(Dân trí) - Chàng trai Hà Nội mắc chứng bại não từ nhỏ, còn cô gái đến từ Lạng Sơn học hết lớp 7 thì phải nghỉ học do căn bệnh teo gai thị. Họ đến với nhau bằng tình yêu, cùng chứng minh khát khao sống độc lập.
Chuyện tình "tổ chim cúc cu" của chàng trai bại não và cô gái khiếm thị ở Hà Nội
Chàng trai Hà Nội mắc chứng bại não từ nhỏ, còn cô gái đến từ Lạng Sơn học hết lớp 7 thì phải nghỉ học do căn bệnh teo gai thị. Họ đến với nhau bằng tình yêu, cùng chứng minh khát khao sống độc lập.
Trong căn phòng khoảng 20m2 trên phố Đê La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội), chàng trai bại não Trần Quốc Hiệp (36 tuổi) ngồi trên xe lăn, hướng dẫn bạn gái khiếm thị Lê Thị Vân (21 tuổi) cách vo gạo, cắm cơm, nhặt rau,… cùng chuẩn bị bữa cơm trưa đơn giản.
Ba tháng kể từ khi sống chung với nhau, Hiệp trở thành đôi mắt của người yêu, còn Vân làm đôi chân cho anh. Họ đã tìm thấy nhau, giữa những khiếm khuyết của bản thân.
Chàng trai bại não quyết định sống độc lập
Sau một trận sốt viêm não Nhật Bản hồi 7 tháng tuổi, anh Trần Quốc Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được chẩn đoán tổn thương não. Chứng bại não khiến toàn bộ hệ thống cơ co quắp, ảnh hưởng khả năng vận động.
Bố mẹ Hiệp bế con trai đi khắp nơi chữa trị, từ Đông y sang Tây y đằng đẵng nhiều năm trời, song không có kết quả. Họ chấp nhận việc anh là một đứa trẻ bại não, cuộc đời buộc gắn liền với xe lăn, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người hỗ trợ.
Năm anh 6 tuổi, bố mẹ chuyển nhà từ khu tập thể xuống mặt đất. Họ nghỉ việc, mở quán tạp hóa nhỏ, vừa mưu sinh vừa tiện chăm sóc con trai.
Hàng ngày, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa được đi học, đi chơi, Hiệp chỉ ngồi một chỗ, nhìn thế giới xung quanh qua khung cửa sổ nhỏ. Bao cảm xúc hỗn độn bủa vây. Anh vừa buồn, vừa cảm thấy thiệt thòi và tủi thân.
Thương cháu, ông nội mua bảng chữ cái bằng nhựa, dạy Hiệp học chữ. Bố mẹ cũng "biến" quán tạp hóa thành "bục giảng", chỉ anh các phép tính cơ bản. Hiệp cứ thế lớn dần lên, nhìn nhận cuộc sống dưới lăng kính đặc biệt.
Cuối năm 2008, nhờ người quen kết nối, Hiệp biết đến Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai. Một năm sau, anh trở thành thành viên chính thức.
Trong một buổi họp của Hội, anh tình cờ gặp bà Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, không ngờ rằng từ đây cuộc đời mình bước sang một trang mới.
Năm 2014, trải qua những khóa đào tạo cơ bản, Hiệp được xếp vào đội tham vấn viên của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, trau dồi kỹ năng giao tiếp và trở nên tự tin hơn.
Ba năm sau, anh tiếp tục trở thành thành viên Câu lạc bộ Người trưởng thành sống với chứng bại não (CLB CP) trực thuộc Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV).
Ở tuổi 33, Hiệp nghĩ không thể sống mãi với bố mẹ và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Anh đưa ra một quyết định mà khi nghe xong, bố mẹ phản đối kịch liệt: "Con muốn chuyển ra ngoài ở riêng cùng một người bạn bại não khác".
"Liệu có an toàn, đảm bảo sức khỏe không?", bố hỏi Hiệp, nghi ngờ con trai không thể tự chăm sóc bản thân.
Để thuyết phục gia đình, anh chưa chuyển ra ngoài hẳn, xin phép "trải nghiệm" sống ở phòng trọ cùng bạn tại quận Đống Đa. Cứ mỗi một - hai tuần, anh lại về nhà, sống cùng bố mẹ như trước.
Những ngày đầu "tự chủ", Hiệp gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ từ chuyện sắp xếp công việc đến nếp sinh hoạt, nhưng kiên định không bỏ cuộc.
Anh mất 1-2 tháng làm quen với cuộc sống mới, chứng minh cho bố mẹ thấy dù khiếm khuyết, anh vẫn có khả năng sống độc lập.
