Người Việt nói to, dùng đũa chung: Sự hiếu khách hay tật xấu cần thay đổi?
(Dân trí) - Theo chị Tr., một số người hay vin vào đó là "văn hóa, tính cách truyền thống", mặc sức cười nói thả ga khi ăn mà không bao giờ quan tâm tới cảm giác của người khác.
"Màn tra tấn lỗ tai" trên bàn ăn
Chị Vũ Thùy Tr. (33 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bản thân rất ngại tham gia các buổi tiệc đông người. Lý do là bởi chị không thích "màn tra tấn lỗ tai" trên các bàn ăn.
Chị Tr. kể: "Trong nhiều cuộc nhậu, mọi người thường tranh nhau nói, âm lượng càng lớn khi có thêm chút men. Có lần nhìn dưới ánh đèn rọi, tôi còn thấy rõ một đồng nghiệp nam đang "phun mưa xuân" xuống các món ăn. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi thật chẳng còn tâm trí ăn uống gì".
Theo chị Tr., nhiều người Việt thường có thói quen nói rất to khi ăn. Câu chuyện họ nói thì đủ chủ đề, có khi là chuyện công việc, có khi họ trêu ai đó. Cũng có người sẵn sàng nêu ra cả những chuyện tế nhị nam nữ khi đang dùng bữa. Nếu được người khác hưởng ứng bằng các trận cười thì cuộc trò chuyện càng thêm rôm rả.
"Tôi rất khó chịu về điều này. Đây là điều mà rất nhiều người Việt ngày nay và người nước ngoài cảm thấy không thoải mái. Song, một số người hay vin vào đó là "văn hóa, tính cách truyền thống" mà mặc sức cười nói thả ga. Nói chung, họ không bao giờ quan tâm tới cảm giác của người khác", chị Tr. nói.
Lê Anh Tuấn (27 tuổi, Xuân Trường, Nam Định) kể rằng, bản thân từng phải tạt vào quán mua chiếc áo mới sau khi đi dự một đám cưới.
"Hôm ấy, trong tiệc cưới, một người đại diện họ nhà trai sang mời rượu. Vị đại diện vừa nói vừa cười, rồi phun cả thức ăn vào chiếc áo trắng tôi đang mặc. Ngay sau đó tôi có hẹn với bạn gái nên đành phải đi mua ngay một chiếc áo mới để thay", Tuấn nhớ lại.
Theo Tuấn, dù cảm thấy có chút bất tiện nhưng anh cũng không thấy quá phiền hà vì xét ở góc độ nào đó người kia thể hiện sự hiếu khách, nhiệt tình. "Họ cũng quý mình mới có cách nói chuyện như thế", Tuấn nói.
"Bàn tay nhiệt tình", "đôi đũa thân thiện"
Không chỉ có thói quen nói to trong bữa ăn, nhiều người còn thường bắt tay ngay sau khi bốc thịt gà, rau củ quả. Chị Phạm Thị Hà (Hoài Đức, Hà Nội) kể rằng, một lần ăn cỗ giỗ ở miền Trung quê chồng, chị gần như rơi vào tình huống dở khóc dở cười.
Biết chị là dâu ở xa hiếm hoi mới về, họ hàng xung quanh hết người này gắp cho miếng giò, người kia lấy cho miếng xôi. "Có một chú dùng tay bốc cho tôi một miếng thịt gà và bảo: "Gà quê, ngon lắm ăn đi". Nhìn đôi bàn tay lem nhem của chú tôi chưa biết nên thế nào thì chú đã hô cả bàn cụm ly rồi bắt tay từng người. Dù chỉ chạm nhẹ nhưng tôi cũng thấy bàn tay "nhiệt tình" ấy không được vệ sinh cho lắm", chị Hà kể.
Trước sự mời mọc nhiệt tình của mọi người xung quanh, chị Hà đành bấm bụng ăn và cảm thấy chẳng còn chút gì ngon miệng.
Trong các bữa ăn, đặc biệt là các bữa có khách mời, nhiều người còn thường dùng đôi đũa mình đang sử dụng để gắp thức ăn cho người khác. Đa số coi đó là hành vi thể hiện sự hiếu khách, thân thiện.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều căn bệnh của xã hội hiện đại, thì đây là hành vi mất vệ sinh, cần có sự thay đổi.
