm mền nằm khóc.
Thời điểm ấy, người bạn gái anh quen nhiều năm, chuẩn bị làm đám cưới cũng dần tránh mặt. Duy Đức thấy mình như đã mất tất cả trong chớp nhoáng. Người tưởng chừng sẽ gắn bó với anh đến cả cuộc đời cũng rời xa khiến anh nghĩ mình chẳng thể có tương lai, hạnh phúc.
Rời trung tâm một thời gian, Duy Đức quay trở về Lâm Đồng. Cứ hễ nghe ai mách ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay, anh lại cùng mẹ tìm tới. "Thời điểm ấy tôi cố chạy chữa như một cách né tránh thực tại phũ phàng chứ bác sĩ đã nói thế rồi thì còn hy vọng gì nữa", Đức chia sẻ.
Sau khi bỏ hàng trăm triệu đồng chữa trị mà chân vẫn không đi được, Duy Đức về nhà tự nhốt mình trong phòng và bắt đầu nghĩ đến những hành động tiêu cực.
Anh kể: "Thời điểm ấy, tôi nghĩ chi bằng mình chết đi còn hơn. Tất cả mọi hoạt động từ vệ sinh, ăn uống, tắm giặt, đi lại đều phụ thuộc vào người khác thì sống làm gì cho mệt mỏi. Tôi tự hành hạ bản thân, tuyệt thực nhiều ngày, không giao tiếp, nói chuyện với ai".
Khuyên nhủ con trai không được, mẹ của Duy Đức chỉ còn biết ở bên cạnh trông chừng con. Bà gần như không dám đi đâu, chốc chốc lại hé cửa phòng xem con mình ra sao, có còn thở không.
Đến ngày thứ 10, thấy mình nhịn ăn nhưng vẫn sống, bên ngoài là người mẹ ngày một héo hon, Duy Đức quyết sốc lại tinh thần. Sự thay đổi của Đức sau đó khiến mẹ anh và nhiều người xung quanh ngạc nhiên.
Đôi chân không thể đi lại, Đức dùng tới xe lăn. Việc đại tiểu tiện không thể tự chủ, Đức ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ để "canh" được giờ bản thân đi vệ sinh. Đặc biệt, khi nghe tin một người bạn cùng tỉnh bị liệt tứ chi do tai nạn giao thông, Đức đã kêu gọi mọi người quyên góp, giúp đỡ bạn. Anh còn tự mình tới bệnh viện chăm người bạn ấy.
Cứ như thế Đức ngày một sống tích cực và lạc quan. Để phục hồi về tinh thần và thể lực, ngoài sự cố gắng của bản thân, Duy Đức bảo không thể không kể đến động lực từ tình yêu của Bùi Thị Chinh.
Hai người vốn có một người bạn chung. Người bạn này thấy Chinh suốt nhiều năm u sầu, sống khép mình, không bao giờ mở lòng với ai nên đã kể lại câu chuyện của Duy Đức cho cô nghe kèm lời động viên: "Người ta bị tật nguyền mà vẫn yêu đời, năng động thì sao mày lại suốt ngày buồn bã ủ rũ như thế".
Người bạn này đã chủ động lấy Facebook của Chinh kết bạn với Duy Đức, mở ra cơ hội làm quen cho cô gái Phú Thọ và chàng trai Lâm Đồng.
Sau hai tháng trò chuyện trên mạng xã, Đức ngỏ lời yêu và bắt chuyến bay ra Hà Nội gặp Chinh khi ấy đang làm công nhân cho một công ty nhựa ở Thủ đô.
Lần ấy, Chinh xin công ty cho nghỉ một tuần để đưa bạn trai đi chơi. Cô gái ấn tượng bởi sự quan tâm tỉ mỉ của Đức dành cho mình. Mỗi khi ăn gì, Đức đều hỏi xem cô có phải kiêng gì không, có bị dị ứng với gia vị hay món ăn nào không.
Về phần Đức, anh thấy Chinh là một người rất hiểu chuyện. Không chờ Đức nói ra, Chinh đã hiểu cho cái khó của người phải ngồi xe lăn.
Cô chủ động giúp anh khi thấy anh phải lên xuống xe cộ, đi lại trên đường. Thấy cánh cửa nhà tắm không đủ để bạn trai di chuyển xe lăn vào, Chinh không ngại ngần bế xốc anh lên. Dù hơi bất ngờ nhưng Duy Đức vô cùng xúc động và cảm nhận rõ được sự chân thành mà bạn gái dành cho mình. Chàng trai càng ngạc nhiên hơn khi sau đó, cô gái trẻ xin nghỉ việc luôn và đồng ý theo anh vào Lâm Đồng.
