Vợ chồng Việt chi 200 triệu đồng đi khắp Tân Cương, chụp ảnh đẹp như tranh
(Dân trí) - Trên hành trình 3.500km, gia đình anh Mạc Kỳ Như được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến nao lòng, hoàng hôn kéo dài đến 22h và những hồ nước không nhìn thấy bờ bên kia…
Vừa trở về từ chuyến đi dọc Bắc - Nam Tân Cương bằng ô tô, nhiếp ảnh gia Mạc Kỳ Như (tên thật Nguyễn Duy Khánh, SN 1989, Hà Nội) thấy tâm trí mình vẫn ở lại với mùa hè xanh mướt của vùng viễn Tây Trung Quốc.
Trước đó, trong một lần tình cờ xem được clip quay tại Tân Cương, anh Mạc Kỳ Như lập tức bị thu hút và quyết định sẽ tới trải nghiệm. Tương tự những chuyến du ngoạn nước ngoài trước đó, vợ chồng anh dành 6 tháng chuẩn bị từ lịch trình, trang phục đến kinh tế.
Hôm 12/6, sau chuyến bay 8 tiếng từ Hà Nội đến Urumqi (thủ phủ của Tân Cương), anh Mạc Kỳ Như cùng vợ Cao Thu Trang (SN 1990) và con trai Nguyễn Mạc Khôi Nguyên (SN 2017) dành trọn một tháng, tự lái xe khoảng 3.500km khám phá thiên nhiên ở nơi mà chợp mắt giây lát cũng có thể bỏ lỡ cảnh đẹp.
23h vẫn đứng ngắm hoàng hôn
Gia đình anh Mạc Kỳ Như lên đường khi Tân Cương đang vào hè, trời trong xanh và nắng đẹp. Cảnh quan ở miền Bắc có núi, rừng, hồ, còn vào tới miền Nam là sa mạc mênh mông, kỳ vĩ.
Ban đầu, vợ chồng anh dự tính đi xe cắm trại nhưng do điều kiện khí hậu và đưa theo con nhỏ, họ chuyển sang ô tô thường, nghỉ ngơi tại khách sạn.
Vốn kỹ tính và thích chụp hình, chị Thu Trang chuẩn bị chu đáo cho chồng và con trai những trang phục cùng tông, phù hợp bối cảnh. Trước khi dừng chân ở một địa điểm, cả nhà sẽ xem trước ảnh và phối đồ đẹp mắt.
Ngày đầu tiên, gia đình nhỏ dành thời gian rong ruổi ở Urumqi - thành phố xa xôi và không giáp biển lớn nhất trên thế giới (cách biển gần nhất 2.500km). Ghé thăm chợ Grand Bazaar nổi tiếng, cặp vợ chồng trẻ trầm trồ trước phong cách kiến trúc Hồi giáo, các mặt hàng mua sắm đặc trưng và đồ ăn địa phương.
Điểm trừ duy nhất với anh Mạc Kỳ Như là các món ăn không hợp khẩu vị vì khá nhạt và nhiều dầu động vật.
Rời Urumqi, anh Mạc Kỳ Như lái xe chở vợ, con dọc theo quốc lộ S21 chạy xuyên sa mạc và đi qua vịnh Ngũ sắc. Chỉ trong một ngày, họ nếm trải không khí nắng nóng rồi mát lạnh bất chợt, đón hoàng hôn lúc 23h và chào bình minh sau đó vài tiếng.
Băng qua cung đường đèo, làng Hemu - nằm cách vùng biên giới Siberia của Nga khoảng 10km - đã níu chân gia đình anh Mạc Kỳ Như ở lại để khám phá vẻ đẹp nguyên thủy của người Tân Cương xưa. Nhưng để vào được làng, họ phải gửi xe ở điểm dừng rồi bắt xe buýt đi khoảng 30km. Xe buýt cũng là phương tiện phổ biến ở đây nhằm kiểm soát lượng xe cũng như giữ môi trường tự nhiên.
Những ngày sau đó, vợ chồng nhiếp ảnh gia Hà thành thảnh thơi ngắm nhìn cảnh sắc mê hoặc ở hồ Kanas và hồ Sayram - nơi được ví là "giọt nước mắt cuối cùng của Đại Tây Dương" ở độ cao trên 2.000m.
