Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách

Minh Nhân

(Dân trí) - Các chủ hộ kinh doanh nói rằng "tiếc nuối" và "hụt hẫng" sau đề xuất "xóa sổ" phố cà phê đường tàu dù họ đã trang bị nhiều biện pháp đảm bảo an toàn.

Thấy người phụ nữ trung niên đứng giữa đường ray xe lửa chụp ảnh, ông Nguyễn Văn Long, 50 tuổi, hét lớn: "Quý khách vui lòng không chụp ảnh giữa đường tàu".

Mỗi ngày, ông Long và người dân xóm đường tàu (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều thay nhau liên tục nhắc nhở du khách không vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, song không xuể.

Kể từ tháng 4/2022, sau hai năm "ngủ đông" do Covid-19, khu phố như "hồi sinh", người dân mới lại được "hối hả đón khách". Chưa kịp vui, họ một lần nữa đứng trước nguy cơ thất nghiệp sau kiến nghị "xóa sổ" phố cà phê đường tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hôm 12/9.

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 1

Phố cà phê đường tàu chiều 14/9, sau khi có kiến nghị "xóa sổ" của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Ảnh: Minh Nhân).

Hụt hẫng và nuối tiếc

Cách đây 8 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Long chuyển về sinh sống ở xóm đường tàu, trong căn nhà của người anh trai. Đây vốn là khu tập thể được Tổng cục Đường sắt xây dựng năm 1956, dành cho công nhân viên của ngành. 

Dãy nhà cấp bốn nằm trên đoạn đường sắt dài khoảng 2km, nối giữa các con phố Lê Duẩn, Trần Phú, Cửa Đông và Phùng Hưng, nằm trên hai địa bàn quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Ông Long kể, những năm 90, xóm đường tàu được miêu tả là khu vực tệ nạn xã hội, kim tiêm vứt khắp nơi, trẻ con không được phép ra ngoài buổi tối. Cho đến năm 2014, "sự kiện" cả xóm được lên báo nước ngoài, đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một khu phố vốn nhếch nhác và nhem nhuốc.

Tờ Dailymail của Anh đăng tải loạt ảnh loạt ảnh vô cùng ấn tượng về những tuyến đường tàu hỏa chạy ngang qua khu dân cư đông đúc, khiến xóm đường tàu tưởng như đã bị lãng quên, bỗng trở nên nổi tiếng. Khu tập thể bắt đầu "lột xác" từ đó.

Năm 2017-2018, những quán cà phê nằm rải rác dọc phố đường tàu xuất hiện trên các mặt báo trong nước lập tức gây bão mạng xã hội. 

"Người dân cơi nới, sửa sang nhà cửa, thuê họa sĩ vẽ tranh tường, trang trí thêm lồng đèn,… Từ đó, họ đón khách du lịch, thu nhập ổn định so với trước", ông Long nhớ lại. 

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 2

Ngay lối vào phố đường tàu tại "chắn 5 Trần Phú" (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), cơ quan chức năng dựng biển cảnh báo "khu vực nguy hiểm" (Ảnh: Minh Nhân).

Hồi tháng 4/2022, người đàn ông 50 tuổi mới bắt đầu dựng góc cà phê nhỏ, dù biết là trễ nhiều năm so với mặt bằng chung. Ông ký cam kết tuân thủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi tối thiểu cách 1,5m tính từ đường ray vào nhà, kẻ vạch sơn an toàn, lắp barie và dây sắt chặn lối đi trước cửa tránh du khách vượt vào đường ray.

Ông cũng sắm thêm một cái loa tay, chờ mỗi lần trước khi tàu đến sẽ hô hào cảnh báo người dân và du khách.

"Chúng tôi thuộc lòng giờ tàu chạy, ý thức cao độ về an toàn trước hết cho bản thân và sau là du khách. Thông thường, trước 10 phút tàu đến, cả xóm đồng loạt thu dọn bàn ghế, nhắc nhở du khách đứng nép vào bên trong", người đàn ông vừa nói vừa giải thích nguyên lý hoạt động của sợi dây sắt an toàn. 

Khi nghe về kiến nghị đóng cửa phố cà phê đường tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Long chạnh lòng. Ông đề xuất thay vì xóa sổ một địa điểm du lịch đã và đang nổi tiếng, tại sao chính quyền địa phương không quy hoạch và quản lý một cách bài bản?

