DNews

Chàng trai Tây Ninh và hành trình "đỡ đẻ" cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo

Mộc Khải

(Dân trí) - Gắn bó với thiên nhiên, lăn lộn bên bờ cát để "đỡ đẻ" cho rùa mẹ từ chập tối đến hừng đông, Quốc Thái đã có trải nghiệm đặc biệt trong hành trình tình nguyện bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo (TPHCM).

Chàng trai Tây Ninh và hành trình "đỡ đẻ" cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo

Làm "hộ sinh" cho rùa mẹ

Gần đây, kênh TikTok mang tên "Cá hồi hay đi" thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi đăng tải những video ghi lại hành trình bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo.

Dù chỉ mới có vỏn vẹn vài video, kênh đã nhanh chóng gây sốt nhờ những khoảnh khắc chân thực như cảnh rùa mẹ đẻ trứng giữa đêm, thả rùa con về biển hay bới cát tìm trứng. Video nào cũng có lượt xem "khủng", trong đó có video vượt mốc 8 triệu lượt xem.

Chàng trai Tây Ninh đến Côn Đảo làm "hộ sinh" cho rùa biển (Video: Nhân vật cung cấp).

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, chủ nhân của những video trên là chàng trai quê Tây Ninh tên Quốc Thái (SN 1997). Thời gian qua, anh rời quê, ra Côn Đảo làm tình nguyện viên, dành trọn mùa hè để góp sức cho hành trình bảo vệ loài rùa biển giữa đại dương.

Quốc Thái cho biết, đầu năm 2025, khi được một người bạn chia sẻ về chương trình bảo tồn rùa biển do tổ chức Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) và Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp tổ chức, anh đã bị thuyết phục bởi những hình ảnh về vòng đời đặc biệt của loài rùa - một trong những sinh vật cổ đại còn tồn tại đến ngày nay.

"Rùa biển là một loài động vật rất đẹp và bí ẩn. Khi nhìn thấy hình ảnh những mẹ rùa lên bờ đẻ trứng, tôi thật sự xúc động và cảm thấy cần phải làm điều gì đó", Quốc Thái chia sẻ.

Trở thành tình nguyện viên, Quốc Thái được phân công làm việc tại Hòn Bảy Cạnh - nơi có số lượng rùa biển lên đẻ trứng nhiều nhất tại Côn Đảo.

Chàng trai Tây Ninh và hành trình đỡ đẻ cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo - 1
Chàng trai Tây Ninh và hành trình đỡ đẻ cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo - 2

Quốc Thái lấy trứng từ rùa mẹ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tại đây, anh được đào tạo bài bản về vòng đời, tập tính sinh sản và cách bảo vệ rùa biển. Công việc chính của anh bắt đầu lúc chiều tối và kéo dài xuyên đêm - thời điểm rùa mẹ theo thủy triều lên bãi để đẻ trứng.

Quốc Thái cho biết, ca trực của anh thường kéo dài từ 4 đến 5 tiếng, thậm chí có khi anh phải làm việc không nghỉ suốt từ 19h hôm trước đến 6h hôm sau. Trong thời gian này, các tình nguyện viên phân công nhau theo dõi các khu vực trên bãi, chờ thời điểm rùa mẹ bắt đầu đẻ để tiến hành lấy trứng và chuyển vào hồ ấp nhân tạo.

Chàng trai Tây Ninh và hành trình đỡ đẻ cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo - 3
Chàng trai Tây Ninh và hành trình đỡ đẻ cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo - 4

Công việc này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, theo dõi sát sao (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thời gian rùa mẹ lên bãi đẻ trứng kéo dài từ 2 đến 4 tiếng, thường vào ban đêm. Rùa mẹ mỗi lần có thể đẻ từ 60 đến 150 trứng. Rùa mẹ đào tổ rất sâu, nhiều con còn tạo tổ giả, nên việc lấy trứng phải nhanh và chính xác. Nếu chậm, rùa mẹ sẽ lấp tổ ngay, khiến việc tìm lại trứng sau đó rất khó khăn trên bãi cát rộng.

"Sau khi lấy trứng, chúng tôi đem ngay vào hồ ấp rồi quay lại tiếp tục cứu hộ các tổ khác. Khi thủy triều rút, rùa ngừng đẻ, chúng tôi xử lý xong các tổ cuối cùng rồi trở về trạm nghỉ ngơi vài tiếng trước ca mới. Sáng hôm sau, khi các tổ trứng nở, chúng tôi lại tiếp tục công việc thả rùa con về biển trước 8h để tránh nắng gắt ảnh hưởng đến sức khỏe các cá thể non", anh kể.