Tháng 5/2022, anh chính thức dọn ra ở riêng trong một căn chung cư cùng những người bạn khuyết tật với một tâm thế tự tin và sẵn sàng đón nhận tất cả khó khăn, thử thách. Sau những lần đến thăm con trai, bố mẹ bắt đầu yên tâm, tin tưởng Hiệp.
Cô gái khiếm thị và khát khao bước ra xã hội
Ở một vùng quê nghèo của tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội gần 100km, cô bé Lê Thị Vân học hết lớp 7 thì phải nghỉ học.
Vân kể, cuối lớp 5, mắt bỗng mờ dần, không nhìn rõ cảnh vật. Bà Ngô Thị Tiến, 47 tuổi, về nhà sau buổi đi núi, vội đưa con gái đi khám tại bệnh viện huyện, rồi chuyển xuống Hà Nội.
Một tuần điều trị, mắt cô sáng trở lại. Nhưng thị lực cứ yếu dần, suốt 4 năm, lúc mờ lúc tỏ. Bố mẹ thay phiên buộc con gái vào lưng, chạy xe máy xuống Hà Nội chữa trị, nhưng bác sĩ bảo "không còn cách nào cứu chữa".
Năm 2015, bóng tối bao trùm cuộc đời Vân. "Tôi nghỉ học, chấp nhận số phận", cô gái nhớ lại.
Vân chán nản và tuyệt vọng, nghĩ rằng sẽ trói chặt cuộc đời ở vùng quê nghèo. Cô ỷ lại gia đình, không làm bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất.
Trong giấc mơ, Vân thấy mình là người bình thường. Cô cứ thế ngủ triền miên, đắm chìm trong hư vô, nằm nhiều đến mức bị vôi hóa cột sống.
Hai năm sau, Vân tự bước ra khỏi mặc cảm, làm quen với bóng tối, học cách đánh răng, tắm giặt, ăn cơm. Cô phụ giúp bố mẹ, làm nhiều việc hơn từ quét nhà, rửa bát, đến giặt quần áo.
Năm 18 tuổi, thấy bạn bè học xong rời trường lớp, đến các tỉnh/thành khác học hỏi và trải nghiệm, Vân vực dậy tinh thần. Cô học cách sử dụng Internet, tìm hiểu những khóa học dành cho người khuyết tật.
Năm 2019, Vân xin bố mẹ xuống Hà Nội tham gia khóa học về sử dụng máy tính cơ bản. Tại đây, cô gặp những người khuyết tật khác, thấy họ cũng như mình nhưng làm được nhiều việc. Cô cũng muốn như thế.
Từ năm 2020, Vân học và làm việc tại một cơ sở tẩm quất ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), được các anh chị em đồng cảnh ngộ chăm sóc và quan tâm. Bố mẹ đỡ lo lắng, sẵn sàng để con gái rời xa vòng tay, học cách thử thách bản thân. Khi dịch Covid-19 bùng phát, như bao người khác, cô gái trở về quê hương.
Chuyện tình "tổ chim cúc cu"
Năm 2020, một lần lướt mạng xã hội, anh Hiệp thấy tài khoản Facebook của Vân trong thư mục "gợi ý kết bạn". Anh ấn tượng với cô bé xinh xắn, dễ thương, đôi mắt đẹp, không hề nghĩ cô là người khiếm thị. Họ trở thành bạn bè, bắt đầu nhắn tin chào hỏi nhau.
Từ giây phút đầu, Vân đã "thần tượng" Hiệp vì những hoạt động tích cực anh chia sẻ trên trang cá nhân. Cặp đôi đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống và công việc. Tình cảm phát triển qua những cuộc chuyện trò giản dị.
Một lần, Vân chủ động "tỏ tình": "Em chỉ muốn giữ anh cho riêng mình thôi!". Sau tin nhắn ấy, lần đầu tiên, Hiệp gọi video call (điện thoại thấy hình) với Vân. Họ chính thức trở thành một cặp, có những lúc giận hờn, nhưng hơn hết là tình yêu.
Dịp 20/10 năm ngoái, Hiệp hẹn lên nhà Vân chơi. Anh cùng một người bạn bại não thuê xe ô tô đi từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Từ đường cao tốc vào nhà Vân chỉ khoảng 20km, nhưng ngoằn ngòeo, leo dốc và hiểm trở, thậm chí họ còn lạc đường.
"Dù Vân khiếm thị nhưng chỉ đường rất giỏi. Đến khi gặp nhau, trong lòng tôi nghĩ đây chính là người mà mình có thể đồng hành trên mọi nẻo đường", anh tâm sự.