Sự háo hức của anh Mạc Kỳ Như và chị Thu Trang tăng lên gấp bội khi xe lăn bánh tới điểm đến được mong đợi nhất: Thảo nguyên Nalati.
Nalati có ý nghĩa là "nơi đầu tiên nhìn thấy mặt trời". Đồng cỏ hơn 3.000 năm tuổi này trải dài 150km với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tọa lạc ở độ cao 3.000-4.000m so với mực nước biển.
Đây không chỉ là nhà của người dân tộc thiểu số Kazakhstan từ bao đời nay mà còn là điểm đến không thể bỏ qua dọc theo "con đường tơ lụa" tại Tân Cương. Hai ngày lưu lại nơi đây, vợ chồng anh Mạc Kỳ Như cho phép mình "lười biếng" một chút để cảm nhận sự tự do, không vội vã, không bon chen, chỉ có sự tĩnh lặng và bình yên.
Sự cố bất ngờ đổi lại trải nghiệm quý giá
Càng xuôi về phía Nam Tân Cương, màu xanh mướt của cỏ cây dần nhường chỗ cho cát, núi đá và sa mạc. Từ thảo nguyên Nalati, ô tô của gia đình anh Mạc Kỳ Như đi qua cao tốc Duku - đại lộ dài gần 600km nằm trên sống lưng của núi Guantian, chiếm gần 80% cảnh đẹp của Tân Cương.
Anh Mạc Kỳ Như mô tả, con đèo này "không dành để chợp mắt vì dừng bất kỳ điểm nào cũng là cảnh đẹp hoàn toàn khác nhau".
Đặc biệt, do một vài yếu tố thiên nhiên nguy hiểm và khắc nghiệt, cung đường này chỉ mở cửa xuyên suốt khoảng 4-5 tháng/năm. Thời gian còn lại, đèo không cho phép các phương tiện lưu thông sau 22h. Đó là lý do có khá nhiều xe cắm trại dọc đường và bên các con suối vào ban đêm.
Thế nhưng, vì mải mê ngắm cảnh, anh Mạc Kỳ Như không kịp vượt đèo trước giờ đóng cửa. Vợ chồng anh đành tìm kiếm khách sạn dưới chân đèo nhưng không may, những nơi này không đón tiếp khách nước ngoài.
Cũng vì sự cố ập đến, gia đình anh Mạc Kỳ Như tìm được lều của người du mục xin tá túc qua đêm ở cách đó vài chục cây số. Tối đó, họ vừa được chủ nhà thiết đãi bữa ăn ngon, vừa có giấc ngủ say bên trong căn lều đậm chất truyền thống của người Kazakhstan (được gọi là "yurt" - mỗi lều bao gồm khung làm bằng gỗ liễu, được phủ bằng nỉ, có thể có độ dày khác nhau).
Nội thất của lều còn có ý nghĩa lễ nghi, bên phải thường dành cho nam, bên trái dành cho nữ…
Sáng hôm sau, gia đình nhỏ cùng nhau đón bình minh giữa những ngọn núi, đồng cỏ, nhìn từng đàn ngựa, cừu, dê nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng. Anh Mạc Kỳ Như càng thêm chắc rằng: "Đến Tân Cương, cảnh đẹp đâu cũng gặp là có thật".
Mới đó còn lang thang trên những cung đường và thảo nguyên hùng vĩ, gia đình nhỏ đã đặt chân đến Kashgar - điểm gần cuối của hành trình trước khi chuẩn bị ngược trở lại. Thành phố ốc đảo nghìn năm tuổi có những con phố cổ tông nâu đất, lối trang trí đầy màu sắc và nhiều thổ cẩm nên cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp.
Ngoài đồ ăn đa dạng bày bán trên đường phố, người dân bản địa cũng thân thiện, hiếu khách. Anh Mạc Kỳ Như đánh giá, trên cung Tân Cương, đây là điểm giao thoa lý tưởng để nghỉ ngơi và trải nghiệm.
