DMagazine

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà

(Dân trí) - Sau 15 năm sống ở Việt Nam, Nadis, người Nigeria có cái tên "Nam", yêu thương và sinh sống trên dải đất hình chữ S này như quê hương thứ hai của mình.

Một ngày hè năm 2008, từ trên ô cửa máy bay sắp hạ cánh, Uzor Nadis (người Nigeria) trải rộng tầm mắt ra hồ nước xanh, bãi đất bồi, những mái nhà san sát nhau lẩn khuất sau màn mây. Chính Nadis cũng không ngờ, 15 năm sau, anh có cái tên "Nam", yêu thương và sinh sống trên dải đất hình chữ S này như quê hương thứ hai của mình.

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 1

Ngôi nhà Uzor Nadis sinh sống nằm nép mình trong con hẻm thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Người dân trong khu vực này đã quen với hình ảnh chàng trai châu Phi ngồi ăn cơm lề đường, nói tiếng Việt sõi và luôn vẫy tay chào họ khi anh đi ngang qua.

Trong căn phòng nhỏ, anh treo cờ Việt Nam cùng những bằng khen nhận được trong quá trình sinh sống tại đây. "Niềm tự hào bé nhỏ của tôi đó", Uzor Nadis khoe, bằng giọng miền Nam.

Chàng trai người Uzor Nadis lớn lên ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi. Gia đình anh có đến 7 người anh em, mẹ là người phụ nữ duy nhất. Năm 2007, sự ra đi đột ngột của mẹ đã để lại trong lòng Uzor Nadis nỗi đau to lớn. 

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 3

Anh suy sụp tinh thần và quyết định xin ngừng công việc diễn viên, nhà sản xuất phim để ổn định tinh thần. Sếp anh nhanh chóng gật đầu, họ muốn Uzor Nadis tìm lại niềm vui cuộc sống. 

Chàng trai 20 tuổi khi ấy đã lang thang qua nhiều quốc gia châu Phi, đến Dubai du lịch cùng anh trai. Khi chuyến đi gần kết thúc, một người bạn ngỏ ý với Nadis: "Hay là đến Việt Nam?". Trong hình dung khi ấy của Nadis, dữ liệu Việt Nam không nhiều, anh chỉ biết mảnh đất hình chữ S là quốc gia vừa bước ra khỏi những cuộc chiến tranh tàn khốc.

Nadis suy nghĩ hồi lâu rồi đồng ý. 

Đó là mùa hè của năm 2008. Anh đón xe từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn và bị mắc kẹt trong đường phố chật kín xe máy, tiếng còi xe inh ỏi, liên hồi. Ngồi trên ô tô, Uzor Nadis gọi cho bạn: "Này, tôi cảm tưởng như đã bị kẹt ba ngày rồi đấy". 

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 5

Tuy nhiên, Việt Nam chinh phục anh hoàn toàn trong hai tuần sau đó. Nha Trang với những bãi cát trắng muốt, được ôm lấy bởi làn nước trong xanh, Hội An với những mái nhà cổ kính, Huế đẹp đến nao lòng bởi những nhánh cây xanh rũ xuống bờ sông Hương.

Đến mỗi tỉnh, anh đều trải nghiệm ẩm thực ở đó, từ phở, bún bò, cơm tấm, bún chả cho đến bánh canh, bánh mì… Nadis đã ôm ấp những trải nghiệm và kỷ niệm đẹp đó về lại châu Phi. 

Một năm sau khi trở về Nigeria, Nadis dần lấy lại động lực sống. Khi đang làm việc tại công ty, anh nhận được cuộc gọi từ người bạn: "Này, cậu có muốn sang Việt Nam dạy tiếng Anh không?".

Lúc này, trong anh đan xen hai dòng suy nghĩ, ở lại với công việc quen thuộc hay chấp nhận sang Việt Nam bắt đầu với cuộc sống mới. Cuối cùng, anh chọn Việt Nam.

