DMagazine

Cô gái chuyên "giải mã" phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM

(Dân trí) - Yêu văn hóa người Hoa ở Chợ Lớn, muốn tìm hiểu và chia sẻ nhiều kiến thức đến cộng đồng nhưng Quang Mỹ Thiên từng bị một vài người đánh giá :"Không biết đọc chữ Hoa sao đòi làm về văn hóa?".

Cô gái chuyên "giải mã" phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM

(Dân trí) - Yêu văn hóa người Hoa ở Chợ Lớn, muốn tìm hiểu và chia sẻ nhiều kiến thức đến cộng đồng nhưng Quang Mỹ Thiên từng bị vài người đánh giá: "Không biết đọc chữ Hoa sao đòi làm về văn hóa?". 

Đã 4 năm, Quang Mỹ Thiên, 30 tuổi, ở quận 5, đi tìm câu trả lời, chứng minh cho việc nếu thật sự muốn làm thì chắc chắn sẽ có cách. Bằng chứng là kênh "Cholon Downtown" của cô trên Facebook đã đạt hơn 200.000 lượt theo dõi. Những kiến thức, trải nghiệm về văn hóa người Hoa ở Chợ Lớn của Thiên thông qua bài viết, video thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. 

Cô gái chuyên giải mã phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM - 1

Mỹ Thiên là cô gái người Hoa gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Cô sinh ra ở Chợ Lớn, TPHCM. Gia đình Thiên đã có mặt ở thành phố này gần 100 năm.

Từ nhỏ, Mỹ Thiên được cha mẹ dạy giao tiếp tiếng Hoa trong sinh hoạt gia đình. Sau này, Thiên làm trong một công ty tổ chức sự kiện, chuyên lên hợp đồng với các nghệ sĩ nước ngoài đặt lịch đến Việt Nam biểu diễn. Môi trường chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh, vì gia đình không còn khắt khe nên cô ít giao tiếp bằng tiếng Hoa. Đôi lúc, Thiên nghĩ mình tưởng chừng đã "mất gốc". 

Vì tính chất công việc nên cô thường có dịp đưa các nghệ sĩ nước ngoài đi khám phá nhiều địa điểm văn hóa, quán ăn ở Chợ Lớn. Càng đi, Thiên càng thấy Chợ Lớn có nhiều điều hay. Những quán ăn 3 đời, những lễ hội truyền thống hay những điểm đến tâm linh... chưa có sự đầu tư về du lịch để quảng bá đến cộng đồng. Từ đó, cô gái trẻ nhen nhóm ước mơ có thể đóng góp điều gì đó cho sự phát triển ở mảnh đất mình sinh ra. 

Sau chuyến đi du lịch Huế năm 2018, cô quyết tâm cho ra đời trang "Cholon Downtown" trên Facebook để chia sẻ những nét thú vị của Chợ Lớn đến mọi người. 

"Huế biết tận dụng những nét văn hóa đặc trưng vào du lịch khiến những vị khách phương xa như mình thấy ấn tượng. Chợ Lớn của tụi mình cũng có nhiều thứ hay mà, sao những người sống ở đó như mình còn chưa biết đến", Thiên trăn trở. 

Cô gái chuyên giải mã phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM - 2

Không giỏi đọc chữ Hoa, không có nhiều kiến thức về khu Chợ Lớn, làm sao có thể làm nội dung chia sẻ đến mọi người? Đó là câu hỏi mà Thiên tự đặt ra ngay khi bắt đầu làm công việc người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội về lĩnh vực văn hóa. 

Dịp trung thu năm 2018, báo đài nhắc đường Lương Nhữ Học ở quận 5 với tên gọi "Phố lồng đèn". Tuy nhiên, Thiên chia sẻ, người dân ở khu vực Chợ Lớn từ trước đến nay chỉ quen gọi con đường đó là "Samtor".

