(Dân trí) - Ở khu Phố Tây Bùi Viện sầm uất bậc nhất TPHCM, có người đến đây để chi vài chục triệu ăn uống mát tay nhưng cũng có nhiều người bám trụ nó chỉ để kiếm vài đồng… ăn cơm hộp.
Ba đời sống nghèo khó ở khu ăn chơi bậc nhất TPHCM
(Dân trí) - Ở khu phố Tây Bùi Viện sầm uất bậc nhất TPHCM, có người đến đây để chi vài chục triệu ăn uống mát tay nhưng cũng có nhiều người bám trụ nó chỉ để kiếm vài đồng… ăn cơm hộp.
Bùi Viện là tuyến phố du lịch nổi tiếng, sầm uất bậc nhất ở TPHCM. Nơi đây thường đông đúc, nhộn nhịp về đêm với nhiều quán bar và quán bia nhỏ để phục vụ du khách "chơi tới sáng".
Với vẻ hào nhoáng bên ngoài của nó, ít ai biết được cảnh lụp xụp, rách nát của những căn nhà chỉ vài m2 bên trong, nơi mà những người dân sống dựa vào đủ loại nghề tay chân kiếm sống qua ngày. Những căn nhà siêu nhỏ, chật hẹp tại đây hầu như đều có từ trước năm 1975. Trải qua vài lần tu sửa do không có nhiều kinh phí, cảnh "nghèo" tại đây dường như được khắc họa rõ hơn.
11 người trong căn nhà 16m2
"Trời hôm nay nóng quá, chắc mua thêm cây quạt cho thằng cháu dễ ngủ, mấy nay nó quấy lắm. Thôi kệ, đâu dám ước trời mưa, nước ngập vô nhà mệt hơn", chị Cúc đượm buồn, nhìn đứa cháu 7 tuổi đang ngủ ngon lành.
Ngày nào cũng như ngày nấy, làm xong công việc nhà, bà Đặng Thị Cúc (54 tuổi) nằm nghỉ ngơi cùng với cháu trai của mình - Đặng Gia Huy - cậu bé 7 tuổi bị chứng chậm nói. Gia Huy được giáo viên nhận xét khó đọc và khó nhớ chữ. Cô giáo khuyên gia đình cho bé học hết lớp một rồi sau đó xin giấy chứng nhận bị chậm nói ở UBND phường để giúp em được làm đề thi dễ hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Mỗi tháng, gia đình chi khoảng 500.000 đồng để Gia Huy học tại trường. Vì ở bán trú sẽ tốn hơn 1 triệu đồng/tháng nên cả nhà đành thay phiên nhau đưa đón bé mỗi ngày. Bé trai 7 tuổi này rất thích chụp ảnh nhưng chỉ có thể đếm "1, 2, 3" rồi biểu hiện cười tươi để mọi người làm theo. Còn khi được hỏi những câu hỏi khác, Gia Huy chỉ im lặng hay chỉ bập bẹ như đứa bé 3 tuổi mới biết nói.
Bà Cúc có lẽ là người gần gũi với Huy nhất. Do không biết chữ, sức khỏe yếu, bà chỉ có thể ở nhà chăm cháu và người mẹ già đã 80 tuổi. Thỉnh thoảng, bà phụ gia đình bán nước giải khát ở đầu hẻm để kiếm vài đồng bạc lẻ, nhưng cũng chỉ kiếm được 100 nghìn đồng/ngày, đôi khi ế ẩm vì người ta chỉ đến các quán bar vui chơi.
Căn nhà 16m2 của gia đình bà Cúc tại hẻm 183 Bùi Viện, có đến 11 thành viên thuộc 3 thế hệ đang sinh sống. Trong đó, người làm nghề xe ôm, người bán hàng rong hoặc chỉ chờ có người thuê làm gì thì làm nấy. Suốt năm chỉ quanh quẩn ở khu Phố Tây, đến nay chẳng ai mảy may hỏi họ quê ở đâu, dọn vào đây từ khi nào.
Theo lời bà Cúc, căn nhà này được xây dựng và được gia đình bà sử dụng đã hơn 60 năm, cứ hễ mưa là sẽ dột. Dù vậy, nó chỉ mới được sửa chữa duy nhất 1 lần. Đó là khi gia đình bà được chính quyền hỗ trợ sửa lại phần mái tôn.
Song, đến nay cả nhà vẫn phải chịu cảnh khổ sở mỗi khi mưa xuống, nước từ trên trần dột xuống và từ ở ngoài tràn vào trong. Do phần nền thấp hơn so với mặt đường hẻm nên dù có che chắn thế nào, cả gia đình cũng phải chịu cảnh "lội nước" ngay trong nhà.