Giữa sân nhà sàn, Vân cầm điện thoại vẫy tay đón người yêu, reo lên: "Nhà em ở đây này!" - hình ảnh xúc động mà Hiệp nhớ mãi.
Thấy Hiệp ngồi xe lăn trước bậc cửa, bà Ngô Thị Tiến (mẹ Vân) trêu: "Nếu cháu tự trèo lên được thang nhà sàn, thì cô gả cái Vân cho".
Nhờ sự hỗ trợ của người bạn đi cùng, cộng với thể lực hàng ngày qua tập luyện phục hồi chức năng, chàng trai bằng chính đôi chân của mình, chinh phục những bậc thang, lên được nhà Vân.
Hai tháng sau, Hiệp nhắn tin cho bà Tiến, nói muốn ở bên cạnh chăm sóc và yêu thương Vân. Người mẹ đồng ý, chưa dám nghĩ nhiều về tương lai, dặn Hiệp: "Tôi không bao giờ phản đối mối quan hệ tình cảm của con cái, quan trọng Vân có vui vẻ, hạnh phúc không?".
"Tôi sợ con gái sẽ làm gánh nặng cho gia đình người khác, chỉ mong khi ra ngoài xã hội, con tự làm chủ cuộc sống", bà Tiến trải lòng.
Bà nhớ lại, Vân xinh xắn, dễ thương nên nhiều gia đình muốn kết thông gia, nhưng cô không đồng ý, một mực nói "con không thích".
Về phần anh Hiệp, cũng được bố mẹ mai mối cho những cô gái bình thường, có sức khỏe để vừa yêu thương vừa chăm sóc anh. Trải qua mấy lần giới thiệu, cũng có người từng về nhà chơi, nhưng anh vẫn từ chối. Quan điểm của anh là muốn gắn bó và đồng hành với người mà anh có tình cảm, bất kể họ ra sao.
Được gia đình hai bên tạm chấp thuận, tháng 5/2022, anh Hiệp một lần nữa lên Lạng Sơn, xin đón Vân xuống Hà Nội cùng chung sống, tìm kiếm việc làm và cơ hội phát triển.
Chị Đinh Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam đã dành một phòng nhỏ ở tầng một của doanh nghiệp xã hội để hai người sinh sống. Tháng 6/2022, cặp đôi chính thức chuyển vào căn phòng mà anh Hiệp đặt tên là "Tổ chim cúc cu".
Chị Lan Anh cũng hỗ trợ hai người lập cửa hàng online chuyên kinh doanh đặc sản ba miền. Đây là mô hình mà trong tương lai được kỳ vọng giúp đỡ nhiều hơn những người khuyết tật giống như anh Hiệp và Vân.
Những ngày đầu sống chung, hai người mất nhiều thời gian để thích ứng tình trạng khuyết tật của nhau và hình thành thói quen sinh hoạt. Dù mỗi người gặp những khó khăn trong các hoạt động tưởng như đơn giản nhất, nhưng khi bên nhau, cả hai làm mọi thứ nhịp nhàng nhất có thể, từ cuộc sống đến công việc.
Mỗi ngày bình thường, họ dậy sớm tập thể dục. Anh Hiệp làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều, trong thời gian đó Vân dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm.
Bố mẹ anh Hiệp trung bình mỗi tuần đều qua thăm con trai. Gia đình Vân do ở xa, thường 2-3 tuần, hoặc mỗi khi con gái cần giúp đỡ, họ lặn lội xuống Hà Nội mang theo gạo, thực phẩm,…
"Tôi luôn mong con gái ra ngoài xã hội sống thoải mái, không áp lực, vượt khỏi bóng tối. Nếu gặp bất cứ chuyện gì, Vân chỉ cần về nhà, luôn có gia đình và bố mẹ đón chờ", bà Tiến xúc động nói.
"Chúng tôi vẫn đang chứng minh cuộc sống độc lập và ổn định, hai đứa tự lo được. Bố mẹ sẽ dần hiểu, cảm thông và chính thức chấp nhận chuyện tình cảm này", Vân hy vọng.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, cô gái nói về một ước mơ rất đặc biệt, là trở thành người bận rộn với công việc. Còn Hiệp mong muốn giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, truyền cảm hứng và nghị lực sống nhiều hơn nữa đến các bạn trẻ.
"Tin vào bản thân mình, kiên trì, cố gắng và nỗ lực, bạn có thể chinh phục tất cả", Hiệp quay sang nhìn người yêu, đôi bàn tay siết chặt. Cả hai cùng nở nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện, cho những năm tháng nhọc nhằn đã qua và những ngày tháng tươi đẹp phía trước.
Thực hiện: Minh Nhân