Tâm điểm
Trần Huy Ánh

Nhìn lại việc thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi

Hơn một tháng trước Hà Nội tổ chức lại giao thông đường Nguyễn Trãi, theo hướng thí điểm lắp đặt 748m dải phân cách cứng tách riêng làn ô tô và xe máy. 

Lý do của việc thí điểm là đường Nguyễn Trãi có mật độ ô tô, xe máy đông đúc, nhiều chỗ giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc phân làn nhằm giảm ùn tắc và góp phần tạo thói quen đi đúng làn thay vì các phương tiện phải lưu thông hỗn hợp.

Đến nay qua quan sát trực tiếp cũng như phản ánh của báo chí, tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm ở cầu vượt Ngã Tư Sở vẫn diễn ra hàng ngày; tuy nhiên sau giờ cao điểm (từ 8h15 sáng và sau 18h30) thì phương tiện lưu thông có trật tự theo đúng làn đường và ùn ứ giảm dần, người dân không mất quá nhiều thời gian để đi từ hướng đường Nguyễn Trãi qua cầu vượt Ngã Tư Sở.

Có thể thấy rằng đường Nguyễn Trãi là trục hướng tâm, lưu lượng phương tiện rất lớn đặc biệt vào giờ cao điểm nên tình trạng ùn tắc là khó tránh khỏi. Một vấn đề khác, các tuyến phố ở Hà Nội bao gồm đường Nguyễn Trãi có quá nhiều điểm giao cắt, nơi xe quay đầu chuyển hướng nên sẽ dẫn đến ùn ứ cục bộ cho dù các phương tiện đi đúng làn hay không.

Tuy nhiên, theo tôi việc phân làn vẫn cần thiết và nên duy trì trong ít nhất 6 tháng, sau đó thành phố có thể tổng kết để quyết định phương án tiếp theo.

Nhìn lại việc thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi - 1

Giao thông hỗn loạn trên đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm (Ảnh: Quân Đỗ).

Những năm qua, Hà Nội đã phân làn giao thông trên nhiều tuyến phố, có những mặt được và chưa được, nhưng nhìn chung lần thí điểm này ở đường Nguyễn Trãi đã có khảo sát và triển khai bài bản hơn so với trước (cả về biện pháp kỹ thuật và huy động lực lượng chức năng hướng dẫn phương tiện tại thực địa).

Cơ quan quản lý cũng đã chú ý truyền thông trước khi triển khai, giúp nhiều người dân nhận biết chủ trương của ngành giao thông thành phố. Quá trình thí điểm, ban đầu có một số lúng túng nhưng đã được khắc phục, bao gồm biện pháp bố trí đoạn phân cách mềm ở đầu lối vào phân làn, đảm bảo an toàn cho phương tiện.

Một trong những mục tiêu của việc phân làn là hình thành văn hóa giao thông, phương tiện đi đúng làn đường, tránh xung đột và rối loạn, qua đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn. Để hình thành thói quen, văn hóa không thể trong một sớm một chiều mà "mưa dầm thấm lâu"; cùng với tuyên truyền, giải thích thì cần áp dụng chế tài nghiêm khắc với những ai vi phạm. 

Chúng ta biết rằng khu vực đường Nguyễn Trãi là nơi phương tiện từ hàng trăm tuyến giao thông khác nhau đổ về, mà các tuyến giao thông đó lại chưa phân làn nên người dân vẫn đi theo "quán tính", có thể dẫn đến sai làn. 

Theo khảo sát ngẫu nhiên của phóng viên báo Dân trí trong khung giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi vào cuối tháng 8 vừa qua, trong một phút có tới 142 phương tiện đi sai làn. Rõ ràng nếu tình trạng đi sai làn này vẫn tồn tại thì mục tiêu thí điểm sẽ khó đạt được. 

Bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn cần nhiều giải pháp, không chỉ đơn giản là phân làn xe trên mặt đất mà còn là giãn dân, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng… Không thể có phép thần kỳ từ một biện pháp đơn lẻ nào đó. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chờ đợi thành phố có đủ điều kiện, nguồn lực làm cùng lúc tất cả các giải pháp.

Nếu chờ đợi thì có thể rất nhiều năm nữa và thậm chí không biết đến bao giờ. Vì vậy việc thí điểm, làm trước một giải pháp (ví dụ như phân làn) sau khi đã khảo sát, tính toán là động thái đáng hoan nghênh của ngành giao thông Thủ đô. Vì đây là thí điểm nên chúng ta hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, không chỉ với đường Nguyễn Trãi.

Tôi có một số đề xuất vào việc phân làn đường Nguyễn Trãi. Thứ nhất, thành phố nên thiết kế, bố trí thêm công cụ điều tiết từ xa (bằng vạch sơn, biển báo) và cảnh báo khi hết đoạn phân làn.

Thứ hai, lực lượng chức năng bên cạnh hướng dẫn phương tiện thì đã đến lúc áp dụng chế tài xử lý các trường hợp đi lẫn làn, qua đó dần chuyển đối ý thức của người tham gia giao thông.

Thứ ba, thành phố cần tăng cường ứng dụng công nghệ và dữ liệu giám sát vào việc tổ chức lại giao thông, ví dụ như đếm xe, phân tích lưu lượng, đặc tính của các loại phương tiện… Các cơ quan cần mở rộng hợp tác đa ngành trong việc tổ chức giao thông đô thị, trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc năng lực thì báo cáo cấp trên và kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân ngoài khu vực công.

Mong rằng việc thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi sẽ không bị "phá sản" như một số cuộc thí điểm khác, để bộ mặt giao thông Thủ đô ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực.

Tác giả: Ông Trần Huy Ánh là Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đồng thời là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và xây dựng ở các đô thị.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!