Trên thực tế, sau dịch Covid-19, tần suất tàu đi qua khu phố đã giảm bớt. Mỗi ngày trong tuần chỉ có một chuyến vào khoảng 21h, riêng thứ 7 và chủ nhật có 4-5 chuyến/mỗi ngày.

"Nếu xóm đường tàu bị dẹp bỏ, thì đời sống người dân vốn đã khó khăn sau dịch bệnh, lại càng thêm lao đao", ông Long trầm tư. "Chúng tôi hi vọng địa phương và các cơ quan liên quan sẽ tìm ra một giải pháp hài hòa giữa quyền lợi người dân và đảm bảo an toàn đường sắt, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường".

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 3

Trước cửa quán cà phê, ông Long lắp sợi dây sắt như "lan can" an toàn (Ảnh: Minh Nhân).

Cách đó 500m, bà Hoa (tên nhân vật đã thay đổi) ngồi trước cửa hàng mời khách uống nước. Căn nhà cấp 4 của gia đình bà không cần sửa sang nhiều, chỉ kê thêm bàn, ghế và quầy nước giải khát là có thể đón khách. Bà thuê thêm một nhân viên để phụ giúp mỗi giờ cao điểm, nhất là cuối tuần.

"Đây không phải nguồn thu nhập duy nhất của tôi, nên khi nghe về đề xuất đóng cửa, tôi không quá hoang mang", bà Hoa cho hay.

Tuy nhiên, theo bà, việc "xóa sổ" xóm đường tàu thậm chí sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và rủi ro hơn lúc mở. Bởi một khi đóng cửa, khu xóm lại trở về khung cảnh yên bình, nhiều du khách nước ngoài sẽ không được cảnh báo về giờ tàu chạy.

"Hơn nữa, xóm đường tàu vốn là một nét đẹp của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng mà không phải đất nước nào cũng có. Sau đại dịch, khi mở cửa du lịch, con phố thu hút đông đảo du khách, mang lại nguồn lợi", bà Hoa tâm sự. 

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 4

Người đàn ông cũng tự sắm cả loa tay để cảnh báo người dân và du khách (Ảnh: Minh Nhân).

Chị Ngân (tên nhân vật đã thay đổi), chủ một quán cà phê, hụt hẫng và nuối tiếc sau kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Căn nhà do bố mẹ vốn là công nhân trong ngành đường sắt để lại, từ năm 2018 được chị và người thân xây dựng thành cơ sở kinh doanh.

Theo chị, khách nước ngoài biết đến phố cà phê đường tàu qua các trang mạng xã hội, nhưng phần lớn chưa từng được tận hưởng cảm giác uống cà phê và ngắm đường tàu ở cự ly gần như vậy.

Do đó, sau khi Việt Nam mở cửa du lịch hồi tháng 3, lượng khách Tây tìm đến đông đúc dù chưa thể bằng trước dịch. 

"Chúng tôi luôn đảm bảo bán hàng trong phạm vi an toàn, chỉ tối thiểu một vài du khách nằm giữa đường ray mà bị quy chụp hình ảnh không đẹp. Nếu đóng cửa cả con phố, các hộ kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", chị Ngân nói và hi vọng cơ quan chức năng sẽ duy trì khu phố và mô hình kinh doanh này. 

Người phụ nữ cho hay từng có ý tưởng phối hợp với ngành đường sắt, tổ chức đoàn tàu trải nghiệm đi qua xóm. Tàu chỉ có ba toa, đón khách từ ga Long Biên, dừng lại thưởng thức cà phê giữa phố. Nhờ vậy, người dân vừa có thu nhập, du khách lại rất thích thú.  

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 5

Vạch kẻ sơn màu vàng trước quán đánh dấu ranh giới an toàn (Ảnh: Minh Nhân).

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 6

Tất cả người dân xóm đường tàu đều thuộc lòng giờ tàu chạy. So với trước dịch Covid-19, tần suất tàu đã giảm (Ảnh: Minh Nhân).

"Ai sẽ là người chịu trách nhiệm để xảy ra chết người?"

Anh Nghĩa, du khách thường xuyên đến phố đường tàu, nói rằng đây là một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, cũng là điểm nhấn du lịch đặc sắc và riêng biệt. Nếu nét đẹp này bị "xóa sổ", cả người dân và du khách đều rất hụt hẫng.

