Một ngày đặc biệt của gia đình vợ chồng chỉ có một chân ở Hà Nội
(Dân trí) - Em bé Minh Trí lên 2 tuổi, đón Trung thu lần đầu tiên trong cuộc đời bên bố mẹ đặc biệt của mình.
7h sáng trong căn phòng trọ rộng 20m2 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), anh Đoàn Ngọc Bảo (29 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lệ Thu (28 tuổi) đánh thức cậu con trai nhỏ Đoàn Minh Trí. Đứa trẻ 2 tuổi tỉnh dậy, mân mê gói bánh và đồ chơi mãi không rời.
Minh Trí được bố mẹ hướng dẫn đánh răng, lau mặt, rồi thay bộ đồng phục mới, chuẩn bị cặp sách, trước khi đến trường mầm non kịp giờ ăn sáng cùng các bạn.
Chị Lệ Thu vốn sinh ra khỏe mạnh, nhưng mất chân phải năm 10 tuổi sau một tai nạn. Một tháng sau, nhờ tinh thần lạc quan, chị quay lại trường lớp, hòa nhập với bạn bè.
Tốt nghiệp Đại học với bằng giỏi, chị hiện là kế toán cho một công ty ở Hà Nội. Năm 2019, cô gái Nguyễn Thị Lệ Thu với vẻ ngoài nhẹ nhàng và xinh xắn, xuất sắc lọt vào top 10 cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết".
Còn anh Bảo năm 2011 buộc phải cắt chân trái do bệnh phù chân voi. Bất chấp cơ thể không lành lặn, anh tự tin tham gia chạy bộ, bơi lội, leo núi, trượt patin.
Năm 2015, anh là đại diện Việt Nam dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc, bộ môn trượt tuyết.
Cả hai tình cờ quen biết qua mạng xã hội, hẹn gặp nhau lần đầu vào một buổi chiều cuối năm 2019. Chị Thu ấn tượng với nụ cười đẹp, phong thái tự tin và hoạt bát của chồng.
Tình yêu của họ đến nhanh, nhưng bền bỉ, chân thành và không phô trương. Họ yêu nhau, hiểu những đau đớn và vất vả trong hành trình đơn độc của tuổi trẻ.
Sau 3 tháng yêu, cặp đôi quyết định tiến tới hôn nhân, khẳng định rằng đối phương chính là "mảnh khuyết thất lạc của đời mình".
Một ngày đầu tháng 3/2020, đám cưới của "chú lính chì" Ngọc Bảo được tổ chức trong sự ngưỡng mộ của mọi người.
Một tháng sau đám cưới, chị Thu mang thai, không nghĩ "con cái đến nhanh và dễ dàng như thế".
"Hai vợ chồng đều là người khuyết tật, từng lo lắng không đảm bảo sức khỏe để có con. Khi biết tin Minh Trí đến với cuộc đời này, chúng tôi vừa bất ngờ vừa hạnh phúc, trỗi dậy bản năng làm bố làm mẹ, thôi thúc làm những việc tưởng chừng như không thể", chị nhớ lại.
Cặp đôi để ý từng cột mốc định kỳ khám thai, âm thầm quan sát và cầu nguyện con lớn lên mỗi ngày với chỉ số bình thường, cơ thể phát triển đầy đủ bộ phận.
Thai 12 tuần, cơ thể đã hoàn chỉnh. Bác sĩ thông báo trẻ khỏe mạnh, hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm.
Đến tuần 32 của thai kỳ, sản phụ bị đau bụng dữ dội, lo sợ sẽ sinh non. May mắn, em bé chào đời đúng tháng dự kiến trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình.
Lúc đó, anh Bảo thì thầm tai vợ: "Thế là trong gia đình vợ chồng một chân đã có thành viên hai chân rồi".
Họ đặt tên con trai là Minh Trí, với mong muốn con thông minh và trí tuệ, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh, vui vẻ với cuộc sống.
Nghĩ lại, chị Thu vẫn luôn tâm niệm, Minh Trí chính là món quà mà ông trời bù đắp cho hai vợ chồng.