Hai tháng ở Tây Nguyên, Bùi Thị Chinh được trải nghiệm cuộc sống ở một vùng đất mới, hiểu hơn về thói quen sinh hoạt, tính cách và tình cảm của Duy Đức. Cô thậm chí còn nhiều lần rớt nước mắt trước những cử chỉ ân cần mà mẹ của bạn trai dành cho mình. Mất mẹ từ sớm nên đã lâu, Chinh mới cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng đến thế. Tình cảm dành cho Đức và gia đình Đức ngày một lớn dần, cô đã đồng ý ngay khi bạn trai bàn kế hoạch kết hôn.
Tuy nhiên, khi thông báo tin này với gia đình, Chinh bị bố và các chị gái phản đối gay gắt vì "bao nhiêu người lành lặn không chọn, lại đi chọn một người đã liệt nửa thân".
Dù Đức đã cùng Chinh ngược ra Bắc một chuyến để gặp gỡ và xin phép gia đình bạn gái cho cưới, nhưng anh vẫn bị cấm cửa. Chỉ có mình Chinh về nhà và đối diện với cơn thịnh nộ của bố.
"Mẹ tôi mất sớm. Trong nhà chỉ có bố và các chị gái. Tuy nhiên, tôi không nhận được sự đồng tình từ bất cứ ai. Thậm chí, bố tôi còn nói một là chọn người đó, hai là chọn gia đình. Cuối cùng, tôi đã chọn anh ấy", Chinh nhớ lại.
Đám cưới của Duy Đức và bạn gái diễn ra vào cuối tháng 11/2017, sau khi hai người quen nhau hơn nửa năm. Ngày cưới, Duy Đức hát bài hát "Nắm lấy tay anh" cùng cô dâu tiến vào hôn trường.
Hai bên, khách khứa đồng loạt đứng dậy vỗ tay. Nhớ lại những tháng ngày sống "như vứt đi" trước đây của chàng trai trẻ, nhiều người đã không ngừng rơi lệ. "Đám cưới của tôi rất nhiều nước mắt, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc", Duy Đức chia sẻ.
Do nửa phần thân dưới của Đức hoàn toàn mất cảm giác, trong đời sống hàng ngày, họ không có chuyện sinh hoạt vợ chồng, quan hệ chăn gối. Khi muốn sinh con họ phải thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Cảm động trước nghị lực của Duy Đức và câu chuyện tình yêu của cặp đôi, một bác sĩ ở Bệnh viện Mỹ Đức TPHCM hỗ trợ cho họ mọi chi phí.
"Anh ấy nói sẽ giúp tôi đến khi nào tôi có được con thì thôi. Sau hai lần không thành thì lần này may mắn đã mỉm cười với vợ chồng tôi. Vợ tôi hiện đang mang bầu 6 tháng", Đức cho biết.
Cuộc sống của cặp đôi đang ngày một tốt dần lên. Hàng ngày, Chinh phụ mẹ chăn nuôi bò, trồng trọt. Duy Đức thu mua các loại lũa, gốc cây về đem bán lại cho những khách hàng có nhu cầu chơi lũa thủy sinh, trang trí bể cá.
Cặp đôi cũng đã xây được một căn nhà khang trang. Nhìn thấy các con có cuộc hôn nhân hạnh phúc, gia đình Chinh ngoài Phú Thọ cũng đã chấp nhận chàng rể quê Lâm Đồng. Từ năm ngoái, Đức đã về miền Bắc ra mắt gia đình vợ và ăn bữa cơm đoàn tụ.
Ít ngày trước đây, cặp đôi đã kỉ niệm 5 ngày cưới. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh không hề ngại ngần khi thừa nhận rằng, hôn nhân của họ khác với những cuộc hôn nhân thông thường. Họ đến với nhau là vì tình yêu, ở bên nhau như hai người tri kỷ. Chỉ cần dành cho nhau những cái ôm, cái hôn ngọt ngào là cả hai đã cảm thấy hạnh phúc.
Cô gái Phú Thọ Bùi Thị Chinh thì mỉm cười: "Nhiều người nói tôi thiệt thòi nhưng tôi thấy mình không thiệt thòi gì hết. Tôi cảm nhận mình còn hạnh phúc hơn nhiều người khác. Tôi là người nóng tính hơn anh ấy, anh ấy thì rất tình cảm và nhường nhịn tôi. Mỗi lần vợ giận, anh ấy đều tránh mặt đi thậm chí còn tếu táo nói rằng bản thân đi tránh "đạn".
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh
Thiết kế: Đỗ Diệp