Chưa biết phải hỏi từ đâu, Thiên tìm mẹ mình để nhờ giải đáp. Thời trẻ, mẹ của Thiên có một tủ thuốc lá và nước ngọt bán trên con đường này. Bà kể: "Khu vực phố lồng đèn trước đây có rạp hát tên là Samtor rất nổi tiếng nên người dân hay rủ nhau đến đây chơi. Do vậy, người Hoa ở đây cũng gọi khu phố lồng đèn là Samtor".

Tuy nhiên, không phải điều gì mẹ của Thiên cũng biết. Có lần, cô tò mò hỏi mẹ tại sao vào Tết trung thu, trong mâm cúng của người Hoa ngoài bánh, trà còn có 1 dĩa ốc len xào. Lần này, người mẹ trả lời rằng: "Ngày xưa thấy người lớn cúng ra sao thì bây giờ làm theo chứ không rõ ý nghĩa". 

Thử thách bắt đầu đến với Thiên khi cô phải tìm đủ tư liệu trên mạng bằng tiếng Hoa rồi sử dụng công cụ hoặc nhờ bạn dịch thuật để hiểu nghĩa. Cô cũng "tàu ngầm" trong hội nhóm cộng đồng, nơi có những người Hoa Lớn tuổi tham gia để tìm thông tin. 

Sau nhiều lần mày mò, Thiên tìm được một tài liệu chia sẻ, vì thời điểm trung thu là lúc ốc sông béo nhất, có giá trị dinh dưỡng cao nên được chọn làm món ăn chính. Sau một quá trình dài thích nghi với điều kiện sống của từng khu vực, những người dân gốc Hoa ở Chợ Lớn chọn ốc len để ăn. 

Bài viết được Thiên chia sẻ lên trang và nhận được nhiều lượt yêu thích, bình luận từ cộng đồng. 

"Có những bình luận khen ngợi cũng có những bình luận trái chiều… nhưng mình nghĩ văn hóa thì không có đúng - sai tuyệt đối. Qua thời gian và sự hội nhập của người Hoa vào vùng đất mới, văn hóa thường có sự giao thoa, thay đổi cho phù hợp ở nơi mình sinh sống", Thiên nói. 

Cô gái chuyên giải mã phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM - 4
Cô gái chuyên giải mã phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM - 6

 Thời gian đầu, Thiên lấy tiền từ công việc chính của mình để thực hiện những chuyến đi tìm hiểu, giới thiệu văn hóa Chợ Lớn. Cô tự nhận mình làm vì đam mê. Năm 2020, Thiên lập gia đình và sinh em bé nên không có nhiều thời gian như trước. Nhiều lần cô nghĩ sẽ dừng lại, vì công việc này không tạo ra tiền. 

Cũng lúc này, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, cô gái ở nhà thường xuyên và được mẹ dạy nấu các món ăn truyền thống người Hoa. Biết được nhiều kiến thức hay, Thiên thử quay video đăng lên một nền tảng mạng xã hội, không ngờ được cộng đồng ủng hộ. 

Bà Xâu Cáy nhận vợ chồng Thiên làm con nuôi. Người phụ nữ vừa qua đời tuần trước. Câu chuyện về bà là kỷ niệm khiến Thiên nhớ mãi (Video: Cholon Downtown).

Hai năm nay, Thiên chuyển hướng quay những video giới thiệu trực quan nhiều địa điểm văn hóa, quán ăn... hay những câu chuyện ấm lòng của con người khu Chợ Lớn. Điều khiến cô gái trăn trở là có những quán ăn đã bán đến hơn nửa thế kỷ nhưng đến hiện tại không muốn con cái nối nghiệp vì sợ vất vả. 

"Con cái không nối nghiệp, việc kinh doanh chỉ dừng ở mức duy trì qua ngày, nếu người lớn qua đời thì một nghề truyền thống của người Hoa sẽ mất đi", cô gái trăn trở. 

Sau khi được Thiên quay video giới thiệu, chia sẻ trên mạng xã hội, khách kéo đến đông nghịt. Dần dần, Thiên thấy con cái họ đã ra phụ bán, phụ giao hàng. Có người còn mở gian hàng trên ứng dụng phụ cha mẹ nhận đơn, bán bánh. 

