Tâm điểm
Bùi Then

Nghỉ hè, không phải học thêm

Khi con lớn vừa kết thúc lớp học bóng đá ngoại khóa kéo dài một tháng cùng các bạn tại trường, tôi cho hai con về quê chơi cùng ông bà sau một năm phần lớn học trực tuyến do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Một buổi tối, con gái gọi điện và khoe với mẹ: "Con đi tập văn nghệ với các anh chị trong xóm. Tập mỏi chân luôn mẹ ạ". Dù con nói hôm nào cũng tập toát mồ hôi và hơi buồn vì không được tham gia biểu diễn do con chưa tập đủ cả chương trình hè, tôi cảm nhận rõ sự hồ hởi, vui vẻ của con khi trở thành một phần của hoạt động tập thể trong những ngày tạm xa mái trường.

Câu chuyện của con gái làm tôi nhớ lại những kỷ niệm của chính mình những năm niên thiếu sống bên bố mẹ. Cách đây hơn 30 năm, tôi và các bạn hơn kém vài tuổi cũng tham chương trình sinh hoạt hè tương tự. Tôi vẫn nhớ những buổi tối con trai, con gái trong làng tập trung tại nhà văn hóa thôn để tập các bài thể dục và múa hát đồng diễn, dưới sự hướng dẫn của các anh chị trong đoàn thanh niên. Kết thúc kỳ sinh hoạt là một cuộc thi dành cho tất cả các đội đồng diễn trong toàn xã và bữa tiệc mặn liên hoan vui vẻ.

Ký ức của tôi về những kỳ nghỉ hè lúc còn bé hoàn toàn không có những buổi học thêm, ngoại trừ hè năm cuối cấp 2 thi lên cấp 3. Tôi cũng thấy vui khi chương trình sinh hoạt hè có từ rất lâu, tôi không biết chính xác bao nhiêu năm, nhưng đã có từ lúc tôi còn rất nhỏ, vẫn được duy trì cho tới tận ngày nay và ý nghĩa của nó không thay đổi. Hồi đó, năm nào tôi và chúng bạn cũng tham gia sinh hoạt hè như thế, và năm nào cũng háo hức, chờ mong.

Nghỉ hè, không phải học thêm - 1

Các bạn trẻ trải nghiệm đạp xe công cộng trên đường phố TPHCM hồi cuối năm 2021 (Ảnh: Gia Uyên).

Trong khi đó, trên các nhóm trực tuyến của khu dân cư tôi sống ở tại Hà Nội, ngay khi năm học chính thức vừa kết thúc, tôi đã nhìn thấy những thông tin về việc mở các lớp ôn tập kiến thức hè ở tất cả các độ tuổi, thậm chí tiền tiểu học. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau và tôi hiểu nhiều bố mẹ xem việc gửi con đi học các lớp ôn tập như vậy là một cách để giúp trông con. Có bố mẹ nói cho con đi học vì sợ con quên kiến thức trong kỳ nghỉ hè kéo dài.

Thực tế, nhiều trẻ em tại các thành phố ngày nay không có 3 tháng hè như lý thuyết. Một số trường tư tại Hà Nội thậm chí cho học sinh nghỉ hè duy nhất một tháng - tháng 7. Nhiều trường bắt đầu năm học mới từ đầu tháng 8. Không hiếm các trường hợp bé 6 tuổi luyện tiền tiểu học xuyên hè. Nhiều em ôn luyện thi vào trường chuyên cấp 2 từ hè lớp 3, lớp 4.

Trong khi đó, một người quen của tôi sinh sống tại Mỹ viết trên Facebook rằng "bài tập" của con anh trong kỳ nghỉ hè là đọc một số cuốn sách được giáo viên gợi ý và viết nhận xét về các cuốn sách đó. Một cô bạn cũng đang sống tại Mỹ chia sẻ rằng con cô học nhẹ nhàng (cấp 1), rất ít khi có bài tập về nhà. Nghỉ hè cũng nghỉ hẳn chứ không phải học thêm gì.

Chia sẻ từ Pháp, một bà mẹ Việt cho biết, trẻ em tại Pháp nghỉ hè đúng nghĩa là nghỉ hè, nếu có học thì chỉ học các kỹ năng, đa số là thể thao. Nếu ông bà bố mẹ không có thời gian có thể gửi bọn trẻ đi các trại hè về thể thao, sau đó cả nhà sẽ dành thời gian đi nghỉ bên nhau.

"Trường học và các nhà văn hóa đóng cửa hết, trừ những nơi chuyên gửi con thời vụ vào kỳ nghỉ nếu các bố mẹ phải đi làm. Nhưng cũng là đến để vui chơi chứ tuyệt đối không học thêm văn hóa. Có muốn học văn hóa cũng không có chỗ học. Không đâu mở, không ai dạy", cô nói đùa.

Mùa hè là thời gian thích hợp nhất để vận động, vui chơi, hoạt động thể chất. Với sự phát triển của y dược, nhiều bà mẹ không tiếc tiền mua các loại thuốc hỗ trợ tăng chiều cao cho con mà quên rằng vận động là một yếu tố rất quan trọng để giúp trẻ phát triển toàn diện. Trẻ em và thanh thiếu niên cần được gia đình và xã hội tạo điều kiện tốt nhất để vận động, phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 được công bố hồi tháng 4/2021, chiều cao trung bình nam thanh niên Việt Nam là 168,1cm, nữ là 156,2cm. Chiều cao trung bình của người Việt đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn ở mức thấp so với chiều cao trung bình trên thế giới: 177cm đối với nam và 163,7cm đối với nữ, và thấp hơn đáng kể so với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chúng ta luôn hô hào "Giảm áp lực thi cử, học hành", "Ngăn chặn đuối nước" nhưng đã thực sự hành động đủ quyết liệt để giải quyết những vấn đề nan giải đó chưa? Tôi đánh giá cao các khu dân cư đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích như các lớp múa hát, dancesport, học làm MC, cờ vua, bóng rổ, bơi lội, vẽ... Vai trò của đoàn thanh niên, sinh viên là rất quan trọng trong dịp hè, là lực lượng nòng cốt để triển khai các hoạt động cộng đồng vui chơi, có ích cho các em nhỏ.

Một đứa trẻ có sức khỏe và tràn đầy năng lượng, được sống với đúng lứa tuổi là điều tuyệt vời nhất. Áp lực với trẻ nhỏ là do người lớn tạo ra, là những kỳ vọng mà bố mẹ đặt lên con cái. Để làm bất kỳ điều gì, trước tiên phải có sức khỏe. "Có sức khỏe là có tất cả". Điều đó luôn đúng, với mọi lứa tuổi, mọi thời đại, mọi quốc gia.

Tác giả: Bùi Then tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Đại học Hà Nội; gia nhập báo Dân trí từ năm 2006 và hiện theo dõi mảng tin tức thời sự quốc tế, an ninh quốc phòng, đối ngoại.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!