Có những đêm, trời tối đen như mực, Quốc Thái cùng các cộng sự phải làm việc hoàn toàn trong bóng tối. Nếu bắt buộc phải dùng ánh sáng, chỉ được dùng đèn đỏ vì rùa rất nhạy cảm. Nếu cảm thấy không an toàn, mẹ rùa sẽ bỏ đi giữa chừng, bỏ lại cả tổ trứng.

"Chưa bao giờ tôi được tiếp xúc gần với một loài vật cổ đại còn tồn tại đến ngày nay như vậy. Rùa biển khá nhút nhát, nhạy cảm, thông minh và không chậm như mọi người nghĩ. 

Sau mỗi ca "đỡ đẻ" cho rùa mẹ thành công, tôi thấy vô cùng tự hào và vui sướng vì chính đôi tay của mình đã góp phần bảo vệ từng quả trứng, từng bé rùa con sắp chào đời", Quốc Thái xúc động nói.

Xúc động trước một mẹ rùa mất vây

Trong suốt quá trình làm tình nguyện viên, khoảnh khắc khiến Quốc Thái xúc động nhất là khi anh hỗ trợ một mẹ rùa chỉ còn một vây sau cố gắng lên bờ để đẻ. Quốc Thái cho biết, bình thường việc đào tổ đối với rùa đã rất khó khăn, với mẹ rùa mất vây này lại càng khó hơn, đòi hỏi sự nỗ lực gấp nhiều lần hơn.

"Mẹ rùa ấy đã mất đến 4 tiếng mới đào xong một cái tổ hoàn chỉnh. Tôi đứng đó, không thể rời mắt. Tôi đã rơi nước mắt", anh tâm sự.

Chàng trai Tây Ninh và hành trình đỡ đẻ cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo - 5

Công việc của Quốc Thái tại đảo bắt đầu từ khi trời tối đến rạng sáng hôm sau (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không chỉ "đỡ đẻ" cho rùa mẹ, Quốc Thái còn học được kỹ thuật gắn thẻ định danh cho rùa biển - một công việc đòi hỏi sự khéo léo và chính xác. Việc đánh dấu này giúp các nhà bảo tồn theo dõi vòng đời và tần suất sinh sản của từng cá thể rùa.

Tại Hòn Bảy Cạnh, nơi không có cư dân sinh sống, chỉ có lực lượng kiểm lâm và tình nguyện viên, cuộc sống của Quốc Thái diễn ra trong sự tĩnh lặng và hòa mình hoàn toàn với thiên nhiên.

Anh đặc biệt ấn tượng với những buổi tối trong ca trực, nằm giữa bãi biển, ngắm sao trời, vừa chờ đợi mẹ rùa lên bờ, vừa chia sẻ với những câu chuyện tích cực trong công việc lẫn cuộc sống với các tình nguyện viên khác.

"Không khí trong lành, không còi xe, không khói bụi, chỉ có biển, cát và những người bạn đồng hành. Mỗi đêm với tôi đều đáng nhớ", anh kể.

Chàng trai Tây Ninh và hành trình đỡ đẻ cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo - 6

Quốc Thái cùng các tình nguyện viên ở các hồ ấp trứng rùa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ban ngày, nhóm tình nguyện viên sẽ kiểm tra tổ ấp, dọn vệ sinh bãi biển, thu gom rác, di dời các tổ trứng và chuẩn bị các tổ ấp mới. Những công việc thầm lặng ấy góp phần giúp tỷ lệ nở thành công và sống sót của rùa con được nâng cao.

Làm tình nguyện viên tại Côn Đảo không chỉ giúp Quốc Thái có thêm kiến thức về rùa biển mà còn có thêm kỹ năng sống ngoài thiên nhiên, như bơi lặn, phân biệt thực vật độc, sinh tồn trên đảo... 

"Truyền thông và giáo dục là điều quan trọng để bảo vệ động vật hoang dã. Vì vậy tôi quay video và chia sẻ lên mạng xã hội, để giới trẻ có thể tiếp cận dễ dàng. Tôi muốn lan tỏa tình yêu thiên nhiên theo cách gần gũi nhất", anh tâm sự.

Chàng trai Tây Ninh và hành trình đỡ đẻ cho rùa mẹ giữa đêm ở Côn Đảo - 7

Quốc Thái thả rùa con về với đại dương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thông qua các clip hàng triệu lượt xem, Quốc Thái hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ cùng hành động, từ những việc đơn giản như không xả rác, đến những chuyến đi tình nguyện đầy ý nghĩa.

"Thiên nhiên đã bị tổn thương nhiều. Giữ gìn môi trường sống cũng là giữ gìn tương lai của chính chúng ta", anh nhắn nhủ.