Sau gần một tháng du lịch xuyên Bắc - Nam Tân Cương, hồ Baisha là điểm dừng chân cuối cùng của gia đình anh Mạc Kỳ Như. Ba người dành trọn vẹn một ngày tại đây, cùng ngắm nhìn toàn cảnh mặt hồ, đón ánh nắng và những cơn mưa bất chợt, làn gió mát lạnh từ đỉnh Muztagh thổi qua, ngắm mưa rơi ở bờ bên kia trong khi bên này vẫn đang nắng vàng…
Được ví von là thiên đường bị bỏ lại hàng trăm triệu năm trước, hồ Baisha là "kỳ quan của sa mạc" với diện tích 10ha, "tỏa sáng" như viên ngọc trên cao nguyên Pamir.
Trở về Việt Nam, vợ chồng anh Mạc Kỳ Như vẫn vấn vương những cung đường dài đem đến trải nghiệm 4 mùa trong một ngày, quang cảnh từ sông, suối, đồng cỏ, núi tuyết, sông băng... và hơn 280km ở độ cao hơn 2.000m. Với cặp đôi, mọi thứ lưu lại qua ảnh không thể lột tả được hết cảm xúc như khi trực tiếp ngắm nhìn và cảm nhận bằng mọi giác quan.
Đến giờ, nhiếp ảnh gia 35 tuổi vẫn chưa tính toán lại tổng chi phí cho hành trình do nhiều khoản phát sinh. Anh ước chừng số tiền là hơn 200 triệu đồng - khoản tiền không nhỏ nhưng với anh là hoàn toàn xứng đáng.
Cho con xê dịch từ 8 tháng tuổi
Từ ngày đầu yêu nhau, anh Mạc Kỳ Như và chị Thu Trang đã chia sẻ niềm đam mê xê dịch. Đến khi bé Khôi Nguyên chào đời, những chuyến đi lại có thêm thành viên mới.
Hành trình đầu tiên của Khôi Nguyên là đi biển Nha Trang, khi bé mới 8 tháng tuổi. Sau đó, nhóc tỳ đặt chân tới nhiều tỉnh, thành trên khắp Việt Nam trong những chuyến du lịch 3-5 ngày. Trong đó, Đà Lạt là điểm đến mà bé rất thích và đi nhiều nhất.
Không chỉ vi vu trong nước, Khôi Nguyên còn được theo chân bố mẹ du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Maldives, Trung Quốc (Lệ Giang, Shangrila, La Bình) và các quốc gia Đông Nam Á…
Cũng có lúc, khi sắp xếp được thời gian, cả nhà lại có những chuyến đi dài 15 ngày đến một tháng. Một vài hành trình đáng nhớ của họ là một tháng tự lái xuyên Việt; một tháng khám phá 47/47 tỉnh, thành của Nhật Bản; 15 ngày thăm Hàn Quốc; một tháng tự lái xe vòng quanh châu Âu; 15 ngày quanh Cáp Nhĩ Tân...
Trong khi không ít phụ huynh ngại đưa con nhỏ đi du lịch dài ngày vì nhiều lý do về an toàn và sức khỏe, vợ chồng anh Mạc Kỳ Như lại có quan điểm khác.
"Tôi nghĩ nếu có điều kiện, hãy cho con đi khi có thể. Bé sẽ có nhiều trải nghiệm, được va chạm, học tập những điều mới ở mọi nơi. Từ đó, bé sẽ tự tin, dạn dĩ hơn", anh nói.
Tất nhiên, theo nam nhiếp ảnh gia, các bậc cha mẹ cũng phải xác định, đưa con đi xê dịch cùng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Để chuyến đi được suôn sẻ, vợ chồng anh luôn chuẩn bị kỹ về hành trang từ bông tăm đến túi giấy vệ sinh một lần cho bé, thuốc men, đồ ăn dành riêng cho trẻ nhỏ.
Vợ chồng anh Mạc Kỳ Như cũng không đặt nặng vấn đề tiền bạc bỏ ra để đi du lịch vì nghĩ rằng, tiền có thể kiếm ra nhưng tuổi trẻ, thời gian thì không. Hơn thế, con cái có nhiều trải nghiệm tuổi thơ, những bức hình và thước phim bên cha mẹ được lưu giữ qua mỗi hành trình.
Ảnh: Mạc Kỳ Như