Đáng chú ý, bức tường xung quanh cũng không phải của gia đình chị Cúc, mà họ phải… mượn đỡ của nhà hàng xóm vì căn nhà này quá nhỏ. Nếu xây thêm tường sẽ không đủ không gian cho hết thảy 11 người ở đây.
"Nghĩ tới cảnh người ta sửa nhà, đập hết tường đi thì lúc đó chúng tôi cũng đành chịu. Lúc đó chắc chia nhau ra mỗi người một nơi xin ở nhờ, không được nữa thì ngủ ngoài đường vậy", chị Cúc nói.
Mọi sinh hoạt đều diễn ra tại không gian nhỏ này. Căn nhà trời nắng thì nóng, trời mưa thì ẩm ướt, nước tràn vào trong nhà khiến các bức tường ẩm mốc, nứt nẻ, thỉnh thoảng còn có vài con chuột, con gián chạy qua chạy lại đến rợn người.
Vì quá đông thành viên, cả nhà chia nhau ra 4 người ngủ ở tầng trệt, 2 người trong căn phòng nhỏ và 5 người còn lại ngủ gần khu vực phơi đồ trên tầng 1. Họ tận dụng chỗ ngủ làm nơi phơi đồ, khiến cho nó trở nên ẩm thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra dịch bệnh.
Bà Cúc bộc bạch, mẹ chị là cụ bà Phạm Thị Tý (87 tuổi) - thế hệ đầu tiên sống tại đây. Bà Tý có hết thảy 10 người con, thời đó bà bán khoai lang ở gần chùa để kiếm sống qua ngày, nuôi đủ đàn con thơ. Sau này đường sá phát triển, địa phương cũng không thể để bà bán tiếp.
Vài ba năm trước, bà Tý được phát hiện bị bệnh ung thư ruột, chỉ có thể ăn cháo và cá. Tuổi già sức yếu, bà Tý cũng chỉ quanh quẩn trong nhà nhìn con cháu đi qua lại, lấy đó làm niềm vui. Có nhiều hôm "thèm" đi ra đường, bà Tý "trốn" đi, bị ngã không ít lần. Bệnh tình của bà cũng âm ỉ từng ngày, không thể mổ hay mua thuốc uống vì cụ đã lớn tuổi, nhà lại không có nhiều tiền.
Những người con của bà Tý rồi cũng có người cưới vợ, sinh con. Số người ở ngày càng nhân lên, do không chịu nổi cảnh chật chội, nhiều người đã tìm đến nơi khác để thuê nhà sống tạm. Kể từ thời điểm đó, không khí trong nhà cũng trầm lắng hơn. Cả 3 thế hệ sống chung một nhà, việc mâu thuẫn, bất đồng quan điểm là điều không thể không xảy ra.
"Cứ đi hai bước là đụng mặt nhau nên chúng tôi cũng bỏ qua. Nghĩ đi nghĩ lại cũng nhà người nhà, có lẽ vì cảnh khổ khiến chúng tôi mệt mỏi, thành ra dễ khó chịu với nhau", bà Cúc tâm sự.
Những phận người chẳng dám ước mơ
Vừa dọn hàng từ phố Tây vào nhà, chị Đặng Thị Tâm (43 tuổi, con út của bà Tý) vội vã dừng lại, tiếp chuyện khi thấy có người lạ đến.
"Hiếm lắm mới có người tới thăm. Nhà nhỏ, lại đông người nên chúng tôi đâu ai dám mời bạn bè đến chơi. Hàng xóm cũng chỉ quanh quẩn xung quanh, lâu lâu lại chào nhau một tiếng chứ ai cũng bận đi làm kiếm sống", người phụ nữ tâm sự.
Trong căn nhà này, chị Tâm là người có nhiều thời gian nhất. Các thành viên đa phần mắc bệnh nặng, không thể lao động, có người phải làm việc hơn 12 tiếng từ chiều đến sáng hôm sau. Vì thế, chị luôn là người phụ trách bếp núc trong nhà.
Chồng chị là người bôn ba bên ngoài, làm đủ mọi loại việc đòi hỏi sức khỏe cao, có hôm chạy xe ôm, rồi cũng có bữa đi sửa điện, ai kêu gì thì làm nấy. Chị là thợ sơn móng tay nhưng nhà nằm trong hẻm sâu, ít ai biết tới nên mỗi tháng chị cố lắm mới được 4-5 triệu đồng, tháng nào ế ẩm, thu nhập của chị chưa tới 3 triệu đồng.
"Chúng tôi sống cảnh này lâu lắm rồi, được ngày nào hay ngày đó chứ không biết 'chạy' đường nào. Cả gia đình mấy chục năm sinh sống ở đây, giờ bán nhà chuyển đi chỗ khác thì không biết phải làm gì. Với lại nhà này thì ai thèm mua", chị Tâm rầu rĩ, nói.