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 7

Nadis có tên thân mật là "Nam". Do tên gốc Phi của anh quá khó nhớ, người chủ nhà nơi anh sống đã gọi anh là "Nam" cho thuận tiện. Anh chấp nhận cái tên Nam như chấp nhận việc mình đã yêu và muốn gắn bó với Việt Nam.

Sau một năm sống ở TPHCM, anh quyết định học tiếng Việt. Bạn bè xung quanh cười, nói với Nadis rằng: "Trời ơi, cậu đừng mất thời gian bởi điều đó là không thể. Tiếng Việt khó lắm". Thật vậy, chàng trai người Nigeria thông thạo 5 thứ tiếng, gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và ba ngôn ngữ châu Phi. Tuy nhiên, anh vẫn cho rằng tiếng Việt là thứ tiếng khó học nhất.

Anh dò tìm các trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tuy nhiên, mức học phí thời điểm ấy 500.000 đồng/giờ là quá đắt so với anh. Anh quyết định đến các tiệm internet, thuê máy với giá 3.000 đồng/giờ, nghe các bài hát Việt Nam để ghi nhớ từ vựng. Thời gian đầu, Nadis rất "vật vã" để nhớ hết các thanh âm và dấu câu. 

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 9

Anh thừa nhận, bản thân mình học tiếng Việt từ đường phố, quán cơm, trong những bữa nhậu với bạn bè. Anh cùng người Việt đi đá bóng, ăn hột vịt lộn, trải nghiệm trồng lúa… Mỗi lần anh nói sai, họ cười rồi chỉ anh cách đọc đúng. Dần dà, chàng trai châu Phi nói tiếng Việt khá tốt, phát âm theo giọng miền Nam bởi anh sống ở TPHCM.

Một năm, hai năm, rồi ba năm... trôi qua. Tính đến hiện tại, Uzor Nadis đã có 15 năm sinh sống ở thành phố này. Anh thuộc từng con đường, ngõ hẻm, tòa nhà, đặc trưng của từng quận huyện. 

Một ngày nọ, người bạn từ Nigeria gọi sang nhờ tìm vài món hàng Việt Nam. Từ đó, Uzor Nadis nhận ra nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu sang các nước châu Phi rất lớn. 

"Tôi khá thích thú câu slogan hàng Việt Nam chất lượng cao. Tôi đã suy nghĩ và quyết định tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam để chuyển về quê nhà", anh nói. Suốt 10 năm qua, công ty của Uzor Nadis đã xuất khẩu hàng hóa bao gồm thực phẩm, hàng may mặc, thiết bị vệ sinh… Làm việc cùng người Việt, anh nhận ra họ là những con người chăm chỉ, cần mẫn. 

Và chính anh cũng cảm nhận mình yêu Việt Nam, từ nếp sống, nếp nghĩ đến con người. Những tháng năm sống trên dải đất hình chữ S, anh đã có không ít lần khóc cười. 

Năm 2018, anh đã ngồi ở quán cà phê cùng bạn bè để theo dõi trận cầu nảy lửa của đội tuyển Việt Nam trong VCK U23 Châu Á, tại Thường Châu, Trung Quốc. Lúc các cầu thủ ghi bàn, không gian xung quanh như "nổ tung" bởi tiếng hò hét. Trong khoảnh khắc đó, anh bất giác bật khóc vì vui sướng. Đó là lần anh nhận ra Việt Nam đã trở thành "nhà", là phần quan trọng trong anh. 

Tối hôm ấy, Nadis đã mặc áo cờ đỏ sao vàng, hòa với dòng người xuống đường "đi bão".

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 11
Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 13

"Ngày mai, chúng ta đi ăn thử bún bò nhé. Tôi sẽ đợi các bạn lúc 17h" - Nadis trả lời tin nhắn của người bạn đến từ Mỹ, tối 13/6. Chỉ còn hai ngày nữa, vị khách này sẽ trở về nước và "bún bò" là lời khuyên mà Nadis dành cho anh.