"Cả ngày chỉ có một chuyến tàu vào buổi tối. Tần suất này rất hạn chế và cũng đảm bảo an toàn. Theo tôi, chính quyền địa phương nên đưa ra giải pháp như tập huấn giới hạn an toàn giao thông đường sắt cho các chủ hộ kinh doanh, hoặc dựng hàng rào mềm, lan can mỗi khi tàu qua", anh đề xuất. 

Dẫn chứng phố đường tàu ở Đài Loan và chợ sắt Maeklong ở Thái Lan vẫn đang hoạt động, anh kì vọng Việt Nam có thể học tập mô hình quản lý của nước ngoài và duy trì xóm đường tàu. 

"Khu xóm nhỏ xinh, đẹp và thú vị, đôi khi nguy hiểm mới là cái con người thích thú. Khi đến đây, bản thân du khách cũng đã ý thức được nguy hiểm, việc quan trọng là công tác quản lý", anh Nghĩa tâm sự. 

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 7

Chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự và lắp phương tiện phòng cháy chữa cháy công cộng (Ảnh: Minh Nhân).

Khánh Vy, 27 tuổi, ủng hộ kiến nghị đóng cửa phố cà phê đường tàu vì an toàn và tính mạng người dân, dù nuối tiếc sẽ mất đi một điểm "check-in" độc đáo.

"Mỗi lần tàu chạy vụt qua, tôi vừa sợ vừa thích thú", Vy nói. Song, người dân buôn bán sát đường ray tàu hỏa đã vi phạm quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. 

Tháng 10/2019, lần đầu tiên một chuyến tàu qua phố cà phê đường tàu đã phải dừng khẩn cấp để tránh nhiều người tụ tập trên đường ray. Chuyến tàu LP5 dừng hơn 1 phút, sau khi du khách di chuyển ra vị trí an toàn thì mới có thể tiếp tục hành trình đi Hải Phòng.

Từ vụ việc này, Vy thắc mắc, "Ai sẽ là người chịu trách nhiệm để xảy ra chết người, hay ảnh hưởng hoạt động kinh tế - xã hội?".

Mỗi ngày, đội lực lượng tự quản phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) đều chia 5 ca trực từ 8h sáng đến 10h tối, nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn mỗi lần tham quan phố đường tàu.

Anh Long, một thành viên của đội, cho biết tại đây thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân nằm hay tạo dáng ngay giữa đường ray. Chính quyền địa phương cùng các hộ kinh doanh liên tục tuyên truyền và vận động.

"Tuy nhiên, chúng tôi vừa nhắc phía trên, thì đằng sau lại có người đứng giữa đường ray chụp ảnh", anh Long lắc đầu chán nản.

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 8

Du khách đến phố đường tàu chủ yếu là người nước ngoài, mong muốn trải nghiệm vừa uống cà phê vừa ngắm tàu ở cự ly gần (Ảnh: Minh Nhân).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khẳng định quận sẽ không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào.

"100% cơ sở kinh doanh đều vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong những ngày tới, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh, đình chỉ có hiệu lực", ông Quân nói.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông cho hay ngay tối 14/9, lực lượng chức năng đã rà soát, vận động người dân và du khách không tập trung đông đúc tại phố đường tàu.

"Chúng tôi ghi nhận 15 cơ sở kinh doanh mô hình cà phê đường tàu trên địa bàn. Trong số này, chỉ 4 cơ sở đảm bảo đúng quy định và giấy phép kinh doanh, sẽ có phương án hoạt động trong thời gian tới. 11 điểm còn lại, đều đã phải đóng cửa", ông Linh nói. 

Chủ quán cà phê đường tàu Hà Nội trang bị loa, dựng rào cảnh báo du khách - 9

Quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ tạm thời đóng cửa phố cà phê đường tàu cho đến khi có giải pháp thích hợp nhất (Ảnh: Minh Nhân).

Ngày 12/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua.

Sau đó, các hàng quán bày bàn ghế bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Khi dịch Covid-19 được kiềm chế, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này lại tái diễn.

Hồi đầu tháng 5, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã có văn bản gửi các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày bán hàng, du khách trong nước và nước ngoài quay phim chụp ảnh tại đây.

Đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục chỉ đạo, xử lý tình trạng này.

Tuy nhiên, những vi phạm tại khu vực này vẫn hết sức nghiêm trọng, nhất là dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua.