(Dân trí) - Chùa Linh Ứng tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với kiến trúc độc đáo.
Chiêm ngưỡng ngôi chùa Linh Ứng tuyệt đẹp trên bán đảo Sơn Trà
Từ thành phố Đà Nẵng, nhìn về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà ẩn hiện trong mây trời. Chùa Linh Ứng tọa lạc nơi đây là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với kiến trúc độc đáo.
Chùa Linh Ứng nằm tại khu vực Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về hướng Đông Bắc, ở độ cao 693 mét so với mực nước biển, do cố Hòa thượng Thích Thiện Nguyên khai sơn. Chùa Linh Ứng có hướng nhìn ra biển Đông.
Chùa Linh Ứng được đặt viên đá đầu tiên vào ngày 19 tháng 06 năm 2004 (âm lịch). Sau 6 năm xây dựng, ngày 30 tháng 07 năm 2010 (ngày 19/6 năm Canh Dần). Chùa được chính thức khánh thành.
Theo ban đại diện chùa Linh Ứng cho biết, chùa xây dựng trên cơ sở phát nguyện của Thượng tọa Thích Thiện Nguyện khởi tâm vận động bà con phật tử gần xa, đồng thời được các cơ quan ban ngành và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cấp đất xây dựng. Chùa Linh Ứng là một quần thể nhiều hạng mục gồm chính điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường và thư viện...
Trong khuôn viên sân chùa, ở lối vào chính điện là nơi trưng bày pho tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cùng pho Phật Bà Quan Thế Âm, Tam Tạng Phật. Bốn vị Thần Long Hộ Pháp và 18 vị La Hán được sắp xếp hai hàng hai bên đường vào.
Chính điện của chùa Linh Ứng được xây theo phong cách hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống vốn có của chùa Việt với mái ngói uốn cong. Những cột trụ lớn của chính điện cũng được bao quanh bởi hình những con rồng uốn lượn, chạm trổ rất tinh xảo.
Đặc biệt, tại chùa Linh Ứng có tượng Phật Quan Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam cao 67 mét, tương đương với một tòa nhà 30 tầng. Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa.
Những đêm rằm, đứng từ phía bãi biển Mỹ Khê nhìn lên bán đảo Sơn Trà sẽ thấy tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi dưới ánh trăng huyền ảo, hướng ra biển Đông.