Hộp thư của Nadis luôn có hàng chục tin nhắn từ bạn bè quốc tế nhờ anh dắt đi trải nghiệm ẩm thực Việt Nam. Họ tìm đến vì những video trên kênh YouTube Afro Viet TV, được anh thành lập 4 năm trước.

Anh kể, bản thân luôn có ước muốn "kể câu chuyện Việt Nam với bạn bè thế giới". Anh lặn lội xuống miền Tây để trải nghiệm trèo cây dừa, đến Tây Ninh để thưởng thức món bò tơ nướng đặc sản, hay len lỏi vào khu chợ quận 4, TPHCM để tìm bằng được xe phá lấu ngon… Khi chị họ từ Nigeria sang thăm, anh đã hướng dẫn chị cách dùng đũa và ăn bún mắm. 

Phản ứng của người phụ nữ châu Phi lần đầu thưởng thức món ăn có mùi nồng, đậm đà hương vị Việt Nam đã khiến nhiều người thích thú. Tài khoản có tên Jazelle bình luận: "Trông thú vị quá! Tôi sẽ đến Việt Nam và nhất định thử món này". 

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 15

Hiện tại, kênh YouTube của Nadis đã có 75.000 lượt theo dõi và 166 video về Việt Nam. Trong đó, đoạn video anh ăn thử hột vịt lộn hiện có 1,3 triệu lượt xem. Đa phần, du khách quốc tế đều bày tỏ sự tò mò với món ăn đặc biệt này. 

Thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực đậm đà bản sắc, con người thân thiện… Việt Nam trong mắt anh luôn có tiềm năng để thu hút khách quốc tế.

Uzor Nadis kể, anh có rất nhiều "bà má" ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây. "Tôi đi du lịch rất nhiều. Mỗi lần đến các vùng quê, họ chào đón rất nồng nhiệt, mời tôi ăn, cho tôi ngủ lại. "Má" là cách tôi gọi họ thân thương", anh chia sẻ.

Chàng trai châu Phi và hành trình 15 năm xem Việt Nam là nhà - 17

Nadis thường nói với mọi người rằng, anh lớn lên ở Việt Nam. Anh đến đây từ những năm đầu của tuổi 20, rồi trở thành người đàn ông trưởng thành. Với Nadis, người dân Việt Nam dạy anh sự kiên nhẫn, lòng vị tha và sống chan chứa yêu thương. 

Như có lần, xe anh bị hỏng và phải dắt bộ trên đường, một người đàn ông đã tấp vào lề đẩy phụ mà không cần trả công. Mùa dịch Covid-19, anh cũng được san sẻ từng mớ rau, thớ thịt, vỉ trứng…

"Khi nhắc về Việt Nam, nhiều người chỉ biết đây là quốc gia bước ra khỏi chiến tranh. Tôi muốn họ phải đến đây, trải nghiệm và thấy sự khác biệt. Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, con người thân thiện và cũng đang phát triển thay đổi từng ngày". 

Với Nadis, Việt Nam chính là nhà.

Lời tòa soạn:Không phân biệt màu da, tiếng nói, quốc tịch, nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam những năm qua đã gắn bó, yêu thương vùng đất này như chính quê hương của mình.

Với trái tim chân thành, họ đóng góp và cống hiến cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, ẩm thực, đến du lịch, giáo dục, môi trường.

Hơn ai hết, họ luôn coi Việt Nam là nhà, để kể câu chuyện chân thật nhất về đất nước này đến bạn bè quốc tế.

Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tuyến bài Việt Nam là nhà, giới thiệu những người bạn quốc tế âm thầm truyền cảm hứng sống đẹp giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Bài 2: Doanh nhân Nhật Bản hơn 10 năm nhặt rác hồ Gươm để "trả ơn Việt Nam"

Nội dung: Ngọc Ngân

Ảnh: Ngọc Ngân, Nhân vật cung cấp

Thiết kế: Thủy Tiên