"Nếu "đôi đũa thân thiện" đó sở hữu virus HP dạ dày, viêm gan… thì sự thân thiện vô tình lại đem đến nguy cơ lây bệnh cho người khác. Tôi từng bị nhiễm khuẩn HP dạ dày, phải điều trị bằng kháng sinh, tái đi tái lại. Tôi chủ động ăn đũa hai đầu, nhưng nhiều người lại xem đó là phiền phức và nói bóng nói gió tôi sạch sẽ quá mức", anh Trần Thành C. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay.
Để hạn chế lây bệnh qua việc dùng đũa chung khi đi ăn tiệc, chị Vũ Hoài Thu (nhân viên một ngân hàng ở Long Biên, Hà Nội) chia sẻ bí kíp: "Tôi thường ăn nhẹ trước khi đi tiệc. Đôi khi, đến bữa ăn, tôi thường đảo đầu đũa gắp món nào mới ra cho vào bát rồi sau đó không gắp nữa. Khi uống bia tôi thường dùng lon luôn chứ không uống cốc, cụm qua cụm lại nhiều".
Cũng theo chị Hương, dùng đũa ăn chung mâm vốn là thói quen thuộc về văn hóa ăn uống của người Việt. Tùy từng người mà có cách nhìn nhận riêng. Nếu thấy không còn phù hợp thì bản thân mỗi người nên có những cách thức ứng xử cho riêng mình chứ không nên phản ứng quá cực đoan.
Từng có những vụ đâm chém nhau chỉ vì lời ăn tiếng nói
Khi được hỏi về những thói quen trên của người Việt, anh Kaneya Manabu (42 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, đang sinh sống ở Gia Lâm, Hà Nội), thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học cho biết, đa số người Nhật không thích người nói quá to.
Thời gian đầu sang Việt Nam sinh sống, anh cũng có đôi chút không quen với thói quen này của người Việt. Theo thời gian, anh lại thấy thích những cuộc gặp gỡ và cách người Việt nói chuyện trong bữa ăn vì bản thân muốn luyện tiếng Việt và cảm thấy sự cởi mở, thân thiện của người Việt.
"Điều tôi cảm thấy không thoải mái là nhiều người Việt thường không rửa tay trước khi ăn", anh Manabu nói.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, văn hóa giao tiếp ứng xử luôn cần mọi lúc, mọi nơi. Trong xã hội hiện đại có rất nhiều phong cách khác nhau. Mỗi không gian ăn uống đòi hỏi những cách ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, ở đâu cũng tôn trọng những người lịch thiệp, nho nhã, sạch sẽ, nhẹ nhàng.
Theo PGS. TS Phạm Ngọc Trung, nhiều người có thói quen ăn nói nhồm nhoàm, bốc bải, vừa nói vừa quay sang bên này bên kia.
"Đó là cách ứng xử mang tính dân giã trong sinh hoạt hàng ngày. Với những người thân tình thì họ có thể thông cảm được. Tuy nhiên, trong những buổi tiệc tùng trịnh trọng, tiếp khách quý, nghi lễ ngoại giao thì không nên như thế.
Trong không dân giã, gia đình, chúng ta có thể cởi mở một chút. Song, mọi hành vi cũng nên vừa phải, không nên đi quá giới hạn thành thô tục, mất lịch sự. Lắm người nói năng văng tục, ăn uống bốc bải, ăn xong vứt xương, giấy lau lung tung, làm cho bữa ăn mất đi sự ngon lành, mất đi sự hưng phấn, vui vẻ", PGS. TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, thực tế đã có nhiều vụ xung đột, thậm chí hành hung, án mạng, đâm chém xảy ra vì ứng xử kém tinh tế trong bữa ăn. "Có những người thông cảm được những bất cập từ chuyện ăn uống, giao tiếp, ứng xử trong bữa ăn.
Trái lại, cũng có những người không chịu đựng được, sẵn sàng to tiếng, cãi nhau. Đặc biệt, khi có thêm chút rượu, bia thì xung đột, mâu thuẫn càng dễ căng thẳng, thậm chí dẫn tới án mạng. Vậy nên theo tôi, trong mọi hoàn cảnh, nho nhã, lịch lãm bao giờ cũng tốt hơn", PGS. TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.