Anh Bảo và chị Thu đều chỉ có một chân, nên việc chăm sóc con như bế ẵm, đi lại,… gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Nhưng với suy nghĩ tích cực và lạc quan, họ động viên lẫn nhau, rằng con trai tuy còn nhỏ nhưng hiểu chuyện, ngoan ngoãn và nghe lời.
Từ lúc nhà có thêm thành viên, anh Bảo chuyển sang làm việc freelance (công việc tự do), để ở nhà chăm con cho vợ đi làm.
Đến tuổi Minh Trí đi học, cặp vợ chồng tìm hiểu và lựa chọn một trường mầm non cách nhà khoảng 1km, hi vọng con thoải mái vui chơi, khám phá thế giới xung quanh và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ.
Hôm 5/7 vừa rồi, là ngày đầu tiên Minh Trí đến lớp. Tưởng được đi chơi, em bé rất vui, nhưng sang ngày sau lại khóc lớn, đòi về.
Cứ như thế, tuần đầu đến lớp, đêm nào Minh Trí cũng khóc. Bố mẹ cũng trải qua một tuần căng thẳng, tự hỏi: "Có khi nào con không thể theo học được? Tại sao con khóc nhiều mỗi khi đi học về?".
Họ lại động viên nhau kiên trì, cố gắng vượt qua khó khăn trong quãng thời gian này, để con có thể hòa nhập. Kể từ tuần thứ hai, mỗi lần nói đi học, Minh Trí đều rất vui.
Minh Trí vẫy tay tạm biệt bố mẹ, rồi ngoan ngoãn trong vòng tay cô giáo.
Qua mỗi ngày đến lớp, chị Thu cảm nhận con lớn và khác hơn trước. Đứa trẻ dần nhận biết mọi thứ xung quanh, dạn dĩ và tập nói nhiều câu.
"Con chính là động lực để chúng tôi nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc sống. Dù ngoài kia áp lực, mệt mỏi bao nhiêu, chỉ cần nghĩ đến con, hai vợ chồng lại có thêm năng lượng tích cực", anh Bảo nói.
Ngày khai giảng (5/9), hình ảnh vợ chồng "chú lính chì" bế con chụp ảnh với dòng chú thích: "Tuy bố mẹ không hoàn hảo nhưng bố mẹ sẽ yêu thương theo cách hoàn hảo nhất" lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, giúp nhiều người thêm tin vào tình yêu và lạc quan trong cuộc sống.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, chị Thu cho hay đã xin đi làm muộn, để cùng chồng đưa con đến trường dự khai giảng. Cả hai hi vọng, sau này, trong những cột mốc quan trọng của con trai, sẽ đều có cả bố lẫn mẹ đồng hành.
"Tôi rất vui và bất ngờ khi hình ảnh nhỏ của gia đình có thể truyền động lực tích cực đến nhiều người", chị Thu cười nói.
Dù sắp lên 2 tuổi, nhưng năm nay là lần đầu tiên cậu bé Minh Trí được phá cỗ Trung thu. Năm ngoái, đại dịch Covid-19 "trói chặt" cả gia đình trong căn phòng trọ nhỏ.
Dịp Trung thu, Minh Trí được bố mẹ dẫn lên phố đi bộ dạo chơi, cảm nhận không khí rộn ràng và sôi nổi. Trường lớp cũng tổ chức phá cỗ, chương trình xiếc nghệ thuật,... sẽ là những ký ức đẹp nhất tuổi thơ bé.
16h30, anh Bảo đón con trai tan lớp, ngay khi chương trình Trung thu vừa kết thúc. Minh Trí cười tươi, chạy ào về phía bố.
Về đến nhà, tiếng cười giòn tan của cậu bé 2 tuổi khi thấy món đồ chơi Trung thu được bố mẹ mua tặng, lấp đầy cả không gian.
Minh Trí thích được cõng trên vai hoặc ngồi gọn trong lòng bố, tập đọc chữ và nhận dạng con số.
Em bé là kết tinh của tình yêu, là duyên phận nối liền cuộc đời của hai người khuyết tật, giúp họ trở thành mảnh ghép hoàn hảo nhất của đời nhau.