Cô gái chuyên giải mã phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM - 8

Một lần, Thiên đi chùa cùng bạn. Anh là con trong một gia đình có truyền thống viết liễn lâu đời nhất Chợ Lớn. Thiên được bạn đọc và giải thích ý nghĩa những dòng chữ đặt trang trọng trong chùa. Từ đó, cô được biết thêm người Hoa của mình rất thích được tặng chữ. Không chỉ là liễn trong dịp Tết mà trong những dịp mừng như khai trương, sinh nhật, mừng tuổi…

Vốn quen biết nhiều quán ăn truyền thống ở Chợ Lớn, Tết vừa qua, Thiên nhờ một người anh nghĩ ra những câu chữ phù hợp với từng cửa hiệu. Sau đó, cô nhờ bạn viết liễn, đóng khung trang trọng tặng họ. Cô muốn khuyến khích nghề truyền thống mà họ đang làm.

"Vì nghề nào cũng đáng quý", Thiên nói. 

Ông Hùng, chủ quán Ba Lù có kiểu pha cà phê bằng vợt nổi tiếng ở chợ Phùng Hưng, quận 5, chia sẻ: "Dù quán đã được nhiều người biết đến nhưng kể từ ngày Thiên quay video giới thiệu càng có nhiều khách lạ đến nếm thử cà phê. Cô ấy từng đến quán nhiều lần nhưng chúng tôi không trò chuyện nhiều. Giờ trở nên thân quen khi chúng tôi được trò chuyện và có nhiều chủ đề để nói với nhau hơn". 

Cô gái chuyên giải mã phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM - 9

Một lần dự tiệc đầy tháng con của một người bạn cũng là người Hoa, Thiên thấy mâm cúng dùng xôi chè. Đây là lễ vật cúng đầy tháng của người Việt. Với người Hoa thì khác, họ cúng heo quay, hột gà nhuộm đỏ, ngoài ra còn có món gừng chua. Người bạn kể vì không biết nên phải tìm hiểu trên mạng. Kết quả cho ra mâm cúng của người Việt rồi làm theo. 

"Đây là lý do mình luôn cố gắng làm hết sức có thể, mong sẽ lưu giữ được nhiều điều hay trong văn hóa người Hoa đến giới trẻ", Thiên nói.

Rồi cô giải thích, sở dĩ phải có gừng chua là bởi khi ăn vào ai cũng phát thốt lên "chua quá". Từ này trong này tiếng Hoa có cách phát âm là "hăo suān", giống với phát âm từ "cháu ngoan". Sau khi cúng xong, người trong nhà sẽ mang vật cúng tặng người quen. Người ăn món gừng chua sẽ thốt ra "hăo suān" được hiểu là "cháu ngoan"  - như 1 lời chúc dành cho đứa trẻ. 

Cô gái chuyên giải mã phong tục khó hiểu của người Hoa ở TPHCM - 11

Một niềm vui của Thiên là trên con đường làm về văn hóa người Hoa, cô tìm được nhiều người đồng hành. Cô gặp được những người bạn cùng chí hướng, cùng bàn bạc tìm hiểu về một chủ đề. Họ cùng nhau đến chụp hình, quay video và cùng làm từ thiện trong cộng đồng mình.

Quan điểm của cô là một người làm không nổi nhưng nhiều người cùng làm thì sẽ thành công. Cùng một vấn đề, mỗi người khai thác một góc độ khác nhau sẽ giúp người xem nhìn nhận vấn đề rõ ràng, bao quát hơn.  

Cô gái không dám nhận bản thân đã làm được điều gì có ích cho cộng đồng nhưng quả quyết rằng công việc này khiến bản thân thấy có nhiều kiến thức và trưởng thành hơn. "Mình tự hào là người Hoa, được lớn lên trong khu Chợ Lớn có vô vàn những nét văn hóa, nhiều điều mới lạ cần phải khám phá và chia sẻ", cô gái nói. 

Nội dung: Diệp Phan

Thiết kế: Thanh Nhật