Gần đây, vật giá leo thang, mọi chi phí trong nhà cũng bị đôn lên không ít. Mỗi tháng, cả nhà phải chi tiêu vô cùng tiết kiệm, cả 4-5 người ngủ nhưng chỉ mở 1 cây quạt duy nhất. Tiền điện, nước chỉ tốn 300 nghìn đồng, nhưng cả nhà lại phải chi nhiều tiền cho ăn, uống, giặt giũ,… và sắm sửa vật dụng trong nhà do nước mưa tràn vào gây hư hỏng.
"Nhà tôi mỗi người hùn một ít để trả chi tiêu hàng tháng. Nếu tháng đó ai khó khăn thì có người khác trả cho, bù qua đắp lại như thế cũng được mấy chục năm rồi. Gia đình chúng tôi là hộ nghèo nên mỗi khi có mạnh thường quân nào đến giúp đỡ, cho gạo, thức ăn thì địa phương gọi đến nhận. Tháng nào không có thì đành chịu, phải xén bớt tiền chi cái này cái kia để mua gạo ăn", chị Tâm chia sẻ.
Ngước nhìn lên di ảnh người anh trai quá cố, đã mất hồi tháng 7/2021 do Covid-19, người phụ nữ này trầm tư, kể: "Lúc đó tôi bị đầu tiên, nhà quá nhỏ nên không tránh khỏi cả gia đình đều bị nhiễm. Anh tôi không may, đã qua đời ở bệnh viện", chị nghẹn ngào.
Khi được hỏi về ước mơ, cả chị Tâm và chị Cúc đều trầm tư, im lặng. Bởi họ chưa từng nghĩ đến điều gì ngoài một cuộc sống ấm êm, yên bình như bao gia đình khác.
"Ngày mai ăn gì chúng tôi còn đang bận nghĩ, làm sao có thời gian mơ ước chi xa. Có nhà ở, trú mưa trú nắng là mừng rồi. Giờ chỉ mong có tiền sửa lại sao cho hết dột, để chúng tôi yên tâm kiếm sống. Người ta còn có quê hương để trở về, chúng tôi thì khác, tha hương ở đây mấy chục năm rồi. Ai cũng nói khổ quá sao không rời đi, nếu dễ quá thì 11 người còn lại không phải bám víu cái khổ cực này", chị Tâm bộc bạch.
Rời khỏi căn nhà tương đối "lớn" nếu so với mặt bằng chung các căn tại con hẻm này, phóng viên nhận thấy có nhiều nơi còn nhỏ hơn. Vào càng sâu bên trong, có nhiều căn nhà chỉ vẹn 2m2, người trong nhà muốn ăn trưa cũng phải bò ra cửa, ngồi kiểu mà người ở đây hay đùa là "tô cơm bên ngoài, cái mình bên trong".
Lang thang trong những con hẻm nhỏ để quan sát nhịp sống của người dân, phóng viên bất ngờ vì nhiều lối đi không đủ cho một xe máy chạy vào, lại dẫn tới vài căn nhà khác.
Học sinh đi ngang đây phải đi bên dưới hàng dây điện dài ngoằn, dày đặc, đôi lúc các em cũng phải len lỏi, tránh đụng vào các vật dụng, bếp núc mà một số hộ dân đem ra bên ngoài vì nhà không đủ chỗ. Ban ngày, con hẻm chìm vào yên tĩnh, hiếm thấy bóng dáng, tiếng trẻ con vui đùa như bao nơi khác.
Gần đó, căn nhà ở số 183/13c của bà Hải (80 tuổi) cũng không khấm khá hơn. Ngôi nhà này đã cũ nát, phần mái đã sập gần hết để lộ trần nhà trống hoác, đen tối, không tránh khỏi dột lênh láng mỗi khi mưa. Hàng xóm kể lại, bà Hải sống một mình, dù có con nhưng hầu như đều trong hoàn cảnh khó khăn.
Cụ bà thường xuyên không có ở nhà, dù đã 80 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn phải tự lao động kiếm đồng ra đồng vào.
Đối với người dân sinh sống ở Bùi Viện, có người vì quá nghèo nên đã chọn bỏ đi nơi khác, cũng có người vẫn cố bám víu lấy mảnh đất này hơn 60 năm mặc cho đời sống cơ cực. Với họ, dù khó khăn nhưng nếp sống tại đây đã "ăn" sâu vào máu, họ ví việc rời đi hiện tại như "cá mất nước", đi rồi không biết làm gì để sống tiếp.
Nội dung: Nguyễn Vy
Ảnh: